Khi đàn ông khóc
Cảnh tượng cầu thủ bóng đá C. Ronaldo oà khóc khi đội Bồ Đào Nha thất bại trước Hy Lạp trong trận chung kết Euro là một trường hợp không kiềm chế nổi cảm xúc hiếm gặp ở cánh mày râu.
Nhưng các nhà tâm lý cho rằng việc khóc được là rất tốt cho sức khoẻ.
Mặc dù việc chảy nước mắt không còn là hành động nhi nữ trong thời đại bình đẳng giới ngày nay, thì một giáo sư lịch sử tại Đại học Warwick, Anh, đã tìm thấy giọt nước mắt đàn ông từ lâu đã là một vấn đề mang tính đẳng cấp.
Theo nghiên cứu, vào thời cận hiện đại ở Anh, để những giọt nước mắt được chấp nhận thì đàn ông chỉ có thể nhỏ lệ cho những lý do chính đáng. Nước mắt được coi là dấu hiệu của sự yếu đuối, kém cỏi, là sự sỉ nhục đối với những người đàn ông danh giá, vốn luôn được trông chờ biết kiểm soát cảm xúc của mình.
Giọt nước mắt thương tiếc người thân đã khuất thì có thể chấp nhận được, nhưng ướt mi vì lo sợ thì là điều đáng xấu hổ. Những giọt nước mắt của lòng trắc ẩn và thương xót chỉ có thể chấp nhận ở những người đàn ông “tầm thường”,
Ngày nay, hình ảnh cổ điển của trang nam nhi vẫn gắn liền với khả năng kiềm chế cảm xúc trước đám đông, nếu không muốn bị coi là yếu đuối. Những anh chàng phá bỏ nguyên tắc này sẽ không còn bị chỉ trích, nhưng sẽ bị coi là hiện tượng ngoại lệ và đáng trở thành một tin sốt dẻo. Chẳng hạn như cầu thủ bóng đá Paul Gascoigne đã trở thành biểu tượng quốc gia khi tức tưởi khóc trong vòng chung kết World Cup 1990.
“Cánh mày râu hiện đại vẫn xấu hổ khi khóc trước công chúng, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Thể thao có thể là một lối thoát chấp nhận được cho việc giải toả cảm xúc của đàn ông. Các cầu thủ có thể oà khóc mà không phải hổ thẹn cho dù là vì chiến thắng hay thất bại”, giáo sư Bernard Capp, tác giả nghiên cứu, tuyên bố.
Còn nhà tâm lý Ron Bracey thì cho rằng khóc là một hành động quan trọng để giải phóng hormone gây stress. “Sẽ rất tốt nếu để cảm xúc được giải toả. Đàn ông thường phong toả cảm xúc và để các vấn đề dai dẳng trong lòng. Như thế sẽ chỉ phát sinh stress và bệnh tật”.
(Theo BBC, Eurekalert)