KHANG HỮU VI, NGỌN CỜ BIẾN PHÁP([1])
Mùa xuân năm 1895, đúng vào thời gian chính phủ Mãn Thanh do chiến bại trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ đang chuẩn bị kí với Nhật Bản Hiệp ước Mã Quan thiệt thòi quyền lợi, sỉ nhục đất nước, thì một vị cử nhân từ Nam Hải, Quảng Đông tới liên kết với hơn 1.300 người từ các tỉnh đến Bắc Kinh dự thi hội, cùng ký tên dâng bức Vạn ngôn thư (thư vạn lời) lên Hoàng đế, nêu lên các chủ trương khước từ kí hoà ước, dời kinh đô, kháng chiến, biến pháp để vươn lên v.v... Đây chính là cuộc dâng thư nổi tiếng trong lịch sử. Vị cử nhân khởi xướng việc này chính là Khang Hữu Vi, ngọn cờ biến pháp duy tân.
Khang Hữu Vi (1858 - 1927) người Nam Hải, tỉnh Quảng Đông. Thời thanh thiếu niên ông được giáo dục rất nghiêm khắc, mang hoài bão “trông coi thiên hạ''. Bắt đầu từ 1879 ông chịu ảnh hưởng của tư tưởng tư sản phương Tây, từng bước hình thành nên hệ thống tư tưởng biến pháp.
Năm 1888, lần đầu tiên ông dâng thư lên Hoàng đế xin biến pháp để tiến lên, nhưng thư không đến được tay Hoàng đế. Từ năm 1891, ông mở học quán Vạn mộc thảo đường ở Quảng Châu, làm công việc tuyên truyền và viết về lí luận biến pháp duy tân, đã cho ra đời các cuốn Tân học nguỵ kinh khảo và Khổng Tử cải chế khảo, đặt cơ sở lí luận cho cuộc vận động duy tân biến pháp sau này. Năm 1895, Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, học trò của ông, khởi xướng ra chuyện dâng thư lên Hoàng đế, đã có mặt ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, và cũng từ đó ông giành được địa vị lãnh tụ của cuộc vận động duy tân.
Trong vài năm sau đó, ngoài việc tiếp tục dâng thư lên Hoàng đế Quang Tự, Khang Hữu Vi còn tổ chức cường học hội, phát hành báo Trung ngoại kí văn và Cường học báo để cổ súy cho duy tân. Ông thành lập Bảo quốc hội, định ra điều lệ, nêu ra ý kiến xây dựng phân hội ở các địa phương kêu gọi biến pháp cứu nước. Ông dâng thư lên vua Quang Tự, trình bày tính tất yếu của duy tân biện pháp, chủ trương hội thề lớn trong quần thần quyết định việc đại sự của quốc gia, định ra hiến pháp. Ngày 11 tháng 6 năm 1898 (năm Mậu Tuất) Hoàng đế Quang Tự tiếp thu kiến nghị của ông, ban bố chiếu thư Minh định quốc thị (định rõ các việc lớn của quốc gia), tuyên bố biến pháp. Ít lâu sau, Hoàng đế Quang Tự lần đầu tiên triệu kiến Khang Hữu Vi, cho ông làm Tổng lí nha môn chường kinh. Trong thời kì biến pháp, Khang Hữu Vi liên tục dâng thư đề xuất các phương án, biện pháp biến pháp, ông trở thành người bày mưu tính kế chủ yếu của nền tán chính. Ngày 21 tháng 9, Thái hậu Từ Hi làm chính biến tống giam Hoàng đế Quang Tự, bắt giết bọn 6 người Đàm Tự Đồng, Khang Hữu chạy chốn sang Nhật Bản, cuộc duy tân biến pháp hơn 100 ngày đã thất bại. Đó là cuộc biến pháp Mậu Tuất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, và còn được gọi là cuộc duy tân 100 ngày.
Năm 1889, Khang Hữu Vi tổ chức Hội Bảo hoàng ở châu Mỹ, Nam Dương, Nhật Bản, tuyên truyền cho quân chủ lập hiến, phản đối làm cách mạng dân chủ. Sau cách mạng Tân Hợi, ông làm hội trưởng khổng giáo, phản đối thực hành nền cộng hoà năm 1917, Khang Hữu Vi cùng bọn Trương Huân mưu tính khôi phục ngôi Hoàng đế nhà Thanh cho vị Hoàng đế đã bị phế bỏ Phổ Nghi. Khang Hữu Vi đã từ một lãnh tụ duy tân biến pháp trở thành trùm sò của phái bảo hoàng. Năm 1927 ông chết bệnh ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.