Tài liệu: Người Cơ Ho

Tài liệu
Người Cơ Ho

Nội dung

NGƯỜI CƠ HO

Hiện có 128.723 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận; sống xen lẫn với người Mạ. Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme (ngữ hệ Nam Á).

Người Cơ Ho làm rẫy du canh theo chu kỳ. Lúa là cây lương thực chính. Trên rẫy còn trồng lẫn cả ngô, sắn, bầu, bí, mướp, đậu… Chăn nuôi heo theo lối thả rông, nuôi trâu bò để lấy sức kéo. Nghề đan lát và rèn rất phổ biến.

Các gia đình ngày ăn ba bữa. Món ăn được chế biến khô cho phù hợp với thói quen ăn bốc. Thức uống là nước suối được đựng trong các trái bầu, trong các nghè. Rượu cần được sử dụng nhiều trong các hội hè. Thuốc lá làm từ các lá quấn phơi khô. Đàn ông đóng khố, phụ nữ mặc váy ngắn. Trang sức là những vòng cổ, vòng tay, cườm và khuyên căng tai. Họ ở nhà sàn dài, hai mái uốn lợp tranh, có vách phên nghiêng. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều diễn ra bên bếp lửa.

Tồn tại hai hình thức gia đình: gia đình lớn và gia đình nhỏ. Tổ chức gia đình theo chế độ mẫu hệ. Sau hôn lễ, người con trai về bên gia đình vợ. Con cái tính dòng họ theo mẹ. Nam nữ lập gia đình khá sớm.

Người Cơ Ho có nhiều nghi lễ liên quan đến từng công việc làm rẫy, làm ruộng như gieo lúa, khi lúa trổ bông, đạp lúa và cho lúa vào kho. Sau khi thu hoạch xong, người Cơ Ho thường tổ chức ăn Tết. Trong dịp này, các gia đình thay phiên nhau mỗi năm hiến trâu để làm lễ đâm trâu. Lễ Tết kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Sau Tết, dân làng mới được ăn lúa mới và thực hiện các công việc cần làm như làm nhà, chuyển làng…

Vốn văn học dân gian Cơ ho rất phong phú. Thơ ca giàu tính trữ tình và nhạc điệu. Một số vũ khúc cổ truyền thường được sử dụng trong các lễ hội. Nhạc cụ có: chiêng, trống, khèn, đàn, sáo, gần giống với các cư dân khác ở nam Tây Nguyên.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349651278203750/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Co-Ho...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận