Tài liệu: Italia - Thế chiến thứ I

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khi Thế chiến Thứ I nổ ra vào tháng 8 năm 1914, chính quyền Italia đã rút ra khỏi Liên minh Tay ba và tuyên bố trung lập.
Italia - Thế chiến thứ I

Nội dung

THẾ CHIẾN THỨ I

Khi Thế chiến Thứ I nổ ra vào tháng 8 năm 1914, chính quyền Italia đã rút ra khỏi Liên minh Tay ba và tuyên bố trung lập. Sau đó, khi đã ký hiệp ước bí mật ở Luân Đôn với các lực lượng Đồng minh, Italia đã tuyên chiến với Áo và đế quốc Ottoman. Sau đó một năm, nước này lại tuyên chiến với Đức.

Italia đã cử một lực lượng hùng hậu vào khu vực Trentino, ở phía Nam Tirol. Năm 1916, quân Áo đã tấn công vào khu vực này, chiếm thành phố Asiago và Asiero. Hầu hết phần lãnh thổ bị chiếm đóng sau đó đã được quân Italia lấy lại. Tháng 10 năm 1917, một lực lượng phối hợp Áo-Đức đã tấn công quân Italia, giành được chiến thắng lẫy lừng ở Caporetto trong vùng Venezia Giulia. Quân Italia đã phải rút lui.

Các lực lượng thù địch đã đe dọa phòng tuyến của quân Italia, từ rặng Julia Alps đến biển Adriatic. Quân Italia rút lui đến sông Piave. Ở đây họ đã củng cố lực lượng và đẩy lùi quân Áo vào tháng 6 năm 1918. Ở cuộc chiến tại Vittorio Veneto, quân đội Italia đã chiến thắng vang lừng.

Trong khi đó, vào ngày 3 tháng 11, chính quyền Áo-Hung và quân Đồng minh đã ký hiệp ước đình chiến. Trong cuộc chiến tranh này, quân Italia đã tổn hại đến hơn nửa triệu người. Trong các hiệp ước sau đó, Italia đã lấy lại được Trentino, Trieste và miền Nam Tyrol. Tháng 11 năm 1920, Italia và vương quốc của người Serb, Croat và Slovene, sau này đổi tên là Nam Tư, đã ký hiệp ước Rapallo, theo dó Fiume trở thành một bang tự trị, và Italia nắm quyền ở Dalmatia.

NHỮNG NĂM SAU CHIẾN TRANH

Từ 1919 đến 1922 Italia bị xâu xé bởi các cuộc xung đột về xã hội và chính trị, sự lạm phát và các vấn đề kinh tế. Những lực lượng vũ trang gọi là Phát xít đã tấn công những người theo chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản tại Rome, Bologna, Trieste, Genoa, Parma, và nhiều nơi khác.

Sau đó Giolitti đã từ chức. Sự ra đi của ông đã để lại một thời kỳ không ổn định. Tháng 10 năm 1922, người lãnh đạo Phát xít là Benito Mussolini đã yêu cầu chính quyền phải được giao cho đảng của ông ta. Mussolini đe dọa sẽ cướp chính quyền bằng vũ trang nếu điều kiện do ông đưa ra bị từ chối. Khi quân Phát xít mở những cuộc tuần hành ở Rome, thủ tướng lúc đó là Luigi Facta đã từ chức. Ngày 28 tháng 10, Victor Emmanuel kêu gọi Mussolini thành lập một chính quyền mới.

CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI PHÁT XÍT

Mặc dù được trao quyền hạn tối cao để lập lại trật tự ở Italia, lúc dầu Mussolini đã cai trị theo đúng hiến pháp. Năm 1923 ông ta đứng đầu một chính quyền liên minh bao gồm các chính đảng Tự do, Quốc gia, Thiên chúa giáo và cả Phát xít. Sau cuộc bạo động trong kỳ bầu cử năm 1924, Mussolini đã chấm dứt chính quyền cai trị theo hiến pháp. Ông ta thiết lập một nền chuyên chế độc tài, cấm nghị viện soạn thảo luật pháp và ủy quyền cho ông ta ban hành những sắc lệnh có tính pháp lý, đặt ra một chế độ kiểm duyệt chặt chẽ đối với báo chí, và đến năm 1926 đã đàn áp tất cả các đảng phái đối lập.

Các biện pháp kinh tế

Năm 1928 đã có thêm nhiều biện pháp khác để biến Italia thành một quốc gia Phát xít. Hội đồng Tối cao Phát xít có quyền chọn ra những đại biểu của Hạ nghị viện và tư vấn trong tất cả những vấn đề quan trọng của chính quyền, đặc biệt là quyền chọn người kế vị ngôi vua và kế vị cho Mussolini.

Năm 1934 lại có thêm một bước nữa trong việc tái tổ chức nền kinh tế của Italia, với sự thành lập của 22 phường hội, đại diện cho các công nhân trong tất cả các lĩnh vực kinh tế. Mỗi phường hội đều có các đảng viên Phát xít trong hội đồng quản trị và đặt Mussolini vào ghếch tịch.

Trong cuộc suy thoái kinh tế thế giới, bắt đầu từ năm 1929, chính quyền Phát xít đã không ngừng can thiệp để ngăn chặn sự sụp đổ của nhiều ngành kinh tế trong nước. Chính quyền tổ chức lại các ngành sắt thép, mở rộng những nhà máy thủy điện và tiến hành những dự án về công tác xã hội.

Quân đội lúc đó cũng được mở rộng và củng cố. Năm 1939 hạ nghị viện được thay thế bởi Hội đồng Phát xít và Phường hội, bao gồm khoảng 800 đại biểu được chỉ định từ Hội đồng Phường hội Quốc gia. Mỗi phường hội được giao quyền định giá cả và mức lương, đưa ra các chính sách kinh tế cho lĩnh vực riêng của mình.

Quan hệ với nước Đức

Năm 1933, việc bổ nhiệm Adolf Hitler làm thủ tướng ở Đức đã được hoan nghênh một cách thận trọng bởi báo chí Italia. Đến lượt Hitler bày tỏ tình hữu nghị với Phát xít Italia. Tuy nhiên trục Đức-Italia lúc này vẫn chưa hình thành. Trái lại, hai quốc gia này còn có nhiều mâu thuẫn với nhau. Italia lúc này thậm chí còn thân cận hơn với những đồng minh của họ trong Thế chiến Thứ I. Italia cùng với Pháp và Anh đã thành lập mặt trận Stresa để phản đối việc Đức liên tục vi phạm hiệp ước Versailles.

Chiến dịch Ethiopia

Sự kiện làm cho các nền độc tài Phát xít và Quốc xã xích lại gần nhau chính là việc Italia xâm lấn Ethiopia năm 1935. Lúc đó hội đồng của Hội Quốc liên đã tuyên bố Italia vi phạm những thỏa thuận trong Hội, và ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này. Nhưng Hội Quốc liên không thực hiện được sự trừng phạt đó, vì quân Italia đã chiến thắng. Tháng 5 năm 1936, Mussolini đã sát nhập Ethiopia và cử vua Victor Emmanuel III làm hoàng đế.

Tháng 10 năm 1936, sau khi Đức thừa nhận cuộc chinh phục của Italia, Hitler và Mussolini đã thỏa thuận với nhau cùng phối hợp hành động vì mục tiêu chung của hai quốc gia.

Trục Berlin-Rome

Đến năm 1937, sự hợp tác giữa Italia và Đức đã bắt đầu có kết quả. Sau chuyến viếng thăm Đức của Mussolini, Italia đã tuyên bố tham gia vào Công ước Chống Quốc tế Cộng sản giữa Đức và Nhật. Chẳng bao lâu sau đó Italia đã rút khỏi Hội Quốc liên. Một sự kiện lớn trong chính sách của Italia đối với Đức là việc Mussolini từ chối giúp đỡ cho Áo khi nước cộng hòa này bị Đức thôn tính vào năm 1938.

Trong khi đó, ảnh hưởng của chủ nghĩa Quốc xã đối với phát xít Italia được thể hiện trong hàng loạt biện pháp gò bó các hoạt động của người Do Thái tại Italia. Nước này đã đưa ra luật cấm người Do Thái không được làm việc trong các cơ quan dân chính và quân sự tại đây.

Trong những cuộc thương thuyết để tiến đến Công ước Munich năm 1938, Mussolini đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các yêu cầu của Hitler. Hai nhà độc tài này đã ký kết với nhau một công ước về hợp tác quân sự vào tháng 5 năm 1939.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2085-02-633492110417187500/Lich-su/The-chien-thu-I.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận