Tài liệu: Người Gié Triêng

Tài liệu
Người Gié Triêng

Nội dung

NGƯỜI GIÉ TRIÊNG

Hiện có 30.234 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai. Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme (ngữ hệ Nam Á), tương đối gần gũi với tiếng Xơ Đăng, Ba Na.

Làm rẫy là chính, lúa tẻ giữ vai trò chủ đạo, gồm nhiều giống khác nhau. Vật nuôi phổ biến là gà, lợn, chó, trâu, chỉ dùng vào việc cúng tế. Cây trồng ngoài lúa còn có ngô, sắn, bo bo, kê, khoai lang, khoai môn, bầu bí, dưa, thuốc lá, bông, mía, chuối… Người Gié Triêng sở trường về đan lát, nghề dệt vải phát triển.

Mỗi ngày ăn ba bữa. Món ăn ưa thích là cá, thịt. Đồ uống truyền thống là nước lã, rượu cần chế biến từ ngô, gạo, sắn, kê, cây họ dừa. Nam nữ đều hút thuốc bằng tẩu. Hình thức nhà sàn dài nhiều “bếp” là lối kiến trúc truyền thống phổ biến. Nam quấn khố, ở trần. Nữ mặc áo, quấn váy, đeo nhiều trang sức bằng bạc, đồng, chuỗi cườm…

Việc cưới xin trải qua nhiều bước. Các cô dâu, chú rể bao giờ cũng gắn kết với nhau thông qua việc họ cùng nhau ăn cơm với gan gà, trùm chung tấm chăn. Cô gái phải chuẩn bị 100 bó củi hứa hôn để đem đến nhà trai. Người Gié Triêng theo tục thổ táng. Quan tài đẽo độc mộc, có nơi tạc hình đầu trâu.

Họ quan niệm có nhiều thần linh và mọi vật, cũng như con vật, con người đều có siêu linh ẩn trú. Thường thờ các vị thần: thần Nước, thần Rừng, thần Lúa, thần Đá, thần Lửa, thần Đất… Mỗi gia đình, dòng họ, làng đều có vật “thiêng” như thứ bùa hộ mệnh, được cất giấu ở rừng và giữ bí mật với người ngoài. Có nhiều lễ thức gắn với chu kỳ sản xuất và chu kỳ của đời người: chọn đất ray, gieo trỉa, tuốt lúa, đưa lên kho, mang thai, đặt tên con, đau ốm, cưới xin, tang ma…

Nhạc cụ quan trọng là cồng chiêng, có khi được tấu với trống, ống nứa. Các loại đàn sáo, khèn đều đơn giản, thông dụng trong đời sống âm nhạc. Người Gié Triêng có nhiều làn điệu dân ca và truyện cổ.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349653088047500/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Gie-T...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận