Mệt mỏi chỉ do tưởng tượng mà ra
Bạn thấy bải hoải, rã rời chân tay... Cảm giác đó chẳng phải do các cơ vận động quá sức mà do não bộ tạo ra như một cơ chế tự vệ, các nhà nghiên cứu Nam Phi vừa tuyên bố.
Paula Robson-Ansley ở Đại học Cape Town và cộng sự cho rằng, chính não bộ đã can thiệp và buộc cơ thể cảm thấy kiệt sức để ngăn nó hoạt động quá mức. Để làm được việc này, cơ thể sinh ra phân tử phát tín hiệu interleukin-6 (IL-6), báo cho não biết đã đến lúc cần “phanh” cơ thể lại.
Nghiên cứu của Robson-Ansley cho thấy sau một quá trình vận động dài, hàm lượng của phân tử IL-6 trong máu cao hơn từ 60 đến 100 lần so với bình thường. Điều đó có nghĩa rằng việc kiềm chế IL-6 sẽ cho tác dụng tương tự như thuốc kích thích, cho phép các tay đua và vận động viên chạy marathon kéo dài thời gian trên đường.
Trong thí nghiệm, Robson-Ansley đã tiêm cho 6 vận động viên điền kinh một trong hai loại liều: IL-6 hoặc giả dược, và ghi lại thời gian chạy của họ trên quãng đường 10 km. Một tuần sau, thí nghiệm được đảo ngược. Kết quả là, trung bình, các vận động viên có thể chạy nhanh hơn gần 1 phút sau khi được nhận giả được, mà trong các cuộc đua quốc tế, chi 1 phút cũng đủ để tạo nên người chiến thắng
Robson-Ansley hy vọng nghiên cứu mới sẽ dẫn đến cách chữa trị cho những người bị hội chứng dưới khả năng (UPS, hội chứng cơ thể không thể phát huy hết khả năng của mình) và hội chứng mệt mỏi kinh niên. Giải pháp đặt ra ở đây là khóa các thụ quan cảm nhận IL-6 ở trong não, khiến não thả lỏng cho cơ thể phát huy hết công suất.
Tuy nhiên, các chuyên gia chống doping lo ngại rằng kỹ thuật này có thể bị các vận động viên lạm dụng.
(Theo DPA)