Tài liệu: Italia - Thế chiến thứ II (1939-1945)

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Khi Thế chiến Thứ II nổ ra vào tháng 9 năm 1939, Mussolini đã tỏ ý rằng ông ta không bị ràng buộc gì trong việc giúp đỡ quân Đức,
Italia - Thế chiến thứ II (1939-1945)

Nội dung

THẾ CHIẾN THỨ II (1939-1945)

Khi Thế chiến Thứ II nổ ra vào tháng 9 năm 1939, Mussolini đã tỏ ý rằng ông ta không bị ràng buộc gì trong việc giúp đỡ quân Đức, bởi vì ông đã từng nói rõ với Quốc xã rằng đến năm 1942, Italia mới có thể chuẩn bị cho chiến tranh.

Bước vào cuộc chiến

Tuy nhiên, Đức đã thành công ngay từ năm đầu tiên của cuộc chiến này, làm cho Mussolini phải thay đổi chính sách. Năm 1940 Italia đã bước vào cuộc chiến. Tháng 8 năm đó, quân Italia ở Đông Phi đã chiếm đóng phần đất Xô-ma-li của người Anh, và trong tháng sau lực lượng Phát xít đã lấn át quân Anh ở Ai Cập. Tháng 10 năm 1940, quân đội Phát xít ở Albani đã tiến vào Hy Lạp. Tuy nhiên cuộc xâm lăng bất thành vì người Hy Lạp đã đánh đuổi quân Italia ra khỏi Hy Lạp và Albani.

Sự thất bại này, cùng với những chiến thắng của người Anh ở Địa Trung Hải và Ai Cập, đã làm điêu đứng chế độ Phát xít. Mussolini phải nhờ đến sự giúp đỡ của Hitler, và từ đó chính sách của Italia dần dần nằm dưới sự kiểm soát của Đức. Đã có những thay đổi trong hệ thống cấp bậc quân đội của Phát xít, nhưng sự cải tổ này và những cải tổ khác cũng không làm phục hồi được nhuệ khí của người Italia.

Chiếm đóng vùng Balkan

Năm 1941 Italia đã phải chịu cảnh suy sụp trong quân đội và những khó khăn về kinh tế do bị quân Đồng minh phong tỏa. Không khí chống Phát xít lan tỏa khắp trong nhân dân. Thành công trong chiến dịch Balkan, nhờ vào sự can thiệp của Đức, đền bù lại phần nào cho những thất bại của Phát xít. Qua sự dàn xếp với quân Đức, hầu như toàn bộ Hy Lạp đã bị quân đội Italia chiếm đóng.

Nhiều người Italia chẳng bao lâu đã nhận ra rằng việc có được lãnh thổ ở vùng Balkan chỉ là ảo tưởng, bởi vì thực tế là người Đức đã kiểm soát khu vực này. Ngoài ra, Italia còn bị buộc phải trả giá ngày càng cao cho sự trợ giúp quân sự của Hitler. Thực phẩm và các vật dụng khác tại Italia bị thiếu hụt vì mặt số lớn đã phải gửi đến Đệ tam Đế chế để đánh đổi lấy than và dầu mà Đức đã chi viện.

Italia đã tuyên chiến với Liên Xô vào tháng 6 năm 1941, ngày mà quân Đức xâm lăng vào đây. Năm tuần sau, lực lượng đầu tiên của Italia được cử đến mặt trận Xô Viết. Vì quân Đức gặp khó khăn trong các cuộc tấn công của họ, Hitler ngày càng khắc nghiệt hơn trong những đòi hỏi đối với Mussolini.

Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến

Trong lúc đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Italia ngày càng đi xuống. Chính quyền Mỹ đã bắt giữ 28 tàu buôn của Italia tại các cảng của Mỹ. Khi tài sản của Italia bị sung công tại Mỹ, Phát xít cũng áp dụng những biện pháp tương tự đối với tài sản của Mỹ tại Italia. Sự thù địch đã lên đến cực điểm vào tháng 12, khi Mussolini tuyên chiến với Hoa Kỳ.

Viễn cảnh của Phát xít Italia năm 1942 là rất đen tối. Ở Bắc Phi, những thắng lợi tạm thời của quân Itali-Đức đã bị tan biến bởi những cuộc tấn công của quân Anh. Lực lượng phe Trục, trong đó có Italia, đã chịu những thất bại lớn lao ở Liên Xô. Quân chiếm đóng của Italia ở Albani, Nam Tư và Hy Lạp cũng phải chịu nhiều tổn thất với những lực lượng du kích tại đây.

Sự kiểm soát của Đức

Sự kiểm soát ngày càng gia tăng của quân Đức đối với đời sống người Italia, cùng với sự tha hóa và vô hiệu quả của các quan chức Phát xít đã góp phần vào tình trạng thoái chí của người Italia. Vào tháng 10, người Anh đã không kích liên tục vào các thành phố công nghiệp ở phía Bắc Italia. Khi Mỹ và Anh đặt các căn cứ ở Algeri và Cyrenaica, miền Nam Italia cũng bị bỏ bom.

Tháng 2 năm 1943, với hy vọng có thể đảo ngược thế cờ, Mussolini đã nắm toàn bộ quyền hành về cả chính trị lẫn quân sự. Khi các lực lượng của phe Trục tan rã ở Tunisia vào tháng 5, ông đã thành lập một hội đồng phòng ngự để chuẩn bị trước tình hình quân Đồng minh sẽ tiến vào lãnh thổ Italia. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này đều bị vô hiệu hóa bởi những cuộc không kích của quân Đồng minh.

Tiến vào Italia

Tháng 7 năm 1943, quân Đồng minh đã tiến vào Sicily. Sáu ngày sau, tổng thống Mỹ và thủ tướng Anh đã gửi một thông điệp qua hệ thống truyền thanh đến nhân dân Italia, đề nghị họ đầu hàng để tránh khỏi những tàn phá thảm hại hơn nữa. Sau đó 500 máy bay ném bom của Đồng minh đã tấn công các ga xe lửa, những xưởng vũ khí chiến tranh và các sân bay gần thành phố.

Sau khi trở về từ cuộc họp bàn bạc với Hitler, Mussolini được yêu cầu đến họp ở Đại hội đồng Phát xít để xem xét lại sự khủng hoảng quân sự của Italia. Sau một cuộc bàn cãi gay gắt, hội đồng đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Mussolini. Ngày 25 tháng 7, vua Victor Emmanuel đã yêu cầu Mussolini từ chức và bắt giam ông. Sau đó nhà vua đã triệu tập Marshal Pietro Badoglio đề hình thành một nội các mới. Nội các của Badoglio đã ra sắc lệnh bãi bỏ tất cả các tổ chức Phát xít.

Đầu hàng và đình chiến

Việc hạ bệ Mussolini đã báo hiệu cho một không khí hòa bình khắp đất nước Italia. Trong khi đó, quân Đồng minh vẫn tiếp tục tiến vào Sicily. Thủ tướng Churchill cho Italia được quyền chọn lựa: hoặc là chấm dứt đồng minh với Đức, hoặc là phải chịu cảnh tàn phá. Đến giữa tháng 8, một đại diện của thủ tướng Badoglio đã đến Lisbon với ý kiến xin tham gia phe Đồng minh để chống lại Đức. Các quan chức của Mỹ và Anh đã hội thảo với phái viên của Italia về việc đầu hàng vô điều kiện của nước này. Hiệp định đình chiến được ký vào ngày 3 tháng 9.

Cuộc chiến cho Italia

Những điều khoản của hiệp định đình chiến đã dấy lên một cuộc chạy đua giữa Đồng minh và Đức để chiếm hữu những lãnh thổ, căn cứ, vũ khí và quân nhu, cùng với những phương tiện chiến tranh khác, trước đó nằm dưới sự kiểm soát của Italia. Một lực lượng lớn của Anh và Mỹ đã đổ bộ lên bờ biển Salerno phía Nam của Naples, với hy vọng tiến vào đất liền và bao vây các đơn vị của Đức đang hướng về Hạm đội Thứ tám của Anh.

Tuy nhiên, quân Đức đã chặn đứng được cuộc tiến công này cho đến khi những đơn vị của Đức ở phía Nam Italia kịp rút lui. Họ cũng chiếm giữ những thành phố và các trung tâm chiến lược ở miền Bắc và miền Trung Italia, và giải giáp quân đội Italia. Ngày 10 tháng 9, họ đã chiếm Rome, và vua Victor Emmanuel III cùng với Badoglio đã phải bỏ chạy hai ngày trước đó.

Còn quân Đồng minh lại thành công hơn trong việc kiểm soát hạm đội của Italia. Theo lời kêu gọi của chỉ huy hải quân Đồng minh ở Địa Trung Hải, tất cả các tàu chiến của Italia đã rời căn cứ La Spezia và những cảng khác ở Italia để đến đầu hàng với quân Đồng minh theo những điều khoản trong hiệp định đình chiến.

Tuy nhiên, trong khi đó, nhà độc tài Musolini đã được quân Đức cứu ra khỏi nhà giam. Quân Đức vẫn ủng hộ chế độ Phát xít ở Italia bằng cách tuyên bố rằng một chính quyền quốc gia Phát xít đã được thành lập để đối kháng với chính quyền của Badoglio, do Mussolini lãnh đạo.

Tuyên chiến với Đức

Thủ tướng Badoglio đã tuyên chiến với Đức vào ngày 13 tháng 10, và tổ chức lại chính quyền của mình một cách thoáng hơn và dân chủ hơn. Ông đã kết hợp với sáu chính đảng để hình thành Mặt trận Giải phóng Quốc gia. Tuy nhiên mặt trận này chỉ đồng ý hình thành một chính quyền đại diện nếu như Victor Emmanuel thoái vị. Nhà vua đã từ chối. Để giải quyết tạm thời, Badoglio đã tổ chức một chính quyền phi đảng phái để đảm đương các nhiệm vụ hành chính. Đến tháng 11 , Ủy ban Giải phóng Quốc gia đã bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính quyền của Badoglio và kêu gọi nhà vua thoái vị.

Nhà vua thoái vị

Tháng 4 năm 1944 nhà vua tuyên bố thoái vị và cử con trai của mình Humbert làm toàn quyền ở Italia. Sau đó quân Đồng minh đã tiến vào giải phóng Rome ngày 4 tháng 6, và Victor Emmanuel đã chuyển giao toàn bộ quyền lực hoàng gia cho Humbert. Tuy nhiên những người lãnh đạo trong Ủy ban Giải phóng Quốc gia không chịu làm việc với chính quyền của Badoglio, và chức vụ thủ tướng được giao cho Ivance Bonomi. Ông này đã đứng ra thành lập một chính phủ liên hiệp.

Cái chết của Mussolini

Cuộc tấn công cuối cùng của quân Đồng minh trên đất Italia bắt đầu vào tháng 4 năm 1945, và đến cuối tháng các lực lượng của Đức đã hoàn toàn tan rã. Mussolini, cùng với tình nhân của ông và vài quan chức cao cấp khác đã bị du kích Italia bắt tại một thị trấn nhỏ gần hồ Como. Cả nhóm người này đã bị đưa ra xét xử, và đến ngày 28 tháng 4 đã bị tử hình. Hơn 1.000 người Phát xít đã bị bắn tại Milan. Ngày 2 tháng 5, Đức đã đầu hàng.

De Gasperi lên nắm quyền

Sau đợt giải phóng miền Bắc Italia, Bonomi từ chức. Một chính quyền liên minh đã được thành lập. Chính quyền mới này, do Ferruccio Parri cầm đầu, đã không đủ khả năng đối phó với những vấn đề đang chi phối Italia lúc đó. Người ta đã chỉ trích thủ tướng Parri vi phạm ngừng bắn, và sau đó ông đã từ chức. Cuối cùng Ủy ban Giải phóng Quốc gia đã đưa Alcide De Gasperi lên làm thủ tướng từ ngày 9 tháng 12.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2085-02-633492111083750000/Lich-su/The-chien-thu-II-1939-1945.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận