Kiến trúc Hampi
Vào đầu thế kỷ XIV, khi những người Hồi giáo miền Bắc Ấn Độ tràn xuống phía Nam để xâm chiếm tiểu lục địa này, thì trên cao nguyên Deccan thuộc miền Nam Ấn Độ, người ta xây dựng một thành trì lớn, một nền văn hóa của đạo Hindu. Đó chính là thành phố Vijayanagar nằm gần làng Hampi ngày nay. Thành phố này do hai vị thầy dòng Hindu giáo có nhiều tham vọng khởi xướng xây dựng. Và chẳng bao lâu thành phố này trở thành trung tâm của vương triều Vijayanagar rộng lớn thống trị miền Nam Ấn và ngăn chặn, kiểm soát quân đội Hồi giáo hơn 200 năm.
Các phòng tuyến phòng thủ tự nhiên rất lợi hại cho quân đồn trú, vì vậy thành phố này khó lòng bị tấn công. Các dòng nước của sông Tungahaddra chảy xiết đã bảo vệ vững chắc suôn phía Bắc thành phố. Và các mô đá granit nhô lên ngăn cản sự tiếp cận vào thành phố. Tuy vậy, các vị vua của vương triều Vijayanagar đã không tận dụng lợi thế này. Họ đã cho xây trên một khu đất có thành bao quanh để củng cố cho việc phòng thủ. Bốn khu đất bên ngoài thành có các cung điện, đền thờ và các dinh thự. Ba khu bên ngoài thành là những khu đất canh tác. Bất chấp mọi cuộc chiến tranh xảy ra thường xuyên với các nước láng giềng và không một kẻ thù nào có thể vây hãm tấn công được thành phố này cho tận tới 1565.
Tại trung tâm thành phố là một quần thể các dinh thự của Hoàng gia, bao gồm dinh thự cho Đức vua, và đoàn tùy tùng rất đông của vua như vợ, con, thê, thiếp, các cố vấn, lính gác và người hầu. Ngay cả những con voi cũng được sống ở đây trong một cái chuồng được xây rất nguy nga, trên có mái vòm và trang trí bằng hoa văn thạch cao. Mỗi năm triều đình đứng ra đón tiếp và chiêu đãi các sứ thần, thống sứ và những người đứng đầu trong triều. Lễ đón tiếp diễn ra suốt ngày. Vào đầu những năm 1500, thương gia người Bồ Đào Nha là ông Dimingo Paes, đã từng tham dự các cuộc lễ đón tiếp này theo lời mời của đức vua. Hết sức ngạc nhiên và không tưởng tượng nổi trước sự phô trương quyền lực và giàu có, Paes đã đứng lặng người, xem các nghi lễ tôn giáo được tiến hành rất công phu, tỉ mỹ, các cuộc diễu hành, các trận đấu vật, bắn pháo hoa và các màn trình diễn của hàng trăm vũ nữ dịu dàng, duyên dáng. Khi đi duyệt đội quân danh dự Hoàng gia, ông đã không thể nhìn thấy đâu là đồng bằng hay đồi núi, bởi ở đây toàn quân là quân... ông tưởng chừng như cả thế giới tụ họp về đây.
Ngày nay lúa, mía và cỏ đã mọc trên một số đường phố cũ. Sự toàn vẹn của các khu khác cũng bị đe dọa vì do xây dựng những công trình mới Hampi là một nơi có rất nhiều người đến, trong đó có những người hành hương.
Các công trình kiến trúc được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa thế giới năm 1986.