Tài liệu: Người Nùng

Tài liệu
Người Nùng

Nội dung

NGƯỜI NÙNG

Hiện có 856.412 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hà Bắc, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai. Thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái (ngữ hệ Thái-Ka Đai), cùng nhóm với tiếng Tày, tiếng Thái và tiếng Choang ở Trung Quốc… Người Nùng phần lớn di cư từ Quảng Tây (Trung Quốc) sang cách đây khoảng 200 năm.

Sinh sống bằng nương rẫy là chính. Ngoài ngô, lúa còn trồng các loại cây có củ, bầu bí, rau xanh… Họ biết làm nhiều nghề thủ công: dệt, rèn, đúc, đan lát, làm đồ gỗ, làm giáy dó, làm ngói âm dương… Thức ăn chính là ngô, các món ăn được chế biến bằng cách rán, xào, nấu, ít khi luộc. Nhiều người kiêng ăn thịt trâu, bò, chó. Nam mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải. Phụ nữ mặc áo năm thân, cài cúc bên nách phải, thường chỉ dài quá hông. Ở nhà sàn, một số ở nhà đất làm theo kiểu trình tường hoặc xây bằng gạch mộc.

Hôn nhân do bố mẹ quyết định, trên cơ sở môn đăng hộ đối. Ma chay được thực hiện với nhiều nghi lễ nhằm đưa hồn người chết về bên kia thế giới.

Thờ tổ tiên là chính. Ngoài ra còn thờ thổ công, Phật bà Quan Âm, bà mụ, ma cửa, ma sàn… và tổ chức cầu cúng khi thiên tai dịch bệnh. Khác với người Tày, người Nùng tổ chức sinh nhật và không cúng giỗ. Họ ăn tết giống như người Tày và người Việt.

Người Nùng có chữ nôm Nùng dựa theo chữ hán, đọc theo tiếng Nùng và chữ Tày-Nùng trên cơ sở chữ cái La tinh Sli là hình thức hát giao duyên giữa nam nữ, thường sử dụng trong những ngày hội, ngày lễ, chợ phiên. Trong các dịp lễ tết họ chơi tung còn, đánh cầu lông, đánh quay, kéo co…

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349670438047500/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-Nung....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận