Tài liệu: Người Mường

Tài liệu
Người Mường

Nội dung

NGƯỜI MƯỜNG

 

Hiện có 1.137.515 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Tây, Sơn La, Yên Bái, Ninh Bình… Thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường (ngữ hệ Nam Á).

Sản xuất lúa nước chiếm vị trí hàng đầu, có nhiều kinh nghiệm làm thủy lợi nhỏ. Ngoài ra còn làm nương rẫy, chăn nuôi gia đình, săn bắn, đánh cá, hái lượm và sản xuất thủ công nghiệp (dệt vải, đan lát…).

Họ thích ăn các món như xôi đồ, cơm tẻ đồ, rau, cá đồ. Rượu cần nổi tiếng với hương vị đậm đà. Nam nữ hút thuốc lào bằng loại ống điếu to. Y phục của nữ là khăn đội đầu, yếm, áo cánh thân rất ngắn thường xẻ ở ngực và váy dài đến mắt cá chân gồm hai phần chính là thân váy và cạp váy. Ở nhà sàn 4 mái. Phần trên sàn người ở, dưới sàn để nuôi gia súc, nơi để dụng cụ sản xuất.

Gia đình 2-3 thế hệ phổ biến. Con cái mang họ cha. Trai gái tự do trong vấn đề hôn nhân. Đám cưới phải qua các bước: ướm hỏi, lễ bỏ trầu, lễ xin cưới, lễ cưới lần thứ nhất, lễ đón dâu. Thi hài người chết được đặt trong quan tài bằng thân cây khoét rỗng, bên ngoài phủ áo vẩy rồng bằng vải.

Hát xéc bùa được nhiều người yêu thích. Thường là loại dân ca ca ngợi lao động và các nét đẹp phong tục dân tộc. Bọ mẹng là hình thức hát giao du tâm sự tình yêu. Ví đúm là loại dân ca phổ biến. Ngoài ra, người Mường còn có hát ru, đồng dao đặc biệt là lễ ca. Đây là những áng mo, bài khấn do thầy mo đọc và hát trong đám tang. Nhạc cụ có sáo, nhị, trống, kèn… trong đó cồng chiêng là loại nhạc cụ đặc sắc.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349670017578750/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Muong...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận