Tài liệu: Người Tà ôi

Tài liệu
Người Tà ôi

Nội dung

NGƯỜI TÀ ÔI

Hiện có 34.960 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Tên gọi khác là Pa Cô. Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme (ngữ hệ Nam Á).

Làm rẫy, trồng lúa rẫy là nguồn sống chính của người Tà Ôi. Giữ quan hệ trao đổi hàng hóa với bên Lào, vẫn còn tập quán dùng vật trao đổi vật.

Gạo là lương thực chính. Ngoài ra còn bổ sung thêm: ngô, sắn, khoai, củ mài… Người Tà Ôi thích ăn món băm trộn tiết gia súc với thịt luộc. Thức uống gồm nước lã, rượu, đặc biệt rượu chế từ nước cây họ dừa. Nữ mặc váy ống loại ngắn và áo hoặc váy loại dài che luôn cả từ ngực trở xuống. Nam quấn khố, mặc áo, thường hay ở trần. Ở nhà sàn, kiểu tròn, hai nóc, hai cửa chính ở hai đầu cầu thang và một cửa giữa.

Việc cưới hỏi do nhà trai chủ động. Người Tà Ôi thích cho con trai cô lấy con gái cậu. Một số người giàu có không chỉ có một vợ. Bãi mộ chung của làng chỉ chôn những người chết bình thường. Có tục “chia của” cho người chết như các dân tộc khác. Nhà mồ trang trí đẹp bằng chạm khắc và vẽ trên gỗ.

Người Tà Ôi thờ cúng nhiều thần linh, từ trời, đất, núi, rừng, suối, nước, cây cối. Việc bói toán và cúng lễ là một phần quan trọng trong đời sống cá nhân cũng như cộng động làng. Nhiều làng thờ cúng chung một vật “thiêng” như hòn đá, cái vòng đồng, chiếc ché… Những lễ lớn đều có đâm trâu, tế thần. Có rất nhiều lễ cúng liên quan đến sức khỏe, tài sản, việc làm rẫy…

Vốn tục ngữ, ca dao, truyện cổ khá phong phú. Dân ca được sử dụng khi uống rượu, hội hè, lao động, đi đường… Nhạc cụ gồm nhiều loại: cồng, chiêng, tù và sừng trâu hay sừng dê, khèn 14 ống nứa, sáo 6 lỗ, đàn Talư…

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349674060078750/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Ta-oi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận