Tài liệu: Tết nguyên đán

Tài liệu
Tết nguyên đán

Nội dung

TẾT NGUYÊN ĐÁN

 

Về tên gọi của ngày lễ tiết cổ truyền này các sách đều nói rằng nó có xuất xứ từ Trung Quốc, “Tết là nói tắt của hai chữ lễ tiết”, Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai. Tiếng Tết do chữ Tiết (chữ Hán) mà ra, nguyên là đầu tiên, đán là buổi sớm, Tết Nguyên Đán bắt đầu năm mới, ta quen gọi vắn tắt là ''Tết''. Dựa vào sử sách, nhà nghiên cứu Nhất Thanh viết: Theo từ điển Từ Hải mục Trung ngoại lịch đại sự niên biểu thị thì từ khởi điểm lịch Tàu là năm 3000 trước Tây lịch kỷ nguyên, mà họ Hồng Bàng nước Việt ta bắt đầu vào năm Nhâm Tuất (trước Tây lịch 2879 năm) nghĩa là hơn 100 năm sau khi có lịch Tàu, nhưng mãi đến đời nhà Hạ (2205 - 1818 trước Tây lịch) lịch Tàu mới lấy tháng Dần làm tháng Giêng. Vậy ta có ăn tết theo Âm lịch hiện giờ, thì chắc chắn là không phải từ đời Hồng Bàng, và nếu phỏng đoán là từ khi chịu ảnh hưởng phong hóa của Tàu do Tịch Quang và Nhâm Diêm truyền sang thì là từ thế kỷ 1 Tây lịch trở về sau, chứ không sớm hơn được”. Lần giở Đại Việt sử ký toàn thư ta thấy: Bính Ngọ, năm thứ 2 (135 tr.CN Hoài Nam vương An, dâng thư can rằng “Đất Việt là đất ở ngoài, là dân cạo tóc, vẽ mình, không thể lấy pháp độ nước đội mũ mang đai mà trị được. Từ thời tam đại thịnh trị, đất Hồ đất Việt không theo lịch Trung Quốc…”.

Như vậy tuy thật khó xác định người Việt có tục ăn Tết tự bao giờ. Song có thể thấy rõ tục đón năm mới chắc là phải có từ xa xưa, song dần dần với ảnh hưởng qua quá trình phong hóa của văn hóa phương Bắc người Việt tiến hành đón năm mới vào ngày Nguyên Đán, 1 Âm lịch hàng năm.

Tết Nguyên Đán bắt đầu từ thời gian nào đến thời gian nào? ''Tết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên của năm bắt đầu từ lúc giao thừa với lễ trừ tịch''. Thực ra đó chỉ là thời điểm chính thức bắt đầu các nghi lễ chính thức của Tết Nguyên Đán, còn thực ra công việc chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán được tiến hành từ lâu trước thời điểm đó. Với nhân dân Việt xưa nay vốn nghèo thì câu ''Đói quanh năm no ba ngày Tết'' quả không ngoa. Đó là vì nhiều nhà phải bòn góp cho cái Tết quanh năm ngày tháng. Tuy nhiên về cơ bản công việc lo Tết bắt đầu vào khoảng từ giữa tháng Chạp. Trong thời gian này ngoài công việc sửa soạn nhà cửa, lo mua sắm đồ Tết người ta tiến hành một lễ nghi quan trọng là lễ Táo Quân, còn gọi là Chạp ông Công, mà người Việt có nhiều tên gọi là ông Táo, Vua Bếp, ông Công, Đông Thần, Đông Tài, v.v. . . vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Với ý nghĩa cúng tiễn ông Táo về Trời có thể nói đây là lễ nghi tống cựu. Người Trung Hoa gọi ngày này là ''Tiểu Tết''. Ngày ''Tiểu Tết'' này gia đình giàu có khá giả thì bày biện đủ thứ,  nhà nghèo thì tùy theo khả năng, song ai cũng cố sắm cho ông Táo lễ bộ đầy đủ áo mũ và đôi hia vàng mã cùng con cá chép sống nguyên để trong bát nước bày lên bàn thờ cúng ông Táo, sau khi cúng xong thì vàng mã đốt đi, cá đem bỏ ra sông hồ. Người ta tin rằng ông Táo có quyền năng với mỗi gia đình và báo cáo hàng năm của Vua Bếp hết sức quan trọng đối với thịnh suy của gia chủ trong thời gian tiếp theo. Do vậy nên nhiều gia đình bày biện làm lễ cúng ông Táo rất linh đình. Có nơi còn cúng cả mật ong và bánh nếp hằng mong Ngài sẽ ''báo cáo'' ngọt ngào hơn khi yết kiến Ngọc Hoàng. Tuy nhiên ở một số nơi của Trung Quốc, quê hương của ngày lễ này người ta lại cho rằng lễ vật cúng Táo Quân ngày càng đơn giản càng tốt, thậm chí chỉ là cháo đậu đơn giản, vì vậy Ngọc Hoàng sẽ thấy được gia cảnh bần hàn của chủ  lễ mà thương cho năm mới được nhiều phúc lộc hơn. Song dù thế nào đi nữa thì đây cũng là một nghi thức tạm gọi là khai Tết đáng giữ gìn vì nó nhắc nhở cho mọi người nhiều điều là cả năm nên ăn ở sao cho có phúc đúc để năm sau, đời sau có phúc lộc nhiều hơn, là cần trân trọng cội nguồn cuộc sống là Thần Lửa, v.v…

Sau ngày Tết Táo Quân không khí Tết thực sự bắt đầu. Nhà nhà bận rộn với bao công việc sửa soạn cho ngày tết trong không khí tưng bừng, hoan hỉ. Vào những ngày này người ta dọn dẹp nhà cửa, lau rửa bàn thờ, đồ thờ. Chiều 30 bận gì cũng có nấu nước ngũ vị hương rẩy khắp nhà để tẩy uế tắm rửa để xua đi mọi thứ cũ kỹ đặng đón năm mới. Trước Giao thừa ai ai cũng cố gắng hoàn thành một số những thủ tục cần thiết. Đó là việc đi biếu Tết. Việc biếu tết là tùy tâm, không có một thể thức nhất định nào. Ông bà, cha mẹ thì lo sắm cho con trẻ quần áo mới, hay món quà gì đó. Con cháu đáp lại cũng vậy tùy theo hoàn cảnh. Chàng rể, ngoài những lễ vật thông thường như rượu, bánh, v.v... hay biếu nhạc gia con gà trống thiến. Học trò đến lễ tết thày học để tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ, bạn bè ân tình Tết lễ lại nhau tỏ lòng chung thủy v.v... Tuy nhiên việc dân biếu tết quan, cấp dưới tết cấp trên một cách quá đáng như hiện nay thật là một hủ tục và bị lạm dụng quá mức nên bỏ. Nhất là việc lấy công quỹ chung để biếu lẫn nhau lại càng không thể chấp nhận được. Nhất Thanh từng viết: ''Lại còn dân biếu Tết quan, con nợ biếu tết chủ nợ, có lẽ khởi thủy là mỹ tục cảm tính ân nghĩa, nhưng dần dà đã biến thành tệ tục. Tham quan ô lại mấy cũng không vừa. Con nợ ở cảnh khốn cùng cũng cứ phải chạy vạy lo biếu Tết thì thật chua xót'' quả là không ngoa chút nào.

Bận rộn nhất là những ngày giáp Tết: 28, 29 và 30 (nếu có): mổ lợn, làm gà, gói rồi nấu bánh chưng v.v. . . Nhà nào có nợ nần ai thì lo trả cho được trước ngày tất niên để tránh sang năm mới lại người ta đến đòi thì ''giông'' cả năm.

Cùng lắm là tới chiều 30 tết các nhà cũng phải trồng xong cây nêu. Thông thường nêu là cây tre đẵn tới gốc, còn nguyên ngọn lá, đem trồng trước sân, kết ba cái lại buộc bó vàng, có khi còn thêm cỗ mũ nhỏ, cài cái khánh bằng đất nung. Cây nêu là dấu hiệu báo cho biết đất có chủ và do đó ma quỷ không được quấy phá. Ở thành phố và nông thôn nơi chật hẹp không tiện trồng nêu thì người ta dùng cành đa, lá dừa cài ở cổng thay cho. Vôi thì rắc vôi bột, vẽ bàn cờ, cung, nỏ có tên bắn ra đằng trước và hai bên.v.v. . . cũng là nhằm mục đích trấn trừ ma quỷ như vậy.

Cây nêu được hạ và vàng mã trên đó được đem hóa vào ngày mùng Bảy tháng Giêng. ''Lễ Hạ nêu còn gọi là tễ khai hạ''. Mọi công việc thường xuyên, người ta chỉ bắt đầu sau ngày lễ này ''. . . ''  Lễ Khai hạ người Trung Hoa gọi là lễ Nhân nhật, nghĩa là ngày của Người … Nhân ngày Nhân nhật là ngày của giống Người nên người ta làm lễ cúng Trời, Đất để đánh dấu ngày đó.

Người Việt Nam nhân dịp này, ngoài lễ giữa trời cúng giữa Trời, Đất, còn sửa lễ cúng gia tiên, cúng Thổ Công và cúng Thần Tài. Thường sau lễ này, những người buôn bán mới bắt đầu đi chợ, mở cửa hàng. Ngày nay, nhất là ở thành thị người ta không còn trồng nêu nữa mà do đó lễ Khai hạ cũng bị bỏ luôn và kết thúc tết thông thường vào ngày mùng 3 để tránh lãng phí thời gian vào công việc đình đám hội hè.

Chiều 30 Tết khi mọi việc sửa soạn đã xong xuôi, nhiều nơi còn đi viếng mộ gia tiên, có hương hoa, vàng mã đốt ở mộ để mời gia tiên về ăn tết, ở nhà sắp cơm cúng gia tiên trước giao thừa và đến giao thừa thì thôi không cúng nữa. Hiện nay nhiều nơi để giản tiện hóa người ta cúng tất cả vào lúc giao thừa. Cùng với lễ cúng gia tiên được tiến hành suốt mấy ngày tết, ngày hai buổi, hoặc một buổi cho tới khi hóa vàng mới thôi.

Cỗ cúng tùy theo gia cảnh mà sắm. Không có qui định chặt chẽ. Căn bản là thành tâm, trang trọng chứ không nhất thiết cứ phải thật linh đình, rượu chè quá mức các cụ mới ban phúc lộc cho. Thời điểm quan trọng nhất của Tết Nguyên Đán là đêm giao thừa với lễ Trừ Tịch ''Trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm''. Lễ Trừ Tịch cử hành lúc giao thừa là lúc cũ mới giao tiếp. Hết giờ Hợi sang giờ Tí vào lúc nửa đêm, là bắt đầu sang ngày khác âm lịch; đêm 30 tết lúc này là đón năm mới; cũ giao lại công việc, mới tiếp nhận. Vào thời điểm này người ta bày cỗ ra ngoài trời (ở sân, trên sân thượng, ở ngõ trước cửa nhà, v.v. . .) để cúng hai đoàn các quan nhà trời do một vị Hành khiển dẫn đầu ứng với mỗi năm qua lại bàn giao công việc dưới hạ giới.

Có mười hai vị Hành khiển luân phiên kể từ năm Tí đến năm Hợi là mười hai năm, hết lượt lại quay trở lại năm Tí với vị hành khiển của năm ấy.

Hành khiển có ông thiện, ông ác. Có năm trời ra tai hạn hán lụt lội mất mùa đói kém, hay dịch tễ chết hại, là do sơ tấu của Hành khiển, trừng phạt vua quan. Không có nhân chính hay dân ăn ở càn dỡ. Lễ Trừ Tịch tiễn và đón các vị Hành khiển Phán quan của năm cũ năm mới, đồng thời cầu  cúng cả bản cảnh Thành hoàng và Thổ địa Thần kỳ.

Các thôn xã thiết lập hương án nơi trung thiên, ở sân đình, ở văn chỉ, có khi ở ngã ba trước điếm canh, vàng hương trầu rượu hoa quả xôi gà, tế lễ trọng thể, trống chiêng vang dậy, đêm khuya và pháo đốt ran, tư gia không làm riêng lễ Trừ Tịch.

Ở các tỉnh thành nhiều nhà cũng bày lễ cũng lúc giao thừa, trong sân hay trước cửa nhà, mâm lễ vật đặt lên chiếc ghế đẩu hoặc chiếc thùng gỗ, luộm thuộm không ra nghi lễ đối với thiên thần như các vị Hành khiển Phán quan. Nhiều người không có ý thức rõ rệt lễ Trừ Tịch, họ chỉ biết có thành tâm cúng lễ, vái tứ phương, và cũng chẳng biết khấn Đương niên, Bản cảnh Thành hoàng.

Đúng vậy, ý nghĩa nêu trên của lễ Trừ Tịch, mà ta quen gọi là cúng giao thừa đã dần dần phai nhạt. Nhiều người còn nghĩ rằng cúng ngoài trời lúc giao thừa là cúng chúng sinh. Khi các thánh thần và cụ kị, gia tiên được ăn cỗ trong nhà thì ở ngoài chúng sinh, ma đói không biết ăn tết ở đâu, do vậy muốn được yên ổn không chỉ dăm ba ngày tết và cả năm mới sắp tới thì nhất thiết phải có mâm cỗ cúng chúng sinh. Dù rằng ý nghĩa của việc cúng ngoài trời có biến đổi thể nào đi nữa thì tục lệ này cũng vẫn mang ý nghĩa triết học - nhân văn tốt đẹp nên giữ, có điều đúng là ''Biết thấu tâm lý của người giàu, các cụ ta đã có nhiều câu chuyện răn đời để người ta hiểu rằng: các quan mặc dầu phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là . . . người nhà trời nên có tài thấu hiểu ngay ''ruột gan'' của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đài là biết  ngay, và lập tức các vị dông thẳng, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các nhà cầu lợi ấy. Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương (như Thổ công đánh tín hiệu qua hương đèn), các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ''.

Cần sắp lễ cúng gia tiên và cúng Trừ Tịch, sau đó khấn đến tục giao thừa vừa tới đốt pháo mừng năm mới. Tục đốt pháo vào lúc này có nhiều ý nghĩa. Song đây là một việc hết sức tốn kém - lãng phí và nhất là  hại đến sức khỏe khi mà bầu không khí ngột ngạt ở thành thị hiện nay đã không còn đủ dưỡng khi để mà thở. Có thể học tập kinh nghiệm của chính người dân đã phát minh ra pháo và tục lệ đốt pháo vào lúc Giao thừa là ghi âm tiếng pháo nổ và đến lúc đó chỉ việc mở ra thôi. Quan trọng là ''tín hiệu'' pháo nổ, chứ đâu có phải là xác pháo bay khắp nơi, mùi thuốc pháo nồng nặc nghẹt thở.

Văn khấn Giao thừa có thể tùy theo khả năng của từng người, căn bản vẫn là hai chữ thành tâm. Sau khi người gia trưởng khấn lễ xong thì các thành viên trong gia đình lần lượt theo thứ tự tới chấp lễ trước bàn thờ hay mâm cúng. Các nghi lễ đó kết thúc và năm mới vui vẻ hội hè bắt đầu. Mọi người trong gia đình chúc tụng lẫn nhau. Nhiều nhà khá giả còn mở rượu sâm banh theo phong tục Âu châu. Người lớn ''mừng tuổi'' cho con cháu tiền mới, con cháu cũng có thể mừng lại cha mẹ ông bà. Việc mừng tuổi tiền mới này chỉ là làm phép chứ không nhất thiết phải là tiền to, nhiều, mới có nhiều tài lộc. Việc mừng tuổi tiền còn được tiếp tục suốt mấy ngày tết.

Cần lưu ý là tiền bạc vàng mã cầu giữ y là tiền bạc nhang đèn suốt mấy ngày tết cho đến lễ Hóa vàng.

Sau phần nghi lễ chính thức tại nhà, người ta có thể ra khỏi nhà đi hái lộc. Trước đó người đi hái lộc hay xem hướng giờ xuất hành. Tuy nhiên cũng có thể tùy theo hoàn cảnh, có thể vào sáng mùng một. Song theo quan niệm xưa tốt hơn cả là xuất hành đi lễ các đình chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may. Sau khi lễ xong lúc trở về người ta hái một cành cây, nhánh lá đem về với ý là xin lộc Trời đất, Thần Phật. Cành cây đó gọi là cành lộc và được đem về nhà cắm trước bàn thờ cho tới khi tàn khô. Hái lộc là một tục lệ mang thành biểu trưng tốt đẹp song không nên quá lạm dụng làm hại tới cây xanh và cảnh quan đình chùa miếu mạo. Có thể thay hát lộc bằng cách tới chùa thắp hương khấn vái xong đem về cắm ở bàn thờ nhà mình cũng tốt. Hương được gọi là hương lộc.

Người ra khỏi nhà trở về đầu tiên hay người đến thăm đầu tiên sau giao thừa là người xông nhà. Người ta tin rằng người xông nhà có vía tốt sẽ đem lại tài lộc. Do đó nên thường xem tuổi để chọn người trong nhà xông đất, xông nhà, hoặc giả nhờ ai đó trong họ hàng bạn hữu có vía tốt lành trong năm đó tới xông nhà họ. Còn có tục người xông nhà tới đốt pháo, và sau đó là chúc tụng gia chủ. Tục xông nhà, xông đất này là một trong những điều kiêng ngày Tết nhằm tránh giông, nghĩa là tránh những điều không may mắn xui xẻo có thể xảy ra trong năm mới. Do vậy trước khi tới chúc tết nhà khác vào đầu năm mới bản thân cũng phải xem gia chủ có kiêng gì không và tế nhị hơn cả là chọn thời gian thích hợp. Khi nhà đang có tang (xem phần tang lễ) thì tốt nhất trong ba ngày tết không nên tới chúc tết ai cả. Còn nhiều điều kiêng kỵ khác cần biết là trong dịp đón năm mới phải nói năng giữ gìn, không văn tục, không mắng mỏ lẫn nhau, đánh đập con cái, vân vân, tóm lại không làm điều gì bị coi là xấu là dở để tránh giông cả năm. Đó là điều kiêng kỵ tốt cần phát huy, giữ gìn. Đặc biệt là với tục kiêng quét nhà. Tục này là do ở trong ''Sưu thần ký'' có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo, Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà vài năm thì giàu to. Đến sau, một hôm nhân ngày mồng một tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đấy nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác trong mấy ngày tết. Tuy nhiên hiện nay người ta chỉ còn kiêng đến hết ngày mùng một thì thôi.

Sáng mùng một Tết thì làm cỗ cúng gia tiên, cúng Thổ Công, Táo Quân , v.v… Ngoài cỗ bàn ra có nhà còn dựng hai cây mía cạnh bàn thờ để làm gậy cho ông Sãi. Sau đó là cả nhà chúc tụng lẫn nhau, và đi thăm hỏi chúc tết người thân bạn bè, hàng xóm. Cứ thế vui vẻ suốt mấy ngày. Có nhà ăn Tết một hôm, nhà hai hôm, ba hôm v.v…Tùy theo hoàn cảnh. Có nhà theo nếp cũ tới bảy hôm cho tới lễ Khai hạ (hạ nêu). Xong thông thường là ba hôm thì vừa đủ. Cùng lắm với ai đó mùng ba không hợp thì sang ngày mùng bốn là làm lễ hóa vàng. Ngày này gọi là ngày cúng tiễn ông vải. Người ta làm cơm cúng gia tiên, rồi đem bao nhiêu vàng mã đã cúng trong ba ngày tết ra hóa. Những vàng mã dành cho người mới mất trong năm qua thì được hóa riêng. Khi hóa giầu sang người ta vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn đem xuống vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm các cụ mới nhận được vàng và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng. Hai cây gây  các cụ theo tín ngưỡng được coi là đòn gánh gánh vàng về cõi âm và là vũ khí chống lại bọn quỉ sứ muốn cướp vàng đi. Trong bữa cơm hóa vàng con cháu tề tựu đầy đủ thân mật và sau đó, là chia tay, kết thúc mấy ngày Tết.

Về tục thăm mộ trong thời gian Tết Nguyên Đán thì mỗi nơi mỗi khác, có nơi trước tết có nơi sau tết. Song đây không là tục phổ biến. Trong dịp tết còn có tục mở đầu công việc năm mới tùy theo nghề nghiệp khác nhau có những cách thức khác nhau. Người buôn bán thì mở hàng người làm việc chữ nghĩa thì khai bút, quan lại thì khai ấn, v.v… Ngày này không có ấn định rõ ràng. Tùy người, tùy tuổi mà nhờ thày xác định cho. Có thể mùng một mở cửa hàng bán qua quít một lúc lấy ngày, hay viết một các gì đó để lấy may, v.v. . . Việc là thế, nhưng lễ nghi quan trọng trong thời gian Tết Nguyên Đán đối với cư dân nông nghiệp ở Đông Nam Á lại là những lễ thức khác. Đó là lễ Tịch Điền (Hạ Điền) và lễ Thượng Nguyên (Nguyên Tiêu). Và có lẽ chỉ với lễ Thượng Nguyên tết Nguyên Đán mới thực sự kết thúc, kết thúc tháng giêng là ''tháng ăn chơi'' đó.

Lễ Tịch Điền (còn gọi là lễ Hạ Điền) có xuất xứ từ Trung Quốc và được cử hành trong một ngày hội đầu xuân. Trước đây ngày lễ này được triều đình tổ chức linh đình, long trọng. Ngày nay dường như chỉ còn lại dư âm trong các hội làng, hay các tục trồng cây đầu năm v.v... Đỉnh điểm và cũng là kết thúc của nghi lễ trong Tết Nguyên Đán là lễ thượng Nguyên, tết Nguyên Tiêu. Theo Toan Ánh trong bộ Nếp cũ thì lễ Thượng Nguyên vào ngày rằm tháng Giêng. Từ triều đình đến dân chúng đều có lễ Phật trong ngày này. Ta có câu: Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng. Tục ta tin rằng trong ngày rằm tháng Giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ Phật giáo. Trong dịp này, chùa nào cũng đông người tới lễ bái (. . . ). Theo đạo Phật, nguồn gốc lễ Thượng Nguyên như sau: ngày mùng một và ngày rằm mỗi tháng được coi là ngày Phật, các tín đồ Phật giáo trong tháng ngày này đều rủ nhau đi lễ chùa (. . .).Theo sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên không phải là ngày lễ Phật, Trước đây chính tà Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà vua hội họp các ông trạng để thết tiệc và mời vào vườn thượng uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ ( .. .). Tết Trạng Nguyên sau được đổi làm Tết Thượng Nguyên. Tết cũng còn một tên nữa là Tết Nguyên Tiêu. Nhân tết này, ban đêm tại kinh thành và các thị xã có chăng đèn kết hoa. Ở các nơi như Giang Châu, Tô Châu gần sông nước có cuộc bơi thuyền (...). Dù lễ Thượng Nguyên có nguồn gốc nào cũng mặc, dân ta làm lễ Thượng Nguyên vì lòng tôn kính đối với các chư Phật, đồng thời có cúng gia tiên, Thổ công và Thần tài . . . Những người gặp năm sao nặng cũng nhân ngày lễ này làm lễ dâng sao giải hạn. Thật vậy lễ Thượng Nguyên ở Trung Quốc thường được gọi là lễ Nguyên Tiêu, nghĩa là đêm đầu tiên, nó thường được tiến hành vài ngày (từ 13 đến 17 tháng Giêng). Đặc điểm có ngày lễ này giống như toàn bộ nghi thức của thời kỳ đón năm mới là tục đốt đèn ở khắp mọi nơi. Có ý kiến cho rằng đó là vì do tục thổi lửa cổ xưa, với ý niệm biểu tượng hài hòa các cõi âm dương và ước vọng phồn thực. Khác với các nghi lễ khác của năm mới lễ Nguyên Tiêu không gói gọn trong không khí gia đình mà mang tính hội hè chung. Trong quan hệ sản xuất lễ Nguyên Tiêu biểu tượng cho một chu kỳ lao động mới. Người ta còn nhận thấy những nét tương đồng giữa lễ Nguyên Tiêu với các lễ khác được tổ chức vào ngày rằm, như tết Trung Thu chẳng hạn. Thực vậy ngày rằm đối với cư dân nông nghiệp Đông Á thật quan trọng:

Muốn ăn lúa tháng năm

Trông trăng rằm tháng tám

Tỏ trăng mười bốn được tằm

Tỏ trăng hôm rằm thì được lúa chiêm

Cày ruộng tháng năm,

Xem trăng rằm tháng tám. . .

Chúng tôi ngờ rằng sở dĩ lễ rằm tháng Giêng được gọi là Nguyên Tiêu cũng vì lễ đối với cư dân cổ đại ở vùng này đêm trăng rằm có ý nghĩa biết bao. Đêm rằm đầu xuân có thể là dịp để họ tổ chức đón một năm mới, đón Tết chăng? Và cũng vì thế câu ca xưa là hết sức đích thực: Tết quanh năm không bằng rằm tháng Giêng. Ngày nay với lễ Thượng Nguyên, một năm cũ chính thức qua đi, một năm mới bắt đầu tới với bao công việc mới, lo âu và niềm vui mới.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/277-26-633349688143203750/Le-tiet/Tet-nguyen-dan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận