Tài liệu: Ireland - Tôn giáo

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Tình hình tôn giáo ở Ireland là khá đồng nhất: 85% dân số theo Thiên chúa giáo La Mã. Tuy nhiên con số này lại hàm chứa một sự giảm sút nhanh chóng và liên tục trong việc đi dự lễ, đặc biệt là ở các vùng đô thị và trong giới trẻ
Ireland - Tôn giáo

Nội dung

TÔN GIÁO

Tình hình tôn giáo ở Ireland là khá đồng nhất: 85% dân số theo Thiên chúa giáo La Mã. Tuy nhiên con số này lại hàm chứa một sự giảm sút nhanh chóng và liên tục trong việc đi dự lễ, đặc biệt là ở các vùng đô thị và trong giới trẻ. Đồng thời, nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã ở Ireland cũng gặp khó khăn đáng kể trong việc chiêu mộ tăng lữ. Đạo Tin lành ở đây bao gồm các giáo phái như Anh giáo (Anglican), Giáo hội Trưởng lão và Hội giám lý. Hiến pháp của Ireland đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho tất cả các công dân trong nước.

SỰ PHÂN PHỐI THEO DÂN SỐ

Năm 1996 Ireland có 3,6 triệu dân, trong đó đa phần theo Thiên chúa giáo. Theo số liệu của cuộc thống kê gần đây nhất vào năm 1991, có 91,6% đần số theo Thiên chúa giáo La Mã, 2,5% theo giáo phái Anh, 0,4% theo Giáo hội ,Trưởng lão, 0,1% theo Hội Giám lý, và dưới 0,1% theo đạo Do thái. Có khoảng 3% dân số là tín đồ của các tôn giáo khác hoặc không có một tín ngưỡng cụ thể nào. Các cộng đồng hồi giáo và Thiên chúa giáo Chính thống đang gia tăng, đặc biệt là ở Dublin, do hệ quả của việc nhập cư.

Mặc dù có gần 92% dân số được xếp vào danh sách tín đồ Thiên chúa giáo La Mã, đây chỉ là con số hình thức. Theo Văn phòng Thông tin Thiên chúa giáo, chỉ có hơn một nửa số tín đồ Thiên chúa giáo ở Ireland được đánh giá là những người năng động trong việc đi lễ nhà thờ. Ngoài ra còn có rất nhiều những nhóm tôn giáo nhỏ và đa dạng khác.

TÌNH TRẠNG TỰ DO TÔN GIÁO

Hiến pháp của quốc gia này cho phép người dân được quyền tự do tín ngưỡng, và chính quyền cũng tôn trọng quyền này trong công tác hành pháp của mình. Chính quyền ở mọi cấp trong nước đều cố gắng bảo vệ tuyệt đối quyền tự do tín ngưỡng này, và không chấp nhận một sự lạm dụng nào, dù từ phía chính quyền hay phía cá nhân. Hiến pháp cấm việc quảng bá tôn giáo dựa trên cơ sở đè bẹp một tôn giáo khác, cũng như việc phân biệt tôn giáo và tín ngưỡng. Chính quyền cũng không giới hạn việc giảng đạo hay thực hành tôn giáo của bất kỳ giáo phái nào. Ở đây không có quốc giáo, và cũng không có sự phân biệt tôn giáo đối với những tín ngưỡng phi truyền thống. Cũng không có yêu cầu để các tôn giáo hay các tổ chức phải đăng ký với chính quyền, và cũng không hề có một cơ chế chính thức để chính quyền công nhận một tôn giáo nào đó.

Trong khi Thiên chúa giáo La Mã rõ ràng là chiếm đa số ở đây, giáo phái này cũng không được hưởng một sự biệt đãi nào. Tuy nhiên, việc gắn liền với Thiên chúa giáo La Mã có thể là một thuận lợi về chính trị, vì đất nước và xã hội Ireland có một lịch sử và truyền thống theo đó Thiên chúa giáo đã chiếm ưu thế. Những thành viên của các chính đảng lớn trong nước (đảng Fianna Fail và đảng Fine Gael) đều có khuynh hướng theo Thiên chúa giáo.

Chính quyền không yêu cầu, nhưng cho phép việc giảng dạy tôn giáo ở các trường công lập. Hầu hết các trường tiểu học và trung học ở Ireland đều thuộc về một giáo phái nào đó, và ban giám hiệu nhà trường đều chịu sự kiểm soát một phần của nhà thờ thiên chúa giáo. Theo các điều khoản của hiến pháp, sở giáo dục phải trợ cấp đồng đều cho các trường thuộc các giáo phái khác nhau (chẳng hạn như các trường Hồi giáo ở Dublin). Và mặc dù việc giảng dạy tôn giáo là một phần của chương trình học, các phụ huynh vẫn có quyền không cho con em mình theo học các giờ này.

Đạo luật Bình đẳng trong Lao động đã cấm sự phân biệt trong việc tuyển lao động liên quan đến chín hình thức phân biệt khác nhau, trong đó có phân biệt về tôn giáo. Quyền bình đẳng sẽ được thực hiện qua tiến trình loại bỏ sự phân biệt và xúc tiến sự bình đẳng trong lao động. Đạo luật về Bình đẳng Địa vị năm 2000 đã cấm sự phân biệt ngoài phạm vi lao động (chẳng hạn như trong giáo dục hay cung cấp thực phẩm), dựa trên các cơ sở giống như ở Đạo luật Bình đẳng trong Lao động.

Những ngày lễ tôn giáo sau đây được coi như quốc lễ của Ireland: Ngày Thánh Patrick (cũng là ngày quốc khánh của đất nước), Ngày Thứ Sáu Tuần thánh, Ngày Phục sinh, Ngày Giáng sinh, và ngày Thánh Stephen. Những ngày lễ này không hề tác động gì đến các giáo phái khác.

THÁI ĐỘ XÃ HỘI

Mối quan hệ giữa cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Ireland là rất thân thiện và hiếm có những trường hợp xung đột. Các tôn giáo khác nhau, các tổ chức phi chính phủ (NGO), và các cơ sở học thuật đã tiến hành nhiều hoạt động hay các dự án nhằm xúc tiến cho việc hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo khác nhau.

Xã hội Ireland mang tính đồng nhất rất cao, và kết quả là những khác biệt về tôn giáo không bị liên kết với những khác biệt về dân tộc hay chính trị. Tuy nhiên, một số công dân đã có thái độ chính trị đối với những xung đột ở Bắc Ireland xuất phát từ bản sắc tôn giáo. Chẳng hạn như một số người đã ủng hộ các đảng Dân tộc hay đảng Cộng hòa ở miền Bắc, dựa trên cơ sở niềm tin tôn giáo của họ.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2106-02-633492925096875000/Van-hoa---Xa-hoi/Ton-giao.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận