Tài liệu: Ireland - Ireland từ năm 1990

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nền kinh tế của Ireland tiếp tục tăng trưởng nhanh trong suốt thập kỷ 1990 và đầu thế kỷ 21, làm cho nước này có danh hiệu Con hổ Xen-tơ.
Ireland - Ireland từ năm 1990

Nội dung

IRELAND TỪ NĂM 1990

Nền kinh tế của Ireland tiếp tục tăng trưởng nhanh trong suốt thập kỷ 1990 và đầu thế kỷ 21, làm cho nước này có danh hiệu Con hổ Xen-tơ. Cùng thời gian đó, những nỗ lực mới để đạt đến một giải pháp chính trị đối với vấn đề Bắc Ireland đã đưa các chính quyền Ireland và Anh Quốc đến một sự cộng tác gắn bó hơn bao giờ hết.

CHÍNH QUYỀN

Tháng 11 năm 1990, không có sự tán thành của các đảng phái lớn, Mary Robinson đã được bầu làm tổng thống của Cộng hoà Ireland. Là một chiến sĩ đấu tranh cho quyền phụ nữ và quyền tự do dân sự, Robinson là người phụ nữ đầu tiên giữ một chức vụ cao như vậy tại Ireland. Đối với nhiều người trong nước, việc bầu Robinson làm tổng thống là một dấu hiệu quan trọng cho những thay đổi về xã hội. Robinson đã từ chức năm 1997 để làm cao ủy viên Liên hiệp quốc về Nhân quyền.

Charles Haughey đã từ chức thủ tướng và lãnh tụ đảng Fianna Fáil vào đầu năm 1992, khi có dư luận cho rằng ông ta đã biết về vụ mắc rẽ điện thoại để nghe trộm do một trong các bộ trưởng của ông chỉ đạo. Bộ trưởng tài chính cũ của Haughey là Albert Reynolds đã được chọn để thay thế ông. Reynolds vẫn tiếp tục làm thủ tướng sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 1992, nhưng là người đứng đầu của một chính quyền liên minh gồm có đảng Fianna Fáil và đảng Lao động.

Đến tháng 11 năm 1994 chính quyền liên minh sụp đổ vì sự bất đồng ý kiến trong việc Reynolds bổ nhiệm một viên chưởng lý được mọi người bàn cãi nhiều. Việc này đã dẫn đến chỗ đảng Lao động không còn ủng hộ đảng Fianna Fáil nữa. Một liên minh mới được hình thành, đứng đầu là thủ tướng John Bruton của đảng Fine Gael. Liên minh mới này bao gồm các thành viên của đảng Fine Gael, đảng Lao động và đảng Dân chủ Cánh tả. Bruton đã tuyên bố là mục tiêu ưu tiên của ông ta là thiết lập một nền hòa bình vững chắc ở Bắc Ireland.

Vào đầu năm 1997 chính quyền của Bruton phải đương đầu với những khủng hoảng chính trị ngày một gia tăng về việc tham nhũng liên quan đến những thành viên quốc hội của Ireland và sự chỉ trích gay gắt trong việc xử lý những cuộc thương lượng hòa bình với Bắc Ireland của Bruton. Bruton đã tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 6, và chính quyền liên minh gồm 3 đảng của ông chỉ giành được 75 trong số 166 ghế tại hạ viện, so với 81 ghế của liên minh đối lập là Fianna Fáil và đảng Dân chủ Cấp tiến. Mặc dù không có phe nào đạt được 84 ghế để chiếm được đa số, liên minh Fianna-Fáil-Dân chủ Cấp tiến đã giành được sự hỗ trợ trong quốc hội để bầu lãnh tụ của Fianna Fáil là Bertie Ahern làm thủ tướng. Ahern và liên minh của ông đã trở lại chính quyền trong cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 2002, trong đó đảng Fianna Fáil giành được 81 ghế và đảng Dân chủ Cấp tiến giành được 8 ghế.

NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Sự phá thai là một trong những vấn đề lôi thôi nhất về mặt xã hội ở Ireland, và luật về phá thai của nước này nằm trong số nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Năm 1992 cử tri của Ireland đã đồng ý với những biện pháp bảo đảm cho việc tiếp cận các thông tin về phá thai và hợp pháp hóa việc ra nước ngoài để phá thai. Mặc dù phụ nữ Ireland có quyền ra nước ngoài để phá thai, năm 1993 tòa án tối cao đã ra quyết định cấm không cho phổ biến các thông tin về phá thai ở nước ngoài trong cộng động người Ireland. Tháng 3 năm 2002, một cuộc trưng cầu dân ý về việc ngưng không cho phép những phụ nữ có nguy cơ tự tử phá thai đã có kết quả là chỉ nhỉnh hơn một nửa dân số chống lại lệnh cấm này.

Năm 1995 các cử tri Ireland đã đồng ý trong một cuộc trưng cầu dân ý là xóa bỏ lệnh cấm theo hiến pháp về việc ly hôn. Việc ly hôn đã trở thành bất hợp pháp ở Ireland từ năm 1925, một thời gian ngắn sau khi thành lập Quốc gia Tự do Ireland, và lệnh cấm này đã được củng cố trong hiến pháp năm 1937. Việc xóa bỏ lệnh cấm này đã được các cử tri đồng tình mặc dù có sự phản đối quyết liệt của nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã. Tỉ lệ ly hôn ở Ireland là thấp nhất trong số hầu hết các nước công nghiệp phát triển trên thế giới.

KINH TẾ

Do thu nhập tính theo đầu người của Ireland nằm dưới mức trung bình trong số các thành viên của EU, những vùng khó khăn của Ireland được khối này cấp các quỹ phát triển kinh tế. Những quỹ này hướng chủ yếu vào giáo dục, đào tạo và phát triển các cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông và truyền thông, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế của Ireland. Đến cuối thập kỷ 1990, thu nhập theo đầu người của Ireland đã vượt qua mức bình quân của EU.

Nền kinh tế quốc gia cũng có thuận lợi từ chính sách khích lệ của chính quyền đối với việc đầu tư nước ngoài. Trong thập niên 1990 nhiều công ty lớn, đặc biệt là những công ty thuộc các lĩnh vực máy tính và điện tử, đã được mở ra tại Ireland. Nền kinh tế của nước này được kỳ vọng là sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thế kỷ 21. Trở ngại lớn nhất cho sự tăng trưởng kinh tế đột ngột của Ireland là nạn lạm phát. Trong năm 2002 mức lạm phát của Ireland đã gần gấp đôi so với mức lạm phát bình quân của những quốc gia khác trong khối EU.

IRELAND, BẮC IRELAND VÀ VƯƠNG QUỐC ANH

Cuộc tìm kiếm lâu dài cho một nền hoà bình và ổn định chính trị ở Bắc Ireland vẫn còn chưa có kết quả. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm chấm dứt bạo động đã đưa hai chính quyền của Cộng hòa Ireland và Vương quốc Anh đến gần nhau hơn vì cả hai bên đều tìm cách xây dựng một sự nhất trí về cơ cấu chính trị tương lai cho hòn đảo này.

Tháng 12 năm 1993 thủ tướng của Ireland là Albert Reynolds và thủ tướng của Anh Quốc là John Major đã ký Bản Tuyên bố Downing Street, một văn bản về hòa bình với nỗ lực chấm dứt những thù hận ở Bắc Ireland. Lúc đầu IRA phủ nhận văn bản này, nhưng sau đó đến tháng 8 năm 1994, họ đã tuyên bố đồng ý ngưng các hoạt động quân sự để tạo thuận lợi cho các cuộc thương thuyết hòa bình.

Tháng 2 năm 1995 các chính quyền Ireland và Anh Quốc đã hình thành một khuôn khổ về văn bản để đàm phán về tình hình ở Bắc Ireland. Văn bản này công nhận quyền tự quyết của Bắc Ireland và đề nghị phục hồi lại quyền tự trị trên lãnh thổ này (vốn đã bị ngưng từ năm 1972) với sự thành lập quốc hội của Bắc Ireland. Trong văn bản cũng kêu gọi việc thành lập một cơ quan xuyên biên giới bao gồm những đại biểu của quốc hội Bắc Ireland và quốc hội Ireland. Tuy nhiên các cuộc đàm phán đã bị ngưng lại vì vấn đề giải giới của IRA. lreland đã phản đối Anh Quốc về yêu cầu một sự giải giới toàn bộ của IRA như là điều kiện tiên quyết để Sinn Fein được tham gia vào việc đàm phán. IRA đã phục hồi các hoạt động khủng bố của họ vào tháng 2 năm 1996.

Tiến trình hòa bình đã được lập lại sau khi lãnh tụ đảng Lao động là Tony Blair thắng lãnh tụ đảng Bảo thủ là John Major trong cuộc bầu cử quốc vào tháng 5 năm 1997. Sau khi nhậm chức, Blair đã tuyên bố rằng những cuộc đàm phán hòa bình này thuộc diện ưu tiên hàng đầu. IRA đã tái ngừng bắn vào tháng 7, và sau khi chính quyền Anh Quốc đưa ra yêu cầu về một sự giải giới hoàn toàn đối với IRA, Sinn Fein đã tham gia vào các cuộc đàm phán. Sự đến bộ bước đầu rất hạn chế. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán vẫn được tiến hành dần dần, với sự hỗ trợ của Blair và thủ tướng Ireland là Ahern, cùng với sự giám sát của cựu thượng nghị sĩ Mỹ là George Mitchell, người đã đặt ra chỉ tiêu về thời hạn cuối phải đạt được thỏa thuận là ngày 9 tháng 4 năm 1998. Ngày 10 tháng 4, sau một cuộc đàm phán suốt đêm, đến thời điểm đã quá thời hạn qui định, người ta đã tiến đến một thỏa thuận lịch sử.

Bản Thỏa ước Good Friday (hay còn gọi là Bản Thỏa ước Belfast) đã cho phép thành lập một quốc hội riêng cho Bắc Ireland để thay thế sự cai trị trực tiếp của chính quyền Anh Quốc. Một nội các sẽ giám sát cơ quan này. Bản thỏa ước cũng thành lập một Hội đồng Thủ tướng Bắc-Nam để phối hợp các chính sách giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland, và một Hội đồng của Vùng đảo để cho các đại biểu ở cả hai miền Ireland có thể gặp các đại biểu lập pháp của xứ Anh, xứ Scotland và xứ Wales. Thỏa ước này cũng qui định Cộng hòa Ireland sửa đổi lại hiến pháp để xóa bỏ việc nhìn nhận lãnh thổ ở Bắc Ireland.

Sau đó bản thỏa ước hòa bình này đã được đưa ra trưng cầu ý dân bằng cách đầu phiếu ở Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland vào ngày 22 tháng 5. Ở Cộng hòa Ireland có một tỉ lệ vượt trội là 94% cử tri đồng tình với thỏa ước; ở Bắc Ireland bản thỏa ước này đạt tỉ lệ ủng hộ của dân chúng là 71%.

Mặc dù có một số khởi đầu không được đúng và có nhiều trì hoãn, cuối cùng quốc hội Anh Quốc cũng đã chính thức chuyển giao một dải rộng các quyền lực cho chính quyền Bắc Ireland vào ngày 1 tháng 12 năm 1999. Ngày hôm sau, chính quyền Ireland đã ban hành một văn bản chính thức từ bỏ quyền sở hữu lãnh thổ ở Bắc Ireland, và các quan chức của Ireland và Anh Quốc đã ký một thỏa thuận thành lập Hội đồng Thủ tướng Bắc-Nam. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, sự xung đột chưa giải quyết được về tiến độ giải giới của IRA đã làm nẩy ra một số khủng hoảng, đe dọa đến tiến trình hòa bình. Vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, cũng giống như tương lai của nền tự trị ở Bắc Ireland. Tình trạng không rõ ràng ở miền Bắc đã ảnh hưởng đến chính trị của Cộng hòa Ireland, nơi mà những phát triển đã liên tục gợi nhớ đến lịch sử rối loạn của các mối quan hệ Anh-Ireland.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2093-02-633492274265312500/Lich-su/Ireland-tu-nam-1990.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận