Tài liệu: Ireland - Sân khấu và điện ảnh

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Dublin là trung tâm của những sân khấu ở Ireland. Sân khấu Abbey ở Dublin, còn được gọi là Sân khấu Quốc gia Ireland, được thành lập năm 1899 bởi nhà thơ kiêm kịch tác gia William Butler Yeats, một người lãnh đạo của cuộc phục hưng văn hóa ở Ireland
Ireland - Sân khấu và điện ảnh

Nội dung

SÂN KHẤU VÀ ĐIỆN ẢNH

Dublin là trung tâm của những sân khấu ở Ireland. Sân khấu Abbey ở Dublin, còn được gọi là Sân khấu Quốc gia Ireland, được thành lập năm 1899 bởi nhà thơ kiêm kịch tác gia William Butler Yeats, một người lãnh đạo của cuộc phục hưng văn hóa ở Ireland. Trong số những vở diễn đầu tiên tại đây có những tác phẩm của John Millington Synge, một khuôn mặt nổi trội khác của phong trào phục hưng tại Ireland. Sân khấu này từ đó đến nay vẫn là sàn diễn cho những tác phẩm của các tác giả như Brian Friel và Tom Murphy. Tác phẩm của những kịch tác gia này khám phá những mâu thuẫn nội tại của bản sắc Ireland. Một nhà hát nổi tiếng khác của Dublin là the Gate, được Michael Mac Lianmmoir, kịch sĩ kiêm nhà văn, thành lập năm 1930.

Điện ảnh đã có mặt ở Ireland trên một thế kỷ nay, với một lịch sử lâu dài và đầy màu sắc. Anh em Lumiere đã chiếu bộ phim đầu tiên tại Dublin vào năm 1896. Đến tháng 2 năm 1897, những chủ đề đầu tiên về Ireland được chiếu trên phim ảnh tại Dublin. Rạp chiếu bóng chuyên nghiệp đầu tiên, rạp Volta tại Dublin, đã khánh thành năm 1909. James Joyce đã từng làm việc tại đây

Năm 1910 Ireland đã cho công ty Kalem của Mỹ đến quay phim tại đây. Với sự đạo diễn của Sidney Olcott, Kalem đã làm ở đây một số phim ngắn, và từ đó tạo ra một truyền thống cho các nhà làm phim cỡ lớn sử dụng Ireland làm bối cảnh cho các tác phẩm của mình.

Đất nước cũng như con người Ireland đã thu hút nhiều nhà làm phim hàng đầu. Alfred Hitchcock đã đến đây năm 1929 để làm phim với các diễn viên của nhà hát Abbey. John Ford đã làm tại đây bộ phim The Informer (Tên Chỉ Điểm) và The Quiet Man (Người Đàn Ông Im Lặng). John Huston đã quay nhiều phim ở Ireland, trong đó có phim The Dead (Những Người Đã Khuất). David đã làm bộ phim Ryan's Daughter (Con Gái Của Ryan) năm 1971. Ủy ban Điện ảnh Ireland đã khuyến khích việc làm phim độc lập tại Ireland. Những hình ảnh của đất nước này đã được đưa lên màn ảnh quốc tế qua tay các đạo diễn như Bob Quinn, Joe Comerford, Thaddeus O’Sullivan, Peter Ormrod, Cathal Black, Neil Jordan và Jim Sheridan.

Trong số những nhà làm phim bản xứ, công ty nổi bật nhất từ những ngày sơ khai của điện ảnh Ireland có lẽ là Công ty Điện ảnh Ireland. Được thành lập bởi James Mark Sullivan vào năm 1916, công ty này đã làm một số phim chủ đề ngắn (tất cả những phim này đã bị tiêu hủy trong cuộc nổi dậy Phục sinh), và những phim truyện như Knocknagow (1917) và Willy Reilly and his Colleen Bawn (1920). Những phim này, cùng với phim Irish Destiny (1926), một bộ phim tình yêu đặt bối cảnh vào thời Chiến tranh Độc lập, là những điển hình còn tồn tại của nền điện ảnh Ireland trong thời kỳ phim câm. Bộ plinn The Dawn (1926), một câu chuyện khác về thời Chiến tranh Độc lập, là cuốn phim có âm thanh đầu tiên của Ireland.

Trong suốt thập niên 1940 và 1950, Viện Phim Quốc gia (tiền thân của Viện phim Ireland ngày nay), đã đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất những bộ phim tư liệu do chính quyền tài trợ, với các chủ đề về sức khỏe, tiết kiệm, hiện đại hoá nông thôn, nông nghiệp, v.v... Gael Linn, người xúc tiến việc sử dụng ngôn ngữ của Ireland, là một nhà làm phim rất năng động trong các thập kỷ 1950 và 1960. Loạt phim thời sự Amharc Eireann do Colm O Laoghaire và Jim Mulkerns thực hiện là phim thời sự thành công nhất và dài nhất từng được sản xuất tại Ireland. Hai bộ phim tài liệu Mise Eire (1959) và Saoirse (1960) do George Morrison đạo diễn, là những bộ phim dài đầu tiên nói tiếng Xen-tơ, và nổi bật ở điểm chúng bao gồm toàn bộ những phim tài liệu và phim hiện thực trong thời gian từ 1900 đến 1922.

Việc thành lập Telefis Eireann, dịch vụ truyền hình quốc gia, và năm 1961, đã tạo điều kiện làm việc cho số lượng các kỹ thuật viên ngày một gia tăng và tạo môi trường đào tạo cho những nhà làm phim. Thập kỷ 1970 có sự xuất hiện của những nhà làm phim độc lập, gắn liền nhiều hơn với những vấn đề về xã hội, kinh tế và chính trị. Việc thành lập vào năm 1981 và tái thành lập vào năm 1993 của Ủy ban Điện ảnh Ireland đã tạo thêm điều kiện cho việc sản xuất phim độc lập ở Ireland. Hàng năm vào tháng 10, tháng 3 và tháng 7, các liên hoan phim ở Cork, Dublin và Galway đã trình chiếu các bộ phim mới của điện ảnh Ireland và điện ảnh quốc tế.

Trung tâm Điện ảnh Ireland đã là nơi để các nhà sản xuất phim trình bày những tác phẩm của mình. Đây cũng là nơi đặt các tổ chức liên quan đến điện ảnh, phụ trách về các mặt sản xuất, phân phối và triển lãm phim ảnh. Kho Luư trữ Điện ảnh Ireland có nhiệm vụ bảo quản những di sản về điện ảnh của đất nước này. Một lĩnh vực quan trọng của kho lưu trữ này việc phối hợp với các liên hoan phim Ireland ở nước ngoài. Với sự giúp đỡ của Uỷ ban Quan hệ Văn hóa, kho lưu trữ đã tổ chức các chương trình điện ảnh Ireland tại các địa điểm nước ngoài, từ đó chia sẻ khía cạnh giá trị này trong văn hóa Ireland với các khán giả trên thế giới.

Chính quyền cũng áp dụng những biện pháp để khách lệ việc phát triển phim ảnh và chương trình truyền hình. Những biện pháp này được thực hiện đồng đều với các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, và đã dẫn đến một sự gia tăng đáng kể về số lượng phim sản xuất. Trong khi bình thường, Ireland cho ra đời mỗi năm từ 2 đến 3 bộ phim, năm 1993 đã có một sự gia tăng đột biến với 12 bộ phim. Đến năm 1994, có 18 bộ phim truyện và 11 vở kịch truyền hình đã được hoàn tất. Năm 1994 phim trường tại Arkmore, hạt Wicklow đã sôi nổi với các dự án về các bộ phim The Old Curiosity Shop (Hiệu Bán Đồ Cổ Cũ), Scarlett (tiếp theo tác phẩm Cuốn Theo Chiều Gió), Braveheart (Trái Tim Dũng Cảm).

Điện ảnh của Ireland đã đạt được những thành công đáng kể trong thời gian gần đây với những tác phẩm như My Left Foot (Chân Trái Của Tôi), The Crying Game (Trò Cười Đang Khóc), Michael Collins (Michael Collins), và The General (Viên Tướng). Những đạo diễn nổi bật của Ireland có Neil Jordan và Jim Sheridan. Một chủ đề chiếm ưu thế trong điện ảnh Ireland đương đại cũng giống như trong văn học và sân khấu - là cuộc tranh luận rộng khắp về việc thay đổi bản sắc của đất nước Ireland. Ở một khía cạnh nào đó, những bộ phim gần đây có thể được coi như một sự phản ứng trước hình ảnh bị đơn giản hóa của Ireland được thể hiện hàng ngày trong điện ảnh của Hollywood.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2106-02-633492921517500000/Van-hoa---Xa-hoi/San-khau-va-dien-anh.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận