Tài liệu: Người Cơ tu

Tài liệu
Người Cơ tu

Nội dung

NGƯỜI CƠ TU

 

Hiện có 50.542 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng Bru-Vân Kiều.

Làm rẫy đa canh, xen canh, cứ sau vài vụ lại bỏ hóa một thời gian dài trước khi canh tác tiếp. Vật nuôi chủ yếu là trâu, lợn, chó, gà. Nghề thủ công có đan lát, làm gốm.

Người Cơ Tu thường ngày ăn cơm tẻ, ngày lễ hội có thêm cơm nếp. Có tập quán ăn bốc. Rượu tà vak là đặc sản nổi tiếng. Hút thuốc lá bằng tẩu. Đàn ông quấn khố. Đàn bà mặc váy ống. Họ ở nhà sàn, mái uốn khum ở hai hồi tựa dáng mai rùa. Nhà gươi là nơi hội họp và sinh hoạt cộng đồng.

Nhà trai phải tốn của nộp cho nhà gái và tổ chức cưới. Khi khá giả thường tổ chức cưới thêm lần nữa. Quan hệ hôn nhân một chiều, nhà này đã gả con gái cho nhà kia thì nhà kia không được gả con gái cho nhà này. Phụ nữ sinh con trong chòi dựng sau nhà hoặc ngay cạnh bếp lửa trong nhà. Có tục “dồn mồ”, tập trung mộ người chết về một chỗ sau vài năm mai táng, các tang gia trong làng cùng tiến hành một ngày.

Trong đời sống cá nhân, gia đình và của làng có rất nhiều lễ cúng gắn với sản xuất, sức khỏe… Làng có thể có vật “thiêng” (thường là hòn đá) được cất giữ ở ngôi nhà chung, như một thứ bùa. Lớn hơn cả là lễ đâm trâu, lễ “dồn mồ”.

Người Cơ Tu có nhiều truyện cổ kể về sự tích, về xã hội con người, về sự phát sinh các dòng họ… Trong lễ hội thường có múa tập thể. Nhạc cụ có bộ chiêng ba chiếc, cồng một chiếc, trống, sáo, đàn, nhị. Người Cơ Tu tài nghệ trong việc trang trí các nhà mồ với những hình đầu trâu, chim, rắn, thú rừng… Có điệu hát riêng của mình.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349651889922500/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Co-tu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận