THÀNH PHỐ OSLO - THỦ ĐÔ NAUY
Khoảng năm 1048, Vua Harald III Harderode thành lập thành phố Oslo. Cuối thế kỷ XIII đến năm 1380, Oslo là nơi các triều Vua Na Uy chọn làm Kinh đô. Từ năm 1572, là trung tâm hành chính Đan Mạch ở Na Uy. Sau vụ hoả hoạn năm 1624, thành phố được xây dựng lại ở địa điểm mới có tên là Christiania (theo tên của Hoàng đế Đan Mạch Christiania IV). Đến năm 1924, tên gọi Christiania được dùng để chỉ thành phố Oslo ngày nay trong suốt ba thế kỷ (1624 - 1924). Thành phố Oslo chính thức là thủ đô của Na Uy từ 1814. Từ thế kỷ XIX, thành phố Oslo phát triển nhanh và trở thành một trung tâm công nghiệp và thương mại. Từ năm 1940 đến tháng 5-1945, Oslo bị phát xít Đức chiếm đóng; song với truyền thống dân tộc bất khuất, Oslo lúc bấy giờ trở thành một trong những trung tâm của phong trào kháng chiến.
Oslo là Trung tâm kinh tế và văn hóa lớn nhất của đất nước Na Uy giàu đẹp. Oslo nằm trên vùng đồi với độ cao 300 – 400 m trên bờ Bắc Vịnh Oslofjord có những luồng kênh ăn sâu vào đất liền.
Khí hậu Oslo là khí hậu ôn đới, mùa Đông không rét lắm, nhiệt độ tháng Giêng -50C, tháng Bảy 160C lượng mưa hàng năm 677mm.
Diện tích nội đô 453km2, dân số khoảng 0,5 triệu người. Nếu tính thêm cả vùng ngoại vi và các thành phố nhỏ vòng ngoài Berum, Asher, Sandvik phía Tây và Tây Nam hợp tại thì Oslo là một thành phố lớn với số dân lên đến 700 nghìn người chiếm gần 20%, dân số cả nước Na Uy.
Hội đồng thị chính thành phố do dân bầu bốn năm một lần có chức năng quản lý thành phố. 1/4 dân biểu thành phố hợp thành Hội đồng lãnh đạo có chức năng bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng thị chính nhiệm kỳ một năm. Hội đồng thị chính bổ nhiệm các viên chức làm công việc của Hội đồng, bổ nhiệm các cố vấn chỉ đạo hoạt động các cơ quan của thành phố như Sở thuế vụ, Ngân khố thành phố, Sở giao thông v.v... Quan chức đại diện cho Chính phủ ở thủ đô là Thống đốc do Vua bổ nhiệm.
Về kInh tế, Oslo là trung tâm công nghiệp và giao thông chủ yếu của Na Uy. Qua các bến cảng, lưu thông hàng hóa ngoại thương của Oslo chiếm khoảng 30% lưu thông cả nước. Lưu thông hàng hóa hàng năm của Oslo khoảng 5 triệu tấn, trong đó ngoại thương chiếm 3,5 triệu tấn. Là đầu mối giao thông đường sắt của Na Uy, Oslo xây dựng hai nhà ga chính (Ga Tây và Ga Đông) ở nội đô trên tuyến đường sắt chạy qua các thành phố vòng ngoài Asher, Sandvik - nằm ngay trên bờ Tây Bắc Vịnh lớn Oslofjord.
Cảng sân bay quốc tế Fornebu nằm sát bán Đảo Fornebu phía Tây Nam ngoại vi thành phố. Sản xuất công nghiệp của thành phố Oslo chiếm hơn 20% của cả nước. Ngành cơ khí và chế tạo kim loại là thế mạnh của thủ đô Oslo, chiếm hơn 30% sản xuất máy móc và thiết bị của cả nước. Ngành sản xuất các thiết bị phát điện và sản xuất giấy, ngành đóng tàu và sửa chữa tàu biển, ngành cơ điện và vô tuyến điện tử, ngành luyện kim là những ngành công nghiệp phát triển nhất ở Oslo.
Về quy hoạch thành phố và xây dựng kiến trúc Thành phố Oslo ngày nay có đường phố chính Karl lukhansgate từ Cung điện Nhà Vua chạy đến nhà ga lớn. Cung điện nhà Vua được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX (1824-1848) theo kiểu kiến trúc cổ điển. Trên đường phố chính Karl tukhansgale có trường Đại học Tổng hợp xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển (1838-1852) và tòa nhà Thượng nghị viện (xây dựng năm 1866). Khu vực kinh doanh của Oslo là khu vực nằm giữa đường phố chính Karl lukhansgate và bến cảng. Khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở phía Đông thành phố (Estkant). Phía Tây thành phố (Vestkan) là khu vực tập trung nhiều biệt thự của giai cấp tư sản. Trong số những tượng đài, đài kỷ niệm có lối kiến trúc Barokko tráng lệ như Tòa Thánh (1960); Nhà hát Quốc gia xây dựng theo kiểu kiến trúc chiết trung (1891-1899); Tòa thị chính mang sắc thái lãng mạn của dân tộc Na Uy (1933-1950) được trang trí rất phong phú bằng nghệ thuật điêu khắc, trong nội thất trang trí nhiều tranh tường, bích họa; Dinh thự Chính phủ xây dựng năm 1958.
Quy hoạch tổng thể phát triển thành phố (1948 - 1950) là xây dựng các quận mới ở ngoại vi Oslo.
Các khu phố nội đô của thành phố Oslo ngày nay nằm trên bờ Đông Vịnh Pipervik là những khu phố còn lại từ xa xưa của thành phố cổ Oslo; có Lâu đài cổ Akershus xây dựng từ đầu thế kỷ XIV, hướng ra Vịnh Oslo; sang thế kỷ XV-XVI, pháo đài này được xây dựng lại. Từ khu phố cổ tỏa ra phía Bắc và Tây Bắc là khu phố trung tâm của Oslo ngày nay.
Các khu phố mới và trung tâm thể thao trượt tuyết Holmenkollen ở ngoại vi nối liền với nội đô bằng tuyến đường xe điện ngầm. Khu nghỉ ngơi nổi tiếng Nurmarka có gò đồi và rừng cây xanh phụ cận nối với phía Bắc thành phố đã thu hút người dân Oslo và du khách nước ngoài đến tham quan và tĩnh dưỡng. Oslo có khá nhiều công viên đẹp như công viên Frogner có quần thể tượng điêu khắc, thành phố cũng xây dựng nhiều tượng đài kỷ liệm. Oslo là một thành phố sạch đẹp, song vẫn luôn chú ý đến vấn đề làm sạch môi trường ở các công sở cũng như ở ngoài đường phố và nơi công cộng. Vấn đề làm sạch môi trường luôn luôn chiếm vị trí nổi bật trong chương trình làm việc của Chính phủ Na Uy.
Về văn hóa giáo dục, ở thủ đô có Trường Đại học Tổng hợp Oslo (Universiteti Oslo) là trường Đại học Tổng hợp đầu tiên của Na Uy thành lập năm 1811. Đại học Tổng hợp Oslo có đội ngũ cán bộ giảng dạy hơn 1200 người, trong đó có hơn 200 giáo sư, hàng năm số sinh viên theo học hơn 14 nghìn, trường có các khoa thần học, luật học, y khoa, lịch sử và triết học, toán học và các khoa học tự nhiên, răng hàm mặt, các khoa học xã hội; và các viện trực thuộc trường thư viện Tâm lý học, viện Kinh tế, viện Khoa học giáo dục, viện các Khoa học xã hội, viện Xã hội học, viện Các khoa học Nhà nước v.v...
Ngoài Đại học Tổng hợp Oslo, ở thủ đô có Nhạc viện, Viện Hàn lâm nghệ thuật, Viện Hàn lâm khoa học và văn học Na Uy, các thư viện lớn như thư viện trường Đại học Tổng hợp và thư viện thành phố, các viện bảo tàng lớn như Viện bảo tàng các cổ vật của dân tộc, Trường Đại học Tổng hợp, Viện bảo tàng nhân dân Na Uy (thành lập 1894), Viện bảo tàng tranh nghệ thuật Quốc gia (thành lập 1837), Viện bảo tàng mỹ nghệ (thành lập 1876), đặc biệt trên bán Đảo Biugdio có các Viện bảo tàng Fram và Kon-Tiki.
Về sân khấu, từ năm 1973 có Nhà hát quốc gia với hai sàn diễn, Nhà hát Na Uy, Nhà hát mới Oslo, Nhà hát Opéra Na Uy.
XUÂN HÒA