Tài liệu: Lào - Nghệ thuật

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trong nhiều thế kỉ, Lào là mục tiêu cho sự thống trị và lòng tham của các thế lực ngoại bang.
Lào - Nghệ thuật

Nội dung

Nghệ thuật

Trong nhiều thế kỉ, Lào là mục tiêu cho sự thống trị và lòng tham của các thế lực ngoại bang. Các thị trấn, thành phố của Lào bị cướp bóc và lấy đi các báu vật. Nhưng thật đáng ngạc nhiên khi di sản văn hóa Lào vẫn còn tồn tài nhiều đến thế.

Mặc dù có nguồn gốc từ các nước láng giếng, nền văn hóa Lào được nhìn nhận là khác biệt so với nền văn hóa của các nước khác ở Đông Nam Á. Lào có nền nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, chữ viết, ngành thủ công, y phục và phong tục riêng. Tuy nhiên, nhiều thập kỉ chiến tranh, nội chiến và cách mạng đã để lại nhiều dấu ấn trên đất nước này. Ngày nay, khi hòa bình, an ninh và sự phát triển đã đến với những quốc gia từng có lịch sử chinh chiến dọc sông Mêkông, thì một cuộc hồi sinh dù còn khiên tốn của nền nghệ thuật Lào cùng đang diễn ra.

Văn chương

Nhiều đề tài và hình thức văn chương của Lào, giống như Thái Lan và Campuchia, mang đậm dấu ấn ảnh hưởng văn học Ấn Độ. Nguồn gốc văn chương Lào dựa trên cơ sở nền văn học truyền miệng. Những tác phẩm còn tồn tại đến ngày nay bao gồm các bản anh hùng ca và tiểu thuyết bằng thơ. Nhiều trong số các tác phẩm này được phổ nhạc và được các ca sĩ hát rong đi biểu diễn khắp trong nước. Tác phẩm nổi tiếng nhất là bản anh hùng ca Sin xay.

Những kĩ năng viết lách mới được du nhập cùng lúc với đạo Phật vào thế kỉ XIV. Những câu chuyện truyền thuyết cổ điển tập trung vào tình yêu, những chiến công anh hùng, thần thoại và lịch sử của thần thánh dần dần được ghi lại. Văn chương tôn giáo, như những chuyện Jataka, kể về sự đản sinh và các tiền kiếp của Phật. Một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi, liên quan đến huyền thoại về dấu chân Đức Phật phát hiện được trên núi Phousi ở Luông Phrabăng. Cũng có một vài cuốn sách viết về đề tài tôn giáo dựa trên những khái niệm Phật giáo. Văn chương tôn giáo vay mượn nhiều nhân vật từ thế giới thần thánh Ấn Độ. Prahin hay Indra, là một nhân vật phổ biến trong văn chương cổ điển Lào.

Biên niên sử là một hình thức khác của văn chương, đa số là do các tác giả khuyết danh viết bằng chữ Pali. Nổi tiếng nhất là truyền Nilan Khua Borom kể về sự nghiệp của Vua Khoun Borom. Nhiều truyền và tiểu thuyết Lào dựa trên bộ truyện chính thống của Ấn Độ gọi là Panchatantra. Phiêu lưu và dị thường là những đặc điểm chính của những câu chuyện này.

Những truyện về động vật có tính cách của con người cũng rất quen thuộc với người Lào. Những truyện trong số đó khiến ta nhớ lại ''Truyện ngụ ngôn của Aesop''. Trong số này có truyện ''Con bò'', ''Những con ếch'', ''Con quỷ'' và ''Những con chim''.

Sử thi Ramayana của Lào

Ramayana hay Ramakien, là một vở kịch thơ anh hùng ca do thi sĩ Ấn Độ Valmili viết. Vở kịch kể về nhà vua Ấn Độ Rama và vợ ngài, Sita, đi chu du khắp các vùng đất ở Đông Nam Á ảnh hưởng của vở kịch đối với nghệ thuật và văn hóa vùng này là vô cùng to lớn.

Bản phóng tác Ramayana của Lào có tên là Pra Lai Pra lam. Mặc dù dựa theo nguyên tác về cuộc đời của Rama và Sita, nhưng phiên bản Lào có những nét độc đáo riêng. Hành động kịch không diễn ra ở Ấn Độ mà là dọc theo thung lũng sông Mêkông. Hai trang đầu tiên trong phiên bản Lào vẽ ra bối cảnh với những mô tả về địa lí và phong cảnh của Lào.

Những nhân vật phụ, chuyện thần thoại và chuyện dân gian địa phương đã được thêm vào nguyên bản. Mặc dù câu chuyện về cơ bản vẫn như trong bản gốc nhưng bối cảnh đã thay đổi và các nhân vật được cải biến khéo léo đến nỗi mọi người dân Lào đều coi cốt truyện và những ý nghĩa đạo đức của câu chuyện là của riêng họ.

Biểu tượng Naga

Nghệ thuật và truyền thuyết của Lào có rất nhiều những câu chuyện và hình ảnh về Naga. Naga hay như người Lào vẫn thường gọi là nak, là con rắn thần thoại tương tự như con  rắn hổ mang. Naga là một biểu tượng quan trọng ở Đông Nam Á thậm chí còn có từ trước khi đạo Phật và đạo Hồi đu nhập vào vùng này.

Naga vừa là biểu tượng của sự hủy diệt, vừa là biểu tượng của sự tái tạo. Trong thần thoại Hindu và Phật giáo, Naga chính là kẻ gây ra nạn đại hạn trên khắp trái đất sau khi hút cạn hết tất cả nước. Một truyền thuyết Khmer cổ kể rằng vì thấy lãnh thổ của mình phải chịu đựng nạn hạn hán khủng khiếp, một vị vua đã bắn pháo thăng thiên lên trời. Thần Shiva rất vừa lòng với hành động đó nên bà cho mưa xuống. Nhiều pháo thăng thiên dùng trong Lễ hội Tên lửa và tháng Năm được trang trí cho giống với Naga.

Người ta tin rằng Đức Phật được bảo vệ bằng mũ của Naga khi ngài đối mặt với vua quỷ Mara. Hình tượng Naga có mặt trên khắp nước Lào, với cái miệng luôn há to và đầu trông giống như đầu rắn hoặc đầu rồng. Naga thường được dùng để nâng đỡ các mái đền, chùa Naga năm hay bảy đầu thường bảo vệ trước cổng vào chùa. Những Naga một đầu với thân hình dài phi thường, thường được dùng để làm trang trí cho lan can của những bậc thang lên các chùa trên đỉnh núi. Chúng nằm đó như nhắc nhở du khách nhớ tới biểu tượng của chúng như cây cầu nối giữa hai thế giới: thế giới trần tục và thế giới thần linh. Chúng là một thí dụ rất nổi bật về việc những biểu tượng thần thoại, truyền thuyết và văn học dân gian cổ ở Lào được hòa trộn, đan xen với Phật giáo chính thống như thế nào.

Chạm khắc gỗ

Người Lào từ lâu đã rất xuất sắc trong nghệ thuật chạm khắc gỗ. Những người thợ thủ công khéo tay đã tạo nên nghệ thuật trang trí tôn giáo trong nhiều thế kỉ. Những tấm biển lớn bằng gỗ teak trang trí hình cuộn trên các mặt tượng đền chùa mô tả những cảnh trong pho sử thi Ramayana hoặc trong các câu chuyện thần thoại địa phương.

Trên bề mặt cửa lớn và cửa sổ đền chùa thường được trang trí những mẫu hoa lá và hình người dày đặc nhưng rất hài hòa. Chúng thường được vẽ bằng màu đỏ hay mạ vàng. Đầu hồi mái chùa được làm bằng gỗ hay vữa trát trang trí với chạm khắc phong phú. Những đầu đao của mái chùa cong vút lên trên để móc các ác hồn không cho xâm phạm đến ngôi chùa.

Nhiều tượng Phật đặc sắc được làm bằng gỗ, và những bức tượng đẹp loại này có thể thấy trong các chùa ở Viên Chăn và Luông Phrabăng. Một chiếc xe tang ngựa kéo của hoàng gia trang trí lộng lẫy được đặt ở chùa Wat Xiêng Thong, làm bằng gỗ có chạm khắc và mạ vàng. Mũi xe có hình một Naga năm đầu.

Những tác phẩm chạm và điêu khắc làm bằng gỗ quí có thể thấy trên cửa lớn, cửa chớp, đầu hồi của những ngôi chùa mới được trùng tu và xây dựng lại, chứng tỏ nền nghệ thuật Lào vẫn có một sức sống mãnh liệt.

Những phế tích Khmer

Sự kết hợp giữa địa thế cao và nguồn nước dồi dào đã bảo đảm cho vùng Phu Pasak gần Cham Pasak ở Nam Lào trở thành một vùng đất thiêng liêng. Các tu sĩ Chenla thuộc nền văn minh trước nền văn minh Khmer đã xây dựng các đền đài thờ thần núi và thần sông tại đây Ngôi đền theo hình dạng ''linga'' (sinh thực khí nam giới) đã được xây dựng ở đây ngay thế kỉ thứ VI và VII.

Wat Phu, ngôi đền Khmer vĩ đại nhất trong nước được xây dựng vào thế kỉ X để thờ  nữ thần Shiva. Các nhà khảo cổ tin rằng có lẽ đã từng tồn tại một con đường nối trực tiếp Wat Phi với Đế Thiên (Angkor Wat) của Campuchia cách đó 97 km.

Những bức phù điêu của các vị thần và nữ thần ấn giáo được bảo quản rất tốt vẫn còn làm đẹp cho cổng chính và mặt trước đã đổ nát của ngôi đền. Về sau Wat Phu được cải tạo thành chùa Phật giáo. Ngọn núi với dòng suối thiêng phía sau chùa là điểm trung tâm của việc thờ phụng và thiền định của các rishi (tức các bậc ẩn tu khổ hạnh) từ thế kỉ XI.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2953-02-633560265335312500/Van-hoa/Nghe-thuat.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận