Tài liệu: Tết Trùng thập

Tài liệu
Tết Trùng thập

Nội dung

TẾT TRÙNG THẬP

 

Tết Trùng Thập có tên gọi như vậy là vì được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Mười. Tết này còn gọi là Hạ Nguyên để đối với Thượng Nguyên (ngày 15 tháng Giêng) theo tục lệ như Phật.

Cũng theo Phan Kế Bính: ''Tết ấy (tức 10-10) phần nhiều là các nhà đồng cốt và nhà thầy thuốc mới ăn thôi. Nhưng về nhà quê cũng nhiều nơi ăn, có nơi ăn to lắm, như ở vùng phủ Hoài thì làm bánh dầy, nấu chè kho, trước cúng thần, cúng gia tiên rồi đem biếu những nhà quen thuộc.

Các nhà thầy thuốc thì vì thu lễ thu tiền mà ăn tết một là để cung cấp, hai là để khoản đãi các đệ tử và các bạn hàng.

Nói chung Tết này là của ông Đồng, bà Cốt, họ làm cỗ bàn linh đình. Còn đối với dân gian nói chung thì có nhà vào ngày này chỉ sửa soạn lễ cúng gia tiên mà thôi. Giờ đây nhiều nhà không làm lễ cúng gia tiên vào ngày này, mà để sang ngày rằm. Có nơi gộp ngày lễ cơm mới vào lễ này. Nói chung đây là một ngày lễ tiết không mấy sôi nổi trong dân gian. Nó không được tổ chức ở các nước đồng văn khác.

Như vậy, trên phong cảnh Nghi lễ đời người lễ tiết là một bộ phận đời sống văn hóa quan trọng của người Việt. Thông qua các lễ tiết người ta gắn mình với thiên nhiên, vũ trụ, giữ gìn mối liên hệ với quá khứ, dòng dõi và liên kết với nhau để hướng tới những chu kì tiếp theo của vòng quay vũ trụ luân hồi. Cội nguồn sâu xa của lễ tiết Việt Nam dù nó mang tên gọi gì đi nữa, gắn với bao truyền thuyết nào đó, chứa đựng bao tập tục vay mượn, cải biên sáng tạo hay dưới ảnh hưởng bên ngoài, thì phần lớn vẫn là bắt rễ từ cuộc sống lao động và sáng tạo của cư dân nông nghiệp lúa nước từ  bao đời nay sinh sống trên đất nước này.

Người ta không thể chỉ có lao động vất vả quanh năm, mà còn phải vui chơi giải trí, phải thỏa mãn những nhu cầu về thế giới tâm linh của mình. Và trong lĩnh vực này lễ tiết có ý nghĩa to lớn và là một bộ phận hữu cơ không thể thiếu của đời sống văn hóa tinh thần con người Việt Nam.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/277-26-633349690678985000/Le-tiet/Tet-Trung-thap.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận