Tài liệu: Italia - Chính quyền dân chủ Thiên Chúa giáo

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Qua cuộc bầu cử tháng 5 năm 1958, một chính quyền liên minh mới, bao gồm đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đảng Xã hội cánh hữu, đã được thành lập.
Italia - Chính quyền dân chủ Thiên Chúa giáo

Nội dung

CHÍNH QUYỀN DÂN CHỦ THIÊN CHÚA GIÁO

Qua cuộc bầu cử tháng 5 năm 1958, một chính quyền liên minh mới, bao gồm đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đảng Xã hội cánh hữu, đã được thành lập. Amintore Fanfani đứng đầu chính quyền này. Sau đó, đến năm 1959, ông được kế vị bởi Antonio Segni, với nội các gồm toàn những đảng viên Dân chủ Thiên chúa giáo. Sự chỉ trích nặng nề về cuộc viếng thăm Liên Xô của tổng thống Giovanni Gronchi vào năm 1960 đã dẫn tới việc sụp đổ của chính quyền này. Tháng 7 năm đó, Fanfani trở lại chức vụ thủ tướng. Hai năm sau đó, cựu thủ tướng Segni, lúc đó là ngoại trưởng trong nội các của Fanfani, được bầu làm tổng thống. Ngày 16 tháng 5 năm 1962, Fanfani từ chức.

MỞ CỬA CHO CÁNH TẢ

Tháng 10 năm 1962, đảng Xã hội cánh tả Italia, do Nenni cầm đầu, đã đồng ý tham gia vào chính quyền lần đầu tiên kể từ năm 1947. Sau đó, một nội các bao gồm bốn đảng đã được thành lập bởi Aldo Moro, đảng viên của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Đến tháng 12, Aldo Moro đã được bầu làm thủ tướng.

Trong năm 1964, có sự bất đồng giữa các phần tử bảo thủ và các phần tử cánh tả trong chính quyền. Tình hình này còn trở nên nghiêm trọng hơn với viễn cảnh là sáu năm phát triển mạnh mẽ của Italia có thể chấm dứt vì các bè phái không thống nhất với nhau về chính sách nhằm ngăn chặn sự suy thoái. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm 1965, bốn đảng này đã đồng ý cùng gác sang một bên những vấn đề chính trị để cùng hành động đối phó với sự khủng hoảng kinh tế. Trong thời gian từ 1965 đến 1966, chính quyền do Moro đứng đầu đã chiếm được lòng tin của các đảng liên minh.

NHỮNG BIẾN ĐỘNG XÃ HỘI

Từ cuối thập kỷ 1960, Italia đã có một sự phát triển thần kỳ về các mặt xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo. Năm 1968, sinh viên đã đòi hỏi một sự cải cách giáo dục, và đã xô xát với cảnh sát tại Rome và một số thành phố khác. Công nhân cũng đã đình công để thúc giục sự chấn chỉnh trong hệ thống bảo hiểm xã hội. Những vấn đề về phụ nữ càng trở nên quan trọng hơn khi luật ly hôn dược áp dụng vào năm 1973, và luật phá thai áp dụng năm 1978.

Những vấn đề về lạm phát, thất nghiệp và thất thoát tiền tệ đã gia tăng trong cuộc suy thoái năm 1974, cùng với lượng dầu mỏ to lớn mà Italia phải nhập khẩu. Sự thâm hụt ngân sách của chính phủ đã gia tăng nhanh chóng, và người ta cần vay những khoản nợ quốc tế khổng lồ để ngăn ngừa tình trạng phá sản.

Trong khoảng thời gian này, hệ thống chính trị của Italia đã phải xoay sở để đối phó với các thay đổi. Cuối thập kỷ 1960 và đầu thập kỷ 1970, các chính quyền tồn tại ngắn ngày thay nhau tồn tại. Trong một thời gian ngắn của năm 1974, đất nước này đã ở trong một tình trạng vô chính phủ. Khi tình hình kinh tế ngày một tệ hơn, cùng với một làn sóng bắt cóc và khủng bố chính trị diễn ra, lòng tin của quần chúng vào chính quyền đã suy giảm. Từ đó việc ủng hộ đảng Cộng sản, do Enrico Berlinguer cầm đầu, ngày một gia tăng.

Tháng 6 năm 1975, trong những cuộc bầu cử tại địa phương, đảng Cộng sản đã chiếm được 33% số phiếu, và đã tạo áp lực với chính quyền để hỗ trợ cho một sự liên minh lâu dài giữa Cộng sản và Thiên chúa giáo La Mã. Trong cuộc bầu cử quốc hội, đảng Cộng sản còn thắng lợi hơn nữa, chiếm được 35% phiếu bầu, và đảng Dân chủ Thiên chúa giáo chiếm 39%.

Lãnh đạo của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đã hình thành một chính quyền mới với sự hỗ trợ của đảng Cộng sản. Tháng 8 năm 1978, Andreotti lại thành lập một chính quyền Dân chủ Thiên chúa giáo mới, lần này với sự hỗ trợ chính thức của đảng Cộng sản. Vì thiếu sự ủng hộ của người Cộng sản, nên Andreotti phải từ chức vào tháng Giêng năm 1979.

THAY ĐỔI CƠ CẤU

Từ 1979 đến 1981 đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đã lãnh đạo chính quyền như họ đã từng làm trong hơn ba thập kỷ trước đó. Tuy nhiên, đến năm 1981, Giovanni Spadolini, một lãnh đạo của đảng Cộng hòa, đã trở thành thủ tướng đầu tiên không thuộc đảng Dân chủ  Thiên chúa giáo kể từ sau Thế chiến Thứ II. Hàng loạt những khủng hoảng nội các khác xảy ra vào tháng 8 năm 1983 đã dẫn tới việc hình thành một chính quyền dưới tay Bettino Craxi, vị thủ tướng đầu tiên của đảng Xã hội từ sau chiến tranh.

Bettino Craxi đã nắm giữ chức vụ này cho đến tháng 3 năm 1987, nhiệm kỳ lâu nhất trong số các lãnh đạo của Italia từ sau chiến tranh. Trong nhiệm kỳ của ông, năm 1984, Thiên chúa giáo La Mã đã mất vị trí là quốc giáo tại Italia, vì chính quyền đã ký lại một giao ước mới với Vatican để thay thế cho Hiệp ước Lateran năm 1929.

Nhiệm kỳ của Craxi được kế tiếp bởi một số chính quyền ngắn ngày khác vào cuối thập ký 1980. Tháng 7 năm 1987, Giovanni Goria trở thành thủ tướng. Tháng 3 năm 1988, liên minh năm đảng của ông bị phá vỡ, và Ciriacco De Mita lên nắm quyền. Một năm sau ông ta từ chức. Sau đó đến tháng 7, July Andreotti trở lại làm thủ tướng lần thứ 6 trong đời ông.

Sau đó, ghế thủ tướng của Italia chuyển đổi từ Giuliano Amato sang Carlo Azeglio Ciampi, rồi đến Berlusconi, Lamberto Dini.

CHÍNH QUYỀN PRODI

Trong cuộc bầu cử tháng 4 năm 1996 lại có một sự thay đổi nữa, khi một liên minh gọi là Cây Olive nắm quyền thành lập chính quyền mới. Nhóm Cây Olive chiếm ưu thế ở thượng nghị viện, đồng thời nắm giữ 284 ghế ở hạ nghị viện. Romano Prodi, một giáo sư kinh tế, được cử làm thủ tướng, cam kết sẽ cắt giảm chi tiêu và hạ mức thấp nghiệp.

Cải cách kinh tế

Tháng 11 năm 1996, Italia đã gia nhập vào hệ thống tiền tệ của châu Âu. Kế hoạch ngân sách của chính quyền Prodi đã đặt ra chỉ tiêu cắt giảm số tiền thiếu hụt xuống còn 3% vào năm 1997. Những biện pháp do chính quyền áp dụng đã mang lại kết quả, và Italia đã đạt được tiêu chuẩn để gia nhập vào đồng tiền chung của châu Âu. Năm 1998, Italia đã chính thức đồng ý sử dụng đồng Euro.

Thiên tai

Năm 1997, hai trận động đất lớn đã xảy ra ở khu vực Umbria, trung tâm Italia. Tại thị trấn Assini, nhà thờ San Francesco nổi tiếng đã bị thiệt hại nặng nề. Đây là một trong những cơ sở Thiên chúa giáo La Mã được tham quan nhiều nhất, với những bức họa quý giá của những họa sĩ lừng danh.

Tháng 5 năm 1998, những trận mưa lớn đã gây lở bùn nghiêm trọng quanh thành phố Sarno ở vùng Campania. Những nỗ lực cứu hộ đã bị ngăn trở bởi thời tiết nóng nực ngay sau vụ lở. Người ta ước lượng có khoảng 300 người đã thiệt mạng trong vụ lở bùn này.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2085-02-633492112303281250/Lich-su/Chinh-quyen-dan-chu-Thien-Chua-gi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận