KINH TẾ
Italia ngày nay có một nền kinh tế cường thịnh. Với GDP khoảng 1.100 tỉ Euro vào năm 1999, đất nước này xếp thứ 6 thế giới về kinh tế, sau Mỹ, Nhật, Đức, Pháp và Anh. Sản lượng kinh tế của Italia chiếm khoảng l 8% trong khối sử dụng đồng Euro, và khoảng 4% trên thế giới.
Kể từ Thế chiến Thứ II, vị trí của Italia trên thế giới đã được cải tiến nhanh chóng. Năm 1950 tổng sản phẩm nội địa tính theo đầu người của nước này ít hơn một phần ba so với Mỹ. Ngày nay con số này đã bằng hai phần ba so với Mỹ. Theo thống kê, chỉ trong vòng từ 1970 đến 1998, GDP tính theo đầu người ở Italia đã gia tăng 80%.
Năm 1945, Italia là một đất nước đổ vỡ do hậu quả của sự thất trận trong Thế chiến Thứ II. Sau đó Kế hoạch Marshall đã giúp vực dậy nền kinh tế hậu chiến của đất nước này. Một điểm giúp kinh tế Italia phát triển nhanh nữa là chính sách mở cửa từ cuối thập kỷ 1950.
Sự phát triển kinh tế của Italia là một điều khác thường trong số các quốc gia tiên tiến, do cơ cấu công nghiệp không giống các quốc gia này. Trái với các nước phát triển khác, nền kinh tế của nước này tập trung vào những ngành công nghiệp không đòi hỏi vốn đầu tư và công nghệ cao. Chẳng hạn như có đến gần một phần tư tổng số công nhân làm việc trong ngành vải sợi và may mặc, trong khi đó ở Mỹ con số này chỉ là 10%, ở Nhật là 6% và ở Đức là 5%.
Tầm cỡ của những đơn vị sản xuất ở đây cũng vậy. Có đến gần một phần tư số đơn vị sản xuất là những cơ sở nhỏ, chỉ có dưới 10 công nhân, và 65% đơn vị có dưới 100 công nhân. Trong khi đó số lượng đơn vị có ít hơn 100 công nhân tại Đức chỉ là 19% và tại Anh là 28%.
Italia tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ và các đơn vị sản xuất nhỏ, làm cho đất nước này giống với các nước đang phát triển hơn là các nước tiên tiến. Ngay cả đặc trưng văn hóa của Italia cũng khác biệt nhiều so với các nước phát triển: mối ràng buộc chặt chẽ trong gia đình thể hiện sự trung thành giữa các thành viên với nhau, đồng thời cũng là một nguồn an ủi cho mọi người trong những lúc gặp phải khó khăn.
Một điểm đặc biệt làm cho Italia không giống với các nước phát triển, mà cũng không tương đồng với các nước đang phát triển: trong khi các nước đang phát triển cạnh tranh trên thị trường bằng mức lương công nhân thấp, các nước phát triển thì cạnh tranh bằng công nghệ cao của họ; nhưng Italia lại có một cơ cấu tiền lương rất cao và một cấu trúc công nghệ thấp!
Sự suy thoái kinh tế của Italia từ năm 1975 đã chấm dứt kể từ cuối năm 1993, khi mức lãi suất tụt xuống và thị trường xuất khẩu gia tăng mạnh đã phục hồi các hoạt động kinh doanh và lòng tin của người tiêu dùng. Sự tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 1994, với mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trên 3%.
Trong thời gian đó, sản xuất công nghiệp cũng phát triển mạnh, đặc biệt là cở các ngành vải sợi, da giày, máy móc và thiết bị. Sự gia tăng sản lượng xuất khẩu cũng có tác động mạnh trong việc kích thích đầu tư. Triển vọng tương lai sáng sủa hơn của công nhân và mức lạm phát thuận lợi đã làm cho các gia đình không phải tiết kiệm nhiều trong thu nhập của họ.
Sản lượng hàng xuất khẩu đến các nước ngoài khối EC đã tăng cao trong nửa đầu năm 1994, đặc biệt là các mặt hàng vải sợi, máy móc và thiết bị. Tình hình nhập khẩu, do đáp ứng nhu cầu cao trong nội địa, cũng gia tăng cao hơn mức trì trệ trước kia. Trong thời gian này, Italia đã có mức thặng dư 1,2% trong GDP của mình.