Tài liệu: Đại học Sorbonne - Paris

Tài liệu
Đại học Sorbonne - Paris

Nội dung

ĐẠI HỌC SORBONNE - PARIS

 

Paris, thủ đô nước Pháp, nằm trên sông Siene, con sông chia đôi thành phố ra làm hai phần - hữu ngạn và tả ngạn. Nếu hữu ngạn là trung tâm thương mại thì tả ngạn lại là trung tâm trí thức mà tiêu biểu là khu La tinh với khu vườn Luxembourg nơi tuổi trẻ sinh viên khu Latinh thường lui tới. Chính ở đây, vào những ngày đẹp trời, các sinh viên tới ôn tập, chuẩn bị cho thi cử. Những bồn đất bên phải, bên trái vườn cây đều có những pho tượng, phần lớn là tượng các Hoàng hậu của nước Pháp xưa kia, những chứng nhân thầm lặng của tinh thần miệt mài học tập.

Từ vườn đi ra, trước mắt du khách hiện lên sừng sững điện Panthéon trên núi Thánh Genève, nơi an nghỉ của những danh nhân nước Pháp: Voiltaire, J.J. Rousseau, Victor Huygo, Emin Zôla, Giăng Giôe và nhiều vĩ nhân khác đang yên nghỉ tại đây. Và tháng 4 năm 1995, theo quyết định của Nhà nước Pháp, Mari và Pie Quyri là hai vĩ nhân mới nhất được rước vào điện Panthéon.

Từ điện Panthéon, du khách lại đi về phía sông Seine tới chiếc sân danh dự của Sorbonne. Núi Thánh Genève, từ thời Trung cổ đã là khu các trường học. Đó là bộ óc của Paris. Năm 1253, Robert De Sorbon (Rôbe đơ Xoócbông), linh mục nghe xưng tội của Vua Louis IX (1214 - 1270), thành lập một trường học với 16 học trò được nuôi ăn và ở. Nhưng rồi trường học lớn dần lên vì số học sinh ngày càng đông. Chính tại đây, năm 1469 ba người Đức đã lập nên nhà in đầu tiên ở nước Pháp và năm 1470, cuốn sách in đầu tiên của nước Pháp ra đời. Tới thế kỷ XVI, trường học trở thành trường thần học Sorbonne theo tên của Sorbonne. Khi Hồng y Risơliơ, người được Vua Louis XIII (1601 - 1643) trao cho mọi quyền hành, trở thành Hiệu trưởng của Sorbonne, ông ta quyết định cho xây dựng lại các tòa nhà và ngôi nhà thờ riêng của trường. Được tái thiết và mở rộng, Sorbonne trở thành Trung tâm Đại học chính của nước Pháp. Ngày nay, ngôi mộ vị Hồng y bằng cẩm thạch trắng nằm trong nhà thờ, chiếc mũ của ông ta vẫn được treo phía trên mộ.

Năm 1940, dưới thời chiếm đóng của phát xít Đức, một chiếc máy chữ của Sorbonne đã đánh những tờ truyền đơn kêu gọi kháng chiến. Trong một phòng thí nghiệm bí mật của nhà trường, người ta đã chế tạo thuốc nổ phục vụ quân đội giết giặc cứu nước.

Ngày nay, các giảng đường không còn đủ chỗ để chứa số sinh viên ngày càng đông. Người ta đã lập nên ở Paris và các vùng lân cận 13 trường Đại học tổng hợp nữa, mỗi trường có từ 8 đến 15 ngàn sinh viên. Các Đại học này được đặt tên là Paris 1 (tức Sorbonne), Paris 2, Paris 3, 4 v.v...

Từ Sorbonne, du khách bước ra Đại lộ Thánh Misen, đường phố chính của khu La tinh. Sở dĩ gọi là khu La tinh là vì cho tới năm 1789, ngôn ngữ chính thức dùng trong giáo dục là tiếng La tinh. Thầy và trò đều nói tiếng La tinh ngay cả trong đời sống hằng ngày. Các sinh viên Pháp, tuổi từ 18 đến 25, thích tranh luận trên những thềm các quán cà phê hay trên những chiếc ghế băng trong vườn Luxembourg. Tuy vậy, đông đảo sinh viên đều là con nhà bình dân, phải vừa học vừa kiếm sống. Trên Đại lộ Thánh Misen còn có nhiều hiệu sách, nhiều nhà xuất bản lớn nữa. Trong cuộc chiến tranh giải phóng Paris từ 18 đến 25-8-1944, quân kháng chiến Pháp đã có những cuộc giao tranh ác liệt với quân phát xít Đức trên Quảng trường Thánh Misen này.

H.N.M




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1058-02-633389319765347028/Nhung-thanh-pho-thu-do-cong-vien-truong-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận