Tài liệu: Các lễ hội dân gian Việt Nam

Tài liệu
Các lễ hội dân gian Việt Nam

Nội dung

CÁC LỄ HỘI DÂN GIAN (theo âm lịch)

 

1. Hội Chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình)

Thờ Không Lộ, có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc sư. Hội xuân: 4-1, hội thu: 15-9.

Ngoài lễ Phật còn có các trò chơi thi bắt vịt, thi thổi cơm, ném pháo.

2. Hội Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội)

Còn gọi giỗ trận Đống Đa: 5-1. Hội kỷ niệm chiến thắng quân Mãn Thanh của anh hùng dân tộc Quang Trung và tưởng niệm các chiến sĩ trận vong trong chiến thắng Đống Đa năm 1789.

3. Lễ Hội Tây Sơn (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Hội 5-1 trên quê hương người anh hùng Nguyễn Huệ, có diễn trống trận, thét côn, quyền, thi tài thượng võ và hát tuồng.

4. Hội Đền An Dương Vương (xã Cổ Loa và xã Xuân Lôi, huyện Đông Anh, Hà Nội)

Còn gọi là hội Cổ Loa. Hội 6 -16/1, tưởng niệm Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa. Nghi lễ đám rước kỳ mục tế thần và đám rước thần của 12 xóm. Trò vui có đánh đu, cờ người, tổ tôm, đáo dĩa, hát chèo.

5. Hội Người HMông Chơi Núi, Chơi xuân

Còn gọi là hội Sát Sán hoặc Gầu Tào (hội đi chơi ngoài trời). Hội mở những ngày sau tết cổ truyền. Cầu sức khoẻ cho con người, cầu sinh nhiều con (con trai). Hội có hát đối đáp, nam nữ giao duyên, tỏ tình bằng hát ống, dùng kèn lá gọi nhau tâm sự. Trò chơi có võ đá hoặc đánh lưng, đánh mông.

6. Hội Lim (xã Nồi Duệ , huyện Tiên Du, Bắc Ninh)

Hội 13-15/1 thờ ông Hiếu Trung Hầu, người sáng lập tục hát quan họ. Hát quan họ và tục kết bạn, kết chạ. Ngoài hát quan họ, còn có nghi lễ rước xách, đu tiên, đấu vật...Lễ hội mang những giá trị tổng thể: lề lối hát, tổ chức phường bạn, nghệ nhân, tinh thần kết chạ và truyền thống nghệ thuật của một vùng văn hóa.

7. Lễ Hội Linh Sơn Thánh Mẫu (Tây Ninh)

Còn gọi là hội xuân núi Bà Đen. Kéo dài tử 15-18/1. Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất ở miền Đông Nam Bộ, lưng chừng núi có đền Linh Sơn thánh mẫu, gần đỉnh núi có miếu Sơn Thần. Đặc trưng của hội là chơi xuân, hành hương, chiêm bái, du lịch. Tập tục tín ngưỡng và nghi lễ có sự hỗn dung giữa đần gián và Phật giáo. Một trong những lễ hội lớn nhất ở Nam Bộ.

8. Hội Đình Thổ Tang(Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)

Hội 14-23/1 tưởng niệm Hổ Lâm Hầu, người có công chống giặc Minh. Hội có thi lợn, dưa hấu, trò vui diễn xướng dân gian.

9. Hội Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Tây)

Hội mở tứ tháng giêng cho đến hết mùa xuân. Thờ Phật chích ca, Quan Thế Âm, Mẫu Tứ Phủ. Chùa hương là một quần thể kiến trúc nhân tạo và thiên tạo dài 3km, một danh lam nổi tiếng của đất nước. Khách trẩy hội lễ Phật và vãn cảnh. Đây là lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất ở miền Bắc. Đặc sản: rau sắn và mơ Hương Tích.

10. Lễ Hội Phủ Giầy (Văn Cát, huyện Vụ Bản, Nam Định)

Hội 1 - 10/3 tưởng niệm Liêu Hạnh công chúa, còn gọi là Thánh Mẫu Vân Hương. Nổi tiếng nhất là đám rước kiệu, trò chơi kéo chữ và hát chầu văn.

1 1. Lễ Hội Đền Hùng (xã Hy Cương, huyện Phong Châu, Phú Thọ)

Hội 9-13/3, chính hội vào ngày 10-3, con cháu hành hương về đất tổ. Tưởng nhớ các vua Hùng có công dựng nước, lập ra nhà nước Văn Lang. Rước bánh chưng bánh dầy. Có nhiều hoạt động vui chơi nha hát ca trù, hát xoan; đâm trống đồng, các trò chơi truyền thống của người Việt, người Mường. Thu hút hàng chục vạn du khách.

12. Hội Chọi Trâu Đồ Sơn (thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng)

Hội ngày 10-8. Tục hiến tế thuỷ thần. Lễ hội độc đáo và nổi tiếng ở Đồ Sơn. Trâu thắng hay trâu thua đều làm thịt để cúng thần, chia cho các gia đình cùng hưởng lộc.

13. Lễ Hội Bà Chúa Xứ (núi Sam, xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, An Giang)

Hội 23-25/4 nhưng mùa ''vía Bà'' từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 5 âm lịch. Là 1 trong 15 lễ hội được công nhận cấp quốc gia. Đón 2 triệu lượt người mỗi năm.

14. Lễ Hội Chùa Bà (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Hội 15-1. Tổ chức tại chùa Bà. Thờ Thiên Hậu thánh mẫu. Lễ rước vía Bà và múa lân, sư tử, rồng, hẫu. Lễ hội mang những nét văn hóa dân gian của miền Đông Nam Bộ.

15. Lễ Hội Nghinh Cô (thị trấn Long Hải, huyện Long Đất, Bà Rịa – Vũng Tàu)

Hội 10 – 12/2. Thờ Lê Thị Hồng Thuỷ. Lễ hội nước đông nhất, thu hút khách thập phương ở nhiều tỉnh phía Nam.

16. Lễ Hội Điện Hòn Chén (núi Ngọc Trản và đình làng Hải Cát, huyện Hương

Trà, Thừa Thiên - Huế)

Lễ xuân tế vào tháng 2, lễ Thu tế vào tháng 7. Thờ Thiên Y A Na thánh mẫu. Tổ chức lễ rước trên sông Hương, giữa điện Hòn Chén và đình Cát Hải, cả đi và về.

17. Lễ Hội Tháp Bà (Tháp Bà, thành phố Nha Trang, Khánh Hoà)

Hội 20-23/3. Thờ Thiên Y A Na, bà mẹ xứ sở. Lệ múa bóng dâng Bà, một điệu múa Chăm cổ truyền, có cải biên.

18. Lễ Hội Lăng Ông (lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh)

Hội 1-2/1 và ngày giỗ Tả quân 1-8. Thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt. Người Hoa chiếm khoảng 50% số người tham gia lễ hội.

19. Hội Đua Voi ở Tây Nguyên (Dak Lak)

Hội tháng 3, của đần tộc M'Nông. Tổ chức ở các dải đất rộng dài hay khu rừng bằng ít cây to. Hội cổ truyền mang tinh thần thượng võ và chất hùng tráng của người M'Nông ở Tây Nguyên.

20. Lễ Hội Chôl Chnam Thmây (đồng bằng sông Cửu Long)

Hội 1 - 3 đầu tháng Chét của người Khmer (theo Phật lịch). Lễ tết của người Khmer Nam Bộ, Tổ chức ở chùa và gia đình. Lễ tắm tượng Phật bằng nước thơm, nhằm ''rửa sạch cái cũ và những bụi bặm trần thế'' để đón cái mới.

21. Lễ Hội MBăng Katê (thị xã Phan Rang, Ninh Thuận)

Hội đầu tháng 7 lịch Chăm (tương ứng với tháng 8-9 âm lịch). Trong cộng đồng người Chăm theo đạo Bà La Môn. Đối tượng suy tôn là các anh hùng liệt sĩ, các thần linh và ông bà, tổ tiên. Tổ chức tại lăng, tháp, sau đó chuyển về từng gia đình. Có sự phối hợp với người Raglai trong việc tổ chức lễ hội.

22. Lễ Hội OK OM BOK Và Hội Đua Ghe Ngo

Hội rằm tháng 12 (theo Phật lịch Khmer), của dân tộc Khmer Nam Bộ. Đối tượng suy tôn là thần Mặt Trăng. Lễ diễn ra tại sân nhà hay sân chùa. Hội đua ghe ở trên sông. Tục thả đèn nước, đèn gió và đua ghe vào sáng hôm sau.

23. Lễ ROYA IDIL ADHA

Lễ 7-10/12 (Hồi lịch), của cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo. Đối tượng suy tôn là Thượng đế Allah. Tổ chức ở các thánh đường Hồi giáo. Đây là lễ Tết truyền thống của cộng đồng người Chăm Hồi giáo.

24. Lễ Lớn Khôn (Mpuh)

Của dân tộc ÊĐÊ, diễn ra hai ngày đêm liền. Đối tượng suy tôn là Yang, và các thần Đất, thần Rừng, thần Sông... Tổ chức ở suối nước, đường về buôn, ngôi nhà của đương sự trong buôn. Xác nhận người con trai ÊĐÊ đã trưởng thành. Có kể khan và trao truyền nếp sống truyền thống của người ÊĐÊ .

25. Lễ Ăn Trâu

Nhiều dân tộc ở Tây Nguyên và dọc theo Trường Sơn, diễn ra 2-3 ngày. Đối tượng suy tôn là Yang, con trâu là vật hiến tế thần. Tổ chức tại sân nhà rông của buôn (plei). Có 2 dạng: quy mô cả cộng đồng (mừng chiến công, thắng lợi); phạm vi gia đình (chủ trì), cả cộng đồng cùng tham gia.

26. Lễ Ăn Cơm Mới

Nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Tạ ơn Yang (Trời, Đất, Nước). Thời gian tổ chức sau mùa thu hoạch. Diễn ra ở buôn làng, tuần tự từ gia đình này sang gia đình khác. Lễ thu hồn lúa về kho, uống rượu ăn mừng.

27. Lễ Bỏ Mả (Pơthi)

Ở một số dân tộc Tây Nguyên như Gia rai, Bang, ÊĐê ... tổ chức từ 2-5 ngày. Dành cho người thân đã chết. Diễn ra nơi nghĩa địa, chung quanh nhà mồ. Hệ thống lễ thức kết hợp với việc ăn uống, vui chơi mang tính cộng đồng cao.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/274-26-633349684462891250/Cac-Le-hoi-dan-gian-Viet-Nam/Cac-le-hoi-da...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận