Tài liệu: Italia - Cuộc nổi dậy năm 1848

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cuộc cách mạng ở Vienna bùng nổ năm 1848 đã là dấu hiệu báo trước cho cuộc nổi dậy ở Milan ngày 18 tháng 3.
Italia - Cuộc nổi dậy năm 1848

Nội dung

CUỘC NỔI DẬY NĂM 1848

Cuộc cách mạng ở Vienna bùng nổ năm 1848 đã là dấu hiệu báo trước cho cuộc nổi dậy ở Milan ngày 18 tháng 3. Dân chúng đã trục xuất người Áo ra khỏi thành phố vào ngày 22 tháng 3. Người Áo cũng bị đánh đuổi khỏi Venice, và một nền Cộng hòa của vùng này cũng được thành lập. Những người cai trị chuyên quyền ở Parma và Modena cũng bị buộc phải từ bỏ ngai vàng.

Ở Piedmont, những người theo chủ nghĩa quốc gia đã tiến hành một cuộc chiến tranh giải phóng để đánh đuổi người Áo ra khỏi đất Italia. Sau khi lưỡng lự, Charles Albert đã huy động quân đội của mình, tiến vào xứ Lombardy ngày 26 tháng 3. Ông đã được coi là người giải phóng cho đất nước Italia.

Nhưng rồi những hy vọng của người Italia đã tan biến khi đến cuối tháng 4, Giáo hoàng khước từ việc tham gia cuộc chiến. Đến giữa tháng 5 cuộc cách mạng ở Naples bị sụp đổ và đến ngày 24 tháng 7 người Piedmont đã thất trận trước lực lượng của người Áo. Trong cuộc đình chiến sau đó người Piedmont đã phải bỏ vùng Lombardy. Sau đó Charles Albert tuyên bố bãi bỏ đình chiến, nhưng rồi lại bị thất trận thảm hại ở Novara vào tháng 3 năm 1849. Ông đã phải từ bỏ ngai vàng xứ Sardinia để nhường ngôi cho con trai là Victor Emmanuel II.

CUỘC CÁCH MẠNG Ở ROME

Trong khi đó, Pius IX bị những người cấp tiến ở các địa phận của giáo hoàng bãi bỏ vì đã không tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng quốc gia. Một cuộc nổi dậy của quần chúng tại Rome đã khiến cho giáo hoàng và viên tư vấn thân cận nhất trốn chạy khỏi thủ đô này vào tháng 11 năm 1848.

 Với sự vắng mặt của ông, quyền lực thế tục của vị hoàng này đã bị bãi bỏ, và một nền cộng hòa đã ra đời. Đầu năm 1849, hồng y giáo chủ Antonelli đã kêu gọi các quyền lực Thiên chúa giáo La Mã ở Pháp, Áo, Tây Ban Nha và Naples lật đổ Cộng hòa La Mã. Mặc dù có nhiều nỗ lực chống trả của Mazzini, người Áo đã tiến vào miền Bắc, người Tây Ban Nha xâm lăng miền Nam, và một lực lượng của Pháp đã chiếm đóng Rome vào tháng 7 năm 1849. Cuối cùng, chế độ giáo hoàng lại được phục hồi.

GARIBALDI VÀ CAVOUR

Victor Emmanuel vẫn trung thành với hiến pháp tự do đề xướng bởi cha của ông, đồng thời duy trì lá cờ ba màu, vốn là một biểu tượng của nước Italia tự do. Ông đã động viên những người tị nạn chính trị ở bán đảo đến Sardiania nương náu. Năm 1852 Cavour trở thành thủ tướng của Sardinia, và năm 1855 đã lãnh đạo đất nước này trong cuộc chiến tranh đứng về phía Anh và Pháp. Tại hội nghị hòa bình ở Paris năm 1856, Cavour, với sự ủng hộ của hoàng đế Pháp là Napoleon III, đã đặt vấn đề của Italia thành một vấn đề quốc tế.

Năm 1858 Cavour đã bí mật gặp Napoleon để vạch kế hoạch tiến hành chiến tranh với nước Áo hầu giành lại tự do cho Italia. Liên quân Pháp-Italia đã chiến thắng ở Magenta và Solderino, tuy phải trả giá khá đắt. Tuy nhiên, vì lo sợ chiến tranh kéo dài, Napoleon đã bỏ rơi người Italia và đơn phương hòa giải bước đầu với người Áo vào năm 1859. Sau đó người Sardinia đã chấp nhận những điều khoản của bản hiệp ước Zrich: Áo nhường phần lớn vùng Lombardy cho Pháp, và để đổi lại, Pháp đã giao hai thành phố ở Lombardy cho Sardinia.

Trong khi đó, phong trào thống nhất Italia càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong hàng loạt các cuộc bỏ phiếu năm 1860, người dân Romagna và ở các lãnh thổ công tước Parma và Modena đã bỏ phiếu cho việc hợp nhất với Sardinia. Tháng 5, với sự hỗ trợ của Cavour, Garibaldi đã mở một cuộc hành quân từ Genoa để góp phần cho cuộc cách mạng ở Sicily. Chính quyền ở Sardinia đồng tình với cuộc chinh phục của Garibaldi, đã giữ thái độ trung lập.

Khi Garibaldi chuẩn bị tiến vào Rome, vốn đang được lực lượng Pháp bảo vệ, Cavour đã ứng phó ngay. Với sự đồng ý của Napoleon, ông ta cho lực lượng của mình chặn đường Garibaldi. Trong khi đó, các cuộc bầu cử ở Naples và Sicily và một số vùng của người Italia đã tán thành việc hợp nhất với Sardinia.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2085-02-633492106479687500/Lich-su/Cuoc-noi-day-nam-1848.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận