NHỮNG MỐI QUAN TÂM CỦA LOÀI NGƯỜI HIỆN NAY
I. BẢO VỆ MÔI SINH
Môi sinh đang trong tình trạng báo động, nói một cách khẩn thiết thiên nhiên đang kêu cứu. Thảm họa hủy diệt đang đe dọa loài người. Nếu lương tri loài người đã thức tỉnh thì quả là đúng lúc.
Chẳng thế mà tháng 10 năm 1992 một hội nghị cỡ nguyên thủ các quốc gia đã họp ở Riô Đê Gianêrô với chương tình nghị sự chỉ bàn về vấn đề bảo vệ môi sinh. Và chúng ta gần như hàng tháng được nghe, đọc, nhìn từ các phương tiện thông tin đại chúng, nào là tầng ôzôn bị thủng, nào là thiên tai, lụt lột, núi lở, bão lốc... Tựa như thiên nhiên đang nổi giận và hậu quả khốc liệt của việc đối xử tàn tệ với thiên nhiên đang diễn ra.
Từ những thập kỉ cuối của thế kỉ XX, sự gia tăng dân số, việc khai thác tài nguyên một cách vô tổ chức, việc tăng nhanh quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hóa học hóa nông nghiệp, tác động to lớn của con người vào thiên nhiên từ nhiều mặt mang tính toàn cầu, trong đó có vấn đề chất thải, đã ảnh hưởng sâu sắc đến sinh quyển, đụng chạm đến mọi quốc gia và quả đất là “ngôi nhà” chung của loài người.
Riêng năm 1970, con người đã sản ra 40 tỉ tấn chất thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt. Tính đến cuối thế kỉ XX này, khối lượng chất thải sẽ lên tới 100 tỉ tấn/năm.
Sinh quyển, khí quyển, nguồn nước, tóm lại toàn bộ môi sinh bị nhiễm bẩn do kim loại và các hợp chất bị thải loại, phân bón, chất độc hóa học, các chất thải phóng xạ, nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Những chất thải ở thể rắn, thể lỏng và thể khí không ngừng tăng lên.
Riêng chất thải ở thể rắn mỗi năm có tới 10 - 12 tỉ tấn. Chỉ một công dân Mĩ sống ở thành phố mỗi năm thải 1 tấn rác.
Mỗi năm lượng nước thải trên thế giới khoảng 1.000 km3, để xử lí khối lượng nước bẩn này cần một lượng nước sạch gấp 20 lần. Như vậy là con người đã sử dụng một khối lượng đáng kể nguồn nước ngọt dự trữ của thiên nhiên có trong các ao hồ (40.000 km3).
Hàng năm gần 10 triệu tấn dầu và các sản phẩm dầu mỏ đổ thải ra đại dương.
Do kết quả sử dụng nhiệt năng, mỗi năm khí quyển tiếp nhận 20 tỉ tấn khí cacbonic và các khí độc khác (đó là nguyên nhân chủ yếu gây nên các trận mưa bụi cacbonic).
Hậu quả là nửa cuối thế kỉ XX, sinh quyển trở nên tồi tệ rõ rệt ở một số nước và một số vùng rộng lớn, tình trạng ô nhiễm đã thực sự là mối hiểm họa. Trách nhiệm này thuộc về các nước công nghiệp phát triển, các nước này đã gây ra 2/3 sự nhiễm bẩn (trong số đó Hoa Kì gây ra 30%, các nước Tây Âu 20%).
Vấn đề bảo vệ sinh thái bao gồm nhiều mặt: bảo vệ sức khỏe, kinh tế, giáo dục và những vấn đề khác.
Hướng giải quyết có thể như sau:
- Hướng thứ nhất: Phát minh các loại thiết bị lọc, hạn chế sử dụng các nguyên liệu có chứa lưu huỳnh, tái sử dụng rác các loại.
- Hướng thứ hai: Thay thế công nghệ sản xuất cổ truyền bằng các ''công nghệ sạch'' không có chất thải độc hại.
- Hướng thứ ba: Kiểm soát và phân bố hợp lí các ngành công nghiệp gây nhiễm bẩn nhất (luyện kim đen và luyện kim màu, công nghiệp dầu là hóa dầu, công nghiệp giấy) đối với môi sinh.
Vấn đề bảo vệ môi sinh cần được giải quyết ở những quy mô khác nhau, trên quy mô thế giới, quy mô từng nước, từng ngành. Vấn đề này mang tính toàn cầu, các nhà bác học đã cho rằng nhiệt độ không khí đã tăng 30C đến 40C khiến cho khí hậu toàn cầu thay đổi đáng kể. Tầng ôzôn đã bị rách, thủng hàng ngàn km2 các nhà du hành vũ trụ có dịp được quan sát Trái đất từ vũ trụ đã ví Trái đất như quả cầu nhỏ bé và mỏng manh.
Bảo vệ sinh quyển là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta.
II - SỰ GIA TĂNG DÂN SỐ, MỘT THẢM HỌA LỚN
Dân số thế giới cuối thế kỉ XX đã là 6 tỉ người và đến thập kỉ thứ nhất của thế kỉ XXI sẽ xấp xỉ 7 tỉ người.
Do sự bùng nổ dân số, các nước châu Á, Phi và Mĩ La tinh từ nửa cuối thế kỉ XX chiếm 9/10 số tăng trưởng của toàn cầu.
Theo dự đoán của các nhà bác học đến năm 2000, trong số những nước đông dân nhất sẽ là các nước đang phát triển: Ấn Độ, Inđônêxia, Pakixtan, Bănglađét, Việt Nam, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kì...; Nigiêria ở châu Phi; Braxin và Mêhicô ở châu Mĩ La tinh. Trong 25 thành phố đông dân nhất (10 triệu người vào cuối thế kỉ này) thì phần lớn cũng là những thành phố thuộc các nước đang phát triển, siêu thị lớn nhất trên thế giới (hơn 30 triệu dân) sẽ là Mêhicô. Trong số 10 thành phố lớn nhất sẽ có Xao Paolô, Riô Đê Gianêrô, Bômbay, Cancuta, Giacácta và Cairô.
Sự bùng nổ dân số ở các nước đang phát triển sẽ làm thay đổi cơ cấu tuổi trung bình dân số trẻ hơn (hiện nay hơn một nửa dân số ở tuổi dưới 25). Sự bùng nổ dân số đáp ứng yêu cầu về sức lao động. Song mặt khác, nó gây trở ngại cho việc khắc phục tình trạng lạc hậu về kinh tế và xã hội, gây khó khăn cho việc cung ứng nhu yếu phẩm và tạo ra việc làm, ảnh hưởng đến việc xóa nạn mù chữ, khó có thể nâng của dân trí và mức sống. Nói tóm lại, nó làm tiêu tan hết những tích lũy vốn nhỏ nhoi của các nước đang phát triển.
Phần lớn các nhà bác học cho rằng nạn bùng nổ dân số sẽ dẫn đến tình trạng di cư bất hợp pháp trong tương lai. Theo dự báo đến năm 2100 dân số hành tinh chúng ta sẽ lên đến mức khoảng 10 tỉ, mật độ dân ở Trái đất sẽ là 120 ngưới/km2.
Các nhà bác học cho rằng vận may cứu vớt nhân loại chỉ đến nếu con người biết giải quyết vấn đề gia tăng dân số, lối thoát duy nhất là tự nguyện hoặc cưỡng bức hạn chế sinh đẻ.
Chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã trở thành quốc sách đối với nhiều nước đang phát triển. Hình như loài người đã nhận ra nguy cơ của việc tăng dân số. Tỉ lệ tăng dân số có chiều hướng đang giảm trên phạm vi thế giới. Nếu như thập kỉ 60 là 2% thì cuối thập kỉ 70 còn 1,7%, đầu thập kỉ 80 là 1,6% và đến cuối thế kỉ XX này là 1,5%. Tất nhiên đây là kết quả của chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình ở các nước đang phát triển. Song sự tăng giảm dân số không chỉ tùy thuộc vào chính sách kế hoạch hóa gia đình mà còn tùy thuộc vào nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, giáo dục, đô thị hóa và việc đưa phụ nữ vào guồng máy sản xuất. Nhiều nhà bác học cũng cho rằng dân số thế giới 100 năm nữa sẽ ở mức 10 - 12 tỉ và tuổi thọ trung bình sẽ đạt 75 tuổi.
Tất cả đều là dự đoán. Song câu nói “ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay” rất đúng với vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình.
III - TÀI NGUYÊN CỦA ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI
Có nhiều bài thơ, bài hát hay, bức tranh đẹp về biển cả. Song cái mênh mông vô tận ấy là thế nào, ít ai để ý đến.
Đại dương và biển thế giới chiếm 71% diện tích toàn cầu, luôn là mối quan tâm của các quốc gia, các dân tộc. Tuy vậy đến giữa thế kỉ XX, đại dương vẫn là một vùng kinh tế chưa khai thác. Người ta mới chủ yếu khai thác, đánh bắt hải sản. Tiềm năng biển mới chỉ đóng góp 1 - 2% thu nhập của toàn thế giới. Từ khi cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật phát triển, việc khai thác và chế ngự biển mới tăng tiến đáng kể ở quy mô lớn hơn.
Việc những tài nguyên trên đất liền đang cạn kiệt nhanh chóng càng khiến cho con người lấn ra biển để khai phá biển và làm xuất hiện ngành công nghiệp khai thác mỏ ngoài biển (đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và hóa chất).
Tình trạng căng thẳng về lương thực và thực phẩm cũng làm tăng mối quan tâm đến nguồn sinh vật đại dương thế giới. Vùng bờ biển được đô thị hóa nhanh chóng và những ''công dân thường xuyên'' của đại dương (những người đang có mặt trên mặt biển) đã lên tới 2 - 3 triệu người. Thực tế, biển đang là nguồn sống của hàng trăm triệu người.
Vậy là vai trò của đại dương đối với đời sống con người tăng lên rõ rệt. Đại dương đã trở thành đối tượng của công cuộc nghiên cứu khoa học hối hả và là cơ sở hoạt động sản xuất, khai thác. Trong kinh tế đã xuất hiện ngành kinh tế đặc biệt là kinh tế biển. Song tất cả những điều đó lại làm nảy sinh một vấn đề khai thác vô tội vạ, gây tổn thất cho đại dương và làm tăng sự nhiễm bẩn môi trường nước. Giải quyết vấn đề này phải là mối quan tâm lo lắng và sự phối hợp của nhiều quốc gia.
Đến giữa thập kỉ 80, việc thăm dò tìm kiếm dầu và khí đốt ở thềm lục địa được hàng trăm nước tiến hành, song số khai thác mới là 50 nước.
Hiện nay, có tới hàng ngàn địa điểm khai thác dầu khí với 70.000 dàn khoan. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng đại dương mới chỉ là bước đầu. Với đà tiến triển của các thành tựu khoa học kĩ thuật, bạn thử dự đoán xem đại dương có thể cho con người những gì? và cần phải làm gì để đại dương không bị cạn kiệt?
Cách mạng khoa học kĩ thuật trên quy mô toàn cầu mở ra triển vọng lớn trong việc khai thác tiềm năng đại dương, người ta đã biết đến nhiều nguồn năng lượng do đại dương cung cấp: năng lượng thủy triều, năng lượng sóng biển, năng lượng gió biển và nguồn nước nặng khổng lồ do biển cung cấp cho năng lượng hạt nhân. Chưa kể đến ở sâu dưới đáy đại dương.
Cho đến nay, việc giao thông đường biển vẫn chưa phát huy hết thế mạnh. Vai trò của giao thông đường biển sẽ còn được tăng cường cùng với việc giao lưu trao đổi hàng hóa giữa các nước và việc hiện đại hóa, hoàn thiện các con tàu và hải cảng.
Sự đóng góp của đại dương về thực phẩm mới chiếm vẻn vẹn 2% tổng giá trị. Điều này cũng giải thích sự cần thiết không phải chỉ khai thác đến kiệt quệ mà còn phải bảo tồn, phát triển các hải sản; đại dương không chỉ là nơi đánh bắt, hái lượm hải sản mà phải là một bể nuôi trồng khổng lồ cho cả loài người. Nhiệm vụ lớn thuộc về ngành hải dương học: làm sao thay đổi được cách khai thác mang tính truyền thống như việc săn bắn trên cạn, thành một ngành sản xuất mang tính khoa học, nhằm nhân lên những sinh vật có trong đại đương, khai thác theo kiểu ''chuồng trại'' trên biển. Cách làm này hiện nay đã đem lại 10% sản phẩm khai thác ở bờ biển. Đó là những cơ sở nuôi trồng hải sản đã phát triển ở các nước như Nhật Bản, Liên Bang Nga, Hoa Kì, Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Pháp, Anh, và nhiều nước khác. Ở nước ta nhiều cơ sở nuôi trồng hải sản cũng đã đi vào hoạt động có hiệu quả như các cơ sở nuôi tôm cua ở Hải Phòng, các cơ sở nuôi tôm, vích, hải sản khác ở các tỉnh phía Nam.
Những vấn đề của biển cả phải do cộng đồng loài người hoặc ít ra cũng do các quốc gia có lãnh hải chung cùng nhau giải quyết làm sao để đại dương là cái hồ lớn giàu tiềm năng của toàn thế giới.
IV - NĂNG LƯỢNG VÀ NGUYÊN LIỆU
Năng lượng và nguyên liệu, đó là vấn đề hàng đầu về cung cấp chất đốt và nguyên liệu cho loài người. Năng lượng và nguyên liệu từ lâu đã là mối quan tâm hàng đầu song mới chỉ ở từng vùng, từng quốc gia. Cho đến nửa cuối thế kỉ XX người ta mới thấy đây là mối lo chung của nhân loại, một đe dọa chung về sự thiếu hụt và cạn kiệt năng lượng, nguyên liệu trong tương lai gần. Nguyên nhân của sự thiếu hụt có nhiều, song tập trung vào một số nguyên nhân chính sau:
1. Nguyên nhân thứ nhất: sự tăng nhanh của nền sản xuất hiện đại. Chỉ từ sau Đại chiến thế giới II, khối lượng nguyên liệu và năng lượng được sử dụng đã vượt xa toàn bộ số năng lượng và nguyên liệu mà loài người đã sử dụng trước đó.
Khối lượng khai thác khoáng sản trên toàn thế giới cứ 15-20 năm lại tăng gấp đôi (100%). Từ đầu thế kỉ XX đến nay, người ta đã khai thác từ trong lòng đất hơn 40% trữ lượng than đá, 55% trữ lượng quặng sắt, 70 - 80% dầu và khí đốt, quặng bôxit chỉ còn khai thác trong 20 năm cuối cùng nữa là hết.
2. Nguyên nhân thứ hai: trữ lượng của một số năng lượng và nguyên liệu tương đối ít. Một số lớn lại đang trong giai đoạn cạn kiệt (dầu mỏ, khí đốt, chì, thiếc, kẽm... kim loại màu nói chung) chỉ còn khai thác trong vài ba thập kỉ tới là hết. Tài nguyên rừng cũng giảm nhanh chóng.
3. Nguyên nhân thứ ba: tài nguyên thiên nhiên tuy rất phổ biến song lại phân bố không đều, 50% nằm ở 5 nước Hoa Kì, Liên bang Nga, Canađa, Australia và Cộng hòa Nam Phi.
4. Nguyên nhân thứ tư là sự phân phối không đều về sản lượng khoáng sản và năng lượng. Hầu hết tài nguyên rơi vào tay các tập đoàn tư bản. Mặt khác quan hệ giữa cung và cầu về nguyên liệu ở các nước cũng không đồng đều. Ở các nước đang phát triển sự chênh lệch giữa sản lượng nguyên liệu và tiêu thụ nguyên liệu khá lớn.
Tất nhiên, loài người không chịu bó tay trước việc thiếu hụt năng lượng và nguyên liệu. Người ta đang nghĩ ra nhiều phương án để ''của cải sẽ đến như nước''.
V - LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM
Trải qua bao nhiêu ngàn năm lương thực, thực phẩm vẫn còn là nỗi lo toan của loài người. Nạn đói trên hành tinh vẫn còn triền miên ở đâu đó. Ở những nơi ''đủ ăn'' thì chất lượng bữa ăn còn quá thấp.
Trong khi đó, dân số gia tăng, đất đai bị sa mạc hóa, thiên tai đe dọa thường xuyên và điều khủng khiếp khác là chiến tranh chưa hoàn toàn bị loại trừ khỏi đời sống giữa các dân tộc và các quốc gia.
sCác nhà bác học tính toán rằng mỗi một người trong 24 giờ đồng hồ cần khoảng 2.400 kcal. Và như trên đã nói, điều quan trọng không chỉ là khối lượng mà là chất lượng bữa ăn. Nhiều khi ăn ''no'' mà chưa ''đủ'' là do lượng calo trong các thành phần bữa ăn quá thấp, nói theo cách nói thông thường thì bữa ăn quá đạm bạc. Nếu xét đúng khái niệm ''no đủ'' thì hành tinh chúng ta cứ ba người mới có một người ăn đủ no theo đúng nghĩa của nó.
Ở các nước phát triển lượng calo trong khẩu phần ăn là 3300 kcal/ngày một người, song điều đó không có nghĩa là mọi người ở các nước đó đều sống ''no đủ''. Vì tình trạng phân phối xã hội không đều, không công bằng, cho nên ở các nước phát triển và cả nước đang phát triển có một bộ phận không nhỏ sống với khẩu phần không ''đủ no''. Ngay ở Hoa Kì là nước giàu có nhất vẫn có 30 triệu người sống dưới mức ''no đủ''.
Tình trạng tồi tệ vì thiếu lương thực thường có ở các nước đang phát triển. Họ chỉ có 30% lương thực, 15 - 20% thực phẩm là thịt, trứng trong toàn bộ số lương thực thực phẩm trên thế giới. Trong khi dân số của họ chiếm 70 - 80% dân số thế giới. Cụ thể lấy Pakixtan và Inđônêxia làm thí dụ: Bình quân đầu người ở các nước này là 4kg thịt/năm (trong khi đó ở Hoa Kì, Pháp và Australia là 100kg/năm đầu người). Lượng calo trung bình ở các nước đang phát triển chỉ có 2200 kcal/ngày. Trên thế giới chỉ có 20 nước phát triển có khẩu phần đạt yêu cầu calo cần thiết cả về số lượng lẫn chất lượng.
Sự thiếu hụt calo đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khả năng lao động và thậm chí ảnh lượng đến cả việc phát triển trí tuệ của con người ở phần lớn các nước còn lại trên hành tinh này.
Tình trạng ''đứt bữa'' nói cách khác là bữa đói, bữa no ở các nước đang phát triển là hơn 1 tỉ người. Trong tình trạng đói triền miên là 500 triệu người. Nạn đói thường có ở các nước nghèo của châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, với một phần tư số dân sống giữa ranh giới đói và chết đói. Sau Đại chiến thế giới II, giai đoạn đáng sợ nhất của Nạn đói là nửa đầu thập kỉ 70. Thời kì đó hạn hán và thiên tai đã tác động đến khoảng 50 nước, đặc biệt là các nước châu Phi và Bănglađét. Và những thập kỉ cuối của thế kỉ này, nạn đói cũng đang đe dọa nhiều nước châu Phi và một số nước khác vùng Nam Á. Lần này không phải chỉ do hạn hán mà còn do tình hình chính trị ở các nước đó không ổn định.
Các phương án thanh toán nạn đói:
1. Thứ nhất để thanh toán nạn đói trước mắt là hàng chục nước phát triển cần ''san sẻ'' lương thực cho các nước ''thiếu đói''. Tất nhiên phải hiểu là cần xuất khẩu ngũ cốc cho các nước thiếu thốn nghiêm trọng. Song hiện nay việc xuất khẩu gạo thường là giá cao và thường kèm theo những điều khoản không bình đẳng giữa nơi thừa và nơi thiếu.
2. Thứ hai là các nước có nền khoa học tiên tiến đã bỏ vốn đầu tư để trồng ngũ cốc, hoa màu, chăn nuôi gia súc ở các nước đang phát triển, song lợi nhuận thu về cho nước đầu tư thì lớn mà sản phẩm làm ra cũng chẳng đáp ứng đủ nhu cầu các nơi thiếu là châu Phi, châu Á và Mĩ La tinh. Thành thử các nước ''được đầu tư'' trở thành mảnh vườn của các nước đầu tư.
Không phải không có lí do mà ở nhiều nước đang phát triển, người ta đã đề ra khẩu hiệu: ''Chúng ta hãy tự nuôi sống mình!'' Tuy nhiên, theo dự báo của Liên hiệp quốc ở thập kỉ cuối cùng này, nạn đói sẽ giảm bớt.
Những phương sách giải quyết nạn đói nói trên là tiêu cực và thụ động. Trước mắt, để giải quyết vấn đề lương thực và thực phẩm trên hành tinh này một cách hữu hiệu thì có hai con đường: một là quảng canh, hai là thâm canh.
Mới nghe cách giải quyết có vẻ cũ, song quả thật là cách giải quyết đó có nhiều khả năng thực hiện được.
Phương thức quảng canh nói đơn giản là mở rộng diện tích gieo trồng, thực sự là có thể thực hiện được vì theo tính toán thì trên hành tinh của chúng ta có 3,2 - 3,4 tỉ ha, song mới được sử dụng chưa đến một nửa, tức là một nửa số đất canh tác còn trong tình trạng hoang hóa. Phần lớn diện tích này lại nằm ở châu Phi và Mĩ La tinh. Song vấn đề còn ở chỗ cần phải đầu tư cải tạo, phục hóa, chống lại tình trạng sa mạc hóa, chua mặn, bạc màu do nhiều nguyên nhân. Mặt khác việc khai khẩn, chinh phục đất hoang hóa ở các nước nhiệt đới ẩm thấp và các vùng khô hạn cũng cần một số vốn đầu tư rất tốn kém.
Phương án thâm canh bao gồm sự nỗ lực tiếp tục nâng cao năng suất bằng cách cải tạo giống, áp dụng các tiến bộ khoa học, cơ giới hóa, sinh học hóa, hợp lí hóa toàn bộ công việc canh tác, chăn nuôi gia súc, đánh bắt nuôi trồng hải sản. Các biện pháp tưới tiêu và điều tiết khí hậu nhân tạo cũng đem lại năng suất lớn. Tính đến thập kỉ 80, chỉ có 18% điện tích canh tác toàn thể giới được tưới tiêu nhân tạo song đã cung cấp tới 40% sản lượng lương thực, thực phẩm ngũ cốc và rau xanh cho dân số ở hành tinh. Hàng trăm nước đã áp dụng tưới tiêu nhân tạo trong đó châu Á chiếm 1/3). Người ta dự kiến đến cuối thế kỉ này, 22% diện tích canh tác trên thế giới sẽ được tưới tiêu nhân tạo.
Ý nghĩa của việc tiếp tục cơ khí hóa, hóa sinh học hóa sản xuất, giảm khâu hao phí chọn giống theo phương pháp khoa học là to lớn.
Ngoài các biện pháp truyền thống trên, con người đang áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật để chiết xuất và tổng hợp các thức ăn có trong tự nhiên và đã thu được những kết quả có nhiều triển vọng.
Theo tính toán một cách khoa học, để đáp ứng lương thực cho thập kỉ cuối của thế kỉ này thì sản lượng phải tăng gấp đôi so với trước, còn giữa thế kí XXI thì sản lượng phải tăng gấp 5 lần.
Điều đó chỉ có thể đạt được bằng con đường thâm canh tăng năng suất vật nuôi và cây trồng.