Tài liệu: Người La hủ

Tài liệu
Người La hủ

Nội dung

NGƯỜI LA HỦ

Hiện có 6.874 người. Địa bàn cư trú ở tỉnh Lai Châu. Thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến.

Người La Hủ chủ yếu làm nương du canh với nhịp độ luân chuyển cao, gần đây họ chuyển dần sang trồng lúa trên ruộng bậc thang. Nổi tiếng về nghề đan lát (mâm cơm, ghế mây), rèn. Săn bắt, đánh cá có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế. Họ biết nhiều cây thuốc trên rừng.

Ăn cơm tẻ, thích dùng các loại thịt chim, thú do săn bắn được, cá bắt ở khe suối, măng chua, bầu bí. Phụ nữ mặc quần áo dài. Ngày lễ tết mặc thêm áo ngắn ra ngoài. Ở nhà trệt, vách nứa hay ván. Bếp, nhà thờ và giường ngủ của gia đình bao giờ cũng ở chung một gian.

Quan hệ dòng họ lỏng lẻo, không có người đứng đầu dòng họ và không có lễ cúng bái cho cả họ. Trai gái tự do trong hôn nhân. Người La Hủ thường kết hôn với người Hà Nhì. Lễ vật mang sang nhà gái bắt buộc phải có thịt sóc. Sau lễ cưới, cô dâu cư trú bên chồng. Việc trùng tên của trẻ sơ sinh khá phổ biến, do được đặt theo ngày sinh. Khi nhà có người chết, người ta bắn súng để đuổi ma và báo cho họ hàng làng xóm biết.

Thờ cúng tổ tiên, bố mẹ và những người thân đã mất chỉ vào các dịp cơm mới, ngày tết tháng 7 hay gieo xong lúa nương, khi cưới xin, ma chay. Không có tục cúng vào ngày giỗ. Lễ vật cúng duy nhất là cơm gói trong lá rừng. Quan niệm về sự sống và chết là do trời định.

Người La Hủ thích nghe và sử dụng thành thạo khèn, sáo, trống. Các bài hát của người La Hủ phần nhiều theo tiếng Hà Nhì, nhưng có nhịp điệu riêng. Thanh niên thích thổi khen bầu với năm ống trúc dài ngắn khác nhau. Họ có hàng chục điệu múa khèn độc đáo.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349668358047500/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-La-hu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận