MẶC TỬ (KHOẢNG 478 – 392 TR.CN)
Trong cuộc đấu tranh tư tưởng học thuật rộng lớn diễn ra ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, Mặc Tử (tức Mặc Định) và thuyết Kiêm Ái (Yêu thương rộng khắp) của ông đã có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng, đến nỗi Mạnh Tử - bậc Á Thánh của Nho gia đã từng phải phẫn uất lên án: “Ta đâu có thích biện bác. Chỉ là bất đắc dĩ đó thôi... Cái học của Dương Chu, Mặc Địch đầy dãy cả trong thiên hạ. Người trong thiên hạ không theo Dương thì theo Mặc. Dương Chu chủ trương thuyết vi ngã, như vậy là không có Vua; Mặc Địch chủ trương thuyết kiêm ái, như vậy là không có cha… Không có Vua, không có cha là loài cầm thú. Nếu học thuyết của Dương Chu, Mặc Địch không bị dập tắt thì Đạo của Khổng Tử không thể sáng tỏ... Tà thuyết lừa người sẽ làm bại hoại nhân nghĩa. Nhân nghĩa đã bại hoại thì chẳng khác gì xua giống cầm thú ra ăn thịt người, rồi đến lượt người sẽ ăn thịt lẫn nhau. Ta sợ điều đó nên cố giữ lấy Đạo tiên Thánh, chống lại họ Dương, họ Mặc... " (Mạnh Tử - Đằng Văn công – hạ).
Dương Chu là người chủ trương thuyết vị ngã (vì mình) cực đoan, chỉ quan tâm đến bản thân mình, ''dù chỉ cần nhổ một sợi lông mi làm lợi cho cả thiên hạ cũng không làm”, Mặc Địch thì ngược lại đề cao thuyết ''Kiêm ái'', dù có phải mòn chân mỏi gối nhưng có lợi cho thiên hạ thì cũng vẫn cứ làm (Mạnh Tử - Tận tâm - thượng). Thuyết của Dương Chu tuy cũng có người noi theo nhưng ảnh hưởng không sâu rộng. Chính vì vậy, về thuyết của Dương Chu, nay chỉ còn thấy vài đoạn lẻ tẻ rời rạc ghi trong sách của các môn phái khác. Còn học thuyết của Mặc Địch thì ngay ở đương thời thôi đã đủ sức kình địch với “bách gia”, kể cả Nho gia, và hoạt động cũng như ngôn luận của Mặc Địch cùng các môn đồ đối với chúng ta ngày nay vẫn còn sức hấp dẫn lôi cuốn.
Mặc Địch, được liệt vào hàng ngũ chư tử, nên cũng gọi là Mặc Tử, sinh vào khoảng năm 478 Tr.CN mất vào khoảng năm 392 Tr. CN, xứng đáng được coi là nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc Cổ đại. Bản thân Mặc Địch vốn cũng là môn đồ của Nho gia nước Lỗ, sau lại trở thành người kịch liệt chống lại học thuyết Nho gia qua việc sáng lập một học phái riêng - học phái Mặc gia với rất đông môn đồ có ảnh hưởng sâu rộng đương thời. Xuất thân từ hoàn cảnh nghèo hèn, Mặc Tử đã từng bị Vua chúa và kẻ sỹ đương thời gọi là ''tiện nhân'' (Kẻ nghèo khổ không có địa vị trong xã hội).
Ông là người tài ba khéo léo, tương truyền ông đã chế ra chim gỗ bay được, lại giỏi về binh bị và là người có đầu óc thực tiễn. Học thuyết của ông về cơ bản tiêu biểu cho lợi ích của tầng lớp thợ thủ công, nông dân tự canh và thương nhân nhỏ thời cuối Xuân Thu đầu Chiến Quốc.
Trong học thuyết của Mặc Tử và phái Mặc gia sơ kỳ, mặt tiến bộ và mặt bảo thủ thường xen kẽ nhau. Nhìn chung có thể nói rằng, về mặt tư tưởng chính trị xã hội, những yếu tố tiến bộ chiếm một phần đáng kể, còn mặt thế giới quan thì mang rặng màu sắc duy tâm thần bí. Như chúng ta đã biết, cuối Xuân Thu, xã hội Trung Quốc trải qua những biến động rất lớn: Giai cấp thống trị đương thời đã bộc lộ rõ sự tha hóa và vai trò kìm hãm xã hội phát triển. Dân chúng lầm than, khổ sở điêu đứng dưới ách lao dịch, tô thuế nặng nề và chiến tranh kiêm tính diễn ra liên miên. Để “cứu vớt thiên hạ”, xuất phát từ lợi ích của các giai tầng tiểu tư hữu nói trên, về mặt chính trị, Mặc Tử cùng phái Mặc gia sơ kỳ nêu cao chủ trương “thượng hiền'' (trọng dụng nhân tài); cho rằng tài năng và đạo đức là hai tiêu chuẩn chủ yếu cần phải dựa vào đề lựa chọn người cai trị dân chúng, qua đó nhằm chống lại nền chuyên chính quý tộc và đường lối chính trị ''thân thân'' (chỉ tin cẩn người gần gũi cùng huyết thống dòng họ). Mặc Tử và phái Mặc gia sơ kỳ cho rằng dù là thợ thủ công, là nông dân, là những người bị coi là nghèo hèn; nhưng nếu có tài năng, đạo đức thì vẫn phải được trọng dụng. Họ chủ trương xóa bỏ ranh giới phân biệt "quý tiện'' (sang hèn) mà giai cấp thống trị đương thời muốn coi là chân lý vĩnh cửu không bao giờ thay đổi. Chủ trương này ở thời bấy giờ có ý nghĩa tiến bộ rất lớn. Về mặt tư tưởng luân lý, Mặc Tử và phái Mặc gia sơ kỳ đề cao thuyết ''Kiêm ái'', khuyên mọi người nên yêu thương rộng khắp, không phân biệt thân sơ xa gần, nên quan tâm chăm sóc người khác như quan tâm chăm sóc bản thân mình; như vậy sẽ xóa bỏ được mọi hiện tượng bất công, bất hợp lý trong xã hội; do đó sẽ diệt trừ được tận gốc mọi mầm mống gây nên sự rối loạn, đưa xã hội tới chỗ yên vui thái bình. ''Kiêm ái" về thực chất là một điều không tưởng trong xã hội có giai cấp đương thời. Cho rằng mọi sự rối loạn, phi lý bất công trong xã hội đều là do từ chỗ ''không yêu thương lẫn nhau'' mà ra là một quan điểm thuần túy duy tâm. Chủ trương ''Kiêm ái" trên những khía cạnh nhất định tuy có nhằm chống lại quan điểm tông pháp thế tộc, nhưng về mặt khách quan nó đã góp phần làm tê liệt ý chí đấu tranh của quần chúng lao khổ. Mặc Tử còn đề xuất một chủ trương quan trọng khác nữa là ''phi công" nhằm chống lại các cuộc chiến tranh thôn tính đang diễn ra rất ác liệt và thường xuyên ở thời bấy giờ. Mặc Tử không phải là người chán ghét chiến tranh nói chung. Ông đã cùng các môn đồ vượt đường xa ngàn dặm đến giúp nước Tống chống lại sự xâm lăng của nước Sở, với tinh thần quyết chiến không ngần ngại trước bất cứ sự hy sinh nào, kể cả sự hy sinh tính mạng. Thiên Công Thâu sách Mặc Tử có đoạn chép: ''Công Thâu Bàn chế tạo cho nước Sa một khí cụ chiến trận gọi là ''thang mây'' (chuyên dùng để công thành), làm xong sẽ dùng để đánh nước Tống. Mặc Tử nghe tin, khởi hành từ nước Tề, đi liền mười ngày đêm đến Sính Đô, vào gặp Công Thâu Bàn. Công Thâu Bàn hỏi. "Thầy đến đây có điều gì dạy bảo chăng?”. Mặc Tử nói: ''Phương Bắc có kẻ làm nhục ta, nay muốn nhờ tay ông giết hắn đi!''. Công Thâu Bàn nghe nói, có vẻ khó chịu lắm, Mặc Tử lại tiếp: ''Xin biếu ông ngàn vàng”. Công Thâu Bàn nói: "Tôi là người hành động theo chính nghĩa cho nên không thể (tùy tiện) giết người!”.
Mặc Tử liền đứng dậy, vái hai vái mà nói rằng: "Vậy tôi xin trình bày mấy ý kiến sau đây. Tôi ở phương Bắc, nghe tin ông chế tạo được cái thang, sẽ đem dùng để tấn công nước Tống, vậy thì nước Tống có tội tình gì. Nước Sở, đất thì thừa mà dân thì thiếu. Nay giết cái đang thiếu để tranh lấy cái đã thừa, như vậy không thể cho là sáng suốt được. Nước Tống không có tội gì mà đem quân đánh, như vậy không thể coi là có đức nhân; ông biết việc đó là bất nhân nhưng vẫn không trình bày mọi lý lẽ để can ngăn Vua Sở, như vậy không thể coi là có đức trung; nếu đã can ngăn nhưng lại không can ngăn đến cùng, cho tới khi đạt được kết quả (Sở không đánh Tống nữa) mới thôi thì như vậy không thể coi là người kiên cường. Ông nói: Vì nghĩa nên không giết người tôi nhờ (ông giết), như vậy là vì nghĩa mà không giết một người nhưng lại giúp Sở đánh Tống để giết hại nhiều người, như vậy không thể được coi là người biết đúng sai, phải trái!”.
Như vậy là Mặc Tử chỉ chống lại những cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược, kiêm tính đất đai, tàn hại dân lành và ông sẵn sàng tham gia những cuộc chiến tranh chính nghĩa, có tính chất phòng vệ. Điều này được Mặc Tử trình bày rõ hơn trong thiên Phi công sách Mặc Tử. Trong thiên luận thuyết này, ông nghiêm khắc lên án những kẻ phát động chiến tranh xâm lược và bọn “quân tử” cố tình đổi trắng thay đen, đem ba tấc lưới và ngòi bút dơ bẩn ca tụng bọn ăn cướp nước người, coi chúng là bọn ''bất nhân, bất nghĩa" lớn nhất. Thông cảm với những nỗi khổ cực của dân chúng, Mặc Tử còn đề xướng chủ trương “tiết dụng” (tiết kiệm trong chi dùng), “tiết táng” (tiết kiệm trong việc tang), "phi nhạc'' (phản đối lạm dụng ca nhạc) mong muốn hạn chế sự xa xỉ lãng phí của bọn quý tộc, giảm nhẹ gánh nặng cho nhân dân.
Xã hội lý tưởng của Mặc Tử là một xã hội trong đó ''người đói có ăn, người rét có mặc, người khó nhọc được nghỉ ngơi'' và "mọi người thương yêu nhau”. Tất cả những ước mơ đầy thiện chí đó trong hoàn cảnh đương thời đều chỉ là ảo tưởng, không có một chút cơ sở xã hội hiện thực nào, do đó tư tưởng Mặc gia chỉ được sôi nổi đón nhận một thời rồi bị đắm chìm trong quên lãng.
GS. ĐẶNG ĐỨC SIÊU