Tài liệu: Tiết thanh minh và ngày hàn thực

Tài liệu
Tiết thanh minh và ngày hàn thực

Nội dung

TIẾT THANH MINH VÀ NGÀY HÀN THỰC

 

Thanh Minh là lễ tiết hàng năm trong đời sống văn hóa của người Đông Á. Tiết Thanh Minh được tổ chức vào ngày thứ 45 sau ngày lập xuân, 105 ngày sau ngày Đông chí, tức là vào ngày 5 tháng 4 Dương lịch. Theo Âm lịch truyền thống Trung Hoa ngày này thường rơi vào những ngày đầu tháng ba. Nếu nó rơi vào ngày mùng 3 tháng ba thì người ta gọi đó là ngày Thanh Minh đích thực. Ở một vài vùng Trung Quốc nhân dịp này người ta có tục nấu một quả bầu lớn cho phụ nữ ăn hằng mong có con trai.

Tết Thanh Minh là gì? ''Theo đúng nghĩa đen, thanh là khí còn minh là sáng sủa. Thanh Minh là khí trong trẻo và sáng sủa''. Tết Thanh Minh có ý nghĩa đặc biệt với người dân Á Đông. Đó là ngày để nhớ về cội nguồn, nơi bắt đầu của mỗi con người như mỗi năm bắt đầu từ mùa xuân vậy. Người Việt Nam ngày nay tuy không tổ chức ăn Tết Thanh Minh, song dấu ấn của nó vẫn còn qua việc đi tảo mộ, và do đó ngày Thanh Minh còn gọi là ngày tảo mộ. Đó là ngày người ta tổ chức đi thăm viếng mộ phần gia tiên, dọn dẹp, phát quang, làm cơm cúng tại phần mộ hay tại nhà, để nhớ về cội rễ của mình. Phần hội hè, chơi xuân như trong câu Kiều :

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Thì đã bị quên lãng, có thể là giờ đây người ta có quá ít thời gian, có quá nhiều thú vui khác hơn là tổ chức đi chơi xuân, đi “dẫm” (đạp) lên cỏ xanh (thanh) để tiếp xúc với thiên nhiên trường tồn, để hưởng hương sắc của một mùa xuân ấm áp đầy sinh lực và sức sống sinh sôi. Tảo mộ là việc dọn quang các ngôi mộ, chỗ nào sụt lở thì đắp lại sau đó được thắp hương, dâng đồ lễ khấn mời về dự cỗ tại gia. Thường thường người ta đi tảo mộ từ sáng sớm và đến quãng trưa thì về. Sau khi đi viếng mộ về thì làm cơm cúng gia tiên, đồng thời cúng cả Thổ công như mọi dịp lễ khác. Phần lớn lễ cúng trong ngày Thanh Minh là lễ mặn ''nghĩa là làm cỗ, hoặc nếu không làm cỗ thì cùng có điã xôi, con gà cùng với hương hoa, trà rượu, vàng mã. Vàng mã đem hóa sau lễ cúng''.

Có nhiều người tách tết Hàn Thực ra khỏi tiết Thanh Minh. Song ngày nay tết Hàn Thực ''không còn mấy nhà ăn'', hơn nữa nó hết sức gắn liền với ngày Thanh Minh bắt nguồn từ lễ hội mùa xuân Lửa Mới thì phải. Ngày Lửa Mới được nhắc đến trong các văn bản cổ là vào thời nhà Chu ở Trung Quốc (khoảng nửa đầu Thiên niên kỉ 1 trước Công Nguyên). Vào thời gian lễ tiết này người ta dập tắt hết bếp lửa và chỉ có ăn đồ nguội vào ngày sau đó. Rồi tiếp theo tiến hành lễ đốt lửa mới. Tín ngưỡng thờ thần lửa có ở nhiều nước trên thế giới, song với người dân Á Đông nó có ý nghĩa đặc biệt. Đó là ngày mùa đốt rẫy mới, ngày hội mùa đầu tiên trong năm, ngày báo hiệu một chu kỳ nông nghiệp mới. Cũng vì ăn đồ nguội trong dịp này nên nó có tên gọi là  Hàn Thực. Tên gọi này cổ xưa hơn tên gọi Thanh Minh. Nó được tổ chức vào đúng dịp tết Thanh Minh (mùng 3 tháng ba) nên dần dần có lẽ vì vậy hòa nhập vào nhau chăng. Đã có thời ngày Lửa Mới từng là lễ hội lớn nhất trong năm đối với nhiều dân tộc phương Đông. Tuy truyền thuyết Trung Quốc và danh sĩ cổ của mình là Giới Tử Thôi, một con người tiết nghĩa đã hết lòng phò chúa trong cơn hoạn nạn, sau này bị thất sủng bỏ vào rừng thà chết cháy chứ không ra phò đấng quân vương bạc nghĩa nữa, đã làm lu mờ ý nghĩa hội mùa sơ khai của ngày lễ này ở nhiều dân tộc Á Đông khác, song dư âm của nó thì còn lại trong nhiều tập tục của cư dân nơi đây vào những ngày này Tháng Ba còn được nhân dân ta gọi là mùa trôi nước vì bắt đầu với tháng Ba là có bánh trôi và bánh chay.

Ta vẫn thường cho rằng bánh trôi và bánh chay là bắt chước người Trung Hoa, nhưng theo các cụ bánh trôi, bánh chay ta có từ đời Hùng Vương, và tục làm bánh trôi nhắc lại sự tích trăm trứng trăm con (…)

Trước đây, ta không ăn bánh trôi, bánh chay trước ngày mồng ba tháng ba, vì ngày hôm đó, bánh mới bắt đầu cúng tổ tiên, cũng như mới cúng Thổ công. Vì lòng kính trọng đối với thần linh và tổ tiên, mỗi khi tới một mùa nào đó, có thực phẩm gì của mùa đó, người ta không ăn nếu chưa làm lễ cúng. Tết Thanh Minh là một tập tục cổ truyền đáng trân trọng và giữ gìn, dù cho nó có cội nguồn thế nào đi nữa. Đó là ngày lễ nhắc ta nhớ tới khởi thủy của mỗi kiếp người, nhắc ta sống thế nào để giống nòi mãi trường tồn trong vòng quay của vũ trụ bao la.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/277-26-633349688514141250/Le-tiet/Tiet-thanh-minh-va-ngay-han-thuc.h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận