Tài liệu: Người Raglai

Tài liệu
Người Raglai

Nội dung

NGƯỜI RAGLAI

Hiện có 96.931 người. Địa bàn cư trú ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô-Pôlinêxia (ngữ hệ Nam Đảo).

Làm rẫy là hoạt động kinh tế chính. Ngày nay đã biết làm lúa nước. Ren và đan lát là hai nghề thủ công khá phát triển. Chăn nuôi trâu, lợn, gà, vịt…

Sáng và chiều là hai bữa ăn chính. Canh nấu lẫn thịt, cá và các loại rau là món ăn được ưa thích. Đồ uống gồm nước lã, rượu cần. Thuốc lá quấn trong vỏ bắp cải được dùng phổ biến trong các gia đình. Ăn mặc gần giống người Kinh. Ở nhà đất, trước kia ở nhà sàn.

Gia đình theo chế độ mẫu hệ. Việc cưới xin trải qua nhiều bước, thủ tục khá phức tạp. Lễ cưới được tiến hành cả bên nhà trai và nhà gái. Quan trọng nhất trong lễ cưới là nghi thức trải chiếu cho cô dâu và chú rể. Khi sinh nở, người phụ nữ được chồng dựng cho một căn nhà nhỏ ở bìa rừng. Người chết được chôn trên rẫy hoặc trong rừng, đầu hướng về phía tây. Khi có đủ điều kiện kinh tế người ta làm lễ bỏ mả, dựng nhà mồ cho người chết.

Người Raglai tin vào thế giới thần linh bao quanh và vượt ra ngoài sự hiểu biết của họ. Họ còn tin vào sự linh hóa của các loại thú vật. Người Raglai thường tiến hành các nghi thức theo chu kỳ nông nghiệp hoặc vòng đời người: lễ mừng thu hoạch, cưới xin, lễ bỏ mả.

Truyện cổ tích, thần thoại, tục ngữ, ca dao, dân ca… thể hiện tâm tư tình cảm của dân tộc mình. Nhạc cụ có chiêng đồng 12 chiếc, khèn bầu, kèn môi, đàn ống tre, đàn đá.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349672387422500/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Ragla...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận