Tài liệu: Lâu đài Himeji – Jo

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vào khoảng những năm 1500 sau CN, nhiều lâu đài vừa là pháo đài, mọc lên khắp nơi trên đất nước, mà mỗi lâu đài thể hiện quyền lực tối cao của một lãnh chúa.
Lâu đài Himeji – Jo

Nội dung

Lâu đài Himeji – Jo

Vào khoảng những năm 1500 sau CN, nhiều lâu đài vừa là pháo đài, mọc lên khắp nơi trên đất nước, mà mỗi lâu đài thể hiện quyền lực tối cao của một lãnh chúa. Nước Nhật thời bấy giờ là một quốc gia bị cát cứ, mỗi lãnh chúa hùng cứ một phương trời, mà người nào cũng muốn vươn lên làm bá chủ, với biểu tượng là những pháo đài kiên cố, đồ sộ. Mỗi một lâu đài là thể hiện “quyền lực quốc gia riêng”, một nền cai trị riêng, với một quân đội hùng mạnh riêng, chứa đầy tham vọng thâu tóm bằng bạo lực.

Trong số các lâu đài của các lãnh chúa cát cứ thời bấy giờ nổi lên là lâu đài Edo (ở Tokyo), Nagoyo, Osaka, Himeiji và Kumamoto.

Lâu đài của từng lãnh chúa cát cứ mỗi vùng, tiếng Nhật gọi là Tenshu. Mỗi Tenshu đều được thiết kế xây dựng gần giống nhau, vừa dùng để phòng thủ vừa làm nơi trú ngụ của một tiểu “triều đình”. Kiến trúc Tenshu đại thể là một tòa thành khổng lồ với 4 cung điện hình tháp nằm ở bốn góc và một tháp chính ở giữa. Đầu tiên các Tenshu được xây bằng gỗ, cao 7 tầng, mái lợp ngói lưu li lượn sóng.

Theo bố trí, 4 tòa tháp xây dựng ở 4 góc tường, quay ra 4 hướng. Đó là phương án phòng thủ hữu hiệu nhất để đối phó với mọi cuộc tấn công từ bên ngoài vào. Tòa tháp chính giữa lâu đài dành cho lãnh chúa trú ngụ. Xung quanh tòa tháp chính là một ngự hoa viên với dãy hòn non bộ, sinh động, rực rỡ, đẹp mắt. Bao quanh toàn bộ tòa lâu đài là 3 lớp tường thành phòng thủ, bên ngoài còn có hào sâu bao bọc. Có một đồn chỉ huy thống nhất được nối thông với 4 hướng.

Căn cứ vào cách bố trí của lâu đài, người ta có thể đánh giá sức mạnh và sự giàu có của lãnh chúa. Nó không chỉ là bộ mặt phô trương mà còn là nơi ấn náu.

Mỗi vòng rào phòng thủ đều có tên gọi riêng. Vòng ngoài cùng gọi là Sannamaru, vòng giữa gọi là Ninomaru, vòng trong cùng gọi là Hanmaru, vòng trong cùng thường cao 20 mét. Người Nhật xây tường thành theo phương pháp “đá nhô”, nghĩa là các khớp đá được xếp vào nhau và bám vào nhau bằng độ lồi và phần lõm đút khít vào nhau. Là một vùng thường xảy ra động đất, nên trong kỹ thuật xây dựng cho phép các tảng đá tự do rung lắc một cách tự chủ.

Dọc bờ tường, người ta chừa những lỗ châu mai để phóng tên lửa và bắn súng, đối phó với các cuộc tấn công của kẻ thù.

Thời kỳ người ta xây dựng nhiều lâu đài nhất là vào khoảng năm 1575 đến 1615. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi khoảng 40 năm mà đã có 100 lâu đài mọc lên của 100 lãnh chúa.

Vào nửa thế kỷ XVI Oda Nobunnaga, một lãnh chúa thống trị miền Trung Nhật Bản cho xây dựng một tòa lâu đài cực kỳ lớn và kiên cố trên bờ phía Đông và hồ Biwa, tại cửa ngõ của tất cả các con đường dẫn vào Tokyo, nơi có Hoàng cung của nhà vua. Lâu đài này gọi Azuchi - Jo, một pháo đài đầu tiên ở vùng đồng bằng. Việc xây dựng lâu đài không chỉ nhằm mục đích quân sự mà còn là quyền lực chính trị. Công trình bắt đầu xây dựng từ 1567 và sau 3 năm đã hoàn tất, một Tenshu cực lớn với 7 tầng cao.

Năm 1871, chính quyền, trung ương quyết định bỏ bớt nạn “sứ quân”, cát cứ. Kết quả từ con số 186 lâu đài đến 1869 chỉ còn lại 50 cái.

Qua bao nhiêu bước thăng trầm của lịch sử, cuối cùng trên toàn bộ lãnh thổ Nhật chỉ còn lại 37 tòa lâu đài cổ. Nhưng trong số này chỉ có 12 cái còn hình dáng nguyên thủy của một Tenshu. Trong số lâu đài may mắn còn lại đến ngày nay, đó là Kumamoto với chu vi tường rào bao quanh lâu đài đến 9 km. Bên trong tường rào là một hoa viên bao quanh các cung hình tháp. Ngoài ra còn có Matsumoto, Matsuyama, Matsue. Nhưng trong sổ còn tồn tại đến ngày nay, cái đẹp nhất là Himeji. Himeji là công trình của nhà kiến trúc lừng danh thế kỷ XVII Ideda Terumasa. Lâu đài này được xây từ năm 1608 đến năm 1613 mới hoàn thành. Tenshu này ngoài quy mô rộng lớn, nó còn có chiều cao chóng mặt vào thời đó là 46 mét. Vì thế mà người ta coi pháo đài Himeji là một báu vật cổ.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4138-02-633705432119216994/Nhat-Ban/Lau-dai-Himeji--Jo.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận