Tài liệu: Môi trường trái đất

Tài liệu
Môi trường trái đất

Nội dung

MÔI TRƯỜNG TRÁI ĐẤT

Trái đất là bà mẹ của con người, loài người sống một phút cũng không thể rời trái đất. Cùng với sự phát triển của khoa học kỷ thuật, trái đất đã cung cấp cho loài người các nguồn của cải vật chất quí báu, làm cho đời sống của  nhân loại không ngừng được nâng cao. Nhưng đồng thời cũng đã xuất hiện một vấn đề mới: Trái đất - môi trường sinh sống của loài người, đang liên tiếp bị hủy hoại và ngày càng nghiêm trọng. Có nhà khoa học đã phải thốt lên. “Môi trường bị phá hoại là một tai họa lớn của nhân loại, nghiêm trọng chẳng khác gì sự hủy diệt của bom nguyên tử!”. Ngày nay, vấn đề bảo vệ môi trường đã dần dần được các nước trên thế giới nhận thức ra và nhân loại đã có chung một lời kêu gọi: Hãy cứu lấy trái đất! Hãy cứu lấy loài người!

Hiện nay, môi trường trái đất tồn tại các vấn đề sau:

1- Khí hậu trái đất nóng dần lên. Khí hậu trực tiếp chịu ảnh hưởng của những nguyên tố hóa học trong không khí. Những chất khí độc như điôxít xunphua, điôxít cacbon v.v... do ngành công nghiệp thải lên bầu trời ngày càng nhiều, tạo ra “Hiệu ứng lồng kính” và làm cho khí hậu nóng dần lên. Người ta dự tính đến giữa thế kỷ 21, khối lượng điôxít cacbon trong không gian sẽ tăng lên gấp đôi, khí hậu trái đất trung bình tăng lên 3oC, nó sẽ làm cho băng tuyết ở Nam, Bắc cực tan ra và nước biển sẽ dâng cao, thiên tai xảy ra nhiều hơn và hậu quả chắc chắn vô cùng nghiêm trọng đối với loài người.

2- Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Có một thời diện tích rừng trên trái đất đạt 7,6 tỷ ha, đến đầu những năm 90 thế kỷ 20 đã giảm xuống còn 2,6 tỷ ha. Hiện nay, trên toàn thế giới mỗi năm mất đi khoảng 20 triệu ha rừng. Rừng ngày càng bị thu hẹp, trực tiếp ảnh hưởng đến sự thay đổi của khí hậu trái đất và sự sinh tồn của các sinh vật.

            3- Tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài tăng nhanh. Theo các chuyên gia phân tích, các đông thực vật trên trái đất trước đây có tới 25 triệu giống loài, hiện nay chỉ còn từ 5 triệu đến 10 triệu. Ngày nay, trên trái đất bình quân mỗi ngày có một loài sinh vật bị tuyệt chủng. Đến thế kỷ 21, tổng số loài sinh vật bị tuyệt chủng có khả năng lên tới con số hàng triệu.

4- Bầu khí quyển bị ô nhiễm nghiêm trọng. Con người trong sinh hoạt và sản xuất mỗi năm thải vào không gian hàng trăm triệu tấn khí cacbon. Những chất khí có hại ngày càng nhiều làm cho bầu khí quyển bị ô nhiễm. Hàm lượng oxy trong không khí ở các thành phố giảm xuống rõ rệt, trong khi hàm lượng cacbon cũng tăng lên rõ rệt. Không khí không được trong lành trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

 5- Nguồn tài nguyên nước không cung cấp đủ. Khối lượng nước ngọt sử dụng trên toàn thế giới tăng lên chưa từng thấy. Tính từ năm 1900 đến năm 1980, lượng sử dụng nước ngọt tăng gấp 6 lần. Trên thế giới đã có 60% khu vực không đủ nước cung cấp, trong khi đó tình trạng nước bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Hàng năm, toàn thế giới có 4,5 tỷ tấn nước bẩn thải ra sông ngòi hồ biển, rất nhiều vùng đã nhiễm dịch bệnh do dùng phải nước bẩn.

6- Diện tích ruộng đất bị thu hẹp. Trên thế giới, tính ra hàng năm mất đi 300 triệu mẫu ruộng đất do nguyên nhân bị sa mạc hoá, mặn hoá đất đai. Chỉ riêng đất đai bị sa mạc hóa, hàng năm trên thế giới đã mất đi từ 50 đến 70 nghìn km2. Đất canh tác bình quân cho mỗi người trên thế giới hiện nay chỉ bằng một nửa năm l969 và đang có chiều hướng thu hẹp nhiều hơn nữa.

7- Các vật phế thải trở thành tai họa. Cùng với sự phát triển của công nghiệp, của khoa học kỹ thuật, và sự tăng trưởng nhanh chóng số cư dân thành thị, rác rưởi và các vật phế thải cũng tăng lên với tốc độ ghê người. Trong đó,  chỉ riêng những vật phế thải nguy hiểm đến sự sống còn của loài người hàng năm có tới 500 triệu tấn. Tháng 3 năm 1988, cuộc họp của hơn 100 nước đã cảnh báo: Những chất phế thải nguy hiểm đang uy hiếp sức khỏe và môi trường  sống của toàn thể loài người.

8- Các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt. Theo các tài liệu điều tra, dự tính thời hạn khai thác của một số khoáng sản trên trái đất như sau: bạc: 20 năm; sắt: 172 năm; dầu hỏa: 40 năm; nhôm: 38 năm; đồng: 64 năm; mangan: 164 năm. Vậy là, những tài nguyên khoáng sản đó sẽ có một ngày cạn kiệt.

9- Thuốc dùng trong nông nghiệp gây tác hại nghiêm trọng. Lượng thuốc dùng trong nông nghiệp trên thế giới ngày càng nhiều. Việc sản xuất và sử dụng chúng đã làm ô nhiễm môi trường, đất đai, thực phẩm và nguồn nước. Hàng năm trên thế giới có khoảng một triệu người trúng độc vì sử dụng các loại thuốc đó.

10- Dân số tăng quá nhanh. Trái đất của chúng ta, trong khi diện tích đất trồng trọt ngày càng bị thu hẹp, những khu rừng nhiệt đới đang bị mất dần, các nguồn tài nguyên dần bị cạn kiệt, môi trường tự nhiên ngày càng xấu đi, thì dân số lại tăng quá nhanh và tốc độ tăng trưởng ngày càng lớn. Dự tính đến năm 2099, trái đất sống chen chúc khoảng 11 tỷ đến 12 tỷ người. Dân số tăng quá nhanh đã trở thành nguồn gốc của nhiều tai họa trên thế giới.

Đứng trước hiểm họa về môi trường, loài người đang tìm những biện pháp thống nhất để bảo vệ môi trường, bảo vệ chính mình.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/822-02-633368496744687500/The-gioi-ngay-nay/Moi-truong-trai-dat.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận