QUỐC GIA TỰ DO IRELAND (1923-1937)
CUỘC NỘI CHIẾN
Cuộc bầu cử quốc hội lâm thời được tổ chức vào tháng 6 năm 1922, và những đại biểu ủng hộ Hiệp ước Anglo-Ireland đã chiếm được đa số ghế. Tuy nhiên những lực lượng chống lại bản hiệp ước đã từ chối không công nhận quốc hội mới. Thay vào đó, họ đã tuyên bố một chính quyền đối địch, do Valera cầm đầu, và kêu gọi phục hồi lại cuộc đấu tranh với Vương quốc Anh. Sự thù địch giữa phe ủng hộ và phe chống lại hiệp ước cuối cùng đã nổ ra vào ngày 28 tháng 6, bắt đầu cho Cuộc Nội chiến Ireland (1922-1923). Trong những cuộc xung đột xảy ra sau đó, hàng trăm người đã bị chết ở cả hai phía, trong đó có cả Michael Collins, đã bị giết trong một cuộc phục kích.
Khi những cuộc giao tranh đang tiếp diễn, quốc hội, nay do người ủng hộ hiệp ước là William Thomas cầm đầu, đã soạn thảo một bản hiến pháp mới, trong đó qui định lưỡng viện cho quốc hội. Bản hiến pháp đã được thông qua vào tháng 10 năm 1922, được quốc hội Anh phê chuẩn, và có hiệu lực từ tháng 12. Chính quyền chính thức của Quốc gia Tự do Ireland đã được thành lập. Cosgrave đã nhận chức vụ chủ tịch thứ nhất của hội đồng hành pháp (tương đương thủ tướng) của đất nước này.
LẬP LẠI TRẬT TỰ
Quân đội của Quốc gia Tự do chẳng bao lâu đã lớn mạnh cả về số lượng lẫn độ tinh nhuệ. Nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã đã tuyên bố chống lại bạo lực của phe chống hiệp ước, và đến tháng 9 năm 1922 chính quyền của Quốc gia Tự do đã cảm thấy đủ mạnh để thông qua các luật lệ tử hình những người nào bị phát hiện dùng vũ khí chống lại chính quyền. Đến đầu năm 1923 quân đội của Quốc gia Tự do đã thắng thế trong cuộc xung đột. Đến tháng 4 năm này nhóm chống hiệp ước đã giải giới theo lời đề nghị của Valera. Hành động này đã chấm dứt cuộc Nội chiến Ireland.
Trong cuộc bầu cử vào tháng 8 năm 1923, cả phe ủng hộ lẫn phe chống hiệp ước đều không chiếm được đa số phiếu. De Valera đã lãnh đạo những người theo ông tẩy chay quốc hội, và Cosgrave nắm được đa số có mặt tại đây, vẫn giữ quyền lực. Mặc dù có những sự suy sụp nặng nề về kinh tế trong cuộc nội chiến, Cosgrave cũng đã thành lập được một chính quyền có thể đứng vững được, một phần là nhờ không có một đảng đối lập hữu hiệu nào. Chính quyền mới đã khôi phục và mở rộng ngành dân chính, tăng cường lực lượng quân đội và cảnh sát, và tái tổ chức bộ máy tư pháp. Ngoài ra chính quyền còn nỗ lực tăng cường nền kinh tế bằng cách cải tiến hiệu quả nông nghiệp và xây dựng đập thủy điện ở sông Shannon.
Chính quyền của Cosgrave còn tìm cách cải thiện các mối quan hệ với Vương quốc Anh, mà nền mậu dịch của nước này là quan trọng hàng đầu đối với việc phục hưng kinh tế của Ireland sau cuộc nội chiến. Năm 1925 người ta đã đạt được những thỏa thuận về một số vấn đề song phương. Một biên giới vĩnh cửu giữa Quốc gia Tự do Ireland và Bắc lreland đã được tất cả các đảng phái chấp thuận và đã được thông qua. Vương quốc Anh đã từ chối yêu cầu của Quốc gia Tự do muốn sát nhập Tyrone và Fermanagh, hai hạt ở Bắc Ireland với đa số dân theo Thiên chúa giáo. Tuy nhiên Vương quốc Anh cũng đã đồng ý trả món nợ nhà nước cho Quốc gia Tự do.
CHỦ NGHĨA QUỐC GIA NỔI LÊN
Quốc gia Tự do Ireland đã gia nhập Hội Quốc liên năm 1923, và năm sau nước này đã đặt tiền lệ cho các thành viên của Khối Thịnh vượng chung bằng cách gửi đại sứ của mình đến Mỹ. Tại Hội nghị Đế quốc năm 1926, Quốc gia Tự do đã cùng với những lãnh thổ khác trong Khối Thịnh vượng chung đi đến một thỏa thuận cùng xây dựng lại các mối quan hệ với Vương quốc Anh. Sự thỏa thuận này, được tóm tắt trong Báo cáo Balfour, đã xác định rằng chính quyền Anh Quốc sẽ không làm luật cho các lãnh thổ này, và cũng sẽ không bãi bỏ một đạo luật nào do các cơ quan lập pháp của họ thông qua. Khi quốc hội Anh khẳng định sự thỏa thuận này bằng Đạo luật Westminster vào năm 1931, Ireland đã có quyền cắt đứt những mối ràng buộc còn tồn tại với Vương quốc Anh.
De Valera và nhóm Sinn Fein chống hiệp ước đã chấm dứt cuộc tẩy chay của họ đối với cơ quan lập pháp Ireland sau cuộc bầu cử năm 1927. Họ đã vào quốc hội như là những thành viên đối lập trong một chính đảng mới được thành lập là đảng Fianna Fáil. Đảng này đã nắm được sự kiểm soát đối với quốc hội trong cuộc bầu cử năm 1932, một phần là do chính quyền của Cosgrave bất lực trong việc đối phó với những vấn đề kinh tế nảy ra tự sự suy thoái kinh tế thế giới vào đầu thập niên 1930. De Valera trở thành chủ tịch của hội đồng hành pháp (thủ tướng) của Quốc gia Tự do Ireland và duy trì một thế lực hùng mạnh trong chính quyền qua nhiều thập kỷ. Dưới sự lãnh đạo của Valera, Ireland trở thành một xã hội nghiêng nhiều hơn về chủ nghĩa dân tộc, biệt lập hơn và hướng nội hơn.
Khi tại vị, Valera đã thực hiện một chương trình nhằm xóa bỏ mọi ảnh hưởng của Anh Quốc đối với những vấn đề của lreland. Chính quyền của ông đã rút lại lời thề trung thành với ngai vàng Anh Quốc và phớt lờ vị toàn quyền ở Ireland. De Valera cũng ủng hộ cho cơ quan lập pháp đình chỉ trả khoản tiền đất hàng năm mà Ireland còn nợ Anh Quốc, và dấy lên một cuộc chiến về thuế xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia, vốn tồn tại cho đến năm 1938.
Mặc dù mức thuế cao mà Ireland đánh vào các loại hàng hóa nhập khẩu tự Anh Quốc phần lớn mang tính chất trả đũa, mức thuế này cũng là một phần của những biện pháp rộng lớn hơn do De Valera thực hiện để bảo vệ nền công nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh quốc tế, đồng thời tạo cho Ireland một nền kinh tế tự cung tự cấp. Những bước tiếp theo của những biện pháp này bao gồm việc thiết lập một mức thuế thu nhập cao đối với người giàu và sự kiểm soát chặt chẽ đối với việc đầu tư nước ngoài tại Ireland. Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế này đi đôi với chủ nghĩa dân tộc về văn hóa, theo đó Thiên chúa giáo La Mã, ngôn ngữ của Ireland (tiếng Xen-tơ) và môn thể thao Xen-tơ được đặt vào trung tâm của tính cách Ireland.
Năm 1936, tiếp theo sự thoái vị của vua Edward VIII, chính quyền của De Valera đã thành công trong việc xóa bỏ văn phòng toàn quyền và gạt bỏ tất cả những mối liên quan với chế độ quân chủ Anh Quốc ra khỏi hiến pháp của Quốc gia Tự do. Đạo luật Quan hệ Nước ngoài năm 1936 đã giới hạn mối liên kết với Khối Thịnh vượng chung để tham gia vào một số những hoạt động khác liên quan đến chính sách đối ngoại.