Tài liệu: Người Sán chay

Tài liệu
Người Sán chay

Nội dung

NGƯỜI SÁN CHAY

Hiện có 147.315 người. Địa bàn cư trú ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái. Thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán-Tạng). Người Sán Chay di cư từ Trung Quốc sang nước ta cách đây khoảng 400 năm, còn gọi là người Cao Lan.

Cư dân nông nghiệp, làm ruộng nước thành thạo nhưng nương rẫy đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế.

Ăn cơm tẻ là chính. Rượu được sử dụng nhiều trong các ngày lễ tết. Đàn ông hút thuốc lào, phụ nữ ăn trầu. Phụ nữa mặc váy chàm có trang trí hoa văn ở hò áo và lưng áo. Ở nhà sàn giống người Tày.

Các chi họ và nhóm hương hỏa giữ vị trí quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng. Sau khi cưới, cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ cho đến lúc sắp sinh mới về nhà chồng. Ông mối rất được quý trọng, được cô dâu chú rể để tang khi mất như cha mẹ. Đám tang tiến hành với nhiều nghi lễ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Đạo giáo và Phật giáo.

Trong nhà người Sán Chay có rất nhiều bàn thờ: tổ tiên, trời đất, Thổ công, bà Mụ, thần Nông, thần chăn nuôi, Ngọc Hoàng, Phật Nam Hoa, Táo Quân. Ăn tết như người Tày.

Sử dụng chữ Hán trong cúng bái và chép bài hát. Văn nghệ dân gian có: truyện cổ tích, truyện thơ, hát giao duyên, ca đám cưới, hát ru… Tranh thờ thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa đạo Phật, đạo Nho, đạo Giáo, biểu tượng ý thức tâm linh cao, không huyền bí.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/273-26-633349673103516250/Cong-dong-cac-dan-toc-Viet-Nam/Nguoi-San-c...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận