CHÍNH SÁCH KINH TẾ
Từ đầu thập kỷ 1990, điều mà những nhà làm chính sách ở Italia đã đưa lên hàng đầu trong chương trình hành động của họ là việc bình ổn và tăng cường trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ. Kết quả của những chính sách này rất lớn, đã làm cho Italia có khả năng gia nhập Liên minh Tiền tệ Châu Âu và tham gia vào việc lưu hành đồng Euro từ khi đồng tiền này được áp dụng vào năm 1999.
Năm 1990, mức thâm hụt ngân sách của Italia là 11,1% trên tổng số GDP. Năm 1996, con số này đã giảm xuống còn 7,1%. Một năm sau đó, các chính sách tài chính đã làm cho mức này giảm xuống chỉ còn 2,7%. Đến năm 2000 mức thâm hụt ngân sách lại giảm tiếp xuống l,5%. Kể từ 1991, nền tài chính của Italia đã có một sai ngạch đạt số dư ngày càng gia tăng.
Cuộc đấu tranh chống lạm phát cũng để lại những kết quả rất ấn tượng. Kết quả này, cùng với việc giảm bớt mức thâm hụt ngân sách và việc tham gia vào Liên minh Tiền tệ Châu Âu, đã làm giảm mức lãi suất dài hạn, bắt kịp mức độ phổ biến ở châu Âu hiện nay.
Trong vòng một thập kỷ vừa qua, Italia đã giải quyết được sự thiếu cân bằng trong cán cân tài chính của mình. Từ 1993 đến nay, nền tài chính của đất nước này luôn ở tình trạng thặng dư. Mức nợ nước ngoài, vốn là 10,8% trên GDP vào năm 1992, đã tụt giảm hẳn và Italia đã chuyển sang tình trạng thực lãi từ năm 1999.
Các chính sách điều chỉnh vĩ mô của thập kỷ 1990 đã có tác động đến sự tăng trưởng GDP. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á đã làm chậm bước tăng trưởng đối với nền kinh tế Italia trong khoảng thời gian 1998-1999. Nhưng đến năm 2000, nền kinh tế này đã chuyển sang tình trạng tăng trưởng nhanh hơn trước, giống như các quốc gia khác ở châu Âu.
HỆ THỐNG TIỀN TỆ & ĐỒNG EURO
Sự hòa hợp kinh tế trong khối châu Âu đã là một chính sách ngoại giao của Italia trong suốt hơn 50 năm qua. Italia, một trong những thành viên sáng lập của khối cộng đồng chung châu Âu, đã cùng chia sẻ với những thành viên châu Âu của họ niềm tin rằng một nền kinh tế đoàn kết trong khắp khu vực này có thể vừa xúc tiến sự thịnh vượng của những công dân tại đây, lại vừa đóng góp cho sự củng cố mối quan hệ kinh tế với những đối tác của châu Âu.
Một bước quan trọng trong những nỗ lực này đã diễn vào ngày 1 tháng Giêng năm 1999, khi Italia gia nhập vào cộng đồng 10 nước sử dụng đồng Euro, để thiết lập một đồng tiền chung cho cả châu Âu. Trong khi những tờ tiền giấy và những đồng tiền kim loại phải đến năm 2002 mới bắt đầu đưa vào lưa hành, đồng Euro đã được sử dụng rộng rãi trong các khoản thanh toán ở ngân hàng tại khắp châu Âu.
Chính sách tiền tệ cho đồng Euro đã được ủy thác cho hệ thống ngân hàng trung ương châu Âu, trong đó có Ngân hàng Trung ương Châu Âu đặt tại Frankfurt, Đức, cùng với 12 ngân hàng trung ương của các nước thành viên. Để thực hiện được trách nhiệm của mình, hệ thống ngân hàng trung ương này phải đạt được mục tiêu là bình ổn giá cả trong khắp khu vực sử dụng đồng Euro.
NGÂN HÀNG & THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
Hệ thống ngân hàng của Italia bao gồm một mạng lưới rộng lớn của những ngân hàng lớn, vừa và những ngân hàng địa phương, phục vụ cho nhu cầu của cá nhân và những nhà đầu tư, cũng như cho các yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp ở Italia.
Tất cả những ngân hàng này đều được sự giám sát chung của Ngân hàng Trung ương Italia, vốn có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định tài chính của cả hệ thống ngân hàng và xúc tiến sự hiệu quả của nó.
Trong thập kỷ 1990, hệ thống ngân hàng này đã trải qua một quá trình lớn trong việc tư hữu hóa những ngân hàng quốc doanh trước kia. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2000, Italia có tất cả 841 ngân hàng, trong số đó có 217 ngân hàng thuộc về 74 công ty có chức năng mở ngân hàng, 58 ngân hàng thuộc sở hữu nước ngoài, và 499 ngân hàng địa phương.
Tất cả các ngân hàng ở Italia đã phân phối dịch vụ của họ qua một mạng lưới gồm 28.177 chi nhánh ở Italia và 94 chi nhánh ở nước ngoài. Ngoài hệ thống ngân hàng này, các dịch vụ tài chính còn được thực hiện bởi những công ty quản lý (tính đến cuối năm 2000 là 101 công ty), các hãng chứng khoáng (171) và những công ty tài chính ( 1.357).
Đến cuối năm 2000 ở Italia có 276 công ty giao dịch chứng khoán. Vốn thị trường của những công ty này đã lên đến 812 tỉ Euro, chiếm 70% GDP của nước này. Các công ty trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 37% vốn thị trường, kế đến là các ngân hàng chiếm 25%, các công ty công nghiệp chiếm 21%, các công ty bảo hiểm chiếm 14%, và các công ty tài chính chiếm 3%.
Chương trình tư hữu hóa rộng rãi do chính quyền Italia thực hiện trong thập kỷ 1990 đã đóng góp rất nhiều vào sự tăng trưởng đáng kể trong thị trường chứng khoán tại Italia. Trong thời gian từ 1989 đến 1999, khoảng hai phần ba của số lượng gia tăng vốn thị trường, chiếm từ 18 đến 65% trong GDP, thuộc về những công ty vừa được tư hữu hóa.
CÔNG NGHIỆP
Nền kinh tế của Italia đã thay đổi hoàn toàn từ khi chấm dứt Thế chiến Thứ II. Từ một nền kinh tế nông nghiệp, Italia đã phát triển thành một quốc gia công nghiệp xếp vào hàng thứ 6 trên thế giới. Italia có một nền kinh tế mở, và là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế đa phương, chẳng hạn nhóm G-7, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Italia có một bộ phận tư nhân sở hữu một số lớn những cơ sở vừa và nhỏ và một số công ty đa quốc gia với những tên tuổi hàng đầu thế giới như Fiat, Pirelli. Những ngành công nghiệp và những thị trường năng động nhất tập trung ở phía Bắc Italia.
Đất nước này có ít tài nguyên thiên nhiên. Italia không có những loại quặng mỏ chủ yếu như sắt, than hay dầu mỏ. Những mỏ khí thiên nhiên tọa lạc phần lớn thung lũng sông Po và ngoài khơi biển Adriatic. Hầu hết những loại nguyên liệu thô cần cho sản xuất, cùng với 80% nhu cầu điện năng trong nước đều phải nhập khẩu.
Sức mạnh kinh tế của Italia là ở khâu sản xuất và chế biến hàng hóa, chủ yếu là ở các cơ sở vừa và nhỏ. Những ngành công nghiệp lớn ở đây chuyên về các loại máy chính xác, máy móc và thiết bị công nghiệp, kim loại, thiết bị vận tải, xe cộ, hóa chất, dược phẩm thiết bị điện và điện tử, thời trang, y phục, đồ da, nữ trang.
DỊCH VỤ
Với hơn một phần tư lực lượng lao động và gần một phần ba tổng sản lượng quốc gia, lĩnh vực dịch vụ (phân phối, ngân hàng và bảo hiểm, khách sạn, cửa hàng, thông tin, vận tải, du lịch, v.v...) là cây cột chính của nền kinh tế quốc gia. Dịch vụ ở đây rất phát triển, mặc dù có những yếu tố không thuận lợi, như số lượng lớn những cơ sở vừa và nhỏ, hầu hết là sở hữu gia đình, cùng với những kỹ thuật lạc hậu.
Dịch vụ phân phối số nhiều (các siêu thị và những cửa hàng đa chủng loại) được tổ chức rất tốt, đặc biệt là ở Bắc Italia. Các dịch vụ về ngân hàng, bảo hiểm và tài chính cũng phát triển tốt. Những dịch vụ này tập trung chủ yếu ở các khu vực có những hoạt động kinh tế và thương mại ở mức cao, như Lombardy, Piedmont, Veneto, Emilia-Romagna và Tuscany.
Hệ thống giao thông ở Italia đã được mở rộng đáng kể trong vài thập kỷ vừa qua. Mạng lưới đường sắt đã được tăng cường mạnh, nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự gia tăng về vận tải hàng hóa.
Do đặc điểm thiên nhiên, cũng như những di sản phong phú về lịch sử, nghệ thuật và văn hóa, Italia nằm trong số những quốc gia đang thu hút một số lượng du khách lớn nhất. Hệ thống khách sạn ở đây cũng đã phát triển rầm rộ. Trong vài năm vừa qua đã có khoảng 20 triệu khách du lịch nước ngoài đến tham quan tại đây. Trong thời gian này, dịch vụ du lịch đã mang đến cho Italia một con số thặng dư từ 10 đến 12 tỉ Lire.
THƯƠNG MẠI
Ngoại thương ở Italia phát triển mạnh, không những chỉ qua mối quan hệ với những nước trong khối EU mà còn với cả phần còn lại của thế giới (Mỹ, các nước châu Mỹ La Tinh và các quốc gia Á - Phi ở Trung Đông). Tầm quan trọng của ngoại thương đối với nền kinh tế Italia được đo lường không những chỉ qua số lượng nguyên liệu thô nhập khẩu cân đối với số lượng thành phẩm xuất khẩu, mà còn qua các hội chợ mậu dịch quốc tế (tại Milan, Bari, Palermo, v.v...) và những hội chợ công nghệ (tại Milan, Genoa, Turin, Verona, v.v...), vốn thu hút những người làm kinh tế từ khắp các quốc gia trên thế giới.
Sự phục hồi của nền kinh tế quốc gia không những chỉ nhờ vào số hàng hóa sản xuất gia tăng, mà còn cả mức lạm phát thấp hơn và sự gia tăng tổng sản lượng quốc gia.