Tài liệu: Người Ê đê

Tài liệu
Người Ê đê

Nội dung

NGƯỜI ÊĐÊ

 

Hiện có 270.348 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên. Thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô-Pôlinêxia (ngữ hệ Nam Đảo).

Chủ yếu trồng lúa rẫy theo chế độ luân khoảnh. Rẫy sau một thời gian canh tác thì bỏ hóa cho rừng tái sinh rồi mới trở lại phát, đốt. Họ nuôi lợn, trâu, gà nhưng chủ yếu để phục vụ cho tín ngưỡng. Nghề đan lát mây tre làm đồ gia dụng, nghề trồng bông dệt vải phổ biến.

Thức ăn chính: cơm tẻ, muối ớt, măng, rau, củ, cá, thịt, chim thú. Rượu cần là thức uống chính. Xôi nếp chỉ dùng để cúng thần. Nam nữ đều có tục ăn trầu cau. Phụ nữ quấn váy dài đến gót, mùa hè thì ở trần hay mặc áo ngắn chui đầu. Nam giới đóng khố, mặc áo ngắn chui đầu. Nam nữ đều có tục cà răng – căng tai và nhuộm răng đen.

Gia đình theo chế độ mẫu hệ, hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con mang họ mẹ, con gái út là người thừa kế. Ngôi nhà truyền thống là nhà sàn dài kiến trúc mô phỏng hình thuyền. Người phụ nữ chủ động việc hôn nhân, nhờ mai mối hỏi chồng và cưới chồng về ở rể. Khi có người chết thì tục nối nòi phải được thực hiện. Người Ê Đê có tục dựng nhà mồ, lễ bỏ mả được tổ chức linh đình.

Họ ăn tết vào tháng chạp (tháng 12 âm lịch) khi mùa màng đã thu hoạch xong. Phổ biến quan niệm vạn vật hữu linh. Các vị thần nông được coi là phúc thần. Các lễ hội chính: lễ mừng cơm mới, lễ mừng vụ mùa bội thu, lễ chúc phúc, lễ mừng sức khỏe. Nhiều trâu bò, rượu cần được sử dụng trong các dịp này.

Người Ê Đê có chữ viết từ năm 1923. Văn nghệ dân gian có hình thức kể khan (sử thi) rất hấp dẫn. Dân ca có hát đối đáp, hát đố, hát kể gia phả… Âm nhạc nổi tiếng với bộ cồng chiêng. Bên cạnh có các loại nhạc cụ bằng tre nứa, vỏ bầu khô với những kỹ thuật độc đáo riêng.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349652362422500/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-E-de....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận