Tài liệu: Người Chứt

Tài liệu
Người Chứt

Nội dung

NGƯỜI CHỨT

Hiện có 3.829 người. Địa bàn cư trú ở tỉnh Quảng Bình. Thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường (ngữ hệ Nam Á).

Người Chứt sống bằng nông nghiệp nương rẫy du canh và săn bắn hái lượm. Các giống cây trồng chính là ngô, sắn, đậu, lúa, công cụ sản xuất gồm: rìu, rựa, gậy chọc lỗ, nơi làm ruộng có thêm cày bừa. Họ ăn ngô sắn là chủ yếu, ngày hai bữa trưa và tối. Vải mua hoặc trao đổi với người Việt, người Lào trong vùng giáp biên giới. Ăn mặc giống như người Việt. Ở trong các túp lều dùng dây buộc, dùng cột ngoàm hay ở trong các hang đá. Ngày nay, họ sống tập trung trong các thung lũng, nhà cửa đã khang trang hơn trước.

Gia đình nhỏ phụ quyền là hình thức phổ biến nhất. Mỗi gia đình chỉ gồm vợ, chồng và con cái chưa lập gia đình. Phụ nữ quen đẻ đứng trong các lều được chồng dựng sẵn ngoài bìa rừng. Sau 7 ngày, người chồng mới đến đón vợ con về nhà. Nam nữ tự do trong vấn đề hôn nhân. Người Chứt không có tục ở rể. Nhà giàu làm quan tài bằng thân cây khoét rỗng, nhà nghèo thì bó bằng vỏ cây.

Tổ tiên được thờ tại nhà tộc trưởng. Họ tin vào các loại ma rừng, ma suối, thổ công, ma bếp… trong đó quan trọng nhất là ma làng. Các nghi lễ nông nghiệp có: lễ xuống giống, lễ sau gieo hạt, lễ cúng hồn lúa, lễ ăn mừng được mùa.

Người Chứt có các loại nhạc cụ như dàn trơ bon, đàn môi, sáo dọc… Dân ca có điệu cà tum ca lềnh. Kể chuyện là hình thức văn nghệ được ưa thích với các truyện về sự khai thiên lập địa, nguồn gốc các dân tộc trong vùng.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349650084453750/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Chut....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận