Tài liệu: Ireland - Quang cảnh tự nhiên

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Hai hệ thống núi lớn của châu Âu, ở phía Bắc dãy Alps, cùng hội tụ ở phía Tây, tại Ireland. Dãy núi cổ hơn là dãy Caledonian trải dài từ Scandinavia, chạy qua Scotland đến phía Bắc và phía Tây của Ireland
Ireland - Quang cảnh tự nhiên

Nội dung

QUANG CẢNH TỰ NHIÊN

Hai hệ thống núi lớn của châu Âu, ở phía Bắc dãy Alps, cùng hội tụ ở phía Tây, tại Ireland. Dãy núi cổ hơn là dãy Caledonian trải dài từ Scandinavia, chạy qua Scotland đến phía Bắc và phía Tây của Ireland; tại đây dãy núi này đã nổi lên thành những ngọn núi lởm chởm ở các hạt Donegal, Mayo và Galway. Những ngọn núi cao hơn ở đây là núi đá có thạch anh, bị bào mòn thành các đỉnh trơ trụi hình nón như đỉnh Errigal (752 mét) ở Donegal, đỉnh Croagh Patrick (765 mét) ở Mayo và đỉnh Twelve Bens ở Galway. Cấu trúc tương tự là các dãy Wicklow và Blackstairs, trải dài về phía Tây Nam, kéo ra khoảng 100 km từ vịnh Dublin. Ở những ngọn núi này, sự bóc mòn lâu ngày ở các nếp lồi đã làm lộ ra phần lõi bằng đá granit mà ngày nay hình thành những vùng cao bao phủ bời các bãi than bùn. Những ngọn núi này nằm chen với các thung lũng sâu của thời kỳ sông băng, trong đó nổi tiếng nhất là thung lũng Glendalough ở hạt Wicklow.

Rặng núi trẻ hơn là rặng Armorican trải dài từ vùng trung tâm châu Âu, qua Brinany đến miền Nam Ireland, nơi nó nổi lên trở lại thành những đỉnh núi sa thạch chạy theo hướng Đông-Tây, được phân cách bởi các thung lũng có nền là đá vôi hay đá phiến sét. Những ngọn núi này cao dần về phía Tây, với cao điểm là ngọn Carrantouhill cao nhất nước. Hồ nước Upper nổi tiếng của vùng Killarney nằm ở sườn phía Đông của rặng núi này. Những thung lũng chia cắt phần mở rộng về phía Tây của rặng núi đã bị nước biển tràn ngập, thành những vịnh nhỏ dài và sâu.

Ở phía Đông Bắc Ireland, dung nham bazan đã phủ khắp trên những lớp đá có sẵn, hình thành một vùng cao nguyên hoang vắng ở phía Đông Antrim. Về phía Tây, vùng đất bazan thấp xuống, hình thành một vùng đất bồi thấp, được chiếm cứ một phần bởi hồ nước Lough Neagh, hồ nước lớn nhất của Ireand.

Phần trung tâm của Ireland là một vùng đất thấp có nền bằng đá vôi, có ranh giới về phía Nam là rặng núi Armorican và về phía Bắc và phía Tây là rặng Caledonian. Vùng đất thấp này mở ra biển Ireland với một chiều dài 90 km giữa rặng Wicklow và bán đảo Carlingford, tạo thành con đường để đến Ireland một cách dễ dàng từ phía Đông. Vùng đất này cũng trải dài về phía Tây để đến Đại Tây Dương, dọc theo cửa sông Shannon, đến vịnh Galway, vịnh Clew và vịnh Donegal. Nhiều ngọn đồi đã phá địa thế đều đều của một vùng đồng bằng kéo dài về phía Tây đến bờ biển ở hạt Clare, nơi nó chấm dứt ở vách đá tại Moher, là một trong những vách đá đẹp nhất ở Tây Âu.

Phần lớn lãnh thổ của Ireland được bao phủ bởi băng trong kỷ Pleitoxen. Lớp băng này đã chảy ra khoảng 12.000 năm về trước để lại những dấu tích về sự hiện diện trước đó của nó trong hầu hết các đặc điểm tự nhiên của quang cảnh tại đây. Trong phần lớn vùng đất thấp, lớp đá nền đã bị che phủ bởi các chất trầm lắng của sông băng, mà ở phía Bắc vùng trung tâm của đất nước này đã hình thành một vành đai rộng gồm những ngọn đồi. Lớp trầm lắng của sông băng đã làm thay đổi mô hình thoát nước trước kia, và ở một số nơi đã tạo thành nước ngầm, vốn dẫn tới việc hình thành những bãi than bùn.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2104-02-633492288749843750/Dia-ly/Quang-canh-tu-nhien.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận