Tài liệu: Helsinki

Tài liệu
Helsinki

Nội dung

HELSINKI

 

Thành phố Helsinki là thủ đô của nước Phần Lan. Thành phố thành lập năm 1550 theo chiếu chỉ của Vua Thụy Điển Gustav Vaza. Năm 1641, thành phố rời về phía Nam 5km sát liền bán Đảo Estnes. Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, thành phố Helsinki được mở rộng vì có thêm Pháo đài Sveaborg do người Thụy Điển xây dựng. Sau khi Phần Lan sát nhập với Đế chế Nga (1809) và thành lập Đại Công quốc Phần Lan năm 1812, chính quyền Nga hoàng dời thủ đô của Phần Lan từ thành phố Turku về Helsinki. Từ năm 1862, Helsinki có đường sắt thông thương với mọi miền trong nước và từ năm 1870 với thành phố Petersbourg. Đến cuối thế kỷ XIX, Helsinki trở thành một trung tâm công nghiệp - thương mại và văn hóa quan trọng.

Sau khi tuyên bố độc lập (tháng Chạp 1917) Helsinki là thủ đô của nước Cộng hoà Phần Lan.

Thủ đô Phần Lan là Trung tâm kinh tế và văn hóa chủ yếu của Phần Lan, là thủ phủ hành chính của tỉnh Usima.

Về mặt địa lý, Helsinki ở phía Nam Phần Lan, nằm trên bờ Vịnh Phần Lan biển Baltique, chiếm bán đảo nhỏ có đá hoa cương Estnes, một số hòn đảo nhỏ và hòn đảo ngầm ngăn các vịnh với biển khơi.

Độ cao so với mặt nước biển là 75m. Khí hậu ôn đới hỗn hợp của khí hậu biển chuyển sang khí hậu lục địa. Nhiệt độ bình quân tháng Giêng là 9,70C, tháng bảy là 16,80C; lượng mưa bình quân hàng năm là 700mm, mùa Hè khá ấm áp, mùa Đông lạnh; tuy nhiên Vịnh Phần Lan đóng băng không lâu. Về địa phận hành chính, diện tích thủ đô Helsinki là 181,2km2 (kể cả vùng biển gộp vào là 448km2).

Thủ đô Helsinki là thành phố đông dân nhất của Phần Lan, kể từ năm 1812 số dân chỉ có 4000 người, trải qua hơn 150 năm số dân Helsinki đã lên đến 523.700 người (1970), số dân tăng cao nhất vào năm 1977 (825.000 người), nhưng sau đó số dân Helsinki giảm dần đến nay số dân không vượt qua nửa triệu.

Tổ chức hành chính của thành phố: bốn năm một lần người dân bầu cơ quan tự quản địa phương - Hội đồng toàn quyền thành phố. Hội đồng bầu cơ quan điều hành thành phố gồm Thị trưởng, các Phó Thị trưởng và các ủy viên. Hội đồng toàn quyền lập ra các ủy ban chuyên môn và các ban điều hành theo ngành, cơ quan điều hành thành phố: ủy ban bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, xây dựng, các vấn đề về thuế v v. . .

Về kinh tế, Thủ đô Helsinki là Trung tâm thương mại tài chính và công nghiệp chủ yếu của Phần Lan. Ở thủ đô có các ngân hàng lớn: Ngân hàng quốc gia Phần Lan, Ngân hàng Quốc gia, Ngân hàng thống nhất Phần Lan v.v…, các công ty bảo hiểm, các văn phòng, các kho tàng của nhiều hãng thương mại.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thủ đô chiếm khoảng 12% sản xuất công nghiệp của cả nước. Ở Helsinki tập trung hơn 1/7 toàn bộ các xí nghiệp công nghiệp của cả nước. Công nghiệp Helsinki rất đa dạng, tổng giá trị công nghiệp không ngừng tăng lên mặc dù số xí nghiệp giảm đôi chút. Ngành công nghiệp chủ yếu của Helsinki là ngành cơ khí, đặc biệt là công nghiệp cơ điện và điện tử, ngành đóng tàu biển, ngành chế tạo dụng cụ. Các ngành công nghiệp hóa học, dệt, dệt kim, giày da, máy khâu, đồ gỗ, in ấn, thực phẩm phát triển khá mạnh.

Trong số các xí nghiệp công nghiệp lớn có nhà máy đóng tàu tổ hợp Viartsil, các nhà máy chế tạo cần trục, các nhà máy bóng điện và dây cáp. Năm 1977 ở gần Helsinki, xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Ngành cảng biển và vận tải biển có vị trí nổi bật trong nền kinh tế Helsinki. Helsinki là cảng biển chủ yếu của Phần Lan. Hơn 1/2 hàng nhập và khoảng 15% hàng xuất khẩu của cả nước được vận chuyển qua cửa khẩu Cảng Helsinki. Hàng nhập bao gồm dầu mỏ, than, kim loại đen, thép cán, máy, sản phẩm hóa học; hàng xuất khẩu gồm các mặt hàng như vật liệu gỗ, giấy, tàu biển, thiết bị công nghiệp. Năm 1975, lưu thông hàng hóa qua cảng là 5,8 triệu tấn. Helsinki rối liền bằng tàu biển và tàu phà với Stockholm (Thụy Điển), Coperthague (Đan Mạch), Travemiunde (Liên bang Đức), Tallin (Estonta), Petersbourg (Liên bang Nga). Cảng Helsinki có một số hải cảng. Các bến cảng của Cảng Helsinki có chiều dài hơn 9km và có thể cập bến đến tận trung tâm thành phố. Vận tải bằng đường biển quanh năm, vào mùa Đông thì sử dụng tàu phá băng. Vận tải bằng tàu phà và Container (Côngtenơ) ngày càng tăng.

Ở Helsinki hội tụ những đầu mối và các tuyến giao thông chính: đường sắt, đường bộ, sân bay Quốc tế. Đoàn xe của thành phố tính từ năm 1972, có khoảng 88.200 xe con, khoảng 1.500 xe buýt, 16.000 xe tải. Năm 1977, xây dựng đường xe điện ngầm nối liền các quận phía Đông và phía Tây thành phố, có các đường sắt chạy điện và tuyến đường chính ôtô nối nội đô cũ của thành phố với các trung tâm mới ở ngoại vi.

Helsinki là trung tâm du lịch. Hàng năm có khoảng 3 triệu người, trong đó 1/3 là người nước ngoài, đến Helsinki tham quan, du lịch.

Quy hoạch và kiến trúc thành phố:

Từ năm 1970, quy hoạch tổng thể thành phố dự định, ngoài trung tâm chính ở nội đô, xây dựng thêm ba trung tâm ở ngoại vi. Trung tâm lịch sử Helsinki được xây dựng lại (tác giả thiết kế xây dựng là A.Rusuvuori).

Thành phố Helsinki có kiến trúc như ngày nay được xây dựng theo quy hoạch từ đầu thế kỷ XIX dưới sự chỉ đạo của một ủy ban kiến trúc xây dựng do I Erenstrem đứng đầu. Những công trình kiến trúc lớn ở Helsinki được xây dựng theo kiến trúc cổ điển như Tòa nhà Thượng Nghị viện (1818 - 1822), Tòa thánh Nicolas (1830-1852), Trường Đại học Tổng hợp Helsinki có đài thiên văn (1828- 1845), Nhà hát Quốc gia Phần Lan (1901, xây dựng 1954), Viện bảo tàng Quốc gia (1906-1909), Nhà ga Trung ương (1904-1914), Cung văn hóa Công nhân (1955-1958), v.v...

Helsinki là một thành phố đẹp, thích hợp với khách du lịch, bởi trong thành phố có nhiều đại lộ trồng cây xanh, nhiều công viên, khu nghỉ ngơi, đặc biệt có nhiều khu du lịch, trại du lịch.

Trường Đại học, các Viện nghiên cứu và cơ quan văn hóa tập trung nhiều ở Helsinki. Trường Đại học Tổng hợp Helsinki (Helsingfors Universitet) thành lập năm 1640 tại thành phố Turku, thủ đô Phần Lan thời kỳ nằm trong thành phần Thụy Điển. Đến năm 1828, trường Đại học tổng hợp chuyển về Helsinki và chính thức mang tên là trường Đại học Tổng hợp Hoàng đế Aleksandr.

Trường Đại học Tổng hợp Helsinki chịu sự kiểm soát của Nhà nước, việc giảng dạy được tiến hành bằng tiếng Phần Lan và Thụy Điển.

Trường có 6 khoa: thần học, pháp lý, y học, triết học (khoa triết học có các phân ban lịch sử - triết học, tự nhiên - toán học và sư phạm), xã hội, nông học và lâm nghiệp. Trường có hơn 2100 cán bộ tham gia giảng dạy, trong đó số giáo sư chiếm gần 12%. Số sinh viên theo học hàng năm trên 20 nghìn. Thư viện của Trường Đại học Tổng hợp Helsinki thành lập cùng năm 1640, năm thành lập trường, là thư viện lớn nhất của Phần Lan với nhiều phòng bảo tàng động vật và thực vật, với số sách trên 1,6 triệu cuốn.

Ở Helsinki có Viện Hàn lâm, Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật và các Viện nghiên cứu khoa học, có Viện Hàn lâm âm nhạc mang tên la.Sibelins, Viện Hàn Lâm nghệ thuật tạo hình. Ngoài trường Đại học Tổng hợp Helsinki, ở thủ đô còn có Đại học kỹ thuật, các trường Đại học thương mại Phần Lan, Thụy Điển.

Helsinki có nhiều nhà hát: Nhà hát Quốc gia Phần Lan, Nhà hát Opéra Quốc gia Phần Lan, Nhà hát Quốc gia Thụy Điển, Nhà hát nhân dân công nhân, Nhà hát Tâm tình v.v...

XUÂN HÒA




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1058-02-633389315323628278/Nhung-thanh-pho-thu-do-cong-vien-truong-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận