Tài liệu: Người Giáy

Tài liệu
Người Giáy

Nội dung

NGƯỜI GIÁY

 

Hiện có 49.098 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu. Thuộc ngữ hệ Thái-Ka Đai. Người Giáy di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam cách nay khoảng 200 năm.

Canh tác lúa nước trên những triển ruộng bậc thang. Làm thêm nương rẫy trồng ngô, lúa, các loại cây có củ và rau xanh. Chăn nuôi heo theo lối thả rông.

Ăn cơm tẻ. Đồ uống là nước luộc gạo. Cách chế biến món ăn, nhất là trong ngày lễ, ngày tết chịu ảnh hưởng sâu sắc của người Hán. Phụ nữ mặc quần màu chàm đen, vai khoác túi thêu màu với hoa văn là những đường gấp khúc. Nam mặc quần lá tọa, áo cánh xẻ tà, mở khuy ngực. Ở nhà sàn và nhà đất. Cư trú ở các thung lũng, nơi có nhiều điều kiện làm ruộng nước. Nhà thường có ba gian, bàn thờ đặt ở gian giữa. Họ gánh bằng dậu, dùng ngựa thồ, trâu kéo.

Cưới xin gồm nhiều nghi lễ: dạm hỏi, thả mối, ăn hỏi, cưới và lại mặt. Ở người Giáy cũng có tục cướp vợ như người Hmông. Phụ nữ kiêng cữ nhiều thứ khi có thai. Đám tang ở những gia đình khá giả có thể kéo dài đến 5-7 ngày và có thêm một số nghi lễ như thả đèn trôi sông, rước hồn đi dạo… Con cái để tang bố mẹ một năm. Lễ đoạn tang thường được tổ chức vào dịp cuối năm.

Thờ bà mụ, thổ địa, thần giữ cửa, táo quân, trời đất, tổ tiên. Ở một số gia đình ngoài bàn thờ lớn còn đặt bàn thờ bố mẹ vợ. Ăn tết giống như các dân tộc vùng Đông Bắc: tết Nguyên đán, Thanh Minh, Đoan ngọ…

Kho tàng văn nghệ của người Giáy có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, đồng dao, phong dao, câu đố… Có hát bên mâm rượu, hát đêm và hát tiễn dặn.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349652596172500/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Giay....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận