SỰ HÌNH THÀNH THẾ GIỚI VÀ CÁC THẦN LINH
Truyền thuyết của người Hi Lạp cổ xưa kể rằng thế giới ban đầu là một trạng thái hỗn mang, hồng hoang, vô biên, vĩnh hằng và chìm trong bóng tối âm u, nó được hiện thân bằng một vị thần khởi nguyên mà người Hi Lạp gọi là thần Khaôx (Khaos), trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là thần Hỗn Mang.
Chính thần Hỗn Mang này là nguồn gốc sự sống của vạn vật. Vạn vật, tức là cả thế giới muôn loài trong đó có cả các vị thần bất tử, đều sinh ra từ thần Hỗn Mang vô biên. Cả nữ thần Gaia, tức nữ thần Đất, cũng được sinh ra từ thần Hỗn Mang. Gaia là một nữ thần cường thịnh và phì nhiêu đem lại sự sống cho tất cả những sinh vật nào sống trên cơ thể của nữ thần, và vị nữ thần này thâu tóm cả một miền đất rộng bao la vô bờ bến là Trái Đất của chúng ta. Còn ở trong sâu thẳm vô cùng dưới lòng Trái Đất lại là nơi đẻ ra vị thần Tartarôx tối tăm (Tartaros) - đó là vị thần Địa Ngục âm u khủng khiếp. Nói là sâu thẳm vô cùng của Vũ Trụ, bởi vì khoảng cách từ vực thẳm Tartarôx đến thế giới Âm Phủ của loài người dưới lòng đất mà sau này thuộc quyền cai quản của thần Diêm Vương Hađêx cũng xa chẳng kém gì khoảng cạch từ Thượng Giới tới Trái Đất của chúng ta.
Từ vị thần Hỗn Mang Khaôx cũng sinh ra một vị thần có sức mạnh vô biên nữa là thần ái Tình để đem lại sinh khí cho vạn vật trong tiếng Hi Lạp vị thần này có tên là thần Êrôx (Eros). Và thế là thế giới bắt đầu hình thành. Thần Khaôx vô biên còn đẻ ra vị thần Tăm Tối vĩnh hằng, có tên gọi trong tiếng Hi Lạp là thần Êrêbôx (Erebos), rồi lại đẻ ra nữ thần Nycx (Nyx), tức nữ thần Bóng Đêm đen tối. Còn từ cuộc hôn phối của nữ thần Nycx với thần Êrêbôx lại sinh ra thần Không Khí và ánh Sáng vĩnh cửu của bầu trời xanh cao có tên là Aithe (Aither, hay còn được đọc theo tên Latin là Êthe) cùng với nữ thần Ban Ngày rạng rỡ vui tươi có tên là Hêmera, Thần Aithe rọi chiếu ánh sáng lên toàn thế giới là từ đó đêm và ngày bắt đầu diễn ra nối tiếp nhau theo một vòng tuần hoàn vĩnh cửu. Thế là, trong thần thoại Hi Lạp, Tăm Tối và bóng đêm sinh ra ánh Sáng và Ban Ngày chứ không phải ngược lại.
Nữ thần Đất Gaia hùng mạnh và phồn thịnh lại sinh ra thần Bầu Trời trong xanh trải rộng bao la. (hay còn được gọi là thần Thiên Vương), có tên trong tiếng Hi Lạp là thần Uranôx (Ouranos) vị thần này ra đời lại dang rộng cánh tay bao bọc lấy cả Trái Đất rộng lớn. Như vậy là trong quan niệm của người Hi lạp cổ xưa thì đất sinh ra trời chứ không phải trời sinh ra đất, cho dù trời rộng hơn đất rất nhiều. Sau đó nữ thần Đất Gaia lại sinh ra núi non hùng vĩ vươn mình lên tận trời xanh, rồi lại sinh thêm ra thần Pôntôx (Pontos) hiện thân cho Biển Cả mênh mông đổ nước tràn ra khắp bề mặt Trái Đất và quanh năm vỗ sóng ì ầm. Vậy là trời, núi, biển đều là con đẻ của đất và tất cả bọn họ đều không có cha.