Tài liệu: Lễ Thất tịch

Tài liệu
Lễ Thất tịch

Nội dung

LỄ THẤT TỊCH

 

Lễ Thất Tịch tuy không phải là lễ tiết chính ở ta và ít được tổ chức ở ta, song không phải vì thế mà không có trong tiềm thức dân ta. Dân gian ta gọi ngày này là ngày Ông Ngâu gặp bà Ngâu hay đơn giản hơn là lễ Ngâu. Đó là ngày mùng 7 tháng 7. Tháng bảy mưa ngâu chuồn chuồn bay thì bão.

Lễ Thất Tịch thường được gắn liền với truyền thuyết về Ngưu Lang Chức Nữ. Thiên diễm tình của đôi trai gái bất hạnh này với nhiều biến thể, theo ý kiến các nhà nghiên cứu thì đó là biểu hiện cho sự giao kết của khởi thủy dương và âm của vũ trụ và kiến tạo nên cuộc sống.

Ở Trung Quốc, quê hương của ngày lễ tiết này, ý nghĩa sâu xa của lễ Thất Tịch có cội nguồn từ đời sống, lao động sản xuất của người dân nơi đây. Đó là thời vụ gặt hái, hoa trái chín mọng, thu hoạch tơ tằm và chuyển đàn gia súc từ đồng cỏ về những nơi trú đông. Hình ảnh bầu trời đêm của tiết sang thu, dòng sông (ngăn cách Ngưu Lang và Chức Nữ) và bản thân Chức Nữ, cũng như toàn bộ mùa thu theo quan niệm của người Trung Hoa, là thuộc về khởi thủy âm. Cũng từ những hình dung đó mà ở Trung Quốc nhân ngày Thất Tịch có biết bao tập tục khác nhau. Đó là một ngày lễ đáng kể trong đời sống văn hóa tinh thần của người Trung Hoa. Còn ở ta nay ít người tổ chức lễ tết này. Người ta chỉ còn chú ý nếu đêm ấy có mưa (mà thông thường là có mưa) thì bảo nhau: Đó là ông Ngâu  gặp bà Ngâu, mừng mừng tủi tủi, khóc than và làm thành mưa rơi xuống đất.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/277-26-633349689398516250/Le-tiet/Le-That-tich.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận