Tài liệu: Italia - Các ngành kinh tế của Italia

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Một trong những đặc điểm về địa hình của Italia là tỉ lệ các vùng đồi núi rất lớn.
Italia - Các ngành kinh tế của Italia

Nội dung

CÁC NGÀNH KINH TẾ CỦA ITALIA

NÔNG NGHIỆP

Một trong những đặc điểm về địa hình của Italia là tỉ lệ các vùng đồi núi rất lớn. Trong tổng số diện tích khoảng 30 triệu héc-ta ở đây, chỉ có 23% là vùng đất thấp, và con số này còn xuống đến mức 18% ở miền Nam và 9% ở vùng trung tâm. Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đã thu hút một số lượng lớn đất đai.

Nông nghiệp đóng góp khoảng 2,5% giá trị sản lượng trong nền kinh tế Italia, với chỉ hơn 2 triệu nông dân. Phần phía Bắc của Italia chuyên sản xuất các loại ngũ cốc, sữa, phó mát, trái cây, rau, củ cải đường, hoa, nho, thịt và các loại cây phục vụ công nghiệp.

Vùng trung tâm của Italia sản xuất ngũ cốc, nho và rượu vang, trái và dầu ô-liu, gia súc, trái cây, rau, hoa và các loại cây phục vụ công nghiệp.

Miền Nam Italia có những nông trại rộng lớn, chuyên sản xuất các loại ngũ cốc, trâu bò, cừu, quả ô-liu, phong lan, hoa và trái cây.

Italia là một trong những nước dẫn đầu về nghề trồng nho và xếp vào hàng những nước sản xuất rượu vang ngon nhất thế giới. Sản lượng rượu vang của Italia vào khoảng 5 triệu tấn vào đầu thế kỷ 21. Đây cũng là một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất trái và dầu ô-liu. Trong thập kỷ 1990, sản lượng ô-liu hàng năng vào khoảng 435.000 tấn.

Những loại nông sản khác cũng có số lượng lớn, như cà chua (15 triệu tấn), bắp (11,3 triệu tấn), lúa mì (8 triệu tấn), củ cải đường (10 triệu tấn), khoai tây (2 triệu tấn),  lúa gạo ( 1,3 triệu tấn), đậu nành (487.000 tấn) (thống kê của năm 2004).

Ngoài ra, Italia còn có những nhiều loại sản phẩm khác như lúa mạch, lúa mạch đen, a-ti-sô, ớt, dưa hấu. Các loại trái cây cũng phong phú, với táo, lê, đào, cam, sung, chà là. Các sản phẩm từ sữa cũng là lĩnh vực sản xuất chính tại đây, với hơn 50 loại phó mát. Gia súc, trong năm 2004, có 6,7 triệu trâu bò, 8 triệu con cừu, 9,2 triệu con heo, 1 triệu con dê, 290.000 con ngựa, cùng với 125 triệu con gia cầm.

LÂM NGHIỆP VÀ NGƯ NGHIỆP

Ngành lâm nghiệp ở Italia khá hạn chế, với một lượng lớn gỗ phải nhập khẩu. Hầu hết các khu rừng lâu đời đã được khai thác hết, đầu tiên là bởi người La Mã vào thời xưa, và sau đó là người Italia vào thế kỷ 19. Nạn xói mòn đất ở đây cũng là một yết tố những thuận lợi cho lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã có một số cải tiến. Năm 2003, sản lượng gỗ là 8,2 triệu khối.

Về ngư nghiệp, sản lượng đánh bắt được trong năm 2001 là 528.666 tấn. Trong số những loại hải sản đánh được ở đây có tôm, tôm hùm, trai, cá sardine, cá hồi, cá meluc, cá trống và mực.

NGHỀ MỎ

Nghề mỏ chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong sản lượng quốc gia ở Italia, nhưng có một số loại khoáng sản đã được khai thác với số lượng lớn. Chẳng hạn như chì, trong năm 1999 đã khai thác được 6.000 tấn. Trong năm 2002, các loại nhiên liệu hóa thạch có 31,2 triệu thùng dầu thô và 14,6 tỉ khối khí thiên nhiên. Những nguồn khoáng sản khác có than non, barit, pyrit, sulfur và thủy ngân.

SẢN XUẤT

Từ sau Thế chiến Thứ II, các ngành công nghiệp của Italia đã mở rộng nhanh chóng, và các sản phẩm của nước này đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới.

Vào đầu thập kỷ 1990, sản lượng vải sợi hàng năm, một trong những loại sản phẩm có số lượng lớn nhất và quan trọng nhất, là 245.100 tấn. Sản lượng hóa chất hàng năm, vốn cũng rất quan trọng đối với kinh tế quốc gia, có a-xít sulfuric (2,8 triệu tấn), amoniac (l,4 triệu tấn) và xô-đa ăn da (964.800 tấn).

Trong số những ngành công nghiệp lớn khác có ngành sản xuất xe cộ, sắt thép, cao su, máy móc nặng, đồ điện và thực phẩm. Trong thập kỷ 1990 sản lượng xe chở khách hàng năm là 1,5 triệu chiếc. Ngoài ra các ngành đóng tàu, sản xuất gai dầu và thuốc lá và tinh chế đường cũng rất quan trọng.

NĂNG LƯỢNG

Italia chỉ sản xuất khoảng một phần tư năng lượng theo nhu cầu trong nước, số còn lại phải nhập khẩu. Có khoảng 81,13% lượng điện được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện, sử dụng các loại nhiên liệu như sản phẩm dầu mỏ, khí thiên nhiên, than. Hầu hết sản lượng điện còn lại là thủy điện. Chương trình năng lượng hạt nhân của Italia đã bị bãi bỏ vì sự phản đối của cộng đồng sau tai nạn hạt nhân ở Chernobyl năm 1986. Trong năm 2002, sản lượng điện của Italia là 262 tỉ kilowatt giờ.

NGOẠI THƯƠNG

Trong các thập kỷ 1970 và 1980 đã có sự gia tăng về ngoại thương giữa Italia với các quốc gia trong khối EU. Sự lệ thuộc của Italia với các nước khác trong việc nhập khẩu than, dầu mỏ và các loại nguyên liệu thô là một yếu tố bất thuận lợi trong cán cân mậu dịch. Sự mất thăng bằng này đã được cân đối một phần qua các hoạt động của ngành du lịch, việc gửi tiền từ nước ngoài về Italia và lợi nhuận trong ngành hàng hải.

Trong năm 2003, giá trị xuất khẩu của Italia là 292,3 tỉ USD và giá trị nhập khẩu là 290,8 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu bao gồm máy móc, xe cộ, quần áo, vải sợi, giày dép, sắt thép, rau quả và rượu vang. Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm các thiết bị và máy móc về vận tải, dầu mỏ, kim loại, hóa chất, vải sợi và thịt.

Xuất khẩu gia tăng trong đầu thập kỷ 1990, khi đồng Lire của Italia mất giá so với những loại tiền tệ khác của châu Âu, làm cho giá thành các sản phẩm rẻ hơn đối với người tiêu dùng nước ngoài. Sự gia tăng về xuất khẩu này đã kéo Italia ra khỏi tình trạng suy thoái.

Gần ba phần năm tổng lượng mậu dịch của Italia được thực hiện với các thành viên trong khối EU. Những thị trường chính cho các sản phẩm của Italia là Đức, Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Italia nhập khẩu chủ yếu từ các nước: Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha và Mỹ.

VẬN TẢI

 Với 1.516 tàu thuyền vào năm 2004, Italia có một trong những đội thương thuyền lớn nhất thế giới. Tổng trọng tải của số tàu này là 6,6 triệu tấn. Những cảng biển chính ở đây là Genoa, Trieste, Taranto và Venice.

Italia có 19.319 km đường sắt, phần lớn đã được điện khí hóa. Chính quyền quản lý hầu hết hệ thống đường sắt tại đây. Đường bộ có tổng chiều dài là 479.688 km. Một trong những đường hầm dành cho ô tô dài nhất thế giới là đường hầm xuyên qua núi Blanc, đã được xây dựng năm 1965.

Alitalia, hãng hàng không của nhà nước, có các tuyến bay nội địa lẫn quốc tế. Phi cảng sầm uất nhất tọa ở gần Rome. Phi cảng lớn nhất ở Italia là Malpensa, ở gần thành phố Milan.

THÔNG TIN LIÊN LẠC

Từ năm 1976, chính quyền Italia độc quyền trong việc phát sóng. Số lượng đã lên đến trên 160 đơn vị phát thanh và 80 đơn vị truyền hình. Theo thống kê năm 1997, cả nước có trên 50 triệu radio và trên 30 triệu ti-vi. Trong khi đó số lượng báo chí tương đối nhỏ so với dân số của Itallia, với tổng số bản báo phát hành là 6 triệu bản vào năm 1996, tính trên đầu người là 104 bản trên 1.000 dân. Hoạt động xuất bản tại các địa phương, trong đó có việc xuất bản của các chính đảng và nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã, chiếm một vị trí rất quan trọng trong hệ thống thông tin liên lạc.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2087-02-633492221138906250/Kinh-te/Cac-nganh-kinh-te-cua-Italia.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận