Tài liệu: Những người thân trong gia đình Bác Hồ

Tài liệu
Những người thân trong gia đình Bác Hồ

Nội dung

PHỤ LỤC 2

NHỮNG NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH BÁC HỒ

 

v     ÔNG NGUYỄN SINH SẮC (1863 – 1929)

Ông nội Bác Hồ là Nguyễn Sinh Nhậm (tức Nguyễn Sinh Vượng). Sau ngày bà Nhậm mất, bà Hà Thị Hy là vợ kế của ông Nhậm năm 1863 sinh con trai, đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc. Lên 5 tuổi Nguyễn Sinh Sắc mồ côi cả cha lẫn mẹ phải ở với anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Tự. Nguyễn Sinh Sắc từ nhỏ đã là một chú bé thông minh, hiếu học và khát học, được cụ Hoàng Đường - thầy đồ ở làng Hoàng Trù một mực yêu quý, và nhận về nuôi dạy. Năm 1883 Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan (là con gái cụ Hoàng Đường) tổ chức đám cưới tại làng Hoàng Trù.

Năm 1884 vợ chồng ông Nguyễn Sinh Sắc sinh người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh (Bạch Liên). Năm 1888 sinh con trai Nguyễn Sinh Khiêm (Tất Đạt). Năm 1890 cậu bé Nguyễn Sinh Cung (Tất Thành) ra đời. Cũng  năm đó ông Nguyễn Sinh Sắc thi Hương lần đầu tại trường Nghệ An (Vinh), ông lọt vào Nhị trường. Khoa thi Hương Giáp Ngọ (1894) ông đậu cử nhân. Giữa năm 1895 ông Sắc vào kinh đô Huế lần đầu dự thi Hội khoa Ất Vị, khoa này ông không đậu. Ông xin vào học trường Quốc học và được chấp nhận. Bà Hoàng Thị Loan gửi người con gái đầu lòng ở nhà bà ngoại, đưa hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung cùng chồng vào kinh đô Huế lao động để giúp chồng ăn học.

Năm 1898 khoa Mậu Tuất, ông Sắc dự thi Hội lần thứ hai vẫn không đỗ. Tháng 8 năm Canh Tí (1900) ông Sắc đi làm Đề lại (Thư ký) cho trường thi Thanh Hoá. Cậu Nguyễn Sinh Khiêm được đưa đi cùng. Còn Nguyễn Sinh Cung sống ở Huế với mẹ. Công việc chấm thi ở Thanh Hoá kết thúc, ông Sắc đưa Nguyễn Sinh Khiêm về thăm bà ngoại là Nguyễn Thị Kép ở Hoàng Trù và tu sửa phần mộ cho cha mẹ ở Kim Liên.

Thời gian này ở Huế, bà Hoàng Thị Loan sinh thêm người con thứ tư, đặt tên con là Nguyễn  Sinh Xin. Sau ngày sinh con, bà Loan đau ốm triền miên. Căn bệnh hiểm nghèo đã làm tim bà đột ngột ngừng đập vào lúc gần trưa ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (10/2/1901). Trong căn nhà nhỏ sau cổng Đông Ba thuộc khu thành Nội Huế, Nguyễn Sinh Cung phải bồng bế, nuôi nấng em trai Nguyễn Sinh Xin và đón xuân Tân Sửu trong nỗi đau buồn vô hạn mất mẹ, vắng cha, vắng anh , vắng chị.

Giữa Tết Tân Sửu, nhận tin đại bất hạnh đó, ông Sắc vội vàng trở vào Huế. Ông đã đưa cậu Cung và cậu Xin trở về Hoàng Trù. Sau đó, ông Sắc trở lại kinh đô Huế dự thi Hội khoa Tân Sửu. Kỳ thi Hội này ông đậu Phó bảng (1901). Ông được vua Thành Thái tặng biển ''Ân tứ ninh gia'' (ơn ban cho gia đình tốt).

Sau khi vinh quy tại Làng Sen, triều đình Huế mời ông Sắc làm quan nhưng ông từ chối. Ông ở lại quê nhà làm nghề dạy học. Thời gian này, ngoài việc dạy học, ông Sắc còn thường xuyên gặp các nhân sĩ yêu nước trong tỉnh. Nguyễn Sinh Cung là người được ông hy vọng nhất, đi đâu cũng thường cho đi cùng nhờ vậy đã có ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của cha, cùng với sự nhạy cảm về chính trị nên tháng 7 năm 1905, Nguyễn Sinh Cung đã từ chối con đường Đông Du khi cụ Phan Bội Châu muốn đưa cậu  sang Nhật Bản để du học.

Tháng 5 năm 1906, triều đình Huế lại đưa giấy mời ông làm quan. Ông và hai con trai lên đường. Triều đình Huế bố trí cho ông Sắc làm thừa biện ở Bộ lễ, là một chức quan nhỏ, phụ trách việc học hành. Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế, học trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và trường Quốc học Huế. Trong thời gian này, tư tưởng tiến bộ của cha cùng những biến đổi lớn lao của xã hội Việt Nam đã làm cho tư tưởng yêu nước và lòng căm thù giặc của Nguyễn Sinh Cung phát triển. Cậu hăng hái tham gia phong trào chống thuế ở Huế- Chí hướng muốn ra nước ngoài tìm đường cứu nước bắt đầu hình thành.

Ngày 29 tháng 5 năm 1909, Hội đồng nhà vua và Khâm sứ Trung Kỳ bổ nhiệm ông Sắc chức Tri phủ lĩnh nhiệm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Ông cực kỳ ghét bọn cường hào, ác bá ở địa phương. Ngày 17 tháng 1 năm 1910 ông bị triều đình Huế bắt giam vì tội “lạm quyền đến nỗi dẫn đến cái chết của Tạ Đức Quang” (Tạ Đức Quang là một tên địa chủ cường hào). Ngày 23 tháng 9 năm 1910 ông bị triều đình phạt giáng 4 cấp, buộc vĩnh viễn định cư ở Nam Kỳ.

Trước đó, sáng sớm ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, xuống tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin bắt đầu hành trình đi sang phương Tây hoạt động tìm đường cứu nước.

 Từ năm 1910 trở đi, ông Nguyễn Sinh Sắc đã từng đến ở Phan Thiết, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, An Giang, Cao Lãnh, Sa Đéc... Cuối năm 1925, tại số nhà 34 đường Penlơranh (Sài Gòn) ông Nguyễn Sinh Sắc đã gặp Phan Châu Trinh, nghe Phan Châu Trinh kể lại tường tận quá trình hoạt động đấu tranh anh dũng và trưởng thành nhanh chóng, vững vàng, sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, khiến ông Nguyễn Sinh Sắc cảm động và rất phấn khởi.

Tháng 4 năm 1928 ông Nguyễn Si nh Sắc trở lại Cao Lãnh làm nghề chữa bệnh. Sáng ngày 27 tháng 10 âm lịch (1929) ông Nguyễn Sinh Sắc tạ thế, hưởng thọ 63 tuổi.

Mộ ông nằm gần chùa Hoà Long, được nhân dân Cao Lãnh bảo vệ chu toàn. Sau ngày thống nhất, ngôi mộ ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng lại trên vị trí cũ khang trang, đẹp đẽ.

v     BÀ HOÀNG THỊ LOAN (1868 - 1901)

Bà Hoàng Thị Loan sinh ra trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học và thông minh. Ông nội là Hoàng Xuân Cẩn đậu ba khoa Tú tài, ông ngoại là Nguyễn Giáp đậu bốn khoa Tú tài. Thân sinh là Hoàng Đường, một nhà nho có tiếng tăm trong vùng, thân mẫu là Nguyễn Thị Kép, một người thông minh, hiền lành thuộc nhiều làn điệu dân ca quê nhà.

Bà Hoàng Thị Loan bước vào cuộc đời làm vợ cuối năm 1883. Từ đấy, ông Nguyễn Sinh Sắc được học tập trong tình yêu thương và giúp đỡ hết lòng của người vợ trẻ. Cuối năm 1895 bà gửi con gái đầu lòng 11 tuổi ở lại với mẹ già, rồi đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm (7 tuổi), Nguyễn Sinh Cung (5 tuổi) theo chồng vào Huế, để lao động kiếm sống nuôi chồng, nuôi con tạo điều kiện cho chồng học trường Quốc học.

Nếu ảnh hưởng của ông Nguyễn Sinh Sắc đối với các con là nền văn hoá bác học xuyên thấm qua một  nhân cách yêu nước thương nòi mang màu sắc nhân đạo, thì ảnh hưởng từ người mẹ là nền văn hoá dân gian mang đậm truyền thống dân tộc và những phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân qua tình mẫu tử. Nếp sống giản dị thanh tao đó được phản ánh rất rõ trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

Năm 1900 ở Huế, bà Loan sinh thêm người con trai út đặt tên là Nguyễn Sinh Xin. Từ đó cuộc sống quá thiếu thốn, vất vả, bà bị đau ốm luôn, đến ngày 10 tháng 2 năm 1901 bà qua đời khi mới 33 tuổi. Thi  hài bà được mai táng tại chân núi Ba Tầng thuộc dãy Ngự Bình trên dòng sông Hương xứ Huế. Năm 1922 cô Thanh đưa hài cốt của mẹ về quê yên nghỉ trong khu vườn nhà mình ở làng Kim Liên. Đến năm 1942 cậu Khiêm đưa hài cốt mẹ lên táng tại ngọn Động Tranh trong dãy núi Đại Huệ, một nơi nguy nga, hùng vĩ. Ngày 19 tháng 5 năm 1984, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu IV đã khởi công xây dựng khu mộ bà Hoàng Thị Loan thành nơi khang trang, đẹp đẽ. Đứng ở Động Tranh, tầm nhìn vươn xa, trải rộng các hướng, đặc biệt thấy rõ toàn cảnh quê nội, quê ngoại bà Hoàng Thị Loan.

v     CÔ NGUYỄN THỊ THANH (1884 - 1954)

Cô Nguyễn Thị Thanh con gái đầu lòng của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, sinh năm Giáp Thân (1884) tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn (nay là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Cô Nguyễn Thị Thanh có biệt hiệu là Bạch Liên, được nhân dân tôn sùng là Bạch Liên nữ sĩ. Năm cô 20 tuổi (1906) ông Nguyễn Sinh Sắc đưa hai con trai vào Huế, cô ở lại Kim Liên và bắt đầu hoạt động cứu nước. Do hoạt động yêu nước, cô Thanh đã nhiều lần sa vào tay giặc. Cuối năm 1910 cô Nguyễn Thị Thanh trong một chuyến đi liên lạc hoạt động đã bị địch bắt tra tấn, nhưng cô giữ lòng trung kiên, cuối cùng chúng phải thả cô. Ngày 19 tháng 2 năm 1918 địch bắt giam cô Thanh vì cô đã lấy súng, cô bị án đánh 100 trượng, tù khổ sai 9 năm bị đi đày cách quê hương 3.000 dặm. Chúng đưa cô Thanh vào giam ở Quảng Ngãi. Năm 1922 cô ra Huế. Ít lâu sau cô tìm cách đưa hài cốt mẹ về quê. Tháng 3 năm 1924. cô Thanh gửi thư sang Pháp cho em trai là Nguyễn Ái Quốc, thư bị chánh mật thám Trung Kỳ giữ lại.

Cuối năm 1929 cô rời vào xã Hoà An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) viếng mộ cha và cám ơn bà con đã khâm liệm chôn cất ông Phó bảng chu toàn. Ngày 18 tháng 9 năm 1940 cô rời khỏi Huế về sống với dì ruột là Hoàng Thị An ở làng Nguyệt Quế, xã Chung Cự, Tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cô được chuyển về Kim Liên, được Đảng và chính quyền chăm sóc chu đáo. Cuối năm 1946 cô ra Hà Nội thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) là em trai mình. Mấy chục năm trời xa cách, chị em nói chuyện nửa giờ trong nhà khách tại Bắc Bộ Phủ. Hai chị  em đôi đã mắt đều ngấn lệ. Sau đó cô trở về sống ở Kim Liên đến cuối đời.

Cuộc đời cô Nguyễn Thị Thanh là một tấm gương về lòng yêu nước, thương dân, thông minh hiếu học và chí công vô tư.

v     CẬU NGUYỄN SINH KHIÊM (1888 - 1950)

Cậu Nguyễn Sinh Khiêm, biệt hiệu là Nguyễn Tất Đạt sinh năm 1888 (Mậu Tý). Cậu là người có tư chất thông minh, hiểu biết rộng, giỏi chữ Hán, biết chữ Quốc ngữ và thông thạo tiếng Pháp.

Tháng 5 năm 1906 cậu được ông Nguyễn Sinh Sắc đưa vào Huế lần thứ hai với em trai là Nguyễn Sinh Cung. Cậu theo học trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, sau đó chuyển sang học trường Quốc học Huế. Khi ông Nguyễn Sinh Sắc vào Bình Định nhận chức tri huyện Bình Khê và Nguyễn Sinh Cung đã đi vào các tỉnh phía Nam, cậu rời Huế trở lại quê nhà Kim Liên sống với chị gái là Nguyễn Thị Thanh và bắt đầu tham gia hoạt động phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu. Cậu là người đầu tiên mở lớp dạy chữ quốc ngữ trong vùng Bố Ân, Bố Đức, Kim Liên - Hoàng Trù.

Năm 1913 tuy mới 25 tuổi, dân làng bầu cậu là hương hào, phụ trách công tác hương bản. Thời gian gánh vác việc làng cậu đã tìm cách giảm nhẹ sưu thuế, bỏ bớt cúng tế. . .

Ngày 1 tháng 4 năm 1914 cậu bị thực dân  Pháp bắt giam vì tình nghi tiếp tế cho nghĩa quân. Chúng kết án cậu 3 năm tù khổ sai. Vào nhà tù, cậu  tổ chức vượt ngục bị lộ, chúng tăng án tù lên 9 năm tù khổ sai. Ngày 31 tháng 7 năm 1915 chúng đày cậu làm khổ sai đắp đường tại huyện Ba Ngòi tỉnh Khánh Hoà, đến ngày 17 tháng 3 năm 1920 chúng chuyển cậu về giam lỏng tại Huế. Để yên tĩnh, cậu không ở giữa đế đô mà xin về Trạch Phổ. Về đây cậu làm thuốc trị bệnh cứu dân và mở lớp dạy học chữ Hán.

Năm 1922, biết chị Nguyễn Thị Thanh chuyển từ nhà lao tỉnh Quảng Ngãi ra Huế, cậu tìm gặp. Hai chị em lại tham gia hoạt động yêu nước của nhóm trí thức tiến bộ ở Huế. Năm 1929 chuyển về Phú Lễ, cậu vẫn sống cuộc sống đạm bạc. Bọn quan lại ở Huế đã dùng mọi thủ đoạn theo dõi, khống chế và mong bóp chết tinh thần cách mạng trong con người Nguyễn Sinh Khiêm.

Năm 1940 cậu trở về sống ở quê hương Kim liên, Nam Đàn. Ngày 27 tháng 8 năm 1940 cậu bị kết án 2 tháng tù và phạt 20 đồng bạc vì  hoạt động cách mạng. Năm 1945 cậu cùng nhân dân diễu hành  biểu dương lực lượng cách mạng.

Cuối năm 1946, sau khi cô Nguyễn Thị Thanh ở Hà Nội về, cậu ra Hà Nội gặp em trai là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó cậu chia tay  em trai trở về Kim Liên.

Cậu từ trần ngày 15 tháng 10 năm 1950 tại làng Kim Liên, hưởng thọ 62 tuổi.

 

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

(Declaration on the Independence - 1945)

Hỡi đồng bào cả nước,

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 cũng nói:

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn Luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái ,đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiêng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không ''bảo hộ'' được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã ban nước ta hai lần cho Nhật.

 Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa Của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập lên chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Bởi thế  cho nên chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

 

 

TUYÊN BỐ VỀ QUYỀN CỦA CÁC DÂN TỘC ĐƯỢC SỐNG TRONG HÒA BÌNH

(Declaration on the Right of Peoples to Peace - 1984)

Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết 39/11 ngày 2 - 11 - 1984

ĐẠI HỘI ĐỒNG,

Tái khẳng định rằng mục đích chính của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Nhận thức rõ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế đã được đề ra trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Bày tỏ  nguyện vọng và mong muốn của các dân tộc muốn xóa bỏ chiến tranh trong cuộc sống của nhân loại và, trên hết là tránh một thảm họa chiến tranh hạt nhân rộng khắp trên thế giới.

Tin tưởng rằng cuộc sống không có chiến tranh, phục vụ yêu cầu quốc tế chủ yếu cho sự phồn vinh, phát triển và tiến bộ của các nước, và cho sự thực hiện đầy đủ các quyền và tự do con người cơ bản được công nhận tại Liên hợp quốc.

Hiểu rõ rằng trong kỷ nguyên hạt nhân việc lập nên một nền hòa bình bền vững trên trái đất tượng trưng cho điều kiện cốt yếu nhằm gìn giữ nền văn minh của nhân loại và cho sự sống còn của nhân loại.

Công nhận rằng việc duy trì một cuộc sống hòa bình cho các dân tộc là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi quốc gia.

1. Hùng hồn tuyên bố rằng các dân tộc trên hành tinh của chúng ta có một quyền thiêng liêng là được sống trong hòa bình.

2. Hùng hồn bày tỏ rằng việc gìn giữ quyền của các dân tộc được sống trong hòa bình và việc thúc đẩy việc thực hiện quyền này là một nghĩa vụ cơ bản của mỗi quốc gia.

3. Nhấn mạnh rằng đảm bảo việc thực hiện quyền của các dân tộc được sống trong hòa bình đòi hỏi rằng chính sách của các nước phải được xác định theo hướng tiến tới xóa bỏ mối đe dọa của chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân, từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và giải quyết các cuộc xung đột quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở của Hiến chương Liên hợp quốc.

4. Kêu gọi tất cả các nước và các tổ chức quốc tế hãy làm hết sức mình để giúp đỡ việc thực hiện quyền của các dân tộc được sống trong hòa bình bằng việc thông qua những biện pháp thích hợp cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/276-26-633349686951641250/Phu-luc-Nhung-nguoi-than-trong-gia-dinh-Ba...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận