KHOA CỬ THỜI ĐƯỜNG
Các khoa thi thời Đường nhiều loại nhưng chia làm hai loại khoa: Thường khoa là khoa thi định kỳ, Chế khoa là khoa thi bất định kỳ.
Thường khoa có các khoa chủ yếu: Tú tài, Minh kinh, Tiến sĩ và các khoa: Minh pháp, Minh tự, Minh toán.
Khoa Tú tài:
Tú tài vốn là một khoa Sát cử rất khó ở thời Hán, thời Tùy. Thời sơ Đường, khoa Tú tài cũng là một khoa thi khó nhất, ít người dự thi. Vì vậy khoa Tú tài dần bị bỏ.
Khoa Minh kinh:
Minh kinh cũng là một khoa Sát cử thời Hán. Minh kinh với hàm nghĩa. Thông hiểu về kinh sách Nho gia và sách Lão Tử (vì nhà Đường họ Lý nhận Lão Tử là tổ tiên của mình). Bài thi khoa Minh kinh là Thiếp kinh và Mặc nghĩa. Đến đời Đường Huyền Tông năm Khai Nguyên thứ 25 - năm 737 thêm Văn Sách.
Khoa Minh kinh chia thành tích người đỗ làm 4 loại: Giáp, Ất, Bính, Đinh.
Khoa Tiến sĩ:
Tiến sĩ cũng là một khoa Sát cử thời Tùy; khoa cử thời Đường cũng tổ chức khoa Tiến sĩ. Văn sách của khoa Tiến sỹ, ngoài nội dung kinh điển còn phải có thời vụ sách như trong khoa Minh kinh, còn đòi hỏi phải giàu chất văn học nữa. Đến Đường Cao Tông gia thêm tạp văn. Tới Đường Huyền Tông gia thêm thơ phú, và thơ phú trở thành bài thi quan trọng nhất, cho nên khoa Tiến sỹ còn gọi là Từ khoa và hậu thế gọi khoa cử thời Đường là: "Lấy thơ phú chọn sĩ” (Dĩ thơ phú thủ sĩ).
Chế khoa:
Các Chế khoa tổ chức bất thường theo chiếu chỉ nhà Vua, gọi là Chế khoa do thông nghĩa giữa hai tử Chế và Chiếu. Trong Chế khoa còn có khoa thi đặc biệt dành cho người tài xuất chúng gọi là Đặc khoa. Chế khoa thời Đường rất nhiều, những khoa nổi tiếng là: Hiền lương phương chính - Trực ngôn cực gián; Bác thông văn điện – Đại vu giáo hóa; Quân mưu hành viễn - Kham niệm tướng soái v.v...
Chế khoa cũng do Hoàng đế chủ trì, người đỗ xếp thành hai hạng mỹ quan và xuất thân và khi bổ dụng thường thấp hơn Tiến sĩ.
Khảo khóa:
Ở đời Đường, sĩ nhân đã đỗ Tiến sĩ là khoa thi được đề cao nhất rồi cũng chưa được làm quan ngay, họ phải qua kỳ thi nữa tại Bộ Lại đó là Khảo khóa còn gọi là Triều khảo hay Thích hạch rồi mới được bổ quan. Bốn tiêu chuẩn chọn theo: 1- Thể hình, 2 - Ngôn từ, 3 - Viết chữ, 4 - Nghị luận.
Cách thức khoa cử:
Khoa cử thời Đường, chia làm hai cấp độ: Thủ giải thí là thi cấp địa phương (tương đương với thi Hương sau này) cử hành vào mùa Thu, còn gọi là Thu thí sau này gọi là Thu vi.
Thi Trung ương là Sảnh thi, khoa thi do Thượng thư sảnh phụ trách; sau chuyển sang Bộ Lễ phụ trách, vẫn giữ nguyên tên gọi Sảnh thí, và còn gọi là Lễ bộ thí hay Lễ vi.