Tài liệu: Người Sán rìu

Tài liệu
Người Sán rìu

Nội dung

NGƯỜI SÁN DÌU

 

Hiện có 126.237 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên. Người Sán Dìu nói thổ ngữ Hán Quảng Đông (ngữ hệ Hán-Tạng). Họ di cư sang Việt Nam khoảng 300 năm nay.

Canh tác ruộng ngô là chính. Cây trồng chính: lúa, ngô, khoai, sắn… đặc biệt là trồng nhiều cây có củ.

Ăn cơm tẻ là chính, có độn thêm khoai, sắn. Sau bữa ăn, họ thường húp thêm bát cháo loãng như người Nùng. Trang phục phụ nữ gồm khăn đen, áo dài, yếm màu đỏ, thắt lưng màu trắng, hồng hay xanh lơ. Nam giới ăn mặc như người Việt. Họ ở nhà đất trình tường hay thưng ván.

Đám cưới tiến hành với nhiều nghi lễ, đáng chú ý là lễ khai hoa hửu mang ý nghĩa chúc mừng hạnh phúc cô dâu chú rể. Nhà mồ có mái bằng, lợp lá rừng. Khi cải táng xương được xếp vào tiểu hoặc chum theo tư thế ngồi và nếu chưa chọn được ngày tốt thì chôn tạm ở chân đồi hay bờ ruộng.

Trên bàn thờ thường đặt ba bát hương thờ tổ tiên, pháp sư và Táo quân. Ngoài ra, người Sán Dìu còn thờ Thổ thần ở miếu, thờ Thành hoàng ở đình. Tết Đông chí mang ý nghĩa cầu mong con đàn cháu đống. Những người đã lấy nhau lâu mà vẫn chưa có con thì sau khi ăn tết xong người vợ về ở nhà bố mẹ đẻ. Người chồng cho ông mối đến hỏi và sau đó tổ chức cưới lại như là cưới vợ mới.

Còn một số người biết chữ Hán. Người Sán Dìu có hát giao duyên giữa nam nữ, gọi là soọng cô, kéo dài suốt nhiều đêm. Nhạc khí có tù và, kèn sôna, sáo với thang âm ngũ cung, trống da, thanh la, não bạt. Có một số điệu múa như: múa gậy, múa dâng đèn, múa hành quanh tiếp thánh, múa chạy đàn…

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349673361172500/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-San-r...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận