PHẦN I: TÁC GIẢ
Do sự hạn chế về số trang cho nên phần văn học thế giới, chúng tôi chỉ giới thiệu một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu, gần gũi, với đối tượng của Bách khoa tri thức học sinh, hoặc có đóng góp quan trọng nào tiến trình phát triển văn học thế giới mà bạn đọc trẻ nên biết. Riêng phần Văn học Việt Nam vì rất phong phú nên chúng tôi sẽ biên soạn một chuyên đề riêng, Rất mong nhận được sự thông cảm của các bạn.
AITMATOV CHINGIS sinh năm 1928, được đánh giá là nhà văn xuất sắc của nền văn học Xô-viết có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nhà văn cùng thời. Các tác phẩm của ông có một sức cuốn hút lạ kỳ bởi tính hàm xúc cô đọng, mang đậm phong vị thơ ca và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Aimatov rất được bạn đọc trẻ yêu quý.
Tác phẩm chính: Gihamilia (1958), Người thầy đầu tiên (1960), Cây phong non trùm khăn đỏ (1961), Mắt lạc đà (1961), Cánh đồng mẹ (1963), Vĩnh biệt Gulsary (1966), Con tầu trắng (1970)...s
ANDERSEN HANS CHRISTIAN (1805- 1875), nhà văn Đan Mạch, ngay từ nhỏ đã say mê những câu chuyện cổ dân gian. Năm 1835- 1837 ông bắt đầu sáng tác chuyện cổ tích và cho xuất bản ba tập Truyện kể cho trẻ em, trong đó có những truyện xuất sắc như: Chiếc bật lửa, Nàng công chúa và hạt đậu, Nàng tiên cá, Bộ quần áo mới của Hoàng đế... và ngay lập tức gây được tiếng vang lớn. Thời kỳ sáng tác phong phú của Andersen kéo dài khoảng mười năm, từ 1835-1845, với những truyện như Chú lính chì dũng cảm (1838), Bầy thiên nga (1838), Chim hoạ mi (1843), Nữ thần băng giá (1844) (ở ta còn dịch là Nữ chúa Tuyết), Cô bé bán diêm (1845). Từ 1843 khi đưa tin tập Truyện kể mới Andersen đã nhấn mạnh rằng truyện của ông không chỉ dành cho trẻ em đọc mà cả người lớn cũng đọc được, thậm chí phải là người lớn mới thực sự hiểu nó. Đúng như vậy, về sau truyện của ông mang đậm tính triết học về nhân sinh và xã hội, như những truyện: Cái bóng (1847), Bà mẹ (1848)... Về phương pháp sáng tác của mình, Andersen quan niệm: ''Không có truyện kể nào hay hơn được những điều do chính cuộc sống tạo nên". Bằng bút pháp linh hoạt hoà trộn giữa tính trữ tình, tính trào lộng, tính lãng mạn và hiện thực cộng với trí tưởng tượng tuyệt vời của mình Andersen đã tạo ra một thế giới thần kỳ mà ở đó tính nhân bản bao trùm lên tất cả.
APOLLINAIRE GUILLAUME (1880-1918), nhà thơ Pháp, người đi tiên phong. trong sự cách tân đổi mới cho thơ pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX, ông là một trong những người khởi xướng cho chủ nghĩa siêu thực. Thơ Apollinaire tràn đầy những hình ảnh lạ, câu chữ lạ, đưa người đọc đến những thế giới kỳ ảo khác thường bằng những liên tưởng bất ngờ, những hình ảnh táo bạo, bí ẩn. Nhiều bài thơ của Apollinaire trở thành vẻ đẹp khuôn mẫu của thi ca như: Vùng, Cầu Mirabeau, Thu ốm, Hoả châu.
Tác phẩm chính: Rượu (1913), Thơ vẽ hình (1917), Cặp vú của Tirésias (1918), Cái bóng mối tình của tôi (1947)...
ARAGON LOUIS (1897-1982), nhà thơ Pháp, từ nhỏ đã say mê văn học, tham gia nhóm Đa-đa, sau từ bỏ nhóm này để gia nhập trào lưu siêu thực, sau đó lại từ bỏ siêu thực, gia nhập Đảng Cộng sản rồi theo xu hướng hiện thực chủ nghĩa. Ông sáng tác nhiều tác phẩm ngợi ca Đảng Cộng sản, ngợi ca lòng yêu nước của những người Pháp và kịch liệt chống chủ nghĩa phát xít, ông được mệnh danh là ''nhà thơ của Đảng'' . Aragon sáng tác trên nhiều thể loại thơ, văn xuôi, tiểu luận phê bình và ở thể loại nào ông cũng đạt được những thành công lớn.
Tác phẩm chính: Lửa vui (1920), Vận động và vĩnh cửu (1925), Người nông dân Paris (1926), Những kẻ hành hạ bị hành hạ (1930- 1931), Chuông thành Bâle (1934) Aurélien (1941), Những người cộng sản (1949-1951), Ngợi ca Elsa (1942), Đôi mắt Elsa (1942), Tuần lễ thánh (1958).
NESIN AZIZ nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, con một viên chức nhỏ, học quân sự, nghệ thuật, làm sĩ quan quân đội đến năm 1944 sau đó làm nhiều nghề khác, từng bị tù đày và lưu vong. Truyện ngắn hài hước của Aziz Nesin phổ biến trên khắp thế giới và tên tuổi ông gắn với thể loại truyện này với tư cách một bậc thầy. Trong số những truyện nổi tiếng của Aziz Nesin có thể kể đến: Những người thích đùa, Hội nghị các nhà phẫu thuật, Chát-xình-chát-chát-bùm, Chỉ tại trời mưa…
BẠCH CƯ DỊ (772-846), thà thơ Trung Quốc thời trung Đường, năm 802 đỗ tiến sĩ, năm 807 giữ chức hàn lâm học sĩ, năm 808 làm Tả thập đi, năm 815 bị biếm về làm Tư mã Giang châu, năm 818 về làm thứ sử Trung châu. Cuộc đời chính trị và văn học của Bạch Cư Dị có thể chia làm hai thời kỳ lấy năm bị biếm về Giang châu làm mốc. Ông tự chia thơ mình ra làm bốn loại: Phúng dụ, Cảm thương, Nhàn thích, Tạp luật trong đó Trường hận ca, viết năm 806 được xếp vào loại Cảm thương. Bài thơ này là một kiệt tác của văn học Trung Quốc, cùng với bài Thư gửi Nguyên Chuẩn và Tỳ bà hành. Cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị được xếp vào một trong ba nhà thơ lớn xuất sắc nhất ở đời Đường.
Tác phẩm chính: Bạch thị Trường khánh, gồm 71 quyển trong đó có hơn 40 quyển là thơ, còn lại là văn xuôi.
BYRON (1788 -1824), (George Gordon, huân tước Byron) - nhà thơ lớn của nước Anh.
Bairơn sinh tại Luân Đôn thủ đô nước Anh, trong một gia đình quý tộc. Ông khoẻ mạnh và đẹp trai, nhưng chân đi hơi thọt. Ông có thái độ khinh thường dư luận, thường ''hay châm biếm, mỉa mai xã hội thượng lưu với khuôn sáo đạo đức giả của nó. Ông đã dùng văn thơ trào phúng làm vũ khí chống bọn cầm quyền thống trị tàn bạo đàn áp nhân dân và vạch rõ những bất công trong xã hội. Những bài thơ của ông tố giác cái xấu của cuộc đời (bài thơ trường thiên Cuộc du hành của Traiđơ Harôn, xuất bản năm 1812); ca ngợi những người anh hùng khởi nghĩa (tập truyện thơ Manphơrết xuất bản năm 1817). Tập truyện thơ Đôn Giuan là một tác phẩm dí dỏm nói về bản thân tác giả, xuất bản năm 1824. Những tác phẩm của ông nổi tiếng ở khắp châu Âu.
Chán ghét thói đạo đức giả của xã hội Anh, ông đã sang cư trú ở Italia, Thuỵ Sĩ, rồi Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp. Ông đã tham gia vào cuộc chiến đấu vì tự do của nhân dân Hi Lạp, chống quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ và hy sinh lúc mới 36 tuổi.
Bairơn thuộc thế hệ các nhà thơ lãng mạn Anh đã đứng lên chống lại xã hội quý tộc thượng lưu và những bất công xã hội. Những tác phẩm của ông đã có ảnh hưởng đến trào lưu văn học lãng mạn ở châu Âu.
BALZAC HONORÉ DE ( 1799-1850), nhà văn Pháp, bắt đầu nổi tiếng từ năm 1829, được coi là nhà văn sáng lập và đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực phê phán với quan niệm: Hoàn cảnh xã hội tạo ra con người và con người ảnh hưởng lại xã hội, xã hội tiến hoá theo quy luật. Để tái hiện toàn bộ đời sống hiện thực đương thời, Balzac đã mở rất rộng đề tài tiểu thuyết, sử dụng nhiều biện phép nghệ thuật phong phú, táo bạo trong cấu trúc và ngôn ngữ, ông là người đã ''xây dựng được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình''. Với Balzac, tiểu thuyết Pháp nói riêng và văn học thế giới nói chung phát triển một bước mới và đạt đến tính cổ điển. Balzac luôn được coi là một thiên tài trong giới văn học.
Tác phẩm chính: Những người Chouans (1829), Lão Goriot (1834), Miếng da lừa (1831), Vỡ mộng (1837-1843), Nông dân (1838-1845). Trong khi sáng tác, Balzac đã ý thức lặp đi lặp lại một hệ thống nhân vật để các tác phẩm của ông. có một sự thống nhất tổng hợp và đến cuối năm 1841 Balzac đặt tên cho hệ thống tác phẩm đó là Tấn trò đời. Tấn trò đời gồm 95 tác phẩm trong đó có những loại truyện nghiên cứu phân tích, nghiên cứu triết học, nghiên cứu phong tục. Loại nghiên cứu phong tục phong phú nhất, có những chuyện về cảnh đời sống riêng tư, cảnh đời sống tỉnh lẻ, cảnh đời sống nhà binh, đời sống Paris. . .trong số này có truyện nổi tiếng là Eugénie Grandet.
BASHO MATSUO (1644- 1694), nhà thơ, danh hoạ Nhật Bản, sáng lập ra Tao đàn Shofu, chủ trương diễn tả tình cảm một cách chân thật, không bị câu thúc bởi niêm luật và hình thức. Ông có công lớn là người cách tân thể thơ Haiku, vốn là thể thơ hài hước, niêm luật khắt khe, nặng về chơi chữ, ông mở rộng đề tài của Haiku, đưa vào thơ những tiếng bình dân và một nội dung triết lý trữ tình phóng khoáng, hài hoà giữa thiên nhiên với con người.
BEECHER STOWE HARRIET ELIZABETH (1811-1896), nhà văn Mỹ, lấy chồng là một nhà truyền giáo và là giáo sư thần học, sinh được 7 người con. Tác phẩm Túp lều của bác Tom, hay Đời sống trong đám người hạ đẳng, trước khi in thành sách đã đăng nhiều kỳ từ tháng 6 năm 1851 đến tháng 4 năm 1852 trên tờ báo chống chế độ nô lệ National Era ở Washington. Năm 1852 in thành sách và bán được 300.000 bản trong năm đầu. Cuốn sách trở thành vũ khí lợi hại cho phái chống chế độ nô lệ, được dịch ra 32 thứ tiếng trên thế giới. Đương thời tổng thống Mỹ Abraham Lincol cho rằng Beecher Stowe là ''người phụ nữ đã mang lại chiến thắng trong cuộc nội chiến Mỹ''. Năm 1853 Beecher Stowe xuất bản cuốn Chiếc chìa khoá của Túp lều bác Tom để phản bác lại sự xuyên tạc tác phẩm Túp lều bác Tom của những người da trắng theo phái ủng hộ chế độ nô lệ.
BỒ TÙNG LINH (1640-1715) nhà văn Trung Quốc, nổi tiếng nhất với tập truyện Liêu trai chí dị, một tập truyện độc đáo gồm 432 truyện ngắn, nội dung chủ yếu viết về yêu ma, thần quái mà sự thực đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống với nhiều hạng người trong xã hội. Tư tưởng xuyên suốt của tập truyện là tinh thần nhân đạo, đả kích mạnh mẽ những áp bức bất công, những thói hư tật xấu của con người và cảm thông với những bất hạnh oan sức. Bồ Tùng Linh viết tinh tế, sinh động và luôn ẩn chứa những hàm ý thâm trầm bên trong.
BRONTЁ CHARLOTTE (1816-1855), nữ văn sĩ Anh, viết tiểu thuyết hiện thực phê phán, có nét lãng mạn, tác phẩm của bà ít nhiều mang tính tự truyện. Năm 30 tuổi viết tiểu thuyết Jane Eyre, tả lại đời sống của một cô gái mồ côi, khi nhỏ đi trọ học ở một trường có giám hiệu độc ác, lớn lên dạy tư ở một gia đình giầu có. Cuốn sách này khi xuất bản lần đầu tác giả giấu tên cho tới năm 1848 tác giả mới tiết lộ tên mình và ngay lập tức được tôn vinh là nhà viết tiểu thuyết hàng đầu thời đó. Brontë còn có một tác phẩm thứ hai nữa là cuốn: Shirley (1849).
BRONTAЁ EMILY (1818-1848), nữ văn sĩ Anh, em của nhà văn Charlotte Brontë, nổi tiếng với tác phẩm Đồi gió hú (1847). Tác phẩm kể về những nhân vật có dục vọng cuồng nhiệt, một gia đình sống cô đơn trong một khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, hoang vu. Đồi gió hú là tác phẩm được rất nhiều người ưa thích bởi sự lôi cuốn kỳ lạ của nó với khung cảnh âm u nhưng không tuyệt vọng mà trong đó những con người có nghị lực, có lòng bao dung đã chiến thắng và tồn tại.
10 cuốn sách văn học thế kỷ 20 được tuổi trẻ lựa chọn: Người xa lạ (Albert Camus), Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust), Phiên tòa (Franz Kafka), Hoàng Tử bé (Antoine de Saint-Exupéry), Chùm nho nổi giận (John Steinbeck), Chuông nguyện hồn ai (Ernest Hemingway), Anh cả nhà Meaulnes (Alain Fournier), Cặn bã hàng ngày (Boris Vian), Thân phận con người (André Malraux), Chuyến tàu nửa đêm (Louis Ferdinand Cé1ine). (Theo báo PHÁP-Le Monde) |
CARROLL LEWIS (1832-1898), nhà văn Anh, theo phong cách trào phúng, mỉa mai, văn của ông hoạt bát, dí dỏm, có sức lôi cuốn người đọc bởi trí tưởng tượng phong phú và độc đáo.
Tác phẩm chính: Cuộc phiêu lưu của Alice trong thế giới lạ kỳ ( 1865), Xuyên qua gương (1872)…
CAPOTE TRUMAN sinh 1924, nhà văn Mỹ, viết truyện ngắn từ năm 17 tuổi, sau đó viết tiểu thuyết, viết kịch, kịch bản phim và tiểu luận. Do thường xuyên nhớ lại thời thơ ấu của mình và viết về những điều đó, với hình thức các cuộc phiêu lưu mà nhân vật chính là một em nhỏ nên Capote phần nào trở thành nhà văn của tuổi trẻ và được bạn đọc trẻ yêu quý.
Tác phẩm chính: Những tiếng nói khác, những căn buồng khác (1948), Cây đốn cỏ (1951), Một cách lạnh lùng (1966). . .
CERVANTES SAAVEDRA MIGUEL DE (1547-1616), nhà văn cổ điển lớn nhất Tây Ban Nha, sinh ra trong gia đình quý tộc nghèo, từng vào quân đội, đánh trận, mất một cánh tay, bị bắt giam 5 năm ở Alger sau đó ra tù, lấy vợ và bắt đầu hoạt động văn học. Tác phẩm vĩ đại nhất của ông là bộ tiểu thuyết Don Quijote - nhà quý tộc tài ba xứ Mancha. Phần một của bộ tiểu thuyết xuất bản năm 1605, phần hai xuất bản năm 1615, tác phẩm này nhại lại và giễu cợt thể loại tiểu thuyết hiệp sĩ đương thời, là thể loại đề cao những ảo vọng về danh dự, lòng dũng cảm cũng như đạo lý của tầng lớp hiệp sĩ không còn ai tin tưởng trong thời kỳ Tây Ban Nha suy tàn. Có thể nói Don Quijote - nhà quý tộc tài ba xứ Mancha là một trong những đỉnh cao của văn học nhân loại, nó được mọi tầng lớp độc giả, mọi thời đại đón nhận với lòng ngưỡng mộ vô bờ bến.
CREANGO ION (1837-1889), nhà văn Rumani, toàn bộ tác phẩm của ông mang đậm màu sắc dân tộc vì nó bắt nguồn từ những đề tài vô tận của cuộc sống và từ những tác phẩm dân gian bất hủ mà ông đã được tắm mình trong đó. Với những câu chuyện kể của mình, Creango làm cho tâm hồn trẻ thơ tràn ngập hạnh phúc với niềm tin chắc chắn rằng cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Văn của ông trong sáng, mạch lạc, dí dỏm chứa đầy những thành tố dân gian.
Tác phẩm chính: Những kỷ niệm thời thơ ấu (1880), và Tập truyện dân gian, trong đó có những truyện cổ tích thuộc loại hay nhất thế giới như: Dê m, và ba dê con, Cái túi có hai đồng tiền.
DANTE ALIGHIERI (1265-1321), nhà thơ Italia thời trung cổ, được xếp vào hàng những nhà thơ lớn nhất của thế giới qua mọi thời đại, ông là người sáng lập ra nền văn học của Italia. Sáng tác của ông phản ánh đầy đủ nhất và nghệ thuật nhất thế giới trung cổ nhưng đồng thời báo hiệu tinh thần chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng. Tình yêu là một chủ đề lớn trong sáng tác của Dante. Ông chủ trương tạo ra ngôn ngữ văn học chung cho cả nước Italia bằng cách pha trộn tất cả các phương ngữ, thay tiếng Latin bác học bằng ngôn ngữ dân gian. Về mặt chính trị ông đòi chấm dứt mâu thuẫn giữa Giáo hoàng với Hoàng đế, thần quyền không can thiệp vào việc đời. Tác phẩm quan trọng nhất của Dante là Thần khúc (1307-1321), đây là kịch thơ chia làm 3 phần với 100 đoạn ca, miêu tả con đường của nhân loại đi tìm hạnh phúc trần gian và sự cứu vớt linh hồn ở thế giới bên kia. Thiên anh hùng ca này phản ánh tình trạng xã hội Italia thời bấy giờ đồng thời nó cũng cho thấy tinh thần tổng hợp giữa chủ nghĩa nhân văn thiên chúa giáo với chủ nghĩa cổ điển cũng như giữa nhân vật thần thoại với nhân vật lịch sử trong quan niệm sáng tác của Dante.
DICKENS CHARLES ( 1812-1870) nhà văn Anh, một trong những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực phê phán ở Anh giữa thế kỷ XIX. Ông chủ trương cải cách xã hội bằng đạo đức, kêu gọi con người thông cảm với nhau. Tác phẩm của ông toát lên lòng yêu thương con người vô hạn, bênh vực những người nghèo khổ và hướng tới một tương lai tươi đẹp. Dickens có nhiều tác phẩm lấy đối tượng thiếu nhi và thanh niên làm nhân vật chính. Ông được xếp vào loại nhà văn tiến bộ hàng đầu ở nước Anh.
Tác phẩm chính: Chuyện ông Pickwick (1837), Oliver Twist (1838), Những cuộc phiêu lưu của Nicolas Nickleby (1839), Hàng đồ cổ (1840), David Copperfiel (1849), Cô bé (1855)…
DOSTOIEVSKI FIODOR MIKHAI- LOVICH (1821-1881), nhà văn Nga, bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực phê phán, được xếp vào một trong những thiên tài kiệt xuất của văn chương thế giới. Mặc dù chủ yếu đề cập tới số phận bi thảm của con người với những mâu thuẫn sâu sắc về tinh thần, nhưng trong một số tác phẩm của Dostoievski có những phần viết về nhân vật trẻ tuổi và viết về thiếu nhi đặc biệt xuất sắc, ví dụ như ở kiệt tác Anh em nhà Karamazov.
Tác phẩm chính: Những kẻ tủi nhục (1861), Nhật ký dưới tầng hầm (1861), Tội ác về trừng phạt (1860), Đầu xanh tuổi trẻ (1875), Chàng ngốc (1868), Lũ người quỷ ám (1871 -1872), Anh em nhà Karamazov (1879-1880)…
DUMAS (BỐ) ALEXANDRE (1802-1870), nhà văn Pháp nổi tiếng với những tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn trong đó tác phẩm Ba chàng ngự lâm lính là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tiểu thuyết này viết về những người lính ngự lâm bảo vệ hoàng hậu chống lại giáo chủ Richelieu với những tình tiết ly kỳ gay cấn lôi cuốn người đọc. Tác phẩm chính: Antony (1831), Tháp đoạn hồn (1832), Ba chàng lính ngự lâm (1844), Hai mươi năm sau (1845), Bá tước Monte Cristo (1844). . .
ESENIN SERGEI ALEXANDROVICH (1895-1925), nhà thơ Nga, xuất thân từ một gia đình nông dân, làm thơ từ hồi còn nhỏ và được đánh giá cao về tài năng. Thơ ông chủ yếu viết về mối quan hệ giữa nông thôn với thành thị, tư tưởng nông dân và chủ nghiã xã hội. Tính chất trữ tình cũng tràn ngập trong các tác phẩm của Esenin với những trạng thái, phong cảnh tiêu biểu cho nước Nga. Ông được mệnh danh là thi sĩ của các thi sĩ.
Tác phẩm chính: Khúc ca về hai mươi sáu chính uỷ (1924), Bài ca về cuộc hành binh vĩ đại (1924), Thơ tứ tuyệt (1924), Giai điệu Ba Tư (1925), Anna Snegina (1925). . .
ESOPE (khoảng thế kỷ VI trước CN), tác gia ngụ ngôn Hy Lạp cổ đại, không rõ lai lịch và đời sống của ông. Theo truyền thuyết Esope là một nô lệ, do có tài ứng tác ngụ ngôn mà được chủ giải phóng cho làm công dân tự do. Sau ông bị vu cáo là đã xúc phạm đến việc thờ cúng và bị xử tử bằng cách ném từ trên núi xuống vực. Về căn bản ngụ ngôn đã hình thành từ đất sớm trong dân gian, nó tồn tại dưới hình thức văn xuôi truyền miệng. Những truyện ngụ ngôn này đến khoảng thế kỷ VI-V trước CN được phổ biến rộng rãi và gán cho cái tên Ngụ ngôn Esope. Sau này các truyện ngụ ngôn ra đời muộn hơn cũng được gán cho Esope. Ngụ ngôn Esope phản ánh những mặt chủ yếu trong xã hội Hy Lạp khoảng thế kỷ VI trước CN, đó là thời kỳ hình thành nhà nước dân chủ chủ nô, khi ấy cuộc đấu tranh giữa nhân dân với tầng lớp quý tộc diễn ra gay gắt và kết thúc bằng thắng lợi của nhân dân. Ngoài việc trở thành vũ khí của nhân dân trong cuộc đấu tranh giai cấp, ngụ ngôn còn có nhiệm vụ giáo dục cho con người về đạo đức luân lý. Trên nền tảng Ngụ ngôn Esope đã nẩy sinh ra một đội ngũ đông đảo các nhà văn ngụ ngôn sau này.
FADEEV ALEXANDR ALEXAND- ROVICH (1901 -1956), nhà văn Nga xô-viết, nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Đội cận vệ thanh niên (1945). Tác phẩm này ngợi ca hoạt động bí mật của đoàn thanh niên cộng sản ở thành phố Krasnodon trong chiến tranh vệ quốc. Những học sinh đang chuẩn bị vào đại học, sinh ra và lớn lên trong xã hội Xô-viết, đã tự nguyện tham gia tổ chức bí mật đấu tranh trong lòng địch. Tổ chức bị bọn phát xít phát hiện, họ bị bắt, bị tra tấn dã man và bị hành hình gần hết trong lúc Hồng quân sắp giải phóng thành phố. Tác phẩm này là bản hùng ca về tuổi trẻ dưới thời Xô viết, bất chấp gian nguy vẫn tỏ rõ chí khí yêu nước và giữ vững phẩm giá của con người chân chính, có lý tưởng.
FIELDING HENRY (1707-1754), nhà văn Anh, khởi đầu sự nghiệp bằng kịch, về sau do kịch bị kiểm duyệt gay gắt thì quay sang sáng tác văn xuôi, được coi là cha đẻ của tiểu thuyết mới. Ngoài tác phẩm Tom Jones đứa trẻ vô thừa nhận, tiểu thuyết đỉnh cao trong sự nghiệp của Fielding, đồng thời là kiệt tác văn học của thế giới, ông còn có những tác phẩm khác đáng chú ý như: Cuộc đời của Jonathan Wild vĩ đại (1743), Joseph Andrews (1742)…
GAIDAR ARCADI PETROVICH (1904- 1941 ), nhà văn Nga Xô-Viết, chuyên sáng tác cho thiếu nhi, hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trường học dũng cảm (1930) là tác phẩm tự truyện kể lại những khó khăn thử thách của trẻ em trong những năm cách mạng. Timur và đồng đội (1940) kể về đội thiếu niên bí mật chăm sóc gia đình các chiến sĩ Hồng quân. Số phận chú bé đánh trống (1939) kể về một đội viên thiếu niên tiền phong có cha bị bắt giam vì tham ô, nhưng chính cuộc sống Xô-viết đã trả lại cho chú bé tuổi thơ hạnh phúc và người cha đã chuộc được lỗi lầm của mình. Chuk và Gek (1939) thông qua chuyện của hai anh em để đề cập đến tình yêu đất nước, con người.
GAMZATOV RASUL, nhà thơ Xô-viết, sinh năm 1923, tác phẩm của ông mang đậm văn hoá truyền thống dân gian của dân tộc mình. Ông chủ yếu viết về cuộc sống của những người dân miền núi, trong đó tác phẩm nổi bật nhất là: Dagestan của tôi (1969), ngợi ca quê hương đất nước và con người mới. Tác phẩm khác: Tình yêu nồng cháy và căm thù nóng bỏng (1943), Núi đồi của chúng ta (1947), Năm sinh của tôi (1950)…
GOETHE JOHANN WOLFGANG (1749- 1832), văn hào người Đức, một trong những thiên tài sáng chói nhất trong lịch sử văn học thế giới. Ông được đánh giá là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa cổ điển nhân đạo tư sản trong văn học Đức. Goethe sáng tác ở nhiều thể loại: Văn học, hội hoạ, lý luận nghệ thuật - văn học, lịch sử, khoa học tự nhiên … đồng thời cũng là người sáng tác qua nhiều giai đoạn: Các thời kỳ ánh sáng, thời kỳ tiền lãng mạn, ''bão táp và xung kích'', cổ điển . . .giai đoạn nào ông cũng ghi dấu ấn sâu đậm. Goethe để lại kiệt tác văn học Faust (gồm Faust I: 1808, Faust II: 1832). Những tác phẩm khác: Werther (1774), Nỗi đau của chàng Werthers (1774), Cáo Rayneke (1794), Herman và Dorothea (1798). . .
GOGOL NIKOLAI VASILIEVICH (1809-1852), nhà văn Nga, là người đặt nền móng cho khuynh hướng hiện thực phê phán trong văn học Nga. Ngoài những tác phẩm như: Những buổi tối trong thôn gần Dikanki (1823), Chiếc áo khoác (1842), Bức chân dung (1842), Quan thanh tra (1836) thì tác phẩm nổi tiếng nhất, có giá trị nhất của Gogol là Những linh hồn chết (1842).
GORKI MAXIM (1868-1936), nhà văn Nga Xô-viết, tên thật là Alexi Makximovich Peskov, năm 1892 xuất bản tập truyện ngắn đầu tay ký tên là Gorki (nghĩa là Cay đắng), năm 1905 gặp gở và kết bạn với Lê nin. Ngay từ loạt truyện ngắn đầu tay của mình Gorki đã chứng tỏ là một tài năng văn học xuất chúng và trở thành nhà văn có ảnh hưởng đặc biệt đến văn học thế giới. Ngoài sáng tác ông còn là người có những công trình nghiên cứu xuất sắc về văn học thiếu nhi.
Tác phẩm chính: Foma Gordeiev (1899), Dưới đáy (1902), Người mẹ (1906-1907), bộ tự truyện 3 tập: Thời thơ ấu (1913), Kiếm sống (1915-1916), Các trường đại học của tôi (1923), Cuộc đời Klim Samgin (1925-1936), Truyện kể về các anh hùng (1930-1933)...
ANH EM NHÀ GRIMM (Jacob Grimm sinh 1785 mất 1863 và Wilhelm Grimm sinh 1786 mất 1859) nhà văn Đức. Cả hai đều tốt nghiệp đại học luật và đều dành tâm sức nghiên cứu ngữ văn học. Hai anh em nhà Grimm rất nổi tiếng với tập sách Truyện cổ trẻ em và truyện kể trong nhà (1812-1815). Đây là một công trình nghiên cứu và sưu tầm truyện cổ dân gian với cách dựng truyện rất có cá tính, giầu chất lãng mạn, phù hợp với trí tuệ của trẻ em. Bộ sách gồm trên 200 truyện trong đó có những truyện nổi tiếng như: Nàng Bạch tuyết, Gian hạnh phúc, Người đẹp ngủ trong rừng, cô gái Lọ lem, Han xen và Grơten, Chú bé tý hon, Pháp sư lớn, Cô bé đội mũ đỏ, Con ngỗng vàng, Người đi ngao du thiên hạ để học rùng mình. Việc xuất bản tập truyện cổ của anh em Grimm đánh dấu một trong những sự kiện văn học lớn ở Đức vào đầu thế kỷ XIX, bởi vì nó đã nhanh chóng trở thành cuốn sách của tuổi trẻ Đức, góp phần hình thành trí tuệ của cả thế hệ tiếp theo.
GRIN ALEXANDR (1880-1932), nhà văn Nga, viết truyện và tiểu thuyết, nổi tiếng từ trước cánh mạng tháng Mười. Tác phẩm của ông thấm nhuần thế giới quan lãng mạn, ông có tài miêu tả thiên nhiên, thấu hiểu tâm lý con người. Với sức mạnh của trí tưởng tượng, Grin đã tạo nên trong những tác phẩm của mình một thế giới những con người vui nhộn và dũng cảm, một miền đất kỳ diệu đầy hoa thơm cỏ lạ và ánh nắng mặt trời. Ông cho rằng tất cả những gì đẹp đẽ đều phụ thuộc vào ý chí của con người mạnh mẽ trong sạch.
Tác phẩm chính: Trái tim sa mạc (1923), Lướt trên làn sóng (1928) và đặc biệt với cuốn truyện Cánh buồm đỏ thắm (1923), Grin đã chinh phục hoàn toàn bạn đọc trẻ bằng một câu chuyện cảm động, trong sáng, tràn trề niềm lạc quan hy vọng với một bút pháp điêu luyện và giọng văn nồng đượm chất thơ.
HEINE HEINRICH (1797- 1856), nhà thơ được coi là lớn nhất của nước Đức thế kỷ XIX gặp Marx và kết thân với gia đình Marx, có cảm tình với những người cộng sản. Ông là đại diện tiêu biểu cho văn học dân chủ cách mạng Đức, kết hợp được tinh tuý của các truyền thống dân gian, cổ điển và lãng mạn.
Tác phẩm chính: Tập khúc ca (1827), Hình ảnh chuyến đi (1825-1831), Romanzero (1851). . .
HEMINGWAY ERNEST MILLER (1898- 1961), nhà văn Mỹ, từng tham gia chiến tranh chống phát xít, giải thưởng Nobel văn chương 1954. Tác phẩm của ông chủ yếu ngợi ca và khẳng định sự tồn tại đúng đắn, có lý của con người trên thế giới này. Văn Hemingway ngắn gọn, tinh tế, kỹ thuật vững và ẩn chứa nhiều hàm nghĩa.
Tác phẩm chính: Mặt trời vẫn mọc (1926), Giã từ vũ khí (1929), Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro ( 1936), Chuông nguyện hồn ai (1940), và kiệt tác ông già và biển cả (1952).
HOMER (khoảng thế kỷ 8 trước CN), nhà thơ lớn mở đầu cho văn học cổ đại Hy Lạp, tác phẩm của ông là hai bản thiên hùng ca bất hủ: lliad và Odysseia, được truyền miệng và ghi lại bằng văn bản bắt đầu từ thế kỷ thứ VI sau CN. Hai tác phẩm này có ảnh hưởng quan trọng đến lịch sử văn học châu Âu cho đến hiện nay. lliad gồm 16000 câu thơ, 24 khúc ca kể chuyện liên minh các thành quốc Hy Lạp vây thành Troia để cướp lại hoàng hậu Helenê bị bắt cóc, trong đó ngợi ca người anh hùng Akhileus. Odysseia gồm trên 12000 câu thơ, 24 khúc ca, kể chuyện phiêu lưu mười năm của ông vua trẻ tuổi xứ sở đảo Ithakê của Hy Lạp tên là Odysseus sau cuộc chiến chống lại thành Troia. Có thể nói tác phẩm của Homer đã phản ánh nhiều mặt sinh hoạt của người Hy Lạp cổ như: Trình độ văn minh, quan niệm tôn giáo, đạo đức, phong tục đồng thời ngợi ca những thành quả lao động mà con người đã đạt được, thể hiện khát vọng vươn lên tổ chức một đời sống xã hội cao hơn nữa.
HUGO VICTOR (1802-1885), văn hào lớn nhất của chủ nghĩa lãng mạn Pháp thế kỷ thứ XIX, từng phải sống lưu vong. Ông tham gia nhiều thể loại, viết kịch thơ, tiểu thuyết, trải qua nhiều giai đoạn sáng tác, là người đã khai sinh ra trường phái kịch lãng mạn. Sức sáng tạo đồ sộ của Hugo đã để lại những di sản văn học lớn và gây tác động không nhỏ tới sự phát triển của văn học nghệ thuật thế giới. Trong các tác phẩm của mình Hugo đặc biệt chú ý gây dựng và gây dựng thành công những nhân vật thiếu nhi và tuổi trẻ, ông viết rất nhiều thơ cho thiếu nhi.
Tác phẩm chính: Cromwen (1827), Những bài thơ phương Đông (1829), Hernani (1830), Nhà thờ đức bà Paris (1831), Khúc ca hoàng hôn (1835), Trừng phạt (1852), Những người khốn khổ (1862), Lao động biển cả (1866), Thằng cười (1868), Năm chín mươi ba (1874). . .
KAVERIN VENIANMIN ALEXAND- ROVICH, nhà văn Nga sinh năm 1902, thoạt đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hình thức sau đó chuyển sang những đề tài xã hội. Tác phẩm hay nhất của ông là bộ tiểu thuyết 2 tập Thuyền trưởng và đại uý, thuộc loại tiểu thuyết phiêu lưu, nhân vật hăng hái, hào hiệp, vẽ lên bức tranh hiện thực những năm 1915-1944, bao hàm những mơ ước của tuổi trẻ về những cuộc du hành lãng mạn, những phát minh khoa học và những chiến công. Ngoài ra Kaverin còn có những tác phẩm khác: Cuốn sách mở (3 tập, 1949-1956), Mười bốn người không sạch (1962).
KHUẤT NGUYÊN (343 ?-287 ? trước CN) nhà thơ Trung Quốc, năm 1953 được thế giới công nhận là danh nhân văn hóa nhân loại, tác giả của tập thơ Sở từ, một kiệt tác văn học. Sở từ gồm nhiều bài trong đó có Ly tao, một trường ca gồm 372 câu, được coi là trường ca đầu tiên của lịch sử thơ ca Trung Quốc, có Cửu chương gồm 9 bài. Cửu ca gồm 11 bài thơ ngắn. Tác phẩm của Khuất Nguyên có những cách tân mạnh mẽ cả về hình thức lẫn nội dung. Ly tao được viết theo thể thơ 6 chữ, rất mới lạ hồi đó, nó là sự hoà quyện nhuần nhuyễn nhiều xu hướng: Tự sự, trữ tình, có cổ có kim, có ngợi ca có phê phán oán trách, lời thơ mạch lạc mà tinh tế lộng lẫy. Các nhà nghiên cứu văn học thường xếp Ly tao ngang hàng với Kinh Thi.
LA FONTAINE JEAN DE (1621 -1695) nhà thơ cổ điển Pháp. Ông xuất thân trong một gia đinh trung lưu khá giả, học thần học, học luật, nhưng không hành nghề mà sống nhờ vào bổng lộc của những nhà quý tộc và quyền thế để có thì giờ sáng tác. La Fontaine viết nhiều thể loại nhưng thành công chủ yếu là phần thơ ngụ ngôn với tập Thơ ngụ ngôn (1668-1694). Đề tài trong tập thơ này lấy ở nhiều nguồn truyện ngụ ngôn của các nước cộng với tài năng sáng tạo riêng biệt khiến La Fontaine tạo ra được một thế giới riêng với các loài vật, cây cỏ hành động như con người, còn con người được miêu tả như loài vật, cây cỏ, cho nên đã cuốn hút nhiều người đọc và được lớp trẻ đặc biệt yêu thích, hâm mộ. Tư tưởng của La Fontaine có khuynh hướng duy vật, luân lý trần tục, thực tế, mang tính nhân dân sâu sắc.
LAGERLOF SELMA (1858-1940) nữ văn sĩ Thuỵ Điển, giải thưởng Nobel 1909, viết tiểu thuyết, truyện ngắn, mang đậm phong vị văn hoá dân gian và chứa đựng tính nhân bản sâu sắc. Bà đề cao con người với những giá trị tinh thần truyền thống, yêu cái đẹp yêu thiên nhiên, chống lại lối sống tư bản, tệ phân biệt chủng tộc và chống chủ nghĩa phát xít.
Tác phẩm chính: Truyện cổ tích về Gosta Berling (1891 ), Quỷ và người (1915- 1921), Những ngày thơ ấu (1930), đặc biệt cuốn tiểu thuyết Cuộc du lịch kỳ diệu của Nill Holgersson trên khắp đất nước Thuỵ Điển, được đón nhận nồng nhiệt trên khắp thế giới và trở thành một kiệt tác văn học viết cho thiếu nhi.
LA QUÁN TRUNG (1330 ? - 1400 ?) nhà văn Trung Quốc, đã viết nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử mà trong đó nổi bật nhất là bộ Tam quốc chí diễn nghĩa. Nội dung của bộ tiểu thuyết này kể lại một giai đoạn lịch sử dài gần một thế kỷ từ cuối đời Hán, khi đất nước bị chia cắt, với những cuộc tranh giành quân sự, chính trị phức tạp giữa nhiều tập đoàn quân phiệt phong kiến địa phương, sau một thời gian chỉ còn lại ba tập đoàn lớn và cuối cùng ba tập đoàn này được thống nhất lại dưới quyền nhà Tấn. Đây là một trong số những cuốn tiểu thuyết hiếm hoi viết về chiến tranh mà trở thành kiệt tác thực sự với những nhân vật độc đáo nhưng vẫn bảo đảm tính chân thật của lịch sử. Văn chương của La Quán Trung chắc, gọn, sinh động, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối tác phẩm. Với tác phẩm này nghệ thuật tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc được nâng lên đỉnh cao. Ngoài ra La Quán Trung còn viết những tác phẩm khác: Tuỳ đường lưỡng triều chí truyện, Tàn đường ngũ đại sử diễn nghĩa.
LỖ TẤN (1881 -1936), nhà văn Trung Quốc làm nhiều nghề, yêu nước, có những cách tân táo bạo về văn học, được xếp vào hàng những bậc thầy của văn học hiện đại không chỉ ở trong nước mà của cả thế giới.
Tác phẩm chính: Nhật ký người điên, A. Q chính chuyện, Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại…
LÝ BẠCH (701 -762), nhà thơ Trung Quốc, để lại hơn ba nghìn bài thơ trong đó ông sử dụng hầu hết các thể thơ đã có trước đó và nâng cao chúng lên. Thơ Lý Bạch là sự hoà quyện giữa vẻ đẹp của đời sống thực với vẻ đẹp của ảo giác, giữa sự sâu sắc của ý tứ và cái lộng lẫy của ngôn ngữ, từ đó tạo ra một thế giới khác, lay động lòng người, hướng họ tới cái nhìn nhân bản. Ông được tôn là nhà thơ đứng đầu các nhà thơ Trung Quốc trong mọi thời đại.
LONDON JACK (1876-1916), nhà văn Mỹ, tên thật là John Griffith London, sống cuộc đời sôi động, phiêu lãng, làm nhiều nghề để kiếm sống, từng bị tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Theodore Roosevelt liệt vào một trong những nhà văn ''khuấy bùn" vì đã phơi bày những thối nát của giới chính trị và kinh doanh Mỹ. Lon don là nhà văn của số đông quần chúng, tác phẩm của ông được phổ biến rộng rãi trên thế giới làm say mê lớp bạn đọc trẻ tuổi và có ảnh hưởng lớn đến những nhà văn tiến bộ sau đó.
Tác phẩm chính: Tiếng gọi nơi hoang dã (1903), Sói biển (1904), Nanh trắng (1907), Martin Eden (1908). . .
MAETERLINCK MAURICE (1862-1949), nhà thơ nhà viết kịch nhà triết học người Bỉ, viết bằng tiếng Pháp, giải thưởng Nobel 1911. Nhìn chung tư tưởng của ông theo chủ nghĩa duy tâm thần bí, cho rằng con người bị chi phối bởi định mệnh và những thế lực siêu hình. Maeterlinck có tác phẩm Con chim xanh (1909), nổi tiếng thế giới, gây không khí thần tiên, hợp với lứa buổi thiếu niên với nội dung lạc quan, lành mạnh, chứng minh rằng hạnh phúc rất đơn giản, nó ở trong tầm tay với của chính chúng ta.
Tác phẩm chính: Công chúa Maleine (1889), Vườn kính ấm áp (1889), Những người mù (1890), Sự thông minh của hoa (1907), Con chim xanh (1909), Đời sống của kiến (1930)…
MALOT HECTOR (1830-1907), nhà văn Pháp, chuyên viết tiểu thuyết, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Không gia đình, tác phẩm đã được giải thưởng của Viện hàn lâm Pháp, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Tác phẩm chính: Những anh tình nhân (1859), Những người chồng (1865), Những đứa trẻ (1866), Rô manh Kanbi (1869), không gia đình (1878).
MEISSNER JANUSZ nhà văn Ba Lan, sinh 1901, chuyên viết truyện phiêu lưu mạo hiểm, được độc giả trong và ngoài nước yêu quý, nhất là những bạn đọc trẻ tuổi. Tác phẩm của ông hấp dẫn, cuốn hút và mang nhiều ý nghĩa giáo dục.
Tác phẩm chính: Sáu người từ Daru Pomorza (1950), Những mảnh tầu (1953), Những con đường lên trời (1954) và bộ tiểu thuyết 3 tập về cướp biển rất nổi tiếng thường được tuổi trẻ tìm đọc: Lá cờ đen (1957), Những chữ thập đỏ (1958), Chiếc cổng xanh (1960)...
NERUDA PABLO (1904-1973), nhà thơ cộng sản Chilê, giải thưởng Nobel 1971 thời gian đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại châu Âu và chủ nghĩa siêu thực, về sau tách riêng ra. Ông là nhà thơ lớn đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở châu Mỹ La tinh và cho hoà bình thế giới. Tác phẩm của Neruda chứa đựng một trí tưởng tượng mãnh liệt, chất trữ tình bay bổng tuyệt vời, thể hiện được sức sống tràn trề vô tận của nhân loại mà tuổi trẻ là một hình tượng tiêu biểu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Những tác phẩm chính: Hai mươi bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng (1924), Bài ca tổng hợp (1950), Chùm nho và cơn gió (1954)…
NGÔ THỪA ÂN (1500 ?-1581 ?), nhà văn Trung Quốc, tên chữ Nhữ Trung, hiệu Xạ Hương Sơn Nhân, tác giả của bộ Tiểu thuyết Tây du ký. Từ nhỏ ông đã say mê truyền thuyết, dã sử, truyện dân gian, truyện thần tiên, từng bị cha cấm phải trốn ra chợ đọc trộm. Ngô Thừa Ân viết Tây du ký năm 71 tuổi, trước đó ông có viết bộ truyện chí quái Vũ đỉnh chí. Tác phẩm của ông được người đời sau tập hợp trong Xạ Hương tiên sinh tồn cảo.
NOSOV NIKOLAI NIKOLAIEVICH (1908-1976), nhà văn Nga Xô-viết, chuyên viết chuyện hài hước, miêu tả những giai đoạn phát triển của trẻ em, đề cao lòng yêu lao động, tính thật thà và sự hy sinh. Tác phẩm của Nosov thường viết dưới dạng cổ tích, khêu gợi cái đẹp và óc sáng tạo ở trẻ thơ, hướng các em tới tương lai với những thành tựu khoa học và đạo đức mới.
Tác phẩm chính: Vitia Maleev ở trường và ở nhà (1951), Cuộc phiêu lưu của chú bé Mít đặc và các bạn (1954), Chú bé Mít đặc ở thành phố Mặt trời (1958), Chú bé Mít đặc ở trên cung trăng (1964-1965).
OSTROSKI NIKOLAI ALEXEIEVICH (1904-1936), nhà văn Nga Xô-viết, từng tham gia chiến tranh, bị thương, cuối đời bị mù. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Thép đã tôi thế đấy (1932-1934), ngợi ca cuộc đấu tranh dũng cảm của thanh niên cộng sản vì chính quyền Xô-viết mà nhân vật chính là Pavel. Tác phẩm này gây ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên thế giới lúc bấy giờ. Ngoài ra Ostroski còn có một cuốn tiểu thuyết ba tập viết dở có tên là Ra đời trong bão táp.
PAUTÔVSKI KONSTANTIN GEOR- GIEICH (1892-1968) nhà văn Nga, từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất, làm báo, dạy học sau đó chuyên tâm vào sáng tác văn học. Phần nhiều truyện của ông đặt trong khung cảnh miền trung nước Nga, miêu tả những con người giầu tình cảm, gắn bó với thiên nhiên, có ý thức về xã hội. Pautôvski là bậc thầy về thể loại truyện ngắn và truyện vừa, văn của ông giầu tính lãng mạn, bay bổng và gần với thơ, rất được bạn đọc trẻ ưa thích.
Tác phẩm chính: Câu chuyện phương Bắc(1936), Những ngày hè (1937), Bông hồng vàng (1956) và Truyện đời (1946- 1966).
PERRAULT CHARLES (1628-1703), nhà văn cổ điển Pháp, viện sĩ viện hàn lâm, nổi tiếng với tập truyện cổ dân gian Truyện bà mẹ ngỗng của tôi (1697) trong đó có nhiều truyện được trẻ em và người lớn trên khắp thế giới biết đến như: Hằng nga ngủ trong rừng, Con yêu tinh râu xanh, Con mèo đi hia, Chú bé tý hon, Cô lọ lem. . .Thành công chính của Perault không phải ở cốt truyện mà bởi cách kể đơn giản chính xác và rất trong sáng.
PUSKIN ALEXANDR SERGEIECH (1799-1837) nhà thơ cổ điển Nga, ông chịu ảnh hưởng của phong trào ánh sáng Nga, châu Âu và lý tưởng của phái Tháng Chạp. Thơ chính trị của Puskin biểu lộ lòng căm thù chế độ nông nô và ngợi ca lòng yêu tự do, ví dụ như các tác phẩm: Tự do, Gửi Chadaev, Làng quê...ông bị đày ở miền Nam nước Nga. Thời kỳ này Puskin tiếp tục viết nhiều tác phẩm ngợi ca tự do. Sau trường ca dân gian Ruslan và Ludmila là những trường ca ca ngợi phương Nam lãng mạn. Bước ngoặt trong sự tiến triển của ông thể hiện trong trường ca Những người Zigan (1824). Tác phẩm lớn Evgeni Onegin (1823) miêu tả lớp trí thức quý tộc ưu tú, có tài nhưng sớm chán đời không tìm ra chỗ đứng trong xã hội. Đây là cuốn tiểu thuyết hiện thực bằng thơ được xếp vào loại đỉnh cao của văn học Nga thế kỷ XIX; Puskin cũng chú ý đến văn xuôi, trong thể loại này văn của ông giản dị, giầu chất hiện thực. Những tác phẩm văn xuôi đáng chú ý của Puskin là Tập truyện của Belkina (1830), Con đầm pích (1833), Dubrovski (1833), Người con gái viên đại uý (1836)... Thơ tình của Puskin chiếm được cảm tình của tuổi trẻ, đồng thời ông có những truyện viết cho thiếu nhi xuất sắc như Ông lão đánh cá và con cá vàng. Puskin được tôn vinh là mặt trời thi ca Nga.
EURIPIDE (ƠRIPIT) (480 - 406 TCN) - thi sĩ, kịch gia nổi tiếng của Hi Lạp cổ đại. Ơripit xuất thân gia đình quí tộc khá giả ở Salamin (một hòn đảo ở bờ tây của bán đảo Attich), có điều kiện ăn học chu đáo, kiến thức uyên bác. Ông giao thiệp với các triết gia tiến bộ đương thời, nên mang tư tưởng ''vô thần'', hoài nghi sự tồn tại của thần thánh đả phá tư tưởng mê tín dị đoan cổ hủ.
Ơripit sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh lịch sử đầy biến động, nền dân chủ Aten suy thoái, những người dân tự do thuộc tầng lớp dưới bị bần cùng hóa, các phe phái trong giai cấp thống trị mâu thuẫn gay gắt, quân Xpactơ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, tàn phá Aten. Ơripit người chứng kiến hoàn cảnh xã hội rối ren, suy tàn đó của thành bang Aten, mô tả những cảnh trên trong những vở bi kịch của mình cùng với các nhận định phê phán sâu sắc.
Ơripit sáng tác 92 tác phẩm, nhưng chỉ có 5 lần được giải nhất. Các nhà cầm quyền đương thời không ưa thích, không thông hiểu ông. Sau khi ông mất, người ta mới dành cho ông niềm vinh quang.
Hiện nay, còn giữ lại được 19 vở kịch của ông. Đề tài của những vở bi kịch, lấy từ những câu chuyện thần thoại, các truyền thuyết của Hi Lạp. Nhưng những nhân vật thần và anh hùng truyền thuyết của ông lại giống như những người đời thường, mang đầy dục vọng. Do đó, ông được đánh giá là “nhà thơ sáng tạo ra loại bi kịch tâm lí”.
RABELAIS FRANCOIS (1494-1553) nhà Văn Pháp, làm tu sĩ sau đó bỏ tu đi học nghề y. Nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết phiêu lưu trào phúng Gargantua và Pantagruel (gồm 5 tập, 1532-1564), viết về hai người khổng lồ ở tác phẩm này, với giọng văn châm biếm, ông đả kích nhân sinh quan trung cổ một nhân sinh quan đề cao tôn giáo, đồng thời ngợi ca những quan điểm nhân văn chủ nghĩa, đặt lòng tin vào sự phát triển chủ động của con người. Bằng một ngôn ngữ mạnh mẽ phóng túng pha lẫn uyên bác học giả và màu sắc dân gian, Rabelais đã tạo ra những nhân vật khôi hài, đáng nhớ với những cảnh huống li kỳ kích thích trí tưởng tượng của độc giả.
RAWLING MACJORI KINNAN ( 1896- 1953), nhà văn Mỹ. Từ nhỏ Rawlinh đã yêu thích văn học, sau khi tốt nghiệp đại học, lấy chồng, bà làm báo và sau đó quyết định dành tất cả thời gian để sáng tác văn học. Bà có hai tác phẩm được dư luận chú ý là Dưới vầng trăng phương Nam (1933) và Jôđy và hươu non(1938). Cuốn Jôđy và hươu non đã mang lại cho Rawlinh giải thưởng Pulitzơ, nhân vật Jôđy được đánh giá là nhân vật sánh ngang tầm với nhân vật Hấckơbery Phin của nhà văn M. Twai. Tác phẩm này đã được đưa vào trích giảng văn học dùng trong nhà trường trung học ở Mỹ vì giá trị văn học và giá trị nhân bản: ''Nhân vật Jođy Baxtơ và người cha của chú bé là hiện thân của lòng nhân hậu và tính quả cảm, hai đức tính rất cần thiết cho con người trong cuộc sống cộng đồng và trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên".
RƯBAKOV ANATOLI NAUMOVICH, nhà văn Nga Xô viết, sinh 1911 từng tham gia chiến tranh vệ quốc. Ông viết nhiều cho thiếu nhi và tác phẩm của ông mang tính định hướng giáo dục về đạo đức nhân văn rõ rệt, được chuyển thể nhiều thành kịch và phim. Tác phẩm chính: Thanh đoản kiếm (1948), Con chim bằng đồng đen (1956), Những cuộc phiêu lưu của Kroscha (1960), Vụ hè của Kroscha (1966), Mùa hè ở Sosniakakh (1964)…
SAGAN FRANCOISE, nữ văn sĩ Pháp, sinh 1935, viết văn năm 18 tuổi và ngay lập tức nổi tiếng với tác phẩm đầu tay. Bà viết về những băn khoăn của tầng lớp thanh niên tư bản hiện đại với một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, thấm đượm nỗi buồn. Sagan là nhà văn có số lượng độc giả trẻ đón đọc rất đông. Tác phẩm chính: Buồn ơi xin chào (1954), Một nụ cười nào đó (1956), Bạn có thích nhạc Brahms không?(1959). . .
SAINT - EXUPÉRY ANTOINE DE (1900- 1944) nhà văn Pháp, xuất thân từ hàng ngũ quý tộc phi công lái máy bay chiến đấu, hy sinh trong chiến đấu. Saint - Exupéry có một niềm tin sắt đá vào con người và cuộc sống, ông chủ trương một triết lý hành động, đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân, phát triển cá tính và tìm hạnh phúc không phải bằng tự do và tình yêu mà bằng những cố gắng vượt mình và thực hiện nhiệm vụ được giao, tìm tình bạn vô tư ở những người can đảm cùng làm nhiệm vụ. Đối với ông trong khi bay ông cảm thấy mình gần hơn với với bí mật cuộc sống và đó chính là chất liệu để ông sáng tác.
Tác phẩm chính: Chuyến bay đêm (1931), Quê xứ người (1939), Phi công chiến đấu (1942), Thành trì (1948) và kiệt tác viết cho tuổi trẻ Hoàng tử bé (1943).
SCOTT (SIR) WALTER (1771 -1832), nhà văn Anh, bắt đầu sự nghiệp văn học bằng thơ sau đó quay sang viết tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm của ông làm sống lại bối cảnh lịch sử thời Trung cổ, thể hiện rõ các phong tục, tập quán, ngôn ngữ, đời sống xã hội của thời kỳ đó. Scott được coi là người đặt nền móng cho tiểu thuyết lịch sử của nước Anh và của cả thế giới. Tác phẩm của ông có sức lôi cuốn bạn đọc, nhất là những người trẻ tuổi hiếu động và say mê lịch sử.
Tác phẩm chính: Waverley (1814), Guy Mannering (1815), Ivanhoe (1819), Quentin Dusward (1823)…
SHAKESPEARE WILLIAM (1564-1616) nhà viết kịch người Anh, một trong những thiên tài kiệt xuất của nhân loại. Ông viết nhiều, chủ yếu là kịch và thơ sonnetto. Quá trình sáng tác của Shakespeare có thể chia làm ba giai đoạn phản ánh hiện thực xã hội Anh. Giai đoạn thứ nhất (trước 1600): Những lực lượng tiến bộ thủ tiêu tàn tích phong kiến, thời kỳ này kịch của ông theo xu hướng lãng mạn, lạc quan, trẻ trung giầu chất trữ tình. Giai đoạn thứ hai: (khoảng 1600-1608) tập trung vào khía cạnh bi thảm của cuộc đời, phản ánh sự xung đột giữa ý chí và tình cảm cá nhân với những quy tắc đạo đức xã hội khi chủ nghĩa tư bản thắng thế đàn áp quần chúng. Giai đoạn thứ ba (1608-1613): Không khí thần thoại nên thơ bao phủ tác phẩm, tuy vẫn mang tính phê phán sâu sắc. Shakespeare là văn hào lớn cuối cùng của tư tưởng nhân văn trong phong trào văn nghệ Phục hưng, một phong trào lôi cuốn châu Âu từ giữa thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII.
Tác phẩm chính: Giấc mộng đêm hè (1959), Người lái buôn thành Venice (1596), Romeo và Juliet (1594), Macbeth (1606), Hamlet (1600), Othello (1604) Câu chuyện mùa đông (1610), Cơn bão (1611).
SHOLOKHOV MIKHAIL ALEXAN-DROVICH, nhà văn Nga Xô-viết, sinh 1905, giải thưởng Nobel văn chương 1965, được tôn vinh là một bậc thầy về nghệ thuật kể chuyện, nổi tiếng trên toàn thế giới với bộ tiểu thuyết: Sông đông êm đềm (1925- 1945), một kiệt tác văn học đồ sộ với giá trị nghệ thuật trác tuyệt về cấu trúc và khắc hoạ số phận, tính cách nhân vật. Ngoài ra ông còn có những tác phẩm khác cũng không kém giá trị; Truyện sông đông (1926), Đất vỡ hoang (132-1960), Khoa học căm thù (1942), Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc (1943), Số phận một con người (1965). . .
SHXARZ EVGENI LVOVICH (1896-1958), nhà văn Nga Xô-viết, viết nhiều cho lứa tuổi thiếu nhi với hàng loạt tác phẩm mang đậm dấu ấn của sự tưởng tượng và tính khôi hài nhẹ nhõm. Ngoài ra còn chuyển thể các tác phẩm viết cho thiếu thi của các nhà văn lớn khác thành kịch bản phim.
Tác phẩm chính: Câu chuyện của cây đàn Balalaika (1924), Những cuộc phiêu lưu của Schury và Marussi (1937), Cô bé kỳ lạ (1937), Cô học trò lớp Một (1949)…
SIENKIEWICZ HENRYK (1846-1916), nhà văn Ba Lan, chủ yếu viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Tác phẩm của ông tập trung ngợi ca lòng yêu nước và cố gắng thể hiện, bồi đắp tinh thần dân tộc Ba Lan. Trong ngót nửa thế kỷ sáng tạo ông đã để lại cho nhân loại một di sản văn học đồ sộ và quý giá mà đỉnh cao là Quo Vadis (1895-1896), một kiệt tác đã góp phần dẫn ông tới giải thưởng Nobel năm 1905. Ngoài ra Sienktewic còn có những tác phẩm giá trị khác: Bộ tiểu thuyết 3 tập Bằng lửa và gươm (1883), Trận hồng thuỷ (1886), Ngài Wolodyjowski (1887), Hiệp sĩ thánh chiến (1900). Đặc biệt Sienkiewic có một tác phẩm viết cho thiếu nhi rất hay, đó là tiểu thuyết du ký. Trên sa mạc và trong rừng thẳm (1910-1911), tác phẩm này được những người trẻ tuổi của tất cả các thời đại nồng nhiệt đón đọc.
SOPHOCLES (496-406 trước CN), nhà viết kịch cổ Hy Lạp. Ông viết trên 120 vở kịch nhưng hiện chỉ còn lưu giữ được 7 vở trong đó nổi tiếng nhất là hai vở: Antigone (442) và Oidipus làm vua (430).
STENDHAL HENRI BEYLE (1783-1842) nhà văn Pháp thuộc trào lưu hiện thực phê phán. Ông thường miêu tả số phận những người khác thường, không chấp nhận xã hội tư sản, cố gắng khẳng định giá trị cá nhân mình bằng mọi cách, dù phải dẫn đến sự đổ vỡ. Stendhal đề cao cái Tôi mà trong đó bao hàm khả năng phát triển tột bậc trí tuệ, tình cảm, cảm giác, bộc lộ cái đẹp và khả năng chinh phục cái mình muốn.
Tác phẩm chính: Về tình yêu (1822), Đỏ và Đen (1830), Tu viện thành Parme (1839).
SWIFT JONATHAN ( 1667-1745), nhà văn Ailen, là nhà văn trào phúng trong văn học thế giới, một trong những bậc thầy của văn xuôi Ailen. Ông lên án những cái xấu xa, của giai cấp thống trị, đặc biệt là giai cấp tư sản Anh và Ailen khi nó thoả hiệp với phong kiến. Swift ngợi ca lao động, chỉ trích tính ích kỷ sự hèn nhát và nhìn ra được những mâu thuẫn căn bản của xã hội tư sản.
Tác phẩm chính: Câu chuyện một cái thùng (1696), Trận chiến những cuốn sách (1697), Gulliver du ký (1726).
STEVENSON ROBERT LOUIS (1850-1894) nhà văn Anh, thường viết về những truyện phiêu lưu lịch sử, quái dị, rất được bạn đọc trẻ trên thế giới mến mộ. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Đảo giấu vàng (1883), một truyện viết theo dạng phiêu lưu mạo hiểm, vừa kỳ dị vừa mơ mộng, chinh phục hàng trăm triệu độc giả trẻ trên khắp thế giới. Ngoài ra Stevenson còn viết những tác phẩm khác như: Một cuộc du lịch trong nội địa (1878), Du hành trên lưng lừa ở núi Cévennes (1879), Trường hợp lạ lùng của bác sĩ Jekyll và ông Hyde (1886).
RACINE JEAN (1639-1699), nhà viết bi kịch cổ điển bậc nhất của Pháp. Động cơ bi kịch của Racine là dục vọng, những giằng xé bi thảm trong con người bất lực trước định mệnh, vì vậy mà tác phẩm của ông thường có kịch tính cao. Tác phẩm chính: Andromaque (1667), Britannicus (1669), Berenice (1670), lphigenie (1674), Phedre (1677), Esther (1689), Athalie (1691).
TAGORE RABINDRANATTH (1861 -1941) nhà thơ Ấn Độ, giải thưởng Nobel văn chương năm 1913, từ bé đã say mê văn hoá cổ, xuất bản tập thơ đầu tay năm 29 tuổi. Ông luôn chú ý đến những vấn đề chính trị xã hội, tham gia hoạt động chống chủ nghĩa thực dân, chủ trương thực hiện tự do cá nhân ngay cả trước khi tự do dân tộc được thực hiện. Tagore là nhà thơ viết bằng tiếng bengali lớn nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong văn học Ấn Độ. Ông để lại 1000 bài thơ, 24 vở kịch, 8 tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn và hàng nghìn bài hát, bài tiểu luận. Thơ Tagore vừa trong sáng vừa huyền hoặc mà tính triết lý vẫn sâu sắc.
Tác phẩm chính: Gora (1910), Hoàng hôn thế kỷ (1899), Khi tinh thần ta được giải phóng (1937), Nàng Bonodini (tiểu thuyết) và các tập thơ: Trăng non, Người làm vườn, Tặng vật tình yêu đặc biệt tập thơ hay nhất của ông do chính ông tự dịch ra tiếng Anh khi đã 54 tuổi là Thơ Dâng (1911).
TÀO TUYẾT CẦN (1716 ?-1763?), nhà văn Trung Quốc, đời Thanh, xuất thân trong một gia đình đại phong kiến quan lại lâu đời giỏi thơ, hay vẽ, thích uống rượu, tính tình phóng khoáng, về sau chết trong cảnh túng quẫn. Sinh thời ông không được người đời biết đến, phải đến khoảng 70 năm sau khi ông chết thì thiên hạ mới chú ý tới bộ tiểu thuyết vĩ đại của ông, đó là Hồng lâu mộng. Tác phẩm bất hủ này có 120 hồi, trong đó Tào Tuyết Cần viết được 80 hồi thì chết, 40 hồi sau do một người bạn là Cao Ngạc viết thêm vào cho nên văn chương không kỳ ảo xuất sắc bằng các hồi trước mặc dù kết cấu và lôgíc thì hoàn toàn hợp lý. Nội dung chính của bộ tiểu thuyết này xoay quanh câu chuyện tình tay ba giữa Giả Bảo Ngọc với Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa để rồi cuối cùng tất cả dẫn tới một kết cục tan nát bi thương. Tuy nhiên cái dư âm còn lại trong câu chuyện chính là vẻ đẹp lạ lùng của tình yêu, của những con người với các tính nết, trạng thái sinh động phong phú, chân thực làm tâm hồn con người ta xao xuyến luyến tiếc như luyến tiếc một giấc mộng lầu hồng. Hồng lâu mộng được coi là cuốn bách khoa thư về xã hội phong kiến Trung Quốc.
THI NẠI AM (1296-1370), nhà văn Trung Quốc cuối đời Nguyên, đầu đời Minh, từng làm quan sau về ở ẩn. Tác phẩm nổi tiếng nhất là Thuỷ hử, kể về một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn ở Trung Quốc vào đời nhà Tống. Tác giả đã dựa vào những câu chuyện truyền miệng trong dân gian, biên soạn, sáng tạo thêm thành bộ tiểu thuyết lớn với 120 chương. Trong tác phẩm này có nhiều những nhân vật sống mãi với thời gian nhờ tài khắc hoạ sinh động tuyệt vời của tác giả như: Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ, Lâm Xung... Đây là bộ tiểu thuyết đầu tiên của Trung Quốc không viết bằng cổ văn mà bằng văn bạch thoại, tức là thể văn gần với tiếng nói thông thường của quần chúng. Thuỷ hử là tác phẩm có sức lôi cuốn lạ kỳ với lớp trẻ.
TOLSTOI ALEXEI NIKOLAIIEVICH (1883-1945), nhà văn Nga, xuất thân từ gia đình quý tộc, mẹ là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Ông viết nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Toàn bộ tác phẩm của ông sau cách mạng tháng Mười thấm nhuần tình yêu đất nước Xô-viết, tư tưởng lạc quan, văn phong cổ điển, được đánh giá là người có công xây dựng loại hình tiểu thuyết sử thi và kịch lịch sử ở Liên Xô. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của Tolstoi có truyện viết cho thiếu nhi: Chiếc chìa khoá vàng hay là Cuộc phiêu lưu của Buratino, một tác phẩm được xếp vào loại kinh điển trong thể loại văn học cho thiếu nhi.
Tác phẩm chính: Hai chị em (1922), Chiếc đèn của kỹ sư Garina (1925). Vàng đen (1931), Con đường đau khổ (1922-1941 ), Piotr đại đế (1929-1945). . .
TOLSTOI LEV NIKOLAIEVICH (1828-1910), nhà văn Nga, một trong những thiên tài khổng lồ của văn học thế giới, xuất thân từ gia đình quý tộc lâu đời, bản thân là bá tước. Viết nhiều tác phẩm văn học đồ sộ, trong đó có những tác phẩm viết về tuổi trẻ và cho tuổi trẻ, ví dụ như: Thời thơ ấu (1851), Thời niên thiếu (1852-1854), Tuổi thanh niên (1855-1857), ba tác phẩm này gộp lại thành bộ tự truyện lớn viết về tuổi trẻ của tác giả.
Tác phẩm chính: Ba cái chết (1857), Chiến tranh và hoà bình (1863-1869), Anna Karenina (1873-1877), Cái chết của Ivan llich (1886), Bản sonat Krezerova (1887), Phục sinh (1889-1899).
TSEKHOV ANTON PAVLOVICH (1860-1904), nhà văn Nga, bậc thầy về thể loại truyện ngắn và kịch, là đại biểu lớn cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga đồng thời là người cách tân sân khấu Nga thế kỷ XIX. Tác phẩm của ông thường ngắn gọn, mạch lạc, đơn giản về kết cấu, nhưng lại trau chuốt về ngôn ngữ và chứa đựng nội dung xã hội sâu sắc.
Tác phẩm chính: Cái chết của một viên chức (1883), Nỗi buồn (1886), Vanka (1886), Đồng cỏ (1888), Phòng số 6 (1892), Phu nhân có con chó nhỏ (1899), Người vợ chưa cưới (1903), Hải âu (1896), Cậu Vania (1897), Ba chị em (1901), Vườn anh đào (1904). . .
TSUKOVSKI KORNEI IVANOVICH (1882-1969), nhà văn Nga Xô-viết, từng nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em và văn học thiếu nhi. Theo gợi ý của Gorki, chuyển sang viết cho thiếu nhi và nổi tiếng ngay lập tức. Tác phẩm của ông mang tính giáo dục về lòng ái quốc và tinh thần yêu lao động, sống nhân đạo, hoà nhã, được thiếu nhi say mê tìm đọc.
Tác phẩm chính: Cá sấu (1916), Moiddyr (1923), Con gián khổng lồ (1923), Đám cưới ruồi (1924), Barmalej (1925), Bác sĩ Ajbolit (1929)...
TWAIN MARK (1835-1910) nhà văn Mỹ, tên thật là Samuel Langhorne Clemen, năm 12 tuổi phải bỏ học vì bố chết, có máu phiêu lưu mạo hiểm, năm 18 tuổi đã bỏ nhà đi lang thang. Về sau làm báo và viết văn lấy bút danh là Mark Twain, bút danh này xuất phát từ một thuật ngữ cổ trong ngành hàng hải chỉ độ dài tương đương bốn mét. Mark Twain được chú ý bắt đầu từ tác phẩm Con ếch trứ danh ở Kelevơrax (1865), sau đó tới hàng loạt tác phẩm khác như: Những người vô tội (1869), Gian khổ (1872)... Từ sau 1893, Mark Twain gặp nhiều tai hoạ trong đời sống, sức khoẻ giảm sút, vợ và một cô con gái chết, cô con gái khác bị điên và tư tưởng bi quan đã xuất hiện trong những tác phẩm cuối đời của ông như: Thảm kịch của Pudd’nhead Wilson (1894), Người khách lạ huyền bí (1916). Văn chương của Mark Twain nhẹ nhàng, linh hoạt mang hơi hướng của sự hài hước nhưng lại ẩn chứa những sự thực trang trọng, ông khắc hoạ nhân vật sinh động, phản ánh được cả một giai đoạn đã trôi qua của nước Mỹ. Đặc biệt với hai tác phẩm viết cho tuổi thơ: Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (1976) và Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (1884). Mark Twain được đánh giá là một trong số những nhà văn lớn nhất nước Mỹ thế kỷ XIX.
VERNE JULES (1828-1905), nhà văn Pháp chuyên viết tiểu thuyết trinh thám và khoa học viễn tưởng, khởi nghiệp văn học bằng kịch nhưng phải đợi khi cuốn tiểu thuyết đầu tiên ra đời thì ông mới được chú ý. Verne sáng tác với mục đích bồi dưỡng kiến thức và giáo dục đạo đức cho thanh thiếu nhi nhưng ảnh hưởng của ông không chỉ dừng lại ở lứa tuổi đó. Verne có tài kể chuyện, tưởng tượng nhưng dựa trên cái có thật, phân tích tâm lý giải, hài hước, tế nhị cho nên tạo ra được những nhân vật rất điển hình. Nhiều khám phá phát minh do ông tưởng tượng về sau đã trở thành hiện thực. Sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Tác phẩm chính: Năm tuần trên khí cầu (1863), Du hành vào lòng trái đất (1864), Hai vạn dặm dưới biển (1870), Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (1873), Từ trái đất lên mặt trăng (1865).
WHITMAN WALT (1819-1892), nhà thơ lớn nhất của văn học Mỹ thế kỷ XIX, nổi tiếng với tác phẩm Lá cỏ. Thoạt đầu tập thơ này khi xuất bản chất có 12 bài thơ sau nhiều lần tái bản, bổ sung thì lên tới 411 bài. Đây là tập thơ gây chấn động nền văn học Mỹ, khi mới ra đời nó bị tẩy chay, lên án kịch liệt càng về sau càng được đón nhận cuồng nhiệt hơn và trở thành một tác phẩm có giá trị trong kho tàng văn học thế giới. Lá cỏ ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên Mỹ, cuộc sống và lao động của người dân bình thường, đứng về phía tinh thần dân chủ, tôn vinh thể xác và tình yêu thể xác. Về nghệ thuật, Lá cỏ đã phá bỏ khuôn sáo thơ cũ và tạo ra thơ không vần mà trong đó chú trọng tới nhịp điệu và ngôn ngữ tươi rói của đời sống. Về khía cạnh nào đó, thơ của Whitman là tiếng nói tràn trề sức sống của tuổi trẻ Mỹ.