Tài liệu: Người Khơ mú

Tài liệu
Người Khơ mú

Nội dung

NGƯỜI KHƠ MÚ

Hiện có 56.452 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa. Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme (ngữ hệ Nam Á). Bộ phận Khơ Mú cư trú tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa do chuyển cư từ Lào sang.

Cư dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy, du canh du cư. Nghề phụ gia đình chủ yếu là đan lát đồ gia dụng. Ngoài ra còn có nghề rèn, mộc, dệt vải. Chăn nuôi trâu, bò, lợn phục vụ sức kéo và nhu cầu tiêu dùng, tín ngưỡng.

Người Khơ Mú thường đồ xôi hay đồ ngô, độn sắn. Họ thích ăn những món có vị cay, chua, đắng. Ăn mặc theo người Thái, Việt. Làng bản thường nhỏ bé, rải rác. Ở nhà sàn.

  Họ có mối quan hệ chặt chẽ giữa những người đồng tộc và những người láng giềng, nhất là người Thái. Những dòng họ người Khơ Mú đều mang tên thú, chim, cây cỏ… Trong hôn nhân nhiều tàn dư mẫu hệ còn tồn tại như tục ở rể, chồng mang họ vợ, hôn nhân anh em vợ, chị em chồng… Đám ma được tổ chức với nhiều nghi thức tín ngưỡng.

Họ duy trì nhiều nghi lễ liên quan đến nông nghiệp, trồng trọt như tết Nguyên đán, tết cơm mới. Người Khơ Mú quan niệm có 5 loại ma quan trọng nhất: ma trời, ma đất, ma thuồng luồng, ma tổ tiên và ma nhà. Có các lễ cúng mường, cúng bản, cúng nhà.

Nhiều người biết chữ Thái. Người Khơ Mú thích các loại sáo, các bộ gõ bằng tre, nứa, nứa tự tạo, đặc biệt là thổi kèn môi. Làn điệu dân ca được nhiều người yêu thích là tơm, mang đậm tính sử thi.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349654767422500/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Kho-m...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận