Tài liệu: Ngày Phật đản

Tài liệu
Ngày Phật đản

Nội dung

NGÀY PHẬT ĐẢN

 

Người Việt Nam vào ngày rằm tháng Tư hàng năm đều có tổ chức ngày Phật Đản. Ông Toan Ánh viết: ''Theo sách Phật thì  Phật Mẫu nằm mê thấy người Vàng đầu thai rồi sinh ra ngài. Cũng có sách lại nói là Tính Diệm đã chiêm bao thấy bạch tượng sáu ngà voi soi vào bụng bà và đã thụ thai trong mười tháng mới sinh ra đức Phật. Đức Phật ra đời theo lối cạnh sườn bên phải của Phật Mẫu và có một bông hoa sen này ra đỡ ngài lên. Để tắm cho ngài có trăm con rồng phun nước và để trông nom ngài đã có bách Thần. Ngài da vàng, tóc dựng ngược. . .''.

Phật sinh vào ngày 15 tháng Tư trước đức chúa Giêsu 644 năm.

Do vậy nên ngày Phật Đản còn được gọi là ngày Bụt sinh Bụt đẻ. Ngày này ở Việt Nam không được coi là một tễ tiết đích thực, phổ biến. Vào ngày này người ta tới chùa cúng tế, dâng lễ, cùng nhà  chùa tổ chức lễ Phật, còn ở nhà thì cúng rằm như thường lệ, không  làm gì khác biệt. Tuy nhiên về  cội nguồn ngày lễ này có ý nghĩa lễ tiết, và dần  dần với sự phổ biến của Phật giáo nó được tô đậm thành một ngày lễ Phật giáo là chính.

Ở Trung Quốc, ngày Phật Đản được tổ chức vào ngày 8-4. Cũng vào ngày đó ở Nhật Bản có lễ hội Hoa, ở Triều Tiên có ngày hội Đèn Lồng. Vào ngày này các nhà sư và tín đồ Phật giáo Trung Quốc tiến hành lễ kỷ niệm ngày sinh của Phật tổ. Họ đem tắm rửa tượng Phật bằng nước thơm và rắc hoa quanh tượng. Người ta mua đủ các loại thủy sinh và đem trả trở lại hồ ao, một nghi lễ theo giáo huấn của Phật là ''giải phóng chúng sinh''. Song không phải ở đâu cũng gắn sự tích ngày lễ này với sự ra đời của Đức Phật.

Ở Hồ Nam có truyền thuyết kể lại rằng vào thời Tống (thế kỷ 12) có ông tướng họ Dương bị bỏ ngục và không được ăn gì cả. Người em gái của ông đã đánh lừa được cai ngục, gửi vào cho ông giỏ cơm nấu với lá gỗ mun, bên dưới có giấu một thanh đao. Ngày 8-4 vị tướng đã thoát khỏi được ngục tù. Từ ngày đó con cháu ông cứ đến ngày này là nấu cơm với lá gỗ mun cúng ông. Cũng gắn với tục ăn cơm lá gỗ mun ở Triết Giang có tích về một người con trai hiếu thảo đã nuôi mẹ bằng cơm gỗ mun, sau đó bà mẹ mất đi biến thành ma đói. Đặc biệt là ở một số địa phương Phúc Kiến, Hồ Nam, v.v… người ta coi ngày lễ này là ngày sinh của trâu. Người ta thả trâu ăn cỏ tự do trước vụ cày bừa vào ngày này như ngày Đoan Ngọ với việc treo trước cổng nhà những lá bùa yểm trừ sâu bọ. Người Tứ Xuyên cũng vậy. Còn người Vân Nam thì rắc tro vào góc nhà. Tính chất lễ tiết này còn được thể hiện rõ nét trong cách tổ chức. ngày 8-4 của người Triều Tiên. Lễ tiết này ở Triều Tiên thể hiện mong ước của người dân cho mầm cây có sinh lực mới, không bị sâu bị chim chóc tàn phá. Về lễ hội Đèn lồng của Triều Tiên một người Nhật thế kỷ 18 tên là Otano Kigoro mô tả như sau: ''Ngày 8-4 người dân thủ đô (Seoul) đi dạo chơi núi non, sông hồ. Đêm đến trước mỗi nhà có đốt đèn lồng. . . Những chiếc đèn được treo cao trên sào tre dài cắm trước cổng mỗi nhà''. Người ta đua nhau khoe đèn, trẻ em ăn mặc đẹp và đốt pháo khắp nơi. Suốt đêm người ta vui chơi, hội hè trong không khí tưng bừng không kém gì Tết. Với thời gian nghi thức Phật giáo mới được đưa thêm vào. Ở các chùa chiền người ta tổ chức tắm rửa cho Đức Thích Ca Mâu Ni, nhất là bức tượng Đức Phật Hài Nhi. Đồng thời các cuộc diễu hành với đèn lồng, đuốc lửa, cờ xí được tiến hành trọng thể, tưng bừng. Trên sân khấu dân gian trình diễn vở Vũ hạc. Đó là cảnh một bông sen nở, từ trong đó bước ra những cô gái xinh đẹp và thi nhau làm động tác đuổi những con hạc đen và trắng đang dường như tranh nhau mổ lá và hạt sen. Khác với quan niệm truyền thống coi hạc là biểu tượng của trường thọ và phồn vinh, hạc trong trường hợp này biểu tượng cho loài chim phá hoại, còn bông sen là biểu tượng của cuộc sống muôn loài. Rõ ràng là tính chất lễ tiết, hội mùa còn để lại dấu ấn đậm nét trong ngày lễ tôn giáo này. Ở Nhật Bản, ngày lễ này còn thể hiện tính chất tôn giáo mờ nhạt  hơn nữa và ngày nay nó được coi như ngày lễ của trẻ em, vì phần lớn các lễ hội toàn dân tưng bừng, đầy mầu sắc hội hè, và được coi là ngày Hoa lễ. Cũng vì tính chất tôn giáo hiện nay của ngày lễ Phật Đản nên các sách viết về lễ tiết của Việt Nam không kể đến ngày lễ này. Song như đã thấy ở trên, chúng tôi cũng dẫn ngày lễ này ra trong phần này để tiện tham khảo. Lễ Phật Đản kết thúc một mùa xuân đầy không khí lễ hội. Tháng Tư ở phương Nam là tháng chuyển sang hè. Thông thường ngày Lập hạ (Sang hè) rơi vào ngày mùng 5 hoặc mùng 6 tháng 5 Dương lịch, tức là vào khoảng mùng 3 hoặc mùng 4 tháng 4 Âm lịch.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/277-26-633349688820235000/Le-tiet/Ngay-Phat-dan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận