Tài liệu: Những đặc điểm của triết học

Tài liệu
Những đặc điểm của triết học

Nội dung

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA TRIẾT HỌC

Muốn biết những đặc điểm, những đặc trưng của triết học, hay nói một cách khác muốn trả lời câu hỏi triết lý, triết học là gì, chúng ta chỉ cần so sánh triết học với các bộ môn khoa học khác là có thể nhận biết những khác biệt giữa chúng tức tìm ra được những đặc điểm, đặc trưng của triết học. So sánh triết học với các khoa học khác, chúng ta thấy có một số những khác biệt sau:

1. Trong các môn, ngành khoa học, chúng ta thấy môn khoa học nào ngành khoa học nào cũng đưa ra được những lý thuyết, những học thuyết có độ chính xác, chắc chắn cao. Chẳng hạn những lý thuyết, học thuyết của toán học, vật lý học, hoá học, sinh vật học, y học v.v… đều có sự chắc chắn và độ chính xác rất cao. Thí dụ như: Định lý ''tổng của ba góc trong một tam giác là 1800 ” rồi định luật về ''Bảo toàn năng lượng'' trong vật lý học, và các lý thuyết về Gen, lý thuyết về nhiễm sắc thể ADN trong sinh học v.v... Chúng ta có thể dẫn chứng ra biết bao các thí dụ về điều này.

Trong khi đó những học thuyết, lý thuyết của triết học thường không đem lại những kết quả chính xác, chắc chắn hoàn toàn.

2. Khi tìm hiểu các bộ môn khoa học, chúng ta thấy các lý thuyết, các định luật, các định lý của các ngành khoa học được các nhà khoa học, các nhà bác học đưa ra, đặc biệt là  các khoa học tự nhiên đều được mọi người, mọi nhóm người, mọi xã hội người thừa nhận. Thí dụ một lý thuyết giản đơn nhất của vật lý học: Nước sôi ở 1000C thì ai ai cũng phải thừa nhận; dù là người da đen, da vàng, da trắng, dù anh thuộc nhóm người này, hay nhóm người khác dù anh là kẻ tư bản, hay là người vô sản, dù anh là người lính của quân đội phát xít hay người lính của quân đội hoà bình, dù anh sống trong phe tư bản chủ nghĩa hay trong phe xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều đồng ý công nhận hiện tượng đó là chân lý. Lẽ đơn giản là người ta có thể lặp đi lặp lại việc đo độ nóng của nước (nguyên chất) sôi là 100 độ Celcicus (1000C); hoặc có thể cứ đun nước lên độ nóng 1000C thì thấy nước sôi; do đó đề ra nhận xét (lý thuyết) là nước sôi ở 1000C. (Thực ra câu chuyện như sau: Thoạt đầu người ta đun nước đến độ sôi, lấy độ nóng ấy chia thành 100 phần gọi là ''độ Celcicus'', rồi người ta thử lại, thấy cứ đun đến độ nóng 1000C thì thấy nước sôi. Từ thí nghiệm này rút ra ''lý thuyết'': Nước sôi ở 1000C. Đây cũng là hành trình rất cổ điển của khoa học tự nhiên. Ngày nay ''hành trình'' hay ''lộ trình'' này có nhiều thay đổi. Ví dụ sự xuất hiện của mô hình ''ảo'', ''thí nghiệm ảo'' nhờ những tiến bộ vượt bậc của khoa học - trước hết là của công nghệ thông tin, v.v…còn “lộ trình” của triết học lại hoàn toàn khác như đã trình bầy).

Trong khi đó ở lĩnh vực triết học lại không có được một thực trạng như vậy. Chỉ cần  nếu ai tìm hiểu lĩnh vực triết học một chút ít thôi, sẽ thấy ngay rằng: Các quan điểm, các lý thuyết, các học thuyết triết học do các triết gia đưa ra không bao giờ có một sự đồng tình nhất trí, tán dương của tất cả mọi người, mà chỉ được sự chấp nhận, tán thưởng, ủng hộ toàn phần hoặc từng phần ở một số nhóm người này hay một bộ phận của nhóm người khác, của một tập đoàn người này hay một tập đoàn người khác, của giới này hay một giới nọ, của một giai cấp này hay một giai cấp kia. Tóm lại các quan điểm, các lý thuyết, các học thuyết của các triết gia đưa ra, không bao giờ có một sự đồng tình, sự ủng hộ, sự thừa thận toàn phần hoặc từng phần của mọi người trong tất cả mọi xã hội. Nhiều lý thuyết, học thuyết của các triết gia nổi tiếng khác ở phương Tây cũng như ở phương Đông không bao giờ được tất cả mọi người trong mọi xã hội thừa nhận, đồng tình. Mọi lý thuyết, học thuyết triết học của mọi triết gia đều được thừa nhận hay đều bị phê phán từ phía này hay phía khác. Và khốn nỗi thay, dường như những lời khen ngợi, những sự phê phán của phía này hay phía kia nghe ra cũng đều như có lý hoặc không dễ gì bác bỏ được. Bản chất triết lý, triết học là như vậy, thường không có tính cách chính xác, chắc chắn như các môn, ngành khoa học tự nhiên. Nếu chúng la tìm hiểu những vấn đề siêu hình trong triết học, những vấn đề như là: Linh hồn, tâm linh, Thượng đế...   đòi hỏi một tính khoa học, tính chính xác, sự chắc chắn lại càng khó. Cho nên trong lĩnh vực triết học, nếu những lý thuyết nào quá chính xác, thì sẽ không còn nằm ở địa hạt triết lý nữa.

Vả lại triết học là nhận thức và tiên nghiệm, còn khoa học tự nhiên là chứng minh và thí nghiệm. Nhận thức và tiên nghiệm thường tiến bước rất xa, cũng đòi hỏi phải chứng minh và tuỳ thuộc rất nhiều vào khả năng tư duy. Vì vậy sự phát triển của triết học không theo trình tự phát triển của khoa học tự nhiên. Ví dụ như: Phép luận chứng trong triết học cổ đại phương Tây hoặc phương Đông ngày nay mới được xác nhận và được chứng minh ở mức độ nào đó trong khoa học tự nhiên.

3. Một đặc điểm khác của triết học khi so sánh với các khoa học khác là: Khoa học ngành nào cũng vậy, mỗi bước tiến của thời gian, mỗi bước đi lên của thời đại lại kéo theo những bước tiến mới của khoa học. Có nghĩa các môn khoa học, các ngành khoa học, các lý thuyết, các học thuyết khoa học càng ra đời về sau lại càng có sự tiến bộ, có sự vĩ đại hơn thời kỳ trước đó. Trong lĩnh vực triết lý, triết học lại không phải dễ dàng lúc nào cũng nói được như vậy. Cho nên có người nói triết học không có sự tiến bộ, tiến bộ ở đây với nghĩa là bất cứ trào lưu triết học lý thuyết triết học, học thuyết triết học nào của các triết gia cứ ra đời sau lại có sự tiến bộ, sự vĩ đạt hơn các trào lưu, lý thuyết, học thuyết triết học của các triết gia ở những thời đại trước đó. Trong khi các ngành khoa học khác lại dễ dàng nhận thấy như vậy: Toán học, hoá học, vật lý học, sinh học, y học v.v... Thí dụ như trong y học, ngày xưa ở châu Âu, người thầy thuốc (bác sĩ) Hy Lạp được coi là người thầy thuốc giỏi nhất so với những người thầy thuốc cùng thời ở các nước châu Âu khác, vì kiến thức y học của các ông thầy thuốc này khá uyên bác, ông ta hiểu biết rất rộng, rất sâu về các loại bệnh tật cũng như các cách thức, các loại thuốc men chữa trị các loại bệnh tật ấy. Nhưng giờ đây, nếu đem so sánh những ông thầy thuốc (bác sĩ) Hy Lạp nổi tiếng ngày xưa ẩy với một người bác sĩ bình thường nhất ở ngay những bệnh viện không phải nổi tiếng thế giới, chẳng hạn như ''Bệnh viện Bạch Mai'' của ta chẳng hạn, ta sẽ thấy những người bác sĩ này cũng có sự hiểu biết rộng rãi hơn về nhiều loại bệnh tật của con người cũng như nhiều cách thức điều trị và nhiều chủng loại thuốc chữa trị cho con người so với những ông thầy thuốc Hy Lạp nổi tiếng xưa kia. (Những bệnh về ung thư, những bệnh về não, những bệnh về máu, về da, và nhiều căn bệnh mới mà những người thầy thuốc ngày xưa chưa hề biết đến, thí dụ như bệnh AIDS. Còn nói đến cách điều trị hay các chủng loại thuốc thì có thể nói đã được tăng theo cấp số cộng theo thời gian vì sự tiến bộ hàng năm trong lĩnh vực khoa học, y học). Nhưng có ai khẳng định một cách trơn tuột rằng: Dứt khoát ông C.Marx ra đời sau triết học của G.Hégel, nên triết học của ông hơn hẳn, vĩ đại hơn triết học của Hégel. Rồi vì ông Hégel ra đời sau triết gia E. Kant, nên triết học của Hégel tiến bộ, vĩ đại hơn của E. Kant. Và mặc dù E. Kant được coi như là người đã làm một cuộc cách mạng Copernic([1]) trong lĩnh vực triết học, thì cũng không thể nói được rằng tất cả các mặt trong triết học của E. Kant hoàn toàn hơn hẳn triết học của R. Descartes, vì R.Descartes ra đời trước E. Kant. Và cũng không thể nói được rằng vì các triết gia như: F.Nietzsche, S. Kierkegaard, J.P. Sartre, A. Camus., E. Husserl, M. Heidegger. K. Popper, v.v... là những triết gia của thời kỳ hiện đại, do ra đời sau nên triết học của họ tiến bộ, vĩ đại hơn triết học của các triết gia thời trước đó. Xem xét triết học phương Đông ta cũng thấy một thực trạng như vậy, nhiều lý thuyết triết học ra đời sau các lý thuyết triết học của Phật giáo, của Nho giáo, nhưng không hẳn đã vượt qua, đã có độ sâu sắc, có sự tiến bộ hơn những thuyết của Phật giáo, Nho giáo.

Có tình hình như vậy là do trong mỗi lý thuyết, học thuyết triết học của mỗi triết gia, cũng như trong mỗi trào lưu, trường phái triết học đều có những mặt tiến bộ, sự hạn chế, mặt tích cực, điều tiêu cực, có mặt mạnh, mặt yếu, có sự hợp lý, có sự phi lý... Chúng ta chưa tìm thấy trong lịch sử triết học có một lý thuyết, học thuyết của triết gia nào, cũng như trong các trào lưu, trường phái triết học nào chỉ hoàn toàn có mặt tiến bộ, mặt mạnh, sự hợp lý mà không có những mặt đối cực lại. Trong lĩnh vực nghệ thuật cũng có thực trạng như trong lĩnh vực triết học. Chúng ta có thể liên hệ tìm hiểu trong lĩnh vực của hội hoạ, âm nhạc và văn chương. So sánh hội hoạ của thời kỳ Phục hưng, Cổ điển, Hiện đại giữa các hoạ sĩ: Léonard de Vinci, Michel-Ange, Le Titien, P.Rubens, N .Poussin,  J. Ingres, T. Rousseau, Vermeer, V.Van Gogh, P.Gauguin, C.Monet, A. Renoir, H .Matisse, V.Kamđisky, P.Picasso. . . rồi trong âm nhạc giữa nhạc cổ điển với nhạc của thời kỳ đương đại, hiện đại và hậu hiện đại; nhạc của L. Beethoven, F.Chopin, W.Mozart, Tchaikovsky, A-Vivaldi, Cdebussy (nhạc sĩ điển hình của phái tiên phong của âm nhạc đương đại), nhạc của nhóm Beatles (cải tiến Rock thành nhạc Pop), các nhóm nhạc Jazz, nhạc Rock and Roll, nhạc Rap thời hậu hiện đại. Và trong lĩnh vực văn chương: Giữa văn học cổ điển, văn học hiện thực, văn học hiện đại với các nhà văn, nhà thơ: Shakespeare, V.Hugo, Balzac, G.Flaubert, A.Tolstoi, A.Pouchkine, P.Verlaine, G.Apollinaire, F.Kafka, M.Proust, J.Joyce v.v. . . Người ta sẽ không thể nói về các hoạ sĩ, các nhạc sĩ, các nhà văn nhà thơ nói trên rằng: Hội hoạ, âm nhạc, văn thơ của ai tiến bộ, vĩ đại, hay, đẹp, tuyệt vời hơn ai! Cũng như vậy, không thể nói trong các trường phái nghệ thuật đó trường phái nào hay hơn, tuyệt vời hơn trường phái nào. Điều này phụ thuộc vào những lý tưởng thẩm mỹ, hệ tư tưởng, hệ giá trị mà mỗi người trong chúng ta lấy làm tiêu chí để đánh giá. Chẳng hạn như các phong trào ''chủ nghĩa siêu thực'' (Surrealisme), chủ nghĩa Đa Đa'' (Dadaisme), ''Chủ nghĩa dã thú'' (Fauvisme), ''chủ nghĩa lập thể'' (Cubisme), v.v. . . nhiều người cho rằng đó là những bước tiến mới của nghệ thuật hội hoạ. Nhưng cũng có không ít người lại cho rằng những phong trào này chính là điều phản ánh sự bế tắc của hội hoạ hiện đại. Tuy nhiên có thể nói thật dè dặt: Lịch sử triết học đầy thăng trầm, bởi vì xét về nhiều mặt mà xét, đó là lịch sử tất yếu của tư duy.

4. Sự khác biệt giữa triết học và các khoa học khác, hay nói cách khác một đặc trưng nữa của triết học, chúng ta còn thấy ở chỗ: Để tranh luận về chuyên môn của các ngành khoa học, mọi người cần phải được học tập căn bản, có hệ thống, một cách đến nơi đến chốn mới có đủ sự hiểu biết, đủ những kiến thức về ngành khoa học đó để tranh luận được Các khoa học như toán học, vật lý học, hoá học, sinh vật học, y học, ngôn ngữ học, v.v..., chúng ta không được học tập, đào tạo thì khó có thể ngồi tranh luận với những nhà khoa học, với những chuyên gia của những ngành đó. Thế nhưng để bàn luận hay tranh luận về những vấn đề triết lý hay triết học, nhiều khi không cần phải được học hành nhiều về môn triết học, thậm chí không được học môn này bao giờ vẫn có thể tham gia vào các cuộc tranh luận về vấn đề triết lý hay triết học. Vì một điều giản đơn là: Mọi người sống trong cuộc đời ít nhiều cũng tích luỹ được một số kinh nghiệm, những kiến thức và những sự hiểu biết ở nhiều vấn đề. Hơn nữa chúng ta cũng thấy rằng trong cuộc sống ai ai cũng ít nhiều có nhu cầu tham gia tranh luận triết lý và có khả năng triết lý. Ngay cả những đứa trẻ, nhiều điều suy nghĩ của chúng, ta cũng thấy chứa đựng những suy tư mang tính triết lý. Thí dụ: Một em bé trong gia đình theo đạo Thiên chúa thắc mắc hỏi mẹ rằng: Theo Kinh thánh thoạt đầu có Thượng đế tạo ra trời, đất và muôn loài, nhưng trước đó thì ai sinh ra Thượng đế? Một vấn đề rất sâu sắc mang tính triết học: Muốn truy tìm nguyên nhân sâu xa về tồn tại người và sự vật. Hoặc một bé khác lại băn khoăn về một điều: Tại sao em không là con trai mà lại là con gái, tại sao em lại sinh ra trong một gia đình nghèo khó, chứ không phải là gia đình giàu sang? v.v. . . Đó cũng là những suy tư mang nhiều tính cách triết lý về những điều ngẫu nhiên ở đời.

Muốn xây dựng được một hệ thống triết học hoàn chỉnh và có giá trị rất cần phải dựa vào những giả thiết, những phát minh, những hệ quả của những môn, những ngành khoa học có liên quan. Nhưng so với các khoa học khác, hướng đi của triết lý lại được xuất phát, phôi thai ở những nguồn suối khác: Trước hết ở trong nhận thức, tư duy lô-gích và tiên nghiệm của con người đứng trước, ở trong hoặc với tính cách là trung tâm của thế giới tự nhiên.

Không phải là phải có các ngành, các môn khoa học rồi mới có thể dựa vào những lý thuyết, những phát minh những hệ quả của chúng để từ đó xây dựng, nêu các lý thuyết triết học. Tức là không nhất thiết phải có các trí thức đầy đủ của các môn, các ngành khoa học khác rồi mới có thể lấy đó làm chỗ dựa, làm những căn cứ để suy tư triết lý, mà trái lại suy tư triết lý ở con người có trước tất cả mọi khoa học. Có nghĩa là suy tư triết lý, nhu cầu triết lý, khả năng suy tư triết lý, sự hình thành những suy nghĩ có tính chất triết lý có ngay từ lúc con người có khả năng suy tư để biết ngạc nhiên về nhiều điều trong đời sống, tức là lúc con người bắt đầu biết sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, để suy nghĩ, để hành động.

Cho nên như đã nói, khác với Các bộ môn khoa học khác là để tham gia bàn bạc tranh luận cần phải được học tập đào tạo về các chuyên ngành khoa học đó, trong triết lý thì hầu như ai cũng có thể - với mọi nhận thức tích luỹ được - tham gia sâu rộng khác nhau vào các cuộc tranh luận để triết lý về những vấn đề nào đó của đời sống: Đời sống của xã hội, đời sống của con người và cả đời sống của giới tự nhiên mà không nhất thiết phải được học tập qua các trường lớp triết học nào. Về nông thôn ta gặp những bác nông dân trình độ học vấn có khi rất thấp, nhưng các bác nông dân này vẫn có thể nói, bàn đến nhiều vấn đề triết lý khá sâu sắc: Chẳng hạn như về lẽ sống ở đời cũng như về nhiều vấn đề xã hội khác, về thế giới tự nhiên, v.v. . .

Có thực trạng như vậy là vì sống ở đời ai cũng có những kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình sống, làm việc và khám phá. Tức là mọi người đều thấy có thể tham gia triết lý và làm triết lý được do kinh qua những kinh nghiệm, những sự hiểu biết của trường đời. Cho nên câu nói: Cuộc đời là ''Trường Đại học lớn nhất'' cũng có những lý lẽ của nó.

Danh từ Philosophia trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là ''Triết học''. Danh từ này được ghép bởi hai từ:

Philo với nghĩa là: Yêu mến, yêu thích. Và Sophia với nghĩa là: Tri thức, kiến thức, sự hiểu biết và bác học.

Chính vì vậy triết học (Philosophia) có nghĩa là: Yêu mến sự hiểu biết, yêu thích kiến thức.

Ngày nay danh từ Philosophia (tiếng Pháp Philosophie, tiếng Anh: Philosophy) - tức ''triết học'', vẫn còn nguyên nghĩa của nó. Như vậy bản chất của triết học là: Đi tìm chân lý, truy tìm những kiến thức và những sự hiểu biết. Chính vì vậy triết học là một cuộc hành trình. Vì vậy đối với triết lý, triết học ta còn thấy là tra vấn, thắc mắc có khi còn quan trọng hơn giải đáp. Hơn nữa mỗi lần giải đáp, lại đẻ ra những thắc mắc mới, bắt chúng ta phải đi tìm những hiểu biết mới, những tri thức mới và chân lý mới. Đó là một cuộc hành trình không có sự kết thúc. Nhìn theo ý nghĩa triết học, cuộc hành trình này còn là nguồn lực thôi thúc vô tận của tư duy.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/304-26-633353107959297500/Nguon-goc-va-nhung-dac-diem-cua-triet-hoc/...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận