MỸ THUẬT
v KHÁI QUÁT LỊCH SỬ MỸ THUẬT
Từ Thời thượng cổ đến thời kỳ sơ trung cổ. Những bức hoạ đầu tiên mà người ta tìm thấy trong các hang động có tuổi cách đây hàng triệu năm. Như vậy mỹ thuật xuất hiện khá sớm, càng về sau càng phát triển mạnh, đặc biệt nổi bật ở những vùng văn minh lớn thời bấy giờ như Ai Cập cổ đại và một số vùng văn hoá châu Âu cổ khác như Minos, Mycènes. La Mã, Hy Lạp. . .Khởi đầu của mỹ thuật là sự phục vụ cho lễ tục, tín ngưỡng với những hình trang trí trên vách đá thành mộ và những vật dụng phục vụ cho nghi lễ tôn giáo khác. Ở thời kỳ này nghệ thuật của Ai Cập cổ đại đã để lại, mặc dù cực kỳ ít, những tác phẩm suất sắc, với một thẩm mỹ khá lạ lùng, chuẩn xác, tỉ mỉ, cân đối và chú trọng tới hình thể. Kề cận với Ai Cập nhưng mỹ thuật của nền văn minh Minos vẫn có một bản sắc riêng, đó là cái nhìn thân thể con người theo những yếu tố căn bản của hình học với những đường nét thẳng, khỏe và cương quyết. Mỹ thuật Minos thường lấy cảm hứng tự nhiên với những hiểu biết đáng kinh ngạc về đời sống dưới đại dương và được biểu hiện với tinh thần tự nhiên, linh hoạt. Kế tục nền văn hoá Minos là nền văn hoá Mycenes, một nền văn hóa mạnh mẽ tràn đầy sức sáng tạo. Mỹ thuật của Mycénes khá sang trọng, tinh xảo, nó là một nhân tố quan trọng hình thành nên nền Mỹ thuật Hy Lạp. Trong mỹ thuật Hy Lạp thời kỳ phát triển con người trở thành đối tượng chính do vậy hình thể học được chú trọng. Những đặc điểm đó có ảnh hưởng trực liếp đến nền mỹ thuật La Mã và mỹ thuật châu Âu sau này. Hội hoạ cổ điển Hy Lạp khơi nguồn cho phương pháp phối cảnh, xuất hiện những bức tranh phong cảnh đầu tiên, xuất hiện cả thể loại chân dung, tĩnh vật, sinh hoạt thường ngày. Mỹ thuật La Mã chịu ảnh hưởng một phần của mỹ thuật Hy Lạp nhưng vẫn có những khác biệt lớn như việc nó chú trọng tới chủ đề, các giai thoại, các sự kiện lịch sử và đặc biệt việc tạo mở không gian cho tác phẩm của mình. Nghệ thuật La Mã đạt tới những đỉnh cao ở thể loại chân dung và có những thành tựu lớn trong thể loại điêu khắc.
Mỹ thuật cổ Cơ đốc và sơ trung cổ. Đây là thời kỳ mà nền mỹ thuật Byzantine thống trị với tinh thần lấy cảm hứng từ các đề tài cơ đốc giáo và nó có ảnh hưởng sâu xa tới mỹ thuật Gothic sau này. Hơn thế sự lan truyền của mỹ thuật Byzantine còn sang cả châu Âu và có tác động cực kỳ lâu đài. Thời kỳ này còn nổi lên nghệ thuật trang trí sách của người Cele, Tây Ban Nha, Anh, Pháp…
Mỹ thuật Gothic chiếm trọn vẹn 3 thế kỷ cuối cùng của thời trung cổ và bắt nhập với thời kỳ Phục hưng, thế kỷ XV. Có thể nói Gothíc không hẳn là chỉ một phong cách, một kiểu thức mà nó để chỉ cả một thời kỳ nghệ thuật bao trùm khắp châu Âu trong quãng thời gian dài hàng trăm năm. Mỹ thuật Gothic ra đời ở Italia vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIII, nó chú trọng tới phép phối cảnh và ảo cảnh, đồng thời chú trọng tới sự biểu đạt tinh thần ở mức độ cao. Những hoạ sĩ Gothic tạo dựng các hình khối và cảm giác chân thực về tính vật chất, phá vỡ thế giới nghệ thuật trước đó chỉ biết tới những đường nét hai chiều. Thời kỳ này xuất hiện Giotto ( 1267-1337), người về sau được tôn vinh là phương Tây hiện đại. Những tác phẩm của Giotto tiêu biểu cho đỉnh cao của mỹ thuật Gothic, ông cũng là hoạ sĩ đầu tiên lưu dấu ấn cá tính sáng tạo của mình trong tác phẩm. Đến cuối thế kỷ XIV phong cách Gothíc quốc tế ra đời từ sự kết hợp giữa nghệ thuật Itlia với nghệ thuật Bắc Âu, sau đó là những cuộc giao hoà giữa Itlia và Pháp, chẳng bao lâu thì sự giao lưu phong cách đã tràn lan hầu khắp châu Âu. Cuối thế kỷ XV phong cách Gothíc quốc tế phát triển theo hai hướng, trở thành hai cuộc cách mạng quan trọng, một ở miền Nam Florence, là tác nhân quan trọng của thời đại Phục hưng, một diễn ra ở Hà Lan và khởi đầu cho thời kỳ Phục hưng Bắc Âu. Thời kỳ này xuất hiện những hoạ sĩ nổi tiếng, quan trọng như Jan Van Eych (khoảng 1422-1441), người chú trọng tới tính tượng trưng của ánh sáng, Rogier Van der Weyden (1400-1464), người tập trung biểu đạt trạng thái của đối tượng. Ngoài ra còn hàng loạt các hoạ sĩ quan trọng khác như: Petrus Christus (1420-1472). Hugo Van der Goes (1436-1482), Hang Memling (1433-1494). Thời kỳ cuối cùng của Gôtích xuất hiện những hoạ sĩ tên tuổi như: Gerard David (1460-1523), Jerôme Bosch (1450- 1516).
Thời kỳ Phục hưng ở Italia và Bắc Âu. Hội hoạ Phục hưng ra đời ở Itlia cuối thế kỷ XIII, lan rộng khắp châu Âu và lên đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ XV. Phong trào này thực chất khởi nguồn bởi Giotto, mặc dù hoạ sĩ này được xếp vào thời kỳ Gothíc. Chính quan niệm về tính hiện thực và hình thể dày đặc trong tác phẩm của Giotto đã tiên báo sự ra đời của phong trào Phục hưng. Theo Giotto thì thị kiến nghệ thuật phải bao hàm chủ nghĩa nhân văn mới mẻ và chủ nghĩa cổ điển, đây chính là luận đề để các hoạ sĩ Phục hưng phát triển lên thành một phong trào rực rỡ vào loại bậc nhất trong lịch sử hội hoạ thế giới với một khát vọng kế thừa trực tiếp truyền thống cổ Hy – La. Người thực sự kế thừa Giotto chính là Tomasso di Seo Giovanni (1401 -1428), hoạ sĩ người Florence này cũng phần nào chịu ảnh hưởng của điêu khắc, trong các tác phẩm của ông ngoài độ sâu sắc của không gian mà Giotto để lại còn có tính chất cô đọng của kiến trúc với quan niệm hình thể ba chiều và phép phối cảnh thuần thục cùng với cách sử dụng ánh sáng tự nhiên mà trong đó lần đầu tiên kỹ thuật vẽ bóng xuất hiện. Hoạ sĩ khổng lồ thứ hai có thể kể đến là Botticelli (1446-1510), hoạ sĩ theo dòng truyền thống Florence, ông đưa ra những sự biểu hiện hình thể mới mẻ, táo bạo với nét thanh mảnh uyển chuyển nhưng rõ ràng mà bao trùm lên là những cảm xúc mạnh mẽ, thi vị về tinh thần tôn giáo. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Botticelli là hai bức “Mùa xuân'' và “Sự ra đời của Vénus''. Bên cạnh tên tuổi của Botticelli là Piero Della Francesca (1420-1492), một hoạ sĩ chú trọng nhiều tới sự kết hợp giữa ánh sáng và hình thể chuẩn mực cũng như tinh thần sinh động, huyền diệu trong những phong cảnh thực. Ở Venise xuất hiện Giovanni Bellini (1430-1516), hoạ sĩ có những ảnh hưởng vô cùng lớn tới các trào lưu nghệ thuật châu Âu trong thế kỷ sau, Bellini là nghệ sĩ đặc biệt đề cao vai trò của ánh sáng và tìm thấy ở đó tất cả vẻ đẹp cũng như tính chất linh thiêng mà ông cảm nhận được. Bellini đề cao niềm vui và ý thức về ý nghĩa của sự sống. Cao trào của thời kỳ Phục hưng được đánh dấu bằng sự xuất hiện hàng loạt những hoạ sĩ thiên tài. Leonard de Vinci (1452-1519), Michelangelo (1475-1564) và Raphael (1483- 1520), hoạ sĩ đẩy phong trào Phục hưng lên đến sự hoàn thiện bằng những tác phẩm hài hòa, tinh tế mang đậm chất thần thánh của mình. Titien (1490-1576), hoạ sĩ của trường phái Vơnisơ, có ảnh hưởng sâu sắc đối với các hoạ sĩ thế hệ sau, ông đạt tới thành công ở tất cả các thể loại hội hoạ đồng thời là người tạo ra cuộc cách mạng trong chất liệu sơn dầu với những nét bút khoẻ khoắn, mạnh bạo, biểu cảm. Tác phẩm của Titien báo hiệu cho sự xuất hiện sau này của nghệ thuật hiện đại. Nghệ sĩ người Đức được đánh giá vĩ đại nhất trong thời kỳ Phục hưng Bắc Âu chính là Albrecht Durer (1471 -1528), ông quan tâm đặc biệt tới tỷ lệ của con người, phép phối cảnh, hiệu quả của màu sắc, đường nét. Durer còn thử nghiệm sáng tác trên các chất liệu nhà tranh khắc gỗ, khắc cường toan với những chủ đề tôn giáo. Tất cả những tác phẩm của Durer chứa đựng sức mạnh của cảm xúc, tìm tòi sự thật tâm lý, do đó chúng có sức ám ảnh rất lớn. Người chịu một phần ảnh hưởng của Durer là Lucas Cranach (1472- 1553), hoạ sĩ vẽ tranh khoả thân, những nhân vật của ông có hình thể thanh tú: Cử chỉ phức tạp biểu lộ dục cảm tinh tế nhưng lại lạnh lùng gần như thác loạn.
Thời kỳ Kiểu cách ở Italia xuất hiện những năm đầu thế kỷ XVI bằng sự ảnh hưởng trực tiếp của Michelangelo và Raphael. Đặc trưng của Kiểu cách là luôn tìm kiếm cái bất thường, màu sắc sống động bố cục phức tạp, phóng túng, cường điệu về bút pháp để gây ấn tượng. Thời kỳ này gắn với một số tên tuổi các hoạ sĩ như: Pontormo (1494-1556), Corrège (1489-1534), Le Greco (1541-1614). Trong khi đó phong cách Kiểu cách ở Bắc Âu gắn với những tên tuổi lớn như: Mabuse (1478- 1533), Uytewael (1566-1638), Bartholomeuss Sparangar (1546-1611 )…
Một thể loại tranh quan trọng ngự trị trong trong suốt thế kỷ XVI đó là Tranh phong cảnh. Thể loại này đóng một vai trò quan trọng trong nền hội hoạ Bắc Âu. Thoạt đầu phong cảnh chỉ thấp thoáng trong các tranh nội ốc qua các khung cửa sổ hoặc dùng làm nền, về sau nó được tách ra trở thành một thể loại riêng biệt. Những hoạ sĩ tiêu biểu của thể loại tranh này phải kể đến Pieter Bruegel (1525-1569), Joachin Patenier (1480-1524), Albrecht Alđorfer(1480-1538).
Trường phái Baroque xuất hiện ở Roma đầu thế kỷ XVII, nó là một phắn sự phản ứng lại phong cách Kiểu cách thế kỷ XVI. Với Barocque, hiện thực của con người trở thành một yếu tố quan trọng, tất nhiên nó phải được biểu đạt qua bố cục táo bạo, có chủ ý với tính chất hùng tráng, mạnh mẽ kết hợp với những rung động bản năng về màu sắc. Trường phái này lan tràn khắp châu Âu và làm nẩy sinh ra nhiều những hoạ sĩ lớn. Caravage (1573-1610), với cách điều hoà ánh sáng và bố cục táo bạo được coi là người tiêu biểu nhất của trường phái Baroque, nhưng thực tế thì gia đình Carracci (gồm ba anh em) và Guido Reni (1591 -1666) mới là những điển hình của phong trào Baroque sơ khai bằng những tác phẩm vẽ trên trần nhà có quy mô to lớn, cuộn trào tính chuyển động. Ở xứ Flandre có Pierre Paul Rubens (1577-1640), Jacob Jordaens (1593-1678) và Van Dyck (1599- 1641).Ở Tây Ban Nha có Vélasquez (1599-1660), Zurbarán (1598- 1664), Barthholomés Esteban Muriillo (1618-1682). Ở Hà Lan có Rembrands (1606-1669), Vermeer (1632-1675) và Frans Hals (1582-1666). . .
Phát sinh từ trường phái Baroque để rồi chống lại chính cái nặng nề, khoẻ khoắn của Baroque, phong cách Rococo thiên về mềm mại, dịu dàng, tinh tế, đề cao sự vờn tỉa nhưng vẫn thích hình thức phức tạp, cầu kỳ. Trường phái Rococo xuất hiện đầu thế kỷ XVIII và từ Paris lan truyền khắp châu Âu với thế kỷ này với tên tuổi tiêu biểu là Antoine Watteau (1684-1721) với tư cách hoạ sĩ khởi nguyên và Francois Boucher (1703-1770), Jean Horlorés Fragorlard (1732-1806); với tư cách hai hoạ sĩ đỉnh cao của phong trào.
Chủ nghĩa Tân cổ điển ra đời là sự phản kháng lại Baroque và Rococo, ra đời cuối thế kỷ XVIII, nổi trội đầu thế kỷ XIX. Đặc trưng của chủ nghĩa này là đề cao những giá trị đạo đức cao thượng như công lý, lòng ái quốc thông qua việc tái tạo lại tinh thần Hy-La.
Gần như cùng một lúc với Tân cổ điển, chủ nghĩa Lãng mạn cũng xuất hiện và nó có đường đi ngược lại, theo tính cách hiện đại đề cao cảm hứng sáng tạo, đặc biệt là trí tưởng tượng. Chủ nghĩa Lãng mạn đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ thứ XIX khi nó đã lan tràn rộng khắp. Mặc dù có lúc Tân cổ điển và Lãng mạn đấu tranh nhau kịch liệt nhưng thật khó phân chia rạch ròi hai chủ nghĩa này bởi vì bản thân chúng đã có tính chất và bóng dáng của nhau. Có thể nhắc đến một số hoạ sĩ tiêu biểu của hai chủ nghĩa này: Thomas Gainsborough (1727- 1788), Ecot Allan Ram say (1713- 1784), Joshua Reynolds (1723-1792), William Blake (1757- 1827), Gilbert Stuart (1755-1828), Jean Auguste Dominique lngres (1780-1867), Théodore Géricault (1971 -1824), Eugène Delacrolx (1798-1863). Ở thời kỳ này không thể không nhắc tới Goya (1728-1779), hoạ sĩ thiên tài người Tây Ban Nha, ban đầu chịu ảnh hưởng của Tân cổ điển, sau thoát ra đi hướng riêng. Goya có một óc tưởng tượng phi thường, bất chấp lý trí, đặc tính này đẩy ông trở thành người đối lập với hoạ sĩ Vĩ đại Của Tân cổ điển lúc bấy giờ là Jacques Louis David (1748- 1825).
Trước khi chủ nghĩa Ấn tượng xuất hiện thì chủ nghĩa Hiện thực còn đang ngự trị với những tên tuổi lớn như Honoré Daumier (1808-1879), Jean Francois Millet (1814-1875), Gustave Courbet (1819-1877). Khởi đầu từ ở Pháp trong những năm 1860, trường phái ấn tượng thiên về mô tả hiện thực đời thường, tìm đề tài trong cuộc sống thường ngày, nắm bắt những khoảnh khắc thoáng qua, thể hiện theo ngẫu hứng của nghệ sĩ khi quan sát thế giới, yêu thiên nhiên nhưng loại bỏ chân lý khách quan của nó và tìm thấy ở đấy những hiệu ứng kỳ lạ của ánh sáng và màu sắc. Hoạ sĩ dọn đường cho sự xuất hiện của ấn tượng là Edouard Manet (1823-1883), ông đã thúc đẩy thêm một bước để tiến từ chủ nghĩa hiện thực sang ấn tượng bằng cách xoá mờ ranh giới giữa tính khách quan và và chủ quan. Cùng góp sức với Manét có Edgar Degas (1834-1917), một hoạ sĩ vẽ tranh khoả thân và có những cách sử lý khá táo bạo về hình. Những hoạ sĩ nổi tiếng của trường phái ấn tượng là Claude Monet (1840-1926), Auguste Renoir (1841-1919), Camilê Pissarro (1830-1909), Alfred Sisley (1839-1899).
Chủ nghĩa Hậu ấn tượng không phải là phong trào bởi vì nó chỉ là tên gọi chung cho tất cả những gì diễn ra sau chủ nghĩa Ấn tượng. Những hoạ sĩ của chủ nghĩa Hậu ấn tượng không hề liên quan tới nhau, mỗi người tìm kiếm một hướng đi riêng và điểm chung duy nhất của họ là quan niệm. Nghệ thuật không bị lệ thuộc trực tiếp vào thế giới thực tại nữa. Những hoạ sĩ quan trọng của Hậu ấn tượng là Paul Cézanne (1839-1906), với sự quan tâm đặc biệt tới cấu trúc bên trong của đối tượng, và là người đặt nền móng cho hội hoạ hiện đại thế kỷ XX, Georges Seurat (1859-1891), với phương pháp điểm màu, hay còn gọi là hội hoạ quang học, Vincent Van Gogh (1853-1890), với sự mạnh mẽ, táo bạo của màu sắc là bút pháp để diễn tả nỗi khổ đau bức bối của con người, Henri de Toulouse Lautrec (1864-1901), với sự hóm hỉnh, chua cay nhưng ẩn chứa những suy tư sâu sắc, đặc biệt qua nghệ thuật tranh áp phích và tranh khắc đá in màu của ông.
Chủ nghĩa Tượng trưng ra đời, như một phản ứng chống lại sự ràng buộc của các chủ nghĩa trước đó, nó khởi nguồn từ văn học, sau đó lan sang hội hoạ. Tượng trưng cho rằng thế giới chỉ là một hiện tượng, một sản phẩm của của trí tượng tượng, do đó nó mang tính chủ quan. Chủ nghĩa Tượng trưng trình bày những giấc mơ, những trạng thái tinh thần đặc biệt, những cảm giác lạ kỳ, thông qua việc sử dụng hình ảnh cách điệu và những màu sắc có tính gợi mở. Những hoạ sĩ Tượng trưng quan trọng: Gustave Moreau (1826-1898), người khơi nguồn cho trào lưu, Odilon Redon (1840- 1916), Paul Gauguin (1848-1903), Pierre Puvilis de Chavannes (1824-1898), Edvard Munch (1863-1944), Gustave Klimt (1862-1918). . .
Ngoài ra còn có một số hoạ sĩ họp nhau thành một nhóm lấy tên là Nabis, có nghĩa là tiên tri, nhóm này tôn sùng Paul Gauguin, họ quan niệm rằng yếu tố trang trí cần phải là yếu tố chủ đạo trong hội hoạ. Nổi bật lên là hai hoạ sĩ: Bonnard (1867-1947) và Edourd Vuillard (1868-1940).
Trường phái Dã thú chính thức xuất hiện vào năm 1905 bằng cuộc triển lãm của những hoạ sĩ chủ yếu sử dụng màu sắc để làm gây cảm xúc. Những hoạ sĩ này cho rằng màu sắc không còn là giá trị mô tả nữa, mà trở thành nhân tố sáng tạo nên ánh sáng ở đây vai trò của Van Gogh bắt đầu được đề cao và trở thành người tiên báo cho sự xuất hiện của trường phái này. Người khởi xướng trường phái Dã thú là Henri Matisse (1869-1954) sau đó là những đại diện quan trọng khác như: Maurice de Vlaminck (1876-1 958), André Derain (1880-1954).
Trường phái Biểu tượng nẩy sinh từ Đức vào năm 1905 rồi lan sang Pháp và nhiều nước khác. Đặc điểm của nó là nhấn mạnh tính chất tượng trưng của màu sắc và hiệu quả hình thể, đồng thời đề cao cảm giác chủ quan hơn sự quan sát khách quan. Có nhiều nhóm hoạt động trong trường phái Biểu tượng trong đó nổi lên có nhóm ''Cây cầu'', đứng đầu là hoạ sĩ người Đức Ernst Ludwig Kirchner (1880-1938), và nhóm ''Kỵ sĩ xanh'' do hoạ sĩ người Nga Kandinsky (1866-1944) đứng đầu, về sau chính ông là người khởi xướng ra trường phái Trừu tượng, còn ở Áo thì có Egon Schiele (1890-1018) và Oskar Kokoshka (1886-1980). Cũng cần phải nói rõ thêm rằng một số những hoạ sĩ vĩ đại khác cũng được gán với chủ nghĩa Biểu tượng, ví dụ như Moreau, Munch, Matisse với tư cách những người sáng lập ra nó và Paul Klee với tư cách là thành viên của nhóm ''Kỵ sĩ xanh” mặc dù ông không cùng đường đi với trường phái này.
Trường phái Lập thể ra đời làm thay đổi căn bản cái nhìn của nghệ thuật, đặc trưng chủ yếu của nó là sử dụng những hình khối lập thể và những mặt phẳng có góc và cạnh rõ nét để tạo hình. Trường phái này gạt bỏ tư tưởng nghệ thuật là mô phỏng thiên thiên và nó tập trung vào mô tả ý tưởng chủ quan của tác giả. Hoạ sĩ khởi đầu cho trường phái Lập thể là đẩy nó lên đỉnh cao là Pablo Picasso (1881-1973), người Tây Ban Nha, và Georges Braque (1882-1963) cùng Juan Gris (1887-1927).
Chủ nghĩa Trừu tượng thoát thai từ trường phái Lập thể vào khoảng năm 1910, và tiến đến một bước quyết liệt hơn là giản lược đến tận cùng những biểu hình và đề cao sự diễn đạt ngẫu hứng mà trong đó màu sắc có thể thay thể cho tất cả những gì còn lại. Thoạt đầu nó bị chống đối dữ dội, sau lan tràn khắp nơi và dần dần được chấp nhận. Kandinsky (1866-1944), hoạ sĩ người Nga, là người mở đầu cho hội hoạ Trừu tượng, sau đó đến một loạt những hoạ sĩ khác như Paul Klee (1879-1940), người Thụy Sĩ, Piet Mondrian (1872-1944), người Hà Lan, Kasimir Malevitch (1878-1935) người Nga, Théo Van Doesburg (1883-1931), người Hà Lan.
Trường phái Dada xuất hiện đầu tiên ở Zurich vào năm 1916, do Hugo Ball sáng lập, với quan niệm cần phải trở lại với cảm xúc nguyên thuỷ, hồn nhiên, bí ẩn và phá bỏ mọi quy chuẩn, tạo điều kiện cho sự ra đời của những cái khác lạ, dù là sự khác lại quái đản. Hoạ sĩ nổi tiếng nhất của trường phái Dada là Mai Ernst (1891-1976) và Marcel Duchamp (1887-1968).
Chủ nghĩa Siêu thực thoát thai từ trường phái Dada mà người đầu tiên khơi mở nó chính là Max Ernst, nhưng sự xuất hiện chính thức đầu tiên lại ở Pháp vào năm 1924, với bản tuyên ngôn của nhà văn André Breton soạn. Chủ nghĩa Siêu thực tuyên bố đứng trên và đứng ngoài hiện thực, điểm lựa của nó là giấc mơ với những hoạt động tâm linh vượt ra khỏi sự kiểm soát của lý trí, vượt qua cả các quy tắc luân lý hay thẩm mỹ đã từng tồn tại. Những hoạ sĩ Siêu thực vĩ đại phải kể đến là Joan Miró (1893-1983), René Magritte (1898-1967), Salvador Dali (1904-1989). Ngoài ra còn có những hoạ sĩ khác tuy không nhận đứng trong hàng ngũ Siêu thực nhưng thật ra tác phẩm của họ cũng đã chạm tới Siêu thực, đó là Picasso, Paul Delvaux, Klee, Chirico, Paolo Uccenllo, Seurat...
Trường phái Biểu tượng trừu tượng xuất hiện vào cuối những năm 40 đầu những năm 50, đề cao sự tìm kiếm cá nhân với cách thể hiện ngẫu hứng và lảng tránh mọi quy ước nghệ thuật. Hoạ sĩ khởi xướng ra trường phái này chính là Jackson Pollock (1912-1956), sau đó hàng loạt những hoạ sĩ khác kế tiếp như: Mark Rothko (1903-1970), Arshile Ggorky (1905-1948), Clyfford Still (1904- 1980), Franz Kline (1910-1962), Barnett Newman (1905-1970), Robert Motherwell (1915-1991), Philip Guston (1913-1980).
Nhóm các hoạ sĩ Điều sắc ra đời và chung nhau ở quan niệm coi màu sắc có một ý nghĩa nội tại, một giá trị độc lập với hình thể hay chủ đề và màu sắc có khả năng diễn đạt những cảm xúc nằm ngoài lý trí. Những hoạ sĩ Điều sắc lớn có thể kể đến: Hlen Frankenthaler (1928), Morris Louis (1912-1962), Richar Dielenkorn (1922).
Trường phát Tối thiểu xuất hiện vào những năm 1960 với tinh thần đề cao vẻ đẹp cốt lõi trần trụi, được giản lược tối thiểu của hình thể. Trường phái này chủ yếu ở Mỹ, gắn với những tên tuổi như: Ad Reirthardt (1913-1967), Frank Stella (1936), Agnes Martin, Tony Smith, Cart Anđre…
Trường phái Biểu hình xuất hiện ở Anh, là mối quan tâm chính là sự biểu hiện với những động thái không chỉ của gương mặt mà của tất cả những hoạt động khác. Phong trào này nổi lên những tên tuổi lớn như Francis Bacon (1909-1992), Léon Kossoff (1926), Lucian Freud (1922), Anselm Kiefer (1945), Georg Baselitz (1938). . .
v ĐIÊU KHẮC HIỆN ĐẠI
Trong khi hội hoạ đang trào sôi với chủ nghĩa ấn tượng và Hậu ấn tượng thì điêu khắc hầu như vẫn còn dề dà trong phong cách cổ điển của thế kỷ XVIII và XIX. Sự nhúc nhích bắt đầu bằng tác phẩm ''Điệu nhẩy'' của Jean Baptiste Carpeaux (1827-1875), một tác phẩm chịu ảnh hưởng của Barocque với những thiếu nữ khoả thân. Nhưng chỉ đến khi Rodin xuất hiện thì điêu khắc mới tiến vào không khí hiện đại sánh vai với những cuộc cách tân sôi động của hội hoạ. Sự phá vỡ truyền thống của Rodin đã tạo một bước thúc đẩy mới mẻ cho điêu khắc và sau ông xuất hiện hàng loạt nhà điêu khắc hiện đại. Bức tượng đáng chú ý nhất thời kỳ này của Rodin là ''Balzac'', nó như một sự thách thức với truyền thống và bị phản ứng gay gắt từ phía những người bảo thủ. Một họa sĩ và là nhà điêu khắc quan trọng khác là Degas. Những tác phẩm điêu khắc của ông có sự dung hoà giữa tính hiện thực với các hình thù biến dạng, giầu sức sáng tạo trong đó nổi bật là: ''Người đàn bà trong bồn tắm'' là ''Cô vũ nữ 15 tuổi''. Nghệ thuật tổng hợp giữa ảo ảnh của tự nhiên và sự biến đang trong các hình thể của Rođin đã ảnh hưởng không nhỏ tới Medarđo Rosso (1858-1928), nhà điêu khắc người Italia. Rosso không thiên về những cảm hứng sử thi như Rodin mà chọn đề tài trong đời thường với cảm hứng mới mẻ, đôi khi có sự châm biếm dí dỏm. Cùng với Rodin, một khuynh hướng khác xuất hiện mà điển hình là Aristide Maillol (1861-1944). Maillol thiên về khái quát những hình thù đơn giản, đặc trưng với vẻ đẹp cổ điển tĩnh tại. Ông thường nhân cách hoá những sức mạnh tự nhiên bằng hình tượng các cô thôn nữ đầy sức sống trong khung cảnh hoành tráng. Bức tượng đồng cô gái miền Địa Trung Hải là một điển hình với những đường cong tuyệt mỹ, hài hoà trong một thân hình nở nang, thể hiện cái đẹp đầy nữ tính, kết tinh được những đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Từ Maillol điêu khắc hiện đại tìm ra vẻ đẹp giản dị, hài hoà. Giới điêu khắc tiến thêm một bước tiến với phong cách thể hiện cụ thể hơn, xúc tích hơn, kết tinh được những cảm hứng sôi nổi của đời sống thời hiện đại. Điển hình cho trào lưu này là nhà điêu khắc Constantin Brancusi, ông tập trung miêu tả nội tâm hơn là miêu tả động tác cấu trúc hình thể nhân vật. Ở đây lại phải nhắc đến sự đóng góp quan trọng trước đó của Henri Matisse, những tác phẩm điêu khắc của ông độc đáo bởi sự cách điệu về hình thể và thường thể hiện được không gian ba chiều. Matisse cho rằng cấu trúc bên trong của vật thể điêu khắc có khi được thể hiện bằng một đường cong, một động tác mà người xem có thể cảm nhận được, đồng thời hiệu quả của tác phẩm chỉ phụ thuộc vào sự nắm bắt tính cách nhân vật. Tác phẩm điêu khắc Lập thể tiêu biểu của Matisse là loạt tượng ''Đầu Jeannette''- ở Constantin Brancusi (1876-1957), tính tổng hợp trừu tượng trong các tác phẩm của ông có tinh thần trực giác cao và thiên hướng giản đơn hóa các hình thù phức tạp của ông là một yếu tố cực kỳ quan trọng cho điêu khắc hiện đại. Đỉnh cao sáng tác của Brancusi là bức tượng ''Sơ sinh'', tượng chỉ là một khối đá có hình quả trứng với một vết trổ tượng trưng cho cái miệng của trẻ sơ sinh. Những tác phẩm điêu khắc Lập thể xuất hiện đầu tiên với Picasso vào năm 1909 khi ông cho công bố bức tượng ''Đầu người đàn bà'', và sau này cũng chính Picasso mở ra trào lưu điêu khắc Trừu tượng vào năm 1915, bằng bức tượng ''Cây vĩ cầm và cái chai trên bàn''. Trong những tác phẩm của mình, picasso dùng nhiều vật liệu với các chất liệu khác nhau để sáng tạo và đó cũng là một bước đột mở cho điêu khắc. Sau đó là hàng loạt các nhà điêu khắc danh tiếng khác: Archipenko (1886-1964), Jacques Lipchiz (1891-1873), Henri Laurens (1885-1954), Raymond Duchamp - Villôn. (1876-1918). Sự xuất hiện của chủ nghĩa Vị Lai trong điêu khắc gắn với tên tuổi của Boccioni ông cho rằng nặn tượng cũng phải thể hiện sự vận động và do đó nhất thiết phải phản ánh tính hiện đại của không gian máy móc. Tác phẩm ''Sự phát triển của một cái chai trong không gian'' là một ví dụ minh hoạ cho quan điểm này. Giữa hai cuộc chiến tranh, nền điêu khắc dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Lập thể, chủ nghĩa Kiến tạo, chủ nghĩa Siêu thực càng đi sâu vào Trừu tượng. Xu hướng Trừu tượng thể hiện rõ trong các tác phẩm của Arp, đồng thời cũng thể hiện trong sáng tác của một số nhà điêu khắc Nga thời Cách mạng tháng Mười với cái nhìn không tưởng, bằng ngôn ngữ nghệ thuật Trừu tượng đã phác ra những cảnh hoành tráng mà họ cho rằng khoa học, kỹ thuật, tiến bộ xã hội và sự bình đẳng của con người sẽ có khả năng vô tận để phát triển. Có hai gương mặt tiêu biểu cho khuynh hướng này là hai anh em nhà điêu khắc người Nga: Antoine Pevsner (1886-1962) và Naum Gabo (1890-1977). Một điêu khắc gia nữa được đánh giá là kết tinh của chủ nghĩa Siêu thực và chủ nghĩa Trừu tượng, là Henry Moore. Trong những đề tài mà Moore chọn ông thích những tư thế nằm của người phụ nữ và thể hiện đề tài này bằng các chất liệu khác nhau. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Moore là ''Hình người đàn bà nằm''. Moore được đánh giá là nhà điêu khắc cuối cùng của thế hệ điêu khắc châu Âu trải qua nhiều trường phái nghệ thuật. Ảnh hưởng của ông quả thực không hề nhỏ đối với các nghệ sĩ điêu khắc hiện nay.
v NHỮNG CHẤT LIỆU CƠ BẢN CỦA NGHỆ THUẬT HỘI HOẠ
- Tranh màu thuỷ noãn và màu pha sáp. Cho đến trước thế kỷ XV, khi sơn dầu ra đời, thì màu thuỷ noãn là chất liệu chủ yếu của các hoạ sĩ. Thuỷ noãn, theo từ nguyên thuỷ chỉ sự pha trộn các sắc tố với một chất kết dính. Trong tranh màu pha sáp, chất kết dính thường dùng là sáp nóng, khi sáp này được phết lên bản gỗ, hoạ sĩ tạo hình bằng một thỏi sắt nóng gọi là “mũi đốt''. Còn trong tranh màu thuỷ noãn thì người ta dùng cả bã sữa, lòng đỏ trứng gà. Nền của tranh thuỷ noãn tạo bởi lớp lót thạch cao trắng trộn với keo, được phết lên mặt gỗ, thay vì mặt vải như hiện nay, sau đó vẽ màu lên đó. Trong các màu để vẽ thì có màu đất, màu son, màu lục gỉ đồng và cả kỹ thuật mạ vàng. Vẽ tranh thuỷ noãn đòi hỏi sự tỷ mỉ, chính xác.
- Tranh tường là thể loại tranh truyền thống có kích thước lớn mang tính công cộng, do đó đặc tính của nó là gợi mở bằng tổng thể bức tranh hơn là chú ý đến chi tiết. Tranh tường cổ xưa nhất vẽ trong hang động bằng than củi và màu đất vẽ trực tiếp lên đá. Thời cổ đại Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ và châu Á tranh tường dùng để trang trí trên các lăng mộ đền đài... Bích hoạ ''tranh tươi'', là loại tranh phổ biến ở Italia thời kỳ Phục hưng, nó khá phức tạp, nhưng lại cho kết quả cao hơn những phương pháp vẽ khô ''tranh khô'' trước đó. Người ta tô các sắc tố pha trong nước lên lớp lót còn ướt, do phản ứng hoá học, một lớp vỏ váng vôi sẽ hình thành, nó cố định và bảo vệ các màu. Sau đó người ta phải vẽ thật nhanh lên trên lớp lót đó và lớp lót thứ hai mỏng dần dần được phủ lên lớp thứ nhất để bảo vệ cho các hình vẽ và màu. Đến thế kỷ XVI, kỹ thuật vẽ bích hoạ không còn được ưa chuộng vì đã có sự xuất hiện của sơn dầu và tranh vải.
- Sơn dầu là thể loại tranh chủ yếu của hội hoạ phương Tây. Chất liệu sơn dầu đã có mặt từ rất lâu nhưng phải trải qua một chặng dài những thử nghiệm nó mới phát triển để đạt tới sự hoàn thiện và trở thành chất liệu quan trọng bậc nhất trong lịch sử hội hoạ. Ngay từ thế kỷ XIII nhiều công thức sơn dầu đã là đề tài của các sách khảo luận nhưng nó chỉ thực sự thịnh hành khi anh em nhà hoạ sĩ Van Eyck hoàn thiện kỹ thuật vẽ chất liệu này. Họ cùng với các hoạ sĩ Flandres đã thử nghiệm bằng cách vẽ sơn dầu theo phương pháp màu Thuỷ noãn. Về sau, cuối thế kỷ XVI các hoạ sĩ Venise trộn màu trực tiếp vào lớp lót và màu này quyết định sắc chủ đạo cho toàn thể bức tranh. Thế kỷ XIX, truyền thống vẽ trên nền tô màu sẵn dần dần mất đi và bút pháp của họa sĩ tỏ ra mạnh bạo hơn vì các tiến bộ khoa học đã cho ra đời loại màu có thể vẽ một lần mà vẫn giữ được nguyên sắc độ của nó.
- Màu nước là màu dạng bột được cô đặc trong dung dịch keo, nó tạo ra tính uyển chuyển, sinh động khi vẽ trên giấy và thực sự cuốn hút không ít hoạ sĩ. Durer là người đầu tiên khai thác tính mềm mại sinh động của màu nước trong các khảo hoạ của mình. Nhưng trong ba thế kỷ tiếp theo, màu nước chỉ dùng làm nổi hình khắc hay bản vẽ kiến trúc, bản vẽ minh hoạ thực vật. Đến thế kỷ XVIII, màu nước được các hoạ sĩ phong cảnh thực địa ưa dùng vì nó tiện lợi cho họ, màu nước là thể loại khó vẽ vì khô nhanh do đó đòi hỏi kỹ thuật thật chắc chắn, dứt khoát và người ta vẽ theo thứ tự từ nhạt đến đậm. Về sau này màu nước còn được phối hợp với các chất liệu khác như mực tàu, chì, màu bột, phấn màu và than.
- Mực tàu được chế từ than củi và mồ hóng, trộn với keo và đổ thành khối sau đó phơi cho khô cứng lại, khi vẽ thì dùng nước mài ra. Mực tàu chủ yếu được vẽ trên giấy và lụa. Chất liệu và thể loại tranh này được dùng ở phương Đông, chủ yếu là Trung Quốc và Nhật bản. Về sau này nó du nhập vào phương Tây khoảng thế kỷ XV, và trở thành chất liệu được nhiều hoạ sĩ sử dụng.
- Phấn màu là một thứ màu bột được nghiền với nước và kết dính bằng keo hoặc đôi khi với đất sét rồi tạo thành hình trụ nhỏ và để khô. Kỹ thuật vẽ phấn màu hình hành ở Pháp vào thế kỷ XVIII với thể loại chân dung. Phấn màu thường được vẽ trên giấy mặt thô và phải phun lên mặt tranh một chất kết dính trong suốt để cố định màu.
- Màu bột là một thứ sơn màu đậm đặc trưng keo, dễ sử dụng, có thể chồng nhiều lớp lên nhau. Ở phương Tây màu bột xuất hiện từ khá lâu để vẽ khảo hoạ, đến thế kỷ XVI nó được các nhà tiểu hoạ sử dụng nhiều, thế kỷ XVIII thì các hoạ sĩ Pháp và Italia dùng để trang trí. Tại phương Đông bột màu cũng được sử dụng để vẽ chân dung, minh hoạ, tiểu hoạ ở các nước Ấn Độ, Ba tư, Thổ Nhĩ Kỳ.
- Hình vẽ nét thường được thể hiện bằng các chất liệu như phấn, chì, than, màu, mực và mũi dùi. Đây là thể loại tranh về căn bản xác định vị trí của một hình ảnh đối với không gian xung quanh, với hai hình thức chính là đường nét và mảng miếng.s
- Tranh khắc bản ra đời từ rất sớm ở Trung Quốc sau đó lan tràn sang châu Âu vào khoảng thế kỷ XV và trở thành một thể loại quan trọng của hội hoạ. Tranh khắc bản chia làm ba loại: Khắc bản nổi, Khắc bản lõm và Khắc bản phẳng, mỗi loại có một đặc tính về hình vẽ và kết cấu cũng như khả năng diễn đạt riêng. Khắc bản nổi là chạm trổ khắc xung quanh hình vẽ và chừa lại những nét để bôi mực. Khắc bản lõm chủ yếu dùng dụng cụ hoặc Axít để khắc lõm trên một tấm kim loại những đường những điểm để chúng có thể chứa mực tạo thành nét. Khắc bản phẳng thì hình vẽ được thực hiện bằng khuôn trổ, nó hay dùng trong in lụa, in thạch bản và độc bản. . .
Ngoài ra còn có một số chất liệu khác cũng khá độc đáo và chủ yếu dùng ở phương Đông như: Sơn mài, lụa...với sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày nay, chất liệu hội hoạ, được mở rộng và xuất hiện nhiều loại chất liệu tổng hợp theo sở thích và ý đồ sáng tác của các hoạ sĩ.
v NHỮNG NGƯỜI KHỔNG LỒ TRONG LỊCH SỬ HỘI HỌA
Giotto Bondone di (khoảng 1267-1337), hoạ sĩ, nhà kiến trúc người Florence, ông tạo lập ra truyền thống trung đại của hội hoạ phương Tây với việc mở ra không gian cho nghệ thuật hội hoạ và tách khỏi sự cách điệu hoá của nghệ thuật Bizantine. Tác phẩm mà Giotto để lại không nhiều nhưng chúng cho thấy trong những tác phẩm được coi là chính xác của ông, người ta thấy rõ được rằng trong các hình diện của ông có sự nhận thức mới về tính ba chiều và tính căn bản về ''chất'' của vật chất được diễn tả. Bằng trải nghiệm cá nhân, Giotto thể hiện được tinh thần của vấn đề cần diễn tả thông qua cử chỉ và nét mặt của nhân vật, ở mức độ chính xác cao. Giotto có một ảnh hưởng rất lớn đối với các hoạ sĩ sau mình đặc biệt là Michengelo.
Leonardo de Vinci (1452-1519), hoạ sĩ, nhà tư tưởng, nhà khoa học người Florence, được tôn vinh là tinh hoa của thời kỳ Phục hưng. Ông ham mê nghiên cứu, chế tạo các loại khí cụ, máy móc và vũ khí cho nên thời gian dành cho hội hoạ ít, tuy vậy những tác phẩm của ông thực sự là những kiệt tác có một không hai. Leonardo de Vinci để lại những tác phẩm: Người phụ nữ với con chồn hương, Chân dung Mona Lisa, Đức mẹ và chúa hài đồng với thánh Anne, Thánh Janne người rửa tội, Bữa ăn cuối cùng của Chúa. Ngoài ra còn có những tác phẩm bỏ dở khác như đồ án tượng kỹ mã, phác thảo bức tranh tướng Trận Anghiria. Leonado de Vinci có những đóng góp quan trọng vào nghệ thuật hội hoạ với những khảo sát về cấu trúc cơ thể, bố cục, kỹ thuật tinh xảo trong diễn đạt tinh thần và phương pháp xử lý chất liệu, đặc biệt là chất liệu sơn dầu. Ông được liệt vào nhân vật bán thần.
Michelangelo Buonarroti (1475-1564), hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nhà kiến trúc người Florence, một trong số hoạ sĩ vĩ đại nhất của thời kỳ Phục hưng. Michelangelo thuộc loại thiên tài thần cảm, chỉ biết để hết tâm trí vào công việc, mạnh mẽ, quyết đoán và khó gần, ông dành nhiều công sức cho điêu khắc và hội hoạ hơn là cho kiến trúc. Trong hai lĩnh vực này Michelagelo đạt tới đỉnh cao của sự hoàn thiện cả về kỹ thuật cũng như về sự ca ngợi vẻ đẹp lành mạnh, khoẻ khoắn của con người, đặc biệt qua hình ảnh nam giới với một sự vững vàng về giải phẫu học. Ông là người để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ mà trong đó không thể không nhắc tới những bức bích hoạ trên trần nhà thờ Sixtine, toàn bộ khối tượng trang trí cho nhà mồ của dòng họ Medici, tượng Thần rượu Bacchus, tượng David. Michelangelo là người khơi nguồn cho phong trào Kiểu cách sau này.
Caravaggio Michelangelo Merisi da (1571-1610), hoạ sĩ Italia có phong cách độc đáo và gây ảnh hưởng nhiều chất trong thế kỷ XVII. Ông sáng tác theo nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có những dấu hiệu khác nhau, đặc biệt là việc nắm vững cấu trúc học và khả năng diễn tả những động tác phức tạp nhưng lại biểu cảm mạnh mẽ. Tác phẩm của ông thường được vẽ theo phong cách mới với sự hạn chế của màu sắc đến tối đa và cái đẹp lý tưởng bị gạt bỏ ra ngoài, chỉ còn lại sự hàm xúc đến mức trần trụi của trạng thái hiện thực. Caravaggio là một thiên tài lớn, ông gây ra nhiều những đánh giá trái ngược nhau cho đến tận ngày nay. Những tác phẩm của Caravaggio có thể kể đến: Bacchus (vẽ khoảng 1595), Cậu bé với giỏ trái cây (khoảng 1595), Bữa ăn ở Emmaus (khoảng 1598), Đóng đinh thánh Pierre (1600), Hạ huyệt (1602), Cái chết của Đức Mẹ đồng trinh (1605), Thánh Jean Baptiste bị chặt đầu (1608) . . .
Rembrandt Harmensz van Rijn (1606-1669), hoạ sĩ vĩ đại của Hà Lan, chủ yếu vẽ theo thể loại tranh chân dung và tranh tôn giáo. Trong thể loại chân dung, ông vẽ nhiều bức chân dung tập thể và đẩy thể loại này lên đến đỉnh cao. Ngoài ra Rembrandt còn là hoạ sĩ khắc Axít vĩ đại vào loại bậc nhất từ trước tới nay bởi một bút pháp khoáng đạt, táo bạo trong các bức tranh miêu tả phong cảnh Hà Lan. Trong tác phẩm của Rembrandt ánh sáng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nó không còn là sự chiếu dọi của vật chất mà trở thành một tín ngưỡng, một sự linh thiêng mang tính chất tôn giáo. Những tác phẩm chính của Rembarandt: Bài học giải phẫu của giáo sư Tulp (1632), Đâm mù mắt Sam son (1636), Tuần đêm (1642), Đại biểu của nghiệp đoàn nhà buôn vải (1661), Âm mưu của Claudius Civilis (1662), Sự trở về của đứa con hoang đãng (1669)…
Delacroix Eugène (1798-1863), hoạ sĩ Pháp, được xếp vào hàng vĩ đại nhất của trường phái Lãng mạn, ông góp phần tạo ra cuộc cách mạng lớn trong việc sử dụng màu sắc theo ấn tượng chủ quan. Delacroix sáng tác cả tranh tường và trở thành hoạ sĩ lớn trong thể loại này, đồng thời ông cũng là người có nhiều những khảo luận về nghệ thuật hội hoạ. Delacroix ảnh hưởng lớn đến các hoạ sĩ thế hệ sau như: Renoir, Seurat, Van Gogh. Những tác phẩm chính: Chiếc thuyền của Dante, Cuộc tàn sát ở Sicio, Vua Maroc, Jacob và thiên thần, Heliođorus bị đuổi khỏi đền thờ, Cô gái mồ côi ở nghĩa trang, Cái chết của Sardanapale…
Goya Francisco de (1746-1828), hoạ sĩ Tây Ban Nha, thiên tài lớn nhất trong thế kỷ XVIII. Sự nghiệp sáng tác của ông thực sự đồ sộ và nằm ngoài mọi trào lưu đương thời. Goya có một kỹ thuật hoàn chỉnh, điêu luyện, cảm xúc lạ lùng, độc đáo, ông nắm bắt và thể hiện chính xác tinh thần của đối tượng. Về cuối đời Goya sáng tác những tác phẩm kỳ dị, u ám dựa theo trí tưởng tượng, những ám ảnh và các giấc mơ của mình. Ông vẽ nhiều thể loại, nhiều chất liệu như tranh sơn dầu, tranh tường, khắc Axít, mẫu thảm. Tác phẩm tiêu biểu: Biến đổi bất thường (bộ tranh 82 bức, khắc Axít), Gia đình vua Charles IV, Maja khoả thân, Ngày 3 tháng 5 năm 1808, Những tai hoạ của chiến tranh (bộ tranh khắc Axit, 65 bức), Tranh đen (bộ tranh tường, 14 bức), Nữ hầu tước de Pontejos, Vị thần khổng lồ (loạt tranh). . .
Monet Claude (1840-1926), hoạ sĩ người Pháp, mở đầu cho Trường phái ấn tượng, ông say mê nghiên cứu và thể hiện trong tác phẩm của mình những biến đổi kỳ diệu mà ánh sáng tạo ra cho hình thể. Đặc điểm này khiến Monet thường hay vẽ hàng loạt tranh theo cùng một góc độ với những sắc thái khác nhau. Monet ưa thích vẽ phong cảnh ngoài trời và nó tạo nên cho ông một bút pháp khoẻ khoắn với màu sắc tinh tế, sống động. Những tác phẩm chính: Cuộc dạo chơi, Ấn tượng mặt trời mọc, Đụn rơm, Nhà thờ Rouen, Hoa súng. . .
Cézanne Paul (1839-1906), hoạ sĩ Hậu ấn tượng, người Pháp, có vai trò quan trọng bậc nhất trong sự phát triển của hội hoạ hiện đại thế kỷ XX. Ông chú ý tới cấu trúc và hình thể, đề cao sự khơi gợi tinh thần trong tác phẩm hơn là hấp dẫn và thoả mãn thị giác ngay tại chỗ. Cézanne cho rằng không có gì biệt lập, mọi vật có màu sắc riêng nhưng chúng lại tác động tới nhau một cách mật thiết. Về cấu trúc ông lại cho rằng mỗi vật có một cấu trúc bên trong vững chắc và không hề bị chi phối bởi vật khác. Những tác phẩm cuối đời của Cézanne thường có bố cục rời rạc, khoáng đãng, thấm đượm cảm giác không khí và ánh sáng, chiều thứ ba được tạo ra bằng sắc màu chứ không phải bằng phối cảnh hay kỹ thuật thu ngắn mà các hoạ sĩ khác thường làm. Cézanne vẽ nhiều tranh tĩnh vật và đó thực sự là những kiệt tác có một không hai trong thể loại này. Tác phẩm chính: Cha của hoạ sĩ, Lâu đài đen, Vụ bắt cóc, Tĩnh vật với táo và đào, Núi Sainte Victoire. . .
Mastisse Henri (1869-1954), hoạ sĩ người Pháp, chủ soái của những trường phái Dã thú và nhiều những trào lưu nghệ thuật hiện đại khác. Ông sử dụng màu nguyên chất với sự đối chọi nhau mạnh mẽ để tạo hiệu quả rung động đồng thời giản lược hình theo những những nét căn bản chất, đặc trưng nhất nhưng lại không tuân thủ hiện thực mà tuân thủ cảm giác chủ quan. Tác phẩm của Mastisse thường có bố cục đơn giản, phóng khoáng, nghiêng về trang trí nhưng lại tự nhiên và giầu cảm xúc. Những tác phẩm chính: Niềm hạnh phúc được sống, Xưởng vẽ đỏ, Phồn thực, Chân dung với đường vạch lục, Nàng cung phi vươn vai, Cuộc nói chuyện, Vũ điệu, Âm nhạc...Về cuối đời, khi bị liệt, Matisse chuyển sang tranh dán giấy và ông cũng đạt được những tác phẩm lạ kỳ như: Con ốc sên, Những con thú biển ...Các nhà nghiên cứu hội hoạ nhận định rằng cùng với Picasso, Matisse thống trị nền hội hoạ thế kỷ XX.
Picasso Pablo (1881 -1973), hoạ sĩ vĩ đại nhất của nghệ thuật thế kỷ XX, người Tây Ban Nha. Sự nghiệp sáng tác của ông được chia ra làm nhiều giai đoạn và giai đoạn nào cũng đạt tới thành công chói lọi. Picasso là người chạm tới chủ nghĩa Siêu thực, khai sinh ra chủ nghĩa Lập thể, tiến tới Trừu tượng. Sức sáng tạo phi thường của ông thể hiện không chỉ ở trong tranh mà ở cả trong nghệ thuật điêu khắc, minh hoạ sách, gốm...Hình thức cảm xúc của Picasso cũng đa dạng như tài năng kỹ thuật của ông, và dù ở bất cứ trạng thái nào thì tác phẩm của ông vẫn toát lên một chủ nghĩa nhân văn cao cả. Những tác phẩm quan trọng: Ông lão ăn mày và em bé, Gia đình gánh xiếc dong, Cô bé trên quả bóng, Những cô nàng ở Avignon, Người đàn bà khóc, Guernica…
Kandinsky Wasstly (1866-1944), hoạ sĩ người Nga, khai sinh ra trường phái Trừu tượng. Có thể nói Kandinsky là người có ảnh hưởng to lớn trong thế hệ mình do tác phẩm và những nghiên cứu nghệ thuật của công. Kandinsky chủ trương rằng nghệ sĩ thuần tuý chỉ nên tìm cách diễn đạt nội tâm bằng cảm xúc của màu, do đó có thể không cần tới sự tham gia của hình thể. Những tác phẩm: Ứng tác 31, Bố cục, Ấn tượng, Nét nhấn màu hồng. Ngoài ra còn những tác phẩm nghiên cứu: Về cái tinh thần trong nghệ thuật (1912), Hồi ký (1913), Điểm, đường và bề mặt ( 1926).
Ernst Max (1891-1976), hoạ sĩ người Đức, mở đầu cho trường phái Siêu thực trong hội hoạ, tác phẩm của ông bắt nguồn từ trí tưởng tượng quái đản được thể hiện bởi những thể nghiệm về kỹ thuật. Ernst là người đầu tiên sử dụng kỹ thuật chà sát, tức là dùng vật cứng mài lên mặt tranh tạo thành những hình kỳ lạ, ngẫu nhiên nhưng lại khơi gợi trí tưởng tượng cho người xem. Mặc dù về sau Ernst chia tay với Siêu thực nhưng tên tuổi ông vẫn gắn với trường phái này. Tác phẩm chính: Con voi đảo Célèbes, Hai đứa trẻ bị con chim hoạ mi đe doạ, 100.000 con chim bồ câu, Cánh rừng xám, Lịch sử tự nhiên, Thành phố nguyên vẹn…